Số hiệu
|
10/2007/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản
|
Ngày ban hành
|
05/04/2007
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
……..
Ngày 05 tháng 4 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (đòi nhà bị chiếm dụng) giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội; trụ sở tại 233B, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Hằng Nga và bà Đặng Thị Minh đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Bị đơn:
1. Bà Tạ Thị Đặng, sinh năm 1943
2. Chị Trần Thị Ngọc Anh, sinh năm 1971
Đều trú tại 316 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
NHẬN THẤY:
Theo đơn khởi kiện ngày 27-02-2001 và trình bày của nguyên đơn thì:
Nhà máy xà phòng Hà Nội (sau đây gọi tắt là Nhà máy) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1957. Sau khi thành lập, Nhà máy đã được giao quản lý diện tích 5174 m2 đất tại xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Thửa đất này có một phía giáp đường Nguyễn Trãi, một phía giáp đường Vũ Trọng Phụng và Nhà máy sử dụng thửa đất này vào mục đích công cộng như làm nhà ở cho công nhân, bếp ăn tập thể...
Ngày 11-6-1984, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Công văn số 2347/CV/UB do Phó chủ tịch Trương Tùng ký với nội dung:
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý để nhà máy được tiếp tục sử dụng diện tích đất trên để tổ chức cải tạo thành nhà ở và khu dịch vụ công cộng.
- Diện tích: 4.000 m2.
- Điều kiện: Nhà xây cao 5 tầng, nhà mặt đường 6, cần dành tầng 1 làm khu dịch vụ công cộng.
- Công văn này thay thế cho giấy sử dụng đất.
Trên cơ sở Công văn số 2347 nêu trên, ngày 06-7-1984 Công ty Khảo sát Đo đạc thành phố Hà nội đã tiến hành đo đạc cắm mốc giới diện tích đất cho Nhà máy. Trong 4.000 m2 đất Nhà máy được giao sử dụng có 05 hộ dân đang ở trên đó, gồm các hộ: Ông Đỗ Chí Tuệ, ông Tạ Đình Phê, ông Nguyễn Minh Tiến, bà Tạ Thị Hiền và ông Trần Viết Nguyên (vợ là bà Tạ Thị Đặng). Khi giải phóng mặt bằng, Nhà máy đã phải đền bù giá trị tài sản trên đất và hỗ trợ di chuyển cho các hộ như sau:
- Hộ ông Đỗ Chí Tuệ là: 20.000 đồng;
- Hộ ông Nguyễn Minh Tiến là: 30.000 đồng;
- Hộ ông Tạ Đình Phê là: 10.000 đồng;
- Hộ ông Trần Viết Nguyên và bà Tạ Thị Đặng là: 16.000 đồng;
- Hộ bà Tạ Thị Hiền là: 18.182 đồng.
Do hộ gia đình ông Tuệ, ông Tiến, ông Phê và ông Nguyên là người đang công tác tại Nhà máy nên ngoài việc được đền bù hỗ trợ di chuyển bằng tiền, Nhà máy còn bố trí, sắp xếp nhà ở cho 04 hộ gia đình trên tại khu tập thể của Nhà máy. Riêng hộ gia đình bà Hiền không có ai công tác tại Nhà máy nên không được Nhà máy bố trí nhà ở.
Trong 04 hộ được Nhà máy bố trí nhà ở thì hộ ông Phê và ông Nguyên (vợ là bà Đặng) được bố trí mỗi hộ ở một gian nhà tại khu C tập thể Nhà máy (nay thuộc tổ 9, phường Thanh Xuân Trung), còn hộ ông Tuệ và ông Tiến được bố trí mỗi hộ ở một gian tại khu A tập thể Nhà máy (nay thuộc phường Thượng Đình). Gian nhà gia đình ông Nguyên, bà Đặng ở tại khu C tập thể Nhà máy nay là 316 Nguyễn Trãi. Đến năm 1986, ông Nguyên chuyển công tác vào Miền Nam. Năm 1987, bà Đặng chuyển công tác vào Nam theo chồng và đến năm 1988 thì cả gia đình chuyển hết vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.
Năm 1993, Nhà máy Xà phòng đổi tên thành Công ty Xà phòng Hà Nội (từ đây gọi tắt là Công ty). Từ năm 1988, khi cả gia đình ông Nguyên, bà Đặng chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống thì gian nhà diện tích 20 m2 tại khu C tập thể Xà Phòng Hà Nội (nay là 316 Nguyễn Trãi) mà gia đình bà Đặng ở trước đây bỏ không. Cuối năm 1988, do các gian nhà cấp 4 khu C trong đó có cả nhà 316 Nguyễn Trãi bị xuống cấp, dột nát nên cần phải cải tạo sửa chữa lại và do nhu cầu sản xuất kinh doanh, Công ty cần có địa điểm để giới thiệu sản phẩm nên Công ty đã chuyển toàn bộ các hộ đang ở tại khu C đến các căn hộ khác thuộc khu tập thể của Công ty để cải tạo, sửa chữa lại nhà. Đến năm 1990 thì các gian nhà trên đã được xây dựng lại thành 02 gian nhà giới thiệu sản phẩm của Công ty mà nay là hai nhà số 316 và 318 đường Nguyễn Trãi.
