Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Tranh chấp quyền sở hữu tài sản nhà đất

Chủ đề   RSS   
  • #265229 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Tranh chấp quyền sở hữu tài sản nhà đất

    Số hiệu

    32/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Tranh chấp quyền sở hữu tài sản nhà đất

    Ngày ban hành

    02/10/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 02 tháng 10 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản nhà đất giữa:

    Nguyên đơn: Ông Châu Văn Thái (tức Hai Lâm) sinh năm 1945; Trú tại số 403 Nguyễn Trung Trực, khu phố 2, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang (tạm trú tại 379 Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).

    Bị đơn: Ông Châu Lâm Vì sinh năm 1950; Trú tại số 403 Nguyễn Trung Trực, khu phố 2, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Quách Thị Thến, sinh năm 1950 (vợ ông Vì); trú cùng địa chỉ với ông Vì.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện và lời trình bày của ông Châu Văn Thái (nguyên đơn) trong quá trình giải quyết vụ án thì:

    Năm 1987, ông Châu Văn Thái và ông Châu Lâm Vì cùng hùn tiền mua căn nhà số 3/2 đường Nguyễn Trung Trực, khóm Vĩnh Phát, khu phố 1, phường An Lạc, thị xã Rạch Giá (nay số mới là 403 Nguyễn Trung Trực, khu phố II, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang của vợ chồng ông Lê Văn Mai và bà Trần Thị Liễu với giá 3 lượng 4 chỉ vàng 24k, mỗi bên hùn 1/2 = 1 lượng 7 chỉ vàng 24k. Do chỗ bạn bè thân thiết nên hai bên thỏa thuận để ông Vì đứng tên trong giấy tờ. Sau khi mua nhà, ông Thái và ông Vì cùng đăng ký hộ khẩu thường trú và mở cơ sở sản xuất gia công gạch bông tại đây. Trong thời gian làm ăn chung có lời nên năm 1992 hai ông mua thêm nhà, đất tại số 19 (nay là số 14) đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá) giá 10 lượng vàng 24k (nhà này do ông Thái đứng tên trên các giấy tờ). Ngày 11-02-1993, ông Thái chuyển hộ khẩu thường trú về nhà 14 Nguyễn Đình Chiểu nhưng vẫn ở tại nhà 403 Nguyễn Trung Trực cho đến khi xảy ra tranh chấp.

    Tháng 9-2002, do làm ăn không có lời, ông Thái và ông Vì định cho thuê nhà xưởng tại số 403 nhưng ông Vì xin thuê lại giá 24.000.000 đồng/năm, ông Vì đưa trả ông Thái 12.000.000đ tiền thuê nhà. Sau khi mua nhà, ông Thái đến ở trong căn nhà này cho đến khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, ông Thái khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận cả hai căn nhà trên là tài sản chung của ông Thái, ông Vì và đề nghị được chia tài sản chung đối với phần tài sản nêu trên.

    Bị đơn Châu Lâm Vì trình bày: Năm 1987, ông Vì có mua căn nhà số 3/2 đường Nguyễn Trung Trực, khóm Vĩnh Phát, khu phố 1, phường An Lạc, thị xã Rạch Giá (nay là số 403, đường Nguyễn Trung Trực, khu phố II, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang của ông Lê Văn Mai với giá 3 lượng 2 chỉ vàng 24k. Căn nhà này ông Vì đứng tên trong giấy tờ mua bán. Còn việc ông Thái đưa cho ông Vì 1 lượng 7 chỉ vàng là để hùn vốn mở xưởng làm gạch bông. Năm 1992 ông Thái rút vốn (17 chỉ vàng) cùng lãi (53 chỉ vàng) và ông Vì mượn giúp 30 chỉ vàng để mua căn nhà số 19 (nay là số 14) Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân giá 10 lượng vàng 24k. Ông Thái đứng tên trên giấy tờ căn nhà này.

    Tháng 9-2002, ông Vì có đưa ông Thái 12.000.000 đồng. Số tiền này ông Vì cho ông Thái vì ông Thái có công giữ gìn nhà cửa chứ không phải là trả tiền thuê nhà như lời khai của ông Thái. Ông Vì không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của ông Thái vì: căn nhà số 403 Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Lạc là của riêng ông Vì, ông Thái không có hùn tiền mua; còn căn nhà số 14 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân mua bằng tiền lời làm ăn chung đã cho ông Thái nên ông Thái được quyền sử dụng, ông Vì không yêu cầu chia.

     Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà Quách Thị Thến là vợ ông Vì) trình bày:

    Căn nhà số 403 Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Lạc là của ông Vì mua nên bà Thến không đồng ý với yêu cầu chia tài sản chung của ông Thái, còn căn nhà số 14 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân ông Vì đã mua cho ông Thái thì bà đồng ý giao cho ông Thái sở hữu.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 22/DSST ngày 05-4-2005, Tòa án nhân dân thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

    “Công nhận hai căn nhà và đất tại số 403 đường Nguyễn Trung Trực - KP4 - phường Vĩnh Lạc - Rạch Giá và căn nhà số 14 đường Nguyễn Đình Chiểu - phường Vĩnh Thanh Vân - Rạch Giá thuộc quyền sở hữu chung của ông Châu Văn Thái và ông Châu Lâm Vì.

    Chấp nhận đơn yêu cầu chia tài sản chung của ông Thái đối với ông Vì.

    Chia tài sản thuộc sở hữu chung của ông Thái và ông Vì gồm giá trị nhà, đất số 403 Nguyễn Trung Trực - phường Vĩnh Lạc là 2.395.613.000 đồng và giá trị căn nhà số 14 Nguyễn Đình Chiểu - phường Vĩnh Thanh Vân là 267.982.000 đồng. Tổng cộng 2.663.595.000 đồng (Hai tỷ sáu trăm sáu mươi ba triệu năm trăm chín mươi lăm ngàn đồng).

    Ông Thái và ông Vì mỗi người được chia 1/2 = 1.331.797.500 đồng (Một tỷ ba trăm ba mươi mốt triệu bảy trăm chín mươi bảy ngàn năm trăm đồng).

    Giao căn nhà và đất số 403 Nguyễn Trung Trực - phường Vĩnh Lạc - Rạch Giá cho ông Châu Lâm Vì được quyền sở hữu.

    Giao căn nhà và đất số 14 Nguyễn Đình Chiểu - phường Vĩnh Thanh Vân - Rạch Giá cho ông Châu Văn Thái được quyền sở hữu.

    Buộc ông Vì hoàn lại cho ông Thái 1.063.815.500 đồng (Một tỷ không trăm sáu mươi ba triệu tám trăm mười lăm ngàn năm trăm đồng) sau khi án có hiệu lực pháp luật.

    Bác yêu cầu của ông Vì”.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12-4-2005, ông Châu Lâm Vì kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 225/2005/DSPT ngày 11-10-2005 Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

    “Bác nội dung kháng cáo của bị đơn Châu Lâm Vì. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 22/DSST ngày 05-4-2005 của Tòa án nhân dân thị xã Rạch Giá.

    Công nhận hai căn nhà và đất gồm căn nhà tại số 403 đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 2, phường Vĩnh Lạc, Rạch Giá và căn nhà số 14 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá thuộc quyền sở hữu chung của ông Châu Văn Thái và ông Châu Lâm Vì.

    Chia tài sản thuộc sở hữu chung của ông Thái và ông Vì gồm giá trị nhà, đất số 403 Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Lạc là 2.395.613.000 đồng và giá trị căn nhà số 14 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân là 267.980.000 đồng. Tổng cộng 2.663.595.000 đồng (Hai tỷ sáu trăm sáu mươi ba triệu năm trăm chín mươi lăm ngàn đồng).

    Ông Thái và ông Vì mỗi người được chia 1/2 = 1.331.797.500 đồng (Một tỷ ba trăm ba mươi mốt triệu bảy trăm chín mươi bảy ngàn năm trăm đồng).

    Giao căn nhà và đất số 403 Nguyễn Trung Trực, khu phố 2, phường Vĩnh Lạc, Rạch Giá cho ông Châu Lâm Vì được quyền sở hữu.

    Giao căn nhà và đất số 14 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá cho ông Châu Văn Thái được quyền sở hữu.

    Buộc ông Châu Lâm Vì hoàn trả lại cho ông Thái giá trị chênh lệch là 1.063.815.500 đồng (Một tỷ không trăm sáu mươi ba triệu tám trăm mười lăm ngàn năm trăm đồng).