Ngày 02-3-2000, bà Tạ Thị Đặng có đơn gửi Công ty Xà phòng Hà Nội để xin lại gian nhà 316 Nguyễn Trãi. Trong khi Công ty chưa xem xét giải quyết thì ngày 21-3-2000, lợi dụng việc Công ty cho một công nhân mượn gian nhà 316 Nguyễn Trãi để tổ chức đám cưới, bà Đặng cùng con gái là chị Trần Thị Ngọc Anh đã dọn đồ đạc vào ở tại gian nhà đó. Công ty yêu cầu bà Đặng, chị Ngọc Anh phải trả lại cho Công ty gian nhà 316 Nguyễn Trãi. Công ty đồng ý bố trí cho gia đình bà Đặng đến ở tại căn hộ số 501 thuộc khu C tập thể của Công ty Xà phòng Hà Nội có tổng diện tích là 44.5 m2.
Bị đơn - Bà Tạ Thị Đặng trình bày: Khoảng năm 1976, gia đình bà có mua của ông Thước một gian nhà tranh nằm trong khu đất mà sau này Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp cho Nhà máy Xà phòng Hà Nội để xây dựng nhà cao tầng cho cán bộ. Năm 1984, khi giải phóng mặt bằng gia đình bà được Nhà máy thanh toán 16.000 đồng là tiền đền bù hoa màu và hỗ trợ di chuyển. Ngoài ra, Nhà máy còn chuyển đổi cho gia đình một diện tích nhà khoảng hơn 70 m2 giáp quốc lộ 6 tại khu C tập thể của Nhà máy (nay là số nhà 316 đường Nguyễn Trãi). Nay bà Đặng xác định nhà 316 đường Nguyễn Trãi là tài sản của gia đình nên bà không đồng ý với yêu cầu đòi nhà của Công ty Xà phòng Hà Nội.
Bị đơn Trần Thị Ngọc Anh có lời khai và yêu cầu như bà Đặng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/DSST ngày 09-10-2001, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội quyết định:
- Chấp nhận yêu cầu của Công ty Xà phòng Hà Nội.
- Buộc gia đình ông Trần Viết Nguyên và bà Tạ Thị Đặng mà đại diện là bà Tạ Thị Đặng và chị Trần Thị Ngọc Anh phải trả lại nhà số 316 Nguyễn Trãi có tổng diện tích 86,43 m2 cho Công ty.
- Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty bố trí cho bà Tạ Thị Đặng và gia đình đến ở tại phòng 501 khu C tập thể Xà phòng Hà Nội với thời gian từ 03 đến 06 tháng.
- Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Công ty và gia đình bà Tạ Thị Đặng có trách nhiệm đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà. Nếu bà Đặng không chịu ký hợp đồng thuê nhà bà vẫn phải trả nhà cho Công ty.
- Công ty có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quy định chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai khi có quy hoạch tại diện tích trên.
- Bác các yêu cầu khác của các bên đương sự.
Ngày 15-10-2001, Công ty Xà phòng Hà Nội có đơn kháng cáo với nội dung: Chỉ tự nguyện bố trí chỗ ở tạm cho gia đình bà Đặng với điều kiện gia đình bà Đặng tự nguyện trả lại nhà cho Công ty trong quá trình hòa giải không phải đưa ra xét xử.
Ngày 15-10-2001, bà Đặng có đơn kháng cáo đề nghị xác định nhà 316 Nguyễn Trãi của gia đình bà vì đã được Công ty Xà phòng Hà Nội chuyển đổi từ năm 1984.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 210/DSPT ngày 28-12-2001 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sửa bản án sơ thẩm, quyết định:
- Chấp nhận yêu cầu đòi nhà của Công ty Xà phòng Hà Nội.
- Buộc gia đình ông Trần Viết Nguyên và bà Tạ Thị Đặng phải trả lại nhà 316 Nguyễn Trãi có tổng diện tích 86,43 m2 cho Công ty Xà phòng Hà Nội.
- Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Xà phòng Hà Nội bố trí cho gia đình ông Trần Viết Nguyên và bà Tạ Thị Đặng đến ở phòng 510 khu C thuộc nhà tập thể của Công ty Xà phòng Hà Nội có tổng diện tích 44,5 m2 tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Ông Nguyên, bà Đặng phải chấp hành mọi quy định của Công ty về chế độ nhà cửa như các cán bộ nhân viên khác của Công ty.
- Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Xà phòng thanh toán cho ông Nguyên, bà Đặng số tiền 880.251 đồng sửa chữa nhà 316 Nguyễn Trãi.
Tòa án cấp phúc thẩm còn có quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, vợ chồng ông Nguyên, bà Đặng có đơn khiếu nại.
Tại quyết định số 18/KN ngày 14-3-2003 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 210/DSPT ngày 28-12-2001 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số112/GĐT-DS ngày 19-6-2003 Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định:
- Hủy bản án sơ thẩm số 09/DSST ngày 09-10-2001 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân và bản án phúc thẩm số 210/DSPT ngày 28-12-2001 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
- Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội điều tra xét xử theo thủ tục sơ thẩm.
Từ ngày 31-01-2005, Công ty Xà phòng Hà Nội chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 28/2005/DSST ngày 18-5-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng các Điều 208, 209, 604, 605 Bộ luật dân sự, quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu đòi nhà số 316 Nguyễn Trãi của Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội đối với gia đình bà Tạ Thị Đặng và chị Trần Thị Ngọc Anh.
- Buộc gia đình bà Tạ Thị Đặng và chị Trần Thị Ngọc Anh phải trả lại toàn bộ nhà 316 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội có tổng diện tích 86,43 m2 cho Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội.
2. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội bố trí cho gia đình bà Tạ Thị Đặng và chị Trần Thị Ngọc Anh đến ở phòng 501 khu C thuộc nhà tập thể của Công ty có tổng diện tích 44,5 m2 tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Bà Đặng và chị Ngọc Anh phải chấp hành mọi quy định của Công ty về chế độ nhà cửa như các cán bộ nhân viên khác của Công ty.
- Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty thanh toán cho bà Đặng, chị Ngọc Anh số tiền 880.251 đồng sửa chữa nhà 316 Nguyễn Trãi.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 26-5-2005, bà Tạ Thị Đặng và chị Trần Thị Ngọc Anh kháng cáo.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 240/2005/DSPT ngày 17-11-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, quyết định:
Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 28/2005/DSST ngày 18-5-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc đòi nhà bị chiếm dụng giữa Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội với bà Tạ Thị Đặng, chị Trần Thị Ngọc Anh.
Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử lại sơ thẩm theo thủ tục chung.
Tại Công văn số61/CV-DS ngày 18-01-2006 TAND thành phố Hà Nội để nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm trên.
Tại Quyết định số08/2007/DS-KN ngày 23-01-2007 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm số 240/2005/DSPT ngày 17-11-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:
Trong quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm, Công ty Xà phòng Hà Nội được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội. Như vậy, căn nhà này đang có tranh chấp, Tòa án đang xem xét để quyết định căn nhà đó là của ai, do đó Công ty Xà phòng Hà Nội chưa thể đưa căn nhà này vào danh mục tài sản của Công ty. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội cho rằng Công ty Xà phòng Hà Nội, khi xác định tài sản của doanh nghiệp để cổ phần hóa, đã không đưa căn nhà số 316 Nguyễn Trãi vào danh mục bảng kê, đánh giá lại nhà cửa, vật kiến trúc để cổ phần hóa và không có văn bản nào bàn giao căn nhà này cho Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, nên căn nhà đang tranh chấp không phải tài sản của Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội và Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội không có quyền kế thừa quyền, nghĩa vụ để tham gia vụ án với tư cách nguyên đơn là không đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự phúc thẩm số 240/2005/DSPT ngày 17-11-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại theo hướng nhận định trong kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định187/2004/NĐ-CP ngày 16-11-2004 của Chính phủ về việc chuyển đổi Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần quy định “Công ty cổ phần kế thừa mọi quyền lợi, trách nhiệm của Công ty Nhà nước trước khi cổ phần hóa và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”; Tại điểm c khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng”. Như vậy, năm 2001 Công ty Xà phòng Hà Nội khởi kiện đòi gia đình ông Nguyên, bà Đặng trả lại căn nhà 316 đường Nguyễn Trãi, Tòa án đang xem xét giải quyết yêu cầu của Công ty Xà phòng Hà Nội với tư cách là nguyên đơn của vụ án. Năm 2005, Công ty Xà phòng Hà Nội chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội, thì đương nhiên Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội có quyền kế thừa tư cách nguyên đơn của Công ty Xà phòng Hà Nội.
Thực tế, căn nhà có tranh chấp (316 đường Nguyễn Trãi) vẫn nằm trong danh mục bàn giao cho Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, thể hiện trong bảng kê “Chi tiết tài sản cố định đang dùng tại thời điểm 01-02-2005” trong “Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán chi phí cổ phần hóa Công ty Xà phòng Hà Nội tại thời điểm chuyển sang Công ty cổ phần”. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm số 28/2005/DSST ngày 18-5-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với lý do căn nhà chưa được bàn giao nên Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội không có tư cách nguyên đơn là không đúng pháp luật.
Vì lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 240/2005/DSPT ngày 17-11-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử vụ án đòi nhà bị chiếm dụng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội với bị đơn là bà Tạ Thị Đặng, chị Trần Thị Ngọc Anh.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:
Tòa án cấp phúc thẩm đã sai lầm trong việc xác định nguyên đơn của vụ kiện.