    Bác yêu cầu của ông Châu Lâm Vì”.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí, chi phí định giá và điều kiện thi hành án.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Châu Lâm Vì có đơn khiếu nại cho rằng kết luận của cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án nên đề nghị kháng nghị hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.

    Tại công văn số 2517/DS ngày 11-10-2006, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao trả lời ông Vì với nội dung Tòa án cấp phúc thẩm xác định căn nhà và đất tại số 403 đường Nguyễn Trung Trực và căn nhà số 14 đường Nguyễn Đình Chiểu là tài sản chung của ông Thái và ông Vì là có cơ sở.

    Tại Quyết định số127/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 20-10-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm số 225/2005/DSPT ngày 11-10-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang và đề nghị Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 22/DSST ngày 05-4-2005 của Tòa án nhân dân thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá); giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số37/2007/DS-GĐT ngày 31-01-2007, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định:

    “Không chấp nhận kháng nghị số127/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 20-10-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 225/2005/DSPT ngày 11-10-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang”.

    Ngày 28-02-2007, ông Châu Lâm Vì có đơn khiếu nại Quyết định giám đốc thẩm nêu trên với nội dung đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử lại vụ án vì Quyết định giám đốc thẩm có những nhận định không khách quan nên bác kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân là sai, gây oan ức, thiệt hại cho gia đình ông Vì.

    Tại Quyết định số65/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 21-6-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm số37/2007/DS-GĐT ngày 31-01-2007 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, bản án phúc thẩm số 225/2005/DSPT ngày 11-10-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang và bản án sơ thẩm số 22/DSST ngày 05-4-2005 của Tòa án nhân dân thị xã Rạch Giá (nay là Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá); giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung với lý do:

    “Ngày 20-3-2003 ông Thái làm đơn khởi kiện ông Vì ra Tòa án yêu cầu chia tài sản chung. Quá trình giải quyết tranh chấp, ông Vì đã xuất trình: Hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Lê Văn Mai (bên bán) với ông Châu Lâm Vì (bên mua) đề ngày 02-6-1987 có nội dung ông Mai nhượng nhà và hoa màu tại số 3/2 Nguyễn Trung Trực nay là số 403 Nguyễn Trung Trực, khu phố 2, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho ông Châu Lâm Vì có chứng thực của chính quyền địa phương (BL 64, 65); ông Mai cùng các con đã ký vào tờ nhượng nhà và hai tờ biên nhận ngày 02-6-1987 và ngày 29-6-1987 với nội dung đã nhận đủ của ông Vì 3,2 lượng Vàng (BL 62, 63) cùng với các tài liệu pháp lý khác có trong hồ sơ như đơn xin mua nhà (BL 70), giấy phép cho bán nhà (BL 69), giấy sang tên nhà (BL 67), giấy xác nhận chủ quyền căn nhà (BL 61)... đều mang tên ông Vì.

    Về lời khai của ông Dương Bá Thảo (người môi giới việc mua nhà) đã khai việc mua bán chung hay không ông không biết, ông chỉ biết có sự xuất hiện của cả hai ông Thái và ông Vì khi đi xem nhà. Trả tiền làm hai lần giấy biên nhận là do ông viết, giá mua bán là 3,2 lượng vàng lời khai này phù hợp với giấy biên nhận, nhận 3,2 lượng vàng do ông Vì xuất trình. Đây là chứng cứ vật chất, trực tiếp khách quan phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ; chứ không phải 3,4 lượng vàng như ông Thái cùng vợ con ông Mai khai. Nhưng Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao nhận định: giấy biên nhận, nhận hai lượng vàng của ông Mai ngày 02-6-1987 là giả tạo để che giấu hợp đồng mua bán nhà đất chung của vợ chồng ông Mai; hai là giấy biên nhận có nét chữ khác nhau, lời khai của ông Thảo mâu thuẫn, nên giấy biên nhận do ông Thảo viết ngày 02-6-1987 cũng chưa đủ cơ sở để xác định là thể hiện đúng ý chí của ông Mai là không xuất phát từ chứng cứ vật chất, trực tiếp khách quan; chứng cứ này đã được giám định tới 03 lần với các giám định viên khác nhau ở các thời điểm và các cấp giám định khác nhau (Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Kiên Giang và Viện khoa học hình sự Bộ Công an) đều khẳng định chữ ký trong giấy biên nhận ngày 02-6-1987 là của ông Mai (BL 173, 195, 325).

    Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp ông Thái khai đưa cho ông Vì 1,7 lượng vàng để mua chung căn nhà 403 Nguyễn Trung Trực; nhưng ông Vì chỉ thừa nhận, nhận của ông Thái 1,7 lượng vàng để sử dụng vào việc kinh doanh chung. Việc nhận vàng vào thời điểm nào? Sử dụng số vàng này vào việc gì? Việc kinh doanh chung mỗi bên đóng góp bao nhiểu? có tài liệu ghi chép lỗ lãi, chia lợi nhuận không cũng chưa được xác minh làm rõ?...

    Lẽ ra, quyết định giám đốc thẩm phải hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để giao hồ sơ về cho Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để xác minh củng cố thêm và xét xử lại mới chính xác.

    Mặt khác, việc ông Vì thừa nhận căn nhà số 14 Nguyễn Đình Chiểu phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá là của ông Thái, không có yêu cầu chia là mâu thuẫn; nhưng Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao giữ nguyên quyết định của án phúc thẩm và sơ thẩm xác định là tài sản chung của hai ông để chia là chưa đủ cơ sở vững chắc”.

    Ngày 09-8-2007 Hội đồng Thẩm phán họp để xét xử vụ án và nhất trí hoãn phiên tòa theo đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện kiểm sát nhân dân tối cao thu thập thêm một số chứng cứ.

    Ngày 24-9-2007, Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ sung một số chứng cứ sau:

    - Tài liệu liên quan đến việc nhập, tách hộ khẩu của ông Thái gồm: Đơn xin chuyển hộ khẩu ngày 20-01-1988, bản khai nhân khẩu ngày 20-01-1988, đơn xin tách hộ khẩu ngày 02-02-1993, bản khai nhân khẩu ngày 10-02-1993, giấy báo thay đổi nơi thường trú ngày 09-02-1993, phiếu báo thay đổi nhân khẩu ngày 11-02-1993, giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú ngày 11-02-1993, chủ hộ là ông Châu Văn Thái.

    - Tài liệu liên quan đến việc nhập hộ khẩu của ông Vì gồm: Đơn xin tách hộ khẩu ngày 12-7-1987, bản khai nhân khẩu ngày 14-7-1987, giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú ngày 30-11-1987, chủ hộ là Châu Lâm Vì.

    - Đơn xin phép hành nghề sản xuất gia công gạch bông ngày 11-8-1988 do ông Châu Lâm Vì đứng tên.

    - Giấy sang tên nhà ngày 12-9-1992 (giấy phép công nhận ông Thái là chủ sở hữu căn nhà 19 Nguyễn Đình Chiểu).

    - Biên bản làm việc ngày 22-8-2007 và ngày 24-8-2007 (biên bản lấy lời khai của ông Vì tại trụ sở tiếp dân Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm đã được nêu trong kháng nghị.

    XÉT THẤY:

    Căn cứ các giấy tờ liên quan đến việc mua bán nhà, đất và “Giấy sang tên nhà” ngày 10-7-1987 của Sở Nhà đất tỉnh Kiên Giang do ông Vì xuất trình, “Giấy sang tên nhà” ngày 12-9-1992 của Sở Xây dựng và công trình đô thị tỉnh Kiên Giang do ông Thái xuất trình và lời khai thống nhất của các bên đương sự thì có cơ sở xác định ông Châu Lâm Vì đứng tên trên các giấy tờ liên quan đến nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, ông Châu Văn Thái đứng tên trên các giấy tờ liên quan đến nhà số 14 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    Ông Thái (nguyên đơn) cho rằng nhà, đất nêu trên là tài sản chung của ông Thái và ông Vì với lý do ông Thái cùng ông Vì hùn vốn mua nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực vào năm 1987, năm 1992 hai ông mua thêm nhà số 14 đường Nguyễn Đình Chiểu và đề nghị chia các tài sản này. Ông Vì không thừa nhận việc hùn vốn mua chung nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực nên không chấp nhận yêu cầu của ông Thái, còn nhà số 14 đường Nguyễn Đình Chiểu ông Thái đứng tên mua nên ông Vì không yêu cầu chia. Như vậy, vấn đề cơ bản là cần làm rõ có việc ông Thái, ông Vì góp vốn mua chung căn nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực nêu trên hay không.

    Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các tài liệu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới thu thập bổ sung thì thấy:

    - Theo nội dung giấy “Biên nhận nhận tiền sang nhà và hoa màu” đề ngày 02-6-1987 có chữ ký của ông Lê Văn Mai và chữ ký của ông Dương Bá Thảo (người môi giới mua nhà đất) thì ông Mai sang nhượng đất cho ông Vì với giá 3,2 lượng vàng, ông Mai nhận 2 lượng vàng, còn 1,2 lượng vàng sau khi giấy tờ xong ông Vì trả đủ. Quá trình giải quyết vụ án, ông Thảo thừa nhận chữ viết trong giấy biên nhận là của mình, còn ông Mai đã chết, các con ông Mai có người thừa nhận chữ ký, chữ viết của ông Mai trong tờ biên nhận nêu trên (cơ quan giám định đã kết luận chữ ký, chữ viết trong giấy biên nhận trên là của ông Mai, nhưng Tòa án các cấp không chấp nhận giấy biên nhận này). Tuy nhiên, nội dung trong tài liệu này chỉ thể hiện về giá cả, phương thức thanh toán và những nội dung này đã được thể hiện lại đầy đủ tại giấy “Biên nhận nhận vàng và sang nhà đất” đề ngày 29-6-1987. Mặt khác, tại “Tờ nhượng nhà và hoa màu” đề ngày 02-6-1987 (có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường An Lạc) thể hiện giá nhà và hoa màu mà hai bên thỏa thuận là 200.000 đồng. Vì vậy, “Biên nhận nhận tiền sang nhà và hoa màu” đề ngày 02-6-1987 nêu trên không thể là căn cứ chính để xem xét có hay không có việc ông Thái hùn tiền mua chung nhà với ông Vì.

    Ông Thái khai cùng hùn tiền với ông Vì mua nhà, đất của ông Lê Văn Mai với giá 3,4 lượng vàng 24k (mỗi người góp 1/2 = 1 lượng 7 chỉ vàng 24k). Bà Liễu và các con của ông Mai, bà Liễu (bên bán nhà) đều khẳng định có việc ông Thái, ông Vì cùng mua chung nhà, họ là những người chứng kiến việc thỏa thuận cũng như việc thanh toán tiền mua bán nhà. Ông Dương Bá Thảo (người môi giới mua bán nhà) cũng có lời khai là không biết việc ông Thái, ông Vì hùn tiền mua nhà hay không, nhưng ông thừa nhận ông Thái, ông Vì có gặp ông Mai thỏa thuận việc mua nhà và chứng kiến việc hai ông trả tiền. Tuy lời khai của ông Thái và các nhân chứng là vợ con ông Mai về giá mua bán, việc giao nhận vàng còn có sự khác nhau, nhưng đều thống nhất khẳng định là ông Thái, ông Vì mua chung nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực.

    Ông Vì cho rằng không có việc hùn vốn mua chung nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực, nhưng thừa nhận có nhận của ông Thái 1,7 lượng vàng; số vàng này ông Thái đưa cho ông Vì vào thời điểm sau khi mua nhà (năm 1988) và được dùng vào việc mua máy ép gạch và thiết bị phục vụ việc kinh doanh chung. Ông Thái khai trước khi mua nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực hai ông đã mua 2 máy ép gạch bông, nhưng là máy cũ (giá khoảng 1 đến 2 chỉ vàng); khi làm ăn chung hai bên không phải hùn vốn. Ông Vì không thừa nhận lời khai này của ông Thái và cho rằng hai máy này là của ông Vì có trước khi mua nhà, nhưng lời khai của ông Vì về việc sử dụng 1,7 lượng vàng đã nhận của ông Thái là không thống nhất (cụ thể là: khi thì khai dùng số tiền trên để mua hai máy ép gạch bông, khi thì khai mua 3 máy ép gạch bông vào năm 1988, có lời khai thể hiện nội dung ông Vì góp vốn bằng 2 máy ép gạch bông có sẵn trước khi mua nhà và ông Thái đưa 1,7 lượng vàng tính vào giá trị 2 máy và mua thêm khuôn ép gạch, có lời khai lại thể hiện là khi chuẩn bị mở cơ sở sản xuất gạch bông, ông Thái là người đi thành phố mua máy và trang thiết bị sản xuất). Lời khai của nhân chứng Lê Văn Thà (thợ làm gạch cho ông Vì trước và sau khi mua nhà số 403 Nguyễn Trung Trực) cũng thể hiện trước khi mua nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực ông Vì đã có máy ép gạch bông, sau khi mua nhà thì mua thêm một máy mới nhưng không biết ai bỏ tiên ra. Như vậy, lời khai của ông Vì về việc sử dụng 1,7 lượng vàng đã nhận của ông Thái dùng để mua máy ép gạch bông và thiết bị phục vụ việc kinh doanh chung là không thống nhất, thiếu tinh thuyết phục. Hơn nữa, 1,7 lượng vàng vào những năm 1987-1988 là số tiền tương đối lớn, trong khi đó ông Vì lại không chứng minh được giá trị mua sắm máy móc để sản xuất gạch bông là bao nhiêu.

    Trên thực tế, sau khi mua nhà cả ông Vì, ông Thái đều chuyển hộ khẩu về căn nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực và ông Thái ở tại nhà này cho đến nay và hai người cùng mở xưởng làm ăn chung tại đây; quá trình làm ăn chung hai ông đã mua thêm nhà số 14 đường Nguyễn Đình Chiểu; tháng 9-2002 ông Vì và ông Thái có ý định cho thuê nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực. Sau đó, ông Vì sử dụng nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực làm cơ sở sản xuất cửa sắt và có đưa cho ông Thái 12.000.000 đồng (ông Thái khai giá thuê nhà là 24.000.000 đồng/năm) tương đương với 1/2 tiền thuê nhà. Ngoài ra, các nhân chứng là bạn bè thân thiết với ông Thái và ông Vì, người hàng xóm, thợ làm gạch đều khẳng định có nghe ông Thái, ông Vì nói là hai người cùng góp vốn mua chung căn nhà số 403 đường Nguyễn Trung Trực.

    Như vậy, lời khai của ông Thái và việc ông Thái góp 1,7 lượng vàng cùng ông Vì để mua chung căn nhà số 403 Nguyễn Trung Trực là có căn cứ; trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án các cấp đã lấy lời khai của các đương sự về thời điểm ông Thái giao 1,7 lượng vàng cho ông Vì, về việc sử dụng số vàng này cũng như việc góp vốn làm ăn chung; việc quyết toán lãi, lỗ và chia lợi nhuận hàng năm thì các bên cũng đã có lời khai thống nhất là trong quá trình làm ăn chung hàng năm không hạch toán lỗ lãi, không có quyết toán, nhưng cơ bản là kinh doanh có lãi; nên kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu về việc cần xác minh các vấn đề nêu trên là không cần thiết.

    - Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định căn nhà số 14 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá là tài sản chung của các đương sự là có cơ sở; vì căn nhà này được mua bằng tiền có được trong quá trình làm ăn chung. Khi giải quyết vụ án ông Vì không yêu cầu chia căn nhà này, nhưng nguyên đơn  là ông Thái có yêu cầu chia. Vì vậy, Tòa án các cấp xác định căn nhà này là tài sản chung và chia cho ông Thái và ông Vì là đúng.

    Trên cơ sở đánh giá tổng hợp các tài liệu, chứng cứ nêu trên cho thấy Tòa án các cấp chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thái, xác định căn nhà và đất tại số 403 đường Nguyễn Trung Trực và căn nhà số 14 Nguyễn Đình Chiểu là tài sản chung của ông Thái và ông Vì và chia tài sản chung cho các đương sự là có căn cứ; Quyết định giám đốc thẩm số37/2007/DS-GĐT ngày 31-01-2007 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 225/2005/DSPT ngày 11-10-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang là đúng pháp luật.

    Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 291, Điều 296, khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    Không chấp nhận kháng nghị số65/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 21-6-2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữ nguyên Quyết định giám đốc thẩm số37/2007/DS-GĐT ngày 31-01-2007 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao.

    Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chia tài sản chung giữa nguyên đơn và bị đơn là có căn cứ.

     
    3035 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận