Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà và yêu cầu chia di sản thừa kế"

Chủ đề   RSS   
  • #265377 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà và yêu cầu chia di sản thừa kế"

    Số hiệu

    18/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà và yêu cầu chia di sản thừa kế"

    Ngày ban hành

    29/07/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 29 tháng 7 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm, xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà và yêu cầu chia di sản thừa kế giữa:

    Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1963; trú tại: Cộng hoà liên bang Đức; uỷ quyền cho bà Nguyễn Thanh Hồng, theo giấy ủy quyền ngày 28-3-2003;

    Bị đơn: Bà Nguyễn Thanh Hoàng, sinh năm 1966; trú tại 146 Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Cụ Trần Thị Thế, sinh năm 1928; trú tại:146 Trần Đăng Ninh, phường Bà Triệu, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    2. Ông Nguyễn Hoàng Dương, sinh năm 1949; trú tại: 26Đ-Ô 19, phường Hạ Long, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    3. Ông Nguyễn Hoàng Phú, sinh năm 1954; trú tại: 2A-Ô20, phường Hạ Long, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    4. Bà Nguyễn Thị Thịnh, sinh năm 1956; trú tại: số 2 ngách 1/34, Khâm Thiên, Hà Nội;

    5. Bà Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1961; trú tại: 203, ngõ 162, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội;

    6. Ông Đặng Xuân Lâm (chồng bà Lợi); trú tại: số 25, ngõ 596, Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, thành phố Hà Nội; ủy quyền  cho bà Nguyễn Thanh Hồng;

    7. Ông Hoàng Đình Biên (chồng bà Hoàng, đã chết ngày 11-4-2004). Bà Nguyễn Thanh Hoàng là người thừa kế quyền tố tụng;

    8. Bà Nguyễn Thanh Hồng, sinh năm 1972, đồng thời là người được bà Phượng uỷ quyền; trú tại: 146 Trần Đăng Ninh, phường Bà Triệu, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 28-3-2003 của bà Nguyễn Thị Phượng và lời khai của bà Nguyễn Thanh Hồng (đại diện cho bà Phượng) thì:

    Vợ chồng cụ Nguyễn Thái Quy và cụ Trần Thị Thế có tám người con chung là: ông Nguyễn Hoàng Dương, ông Nguyễn Hoàng Phú, bà Nguyễn Thị Thịnh, bà Nguyễn Thị Loan, bà Nguyễn Thị Phượng, bà Nguyễn Thanh Hoàng, bà Nguyễn Thanh Hồng và bà Nguyễn Thị Lợi (bà Lợi chết năm 1994).

    Về tài sản chung, vợ chồng cụ Nguyễn Thái Quy, cụ Trần Thị Thế có căn nhà cấp bốn trên diện tích 35m2 đất tại số 146 Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định.

    Ngày 21-8-1995, cụ Quy, cụ Thế đã lập “Bản di chúc” có nội dung như sau:

    “Ngôi nhà chúng tôi đang ở với giá trị hiện nay là 40 cây vàng. Vợ chồng tôi giữ lại 21 cây vàng để sống quãng đời còn lại và lo hậu sự. Còn 19 cây vàng tôi chia cho các con: Nguyễn Hoàng Dương 3 cây, Nguyễn Hoàng Phú 4 cây, Nguyễn Thị Thịnh 2 cây, Nguyễn Thị Lợi 2 cây, Nguyễn Thị Loan 2 cây, Nguyễn Thị Phượng 2 cây, Nguyễn Thanh Hoàng 2 cây, Nguyễn Thanh Hồng 2 cây. Nay vợ chồng tôi cho con gái tôi là Nguyễn Thanh Hoàng quy đổi tài sản này ra thành tiền (với điều kiện không được bán cho người khác, vì tôi và vợ tôi vẫn phải sống ở đây cho đến hết cuộc đời mình). Con Nguyễn Thanh Hoàng có trách nhiệm giao lại cho mỗi người một phần như trên. Sau khi con Nguyễn Thanh Hoàng trả đầy đủ cho mọi người rồi thì Nguyễn Thanh Hoàng của tôi được đại diện thay tôi quyền sở hữu căn nhà này. Phần tài sản còn lại của tôi và vợ tôi giao cho con Nguyễn Thanh Hoàng lo chỗ ăn ở, nuôi chúng tôi và giải quyết mọi hậu sự sau này đối với bố mẹ”.

    “Bản di chúc” có chữ ký của cụ Thế, cụ Quy, có xác nhận của UBND phường Bà Triệu.

    Tháng 11-1995, cụ Quy chết. Đầu năm 1996, bà Hoàng và chồng là ông Hoàng Đình Biên mua thêm 7m2 đất liền kề và phá dỡ căn nhà cấp 4 (cũ) xây dựng thành căn nhà mới 2 tầng, trên tổng diện tích 42m2 đất. Năm 1996, bà Hoàng thanh toán cho ông Dương 3 lượng vàng, ông Phú 4 lượng vàng, còn các thừa kế khác chưa được thanh toán. Vợ chồng bà Hoàng có ý định bán nhà, do đó phát sinh mâu thuẫn.

    Ngày 03-11-2000, cụ Thế và các con đã lập “Biên bản họp hội đồng gia tộc” (BL 50); có nội dung để lại toàn bộ căn nhà cho bà Phượng toàn quyền sở hữu, sử dụng và được làm thủ tục giấy tờ nhà đứng tên bà Phượng. Ngày 05-11-2000, bà Phượng và bà Hoàng lập bản tổng thanh toán với nội dung: chuyển giao quyền sở hữu căn nhà 146 Trần Đăng Ninh (BL 56) cho bà Phượng và thoả thuận các khoản tiền liên quan việc chuyển giao căn nhà như sau:

    + Xác định khoản bà Hoàng vay nợ của bà Phượng là 16.800 USD =202.090.000 đồng;

    + Bà Hoàng thanh toán cho ông Dương và ông Phú 9 lượng vàng, phần bà Hoàng hưởng 2 lượng, cộng là 11 lượng vàng quy ra tiền = 55.000.000 đồng;

    + Tiền xây nhà 2 đợt = 108.884.000 đồng;

    + Chi cho đám cưới bà Hồng; Chi bảo dưỡng nhà và tiền nuôi cụ Thế (48 tháng) tổng cộng = 46.400.000 đồng;

    + Bán lại 7m2 nhà đất (mua thêm) = 175.000.000 đồng;

    Tổng các khoản bà Hoàng đã chi = 385.284.000 đồng – 202.090.000 đồng tiền bà Hoàng nợ bà Phượng, bà Phượng còn phải trả bà Hoàng 183.194.000 đồng. Bà Phượng đã giao đủ cho bà Hoàng 183.194.000 đồng. Bà Hoàng và bà Phượng đã thoả thuận, bà Hoàng phải giao nhà đất cho bà Phượng, có ủy ban nhân dân phường chứng kiến xác nhận nhưng sau đó bà Hoàng không giao nhà cho bà Phượng. Bà Phượng khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà Hoàng (ông Biên) phải giao trả căn nhà 146 Trần Đăng Ninh cho bà Phượng.

    Bà Nguyễn Thanh Hoàng là bị đơn trình bày: Cụ Nguyễn Thái Quy và cụ Trần Thị Thế có lập di chúc năm 1995, sau đó có bản họp hội đồng gia tộc ngày 03-11-2000 và bản tổng thanh toán ngày 05-11-2000. Tuy vậy, nay bà không đồng ý thực hiện theo biên bản họp hội đồng gia tộc. Bà có đơn phản tố yêu cầu được chia thừa kế theo bản di chúc. Bà xin được chia một phần diện tích nhà để ở; phần nhà còn lại ai được hưởng thì phải thanh toán tiền cho vợ chồng bà; ngoài ra bà yêu cầu thanh toán tiền chi đám cưới bà Hồng, tiền chăm nuôi cụ Thế, tiền điện, tiền nước. Đối với khoản tiền 183.000.000 đồng nhận của bà Phượng bà sẽ trả lại, còn số tiền vay nợ bà Phượng 16.800 USD bà đề nghị tách ra giải quyết ở vụ án khác.

    Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Cụ Trần Thị Thế, ông Nguyễn Hoàng Dương, ông Nguyễn Hoàng Phú, bà Nguyễn Thị Thịnh, bà Nguyễn Thanh Hồng, bà Nguyễn Thị Loan cho rằng: Do bà Hoàng không thực hiện theo bản di chúc va có ý định bán căn nhà nên gia đình đã thống nhất lập biên bản họp hội đồng gia tộc chuyển giao quyền sở hữu căn nhà 146 Trần Đăng Ninh cho bà Phượng. Giữa bà Phượng và bà Hoàng đã thống nhất lập bản tổng thanh toán và bà Phượng phải có nghĩa vụ chuyển giao căn nhà cho bà Phượng. Nay yêu cầu bà Hoàng thực hiện theo biên bản họp hội đồng gia tộc là phải giao trả căn nhà 146 Trần Đăng Ninh cho bà Phượng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 05-01-2004, Toà án nhân dân tỉnh Nam Định đã quyết định:

    Xác định bà Phượng là chủ sở hữu nhà 146 Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định; buộc vợ chồng bà Hoàng phải trả nhà số 146 Trần Đăng Ninh cho bà Phượng.

    Ngày 12-01-2004 ông Biên kháng cáo có nội dung: Không đồng ý với bản án sơ thẩm, yêu cầu thanh toán tài sản và phân chia thừa kế theo di chúc của cụ Quy; yêu cầu thay đổi bản họp hội đồng gia tộc và bản tổng thanh toán, xin được chia nhà để ở.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 75/DSPT ngày 03-6-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    Hủy bản án sơ thẩm số 01 ngày 05-01-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Nam Định về tranh chấp nhà đất giữa bà Phượng với bà Hoàng. Giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử lại vụ án theo quan hệ pháp luật  thừa kế.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 06-9-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Nam Định đã quyết định (tóm tắt) như sau:

    1. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Hoàng về chia di sản thừa kế của cụ Quy theo di chúc đối với phần di chúc hợp pháp của cụ Quy.

    2. Hủy bỏ biên bản họp hội đồng gia tộc ngày 03-11-2000.

    3. Tách khoản nợ 16.800 USD giữa bà Hoàng với bà Phượng ra thành vụ kiện khác.

    4. Bà Hoàng phải trả bà Phượng số tiền đã nhận là 218.229.000 đồng (183.194.000 đồng và 35.035.000 đồng thiệt hại).

    5. Xác định giá trị tài sản căn nhà 146 Trần Đăng Ninh của cụ Quy, cụ Thế là 40 lượng vàng (bằng 40 phần) ở thời điểm năm 1995; trị giá hiện nay là 900.000.000 đồng.

    + Ông Dương đã được hưởng 4 lượng (4/40).

    + Ông Phú đã được hưởng 5 lượng (5/40).

    + Bà Thịnh, bà Lợi, bà Loan, bà Phượng, bà Hồng mỗi người được hưởng 2 lượng (2/40).

    + Cụ Thế được hưởng 10,5 lượng (10,5/40).

    Chấp nhận sự tự nguyện của cụ Thế đã giao cho ông Dương, ông Phú mỗi người một lượng, phần của cụ Thế còn được hưởng 8,5 lượng (8,5/40).

    + Bà Nguyễn Thanh Hoàng được hưởng 10,5 lượng + 9 lượng + 2 lượng = 21,5 lượng (21,5/40).

    + Cụ Thế đã thanh toán cho các con là: Bà Phượng, bà Thịnh, bà Lợi, bà Loan, bà Hồng là 10 lượng vàng + phần của cụ được hưởng 8,5 lượng = 18,5 lượng (tức 18,5/40).

    Xác định phần của cụ Thế được hưởng 18,5/40 phần thành tiền là 346.874.999 đồng; phần bà Hoàng được hưởng 21,5/40 phần thành tiền 403.124.999 đồng.

    6.Chia hiện vật:

    + Bà Hoàng được chia 1/2 nhà 146 Trần Đăng Ninh diện tích 21m2 (3,5m x 6m) thành tiền 499.999.991 đồng và được nhận số tiền chênh lệch tài sản 185.199.992 đồng.

    + Cụ Thế được chia phần nhà đất 21m2 còn lại trị giá 499.999.991 đồng và phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Hoàng 185.199.992 đồng.

    Chi phí ngăn nhà mỗi bên chịu 1/2.

    7. Quan hệ vay mượn tiền vàng giữa cụ Thế với bà Phượng ngày 24-10-2003 tách ra giải quyết ở vụ kiện khác nếu các bên có yêu cầu.

    Sau xét xử sơ thẩm, ngày 09-9-2004 và ngày 20-9-2004, cụ Thế, bà Hồng có đơn kháng cáo; ngày 20-9-2004 bà Hoàng cũng có đơn kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 85/DSPT ngày 28-4-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định: giữ y quyết định của bản án sơ thẩm.

    Cụ Trần Thị Thế, bà Nguyễn Thanh Hồng, ông Nguyễn Hoàng Dương và ông Nguyễn Hoàng Phú có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm.

    Tại Quyết định số95/2008/KN-DS ngày 24-4-2008, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 85/DSPT ngày 28-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật  với nhận định:

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định bản di chúc lập ngày 21-8-1995 là hợp pháp do cụ Thế còn sống đã thay đổi ý chí nên di chúc nêu trên chỉ có hiệu lực đối với di sản của cụ Quy là có căn cứ. Tuy nhiên, khi chia hiện vật, Toà án cấp phúc thẩm xác định chia cho mỗi bên 1/2 căn nhà 2 tầng nhưng không phân chia cụ thể lối đi ra nhà sau và cầu thang lên tầng 2 là không đảm bảo việc sử dụng của các đương sự đối với phần diện tích được chia.

    Căn cứ vào nội dung bản di chúc lập ngày 21-8-1995, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xác định sau khi mở thừa kế và sau khi bà Hoàng đã thực hiện các điều kiện theo di chúc, bà Hoàng được hưởng 21,5/40 giá trị thì bà Hoàng có nghĩa vụ thanh toán cho các thừa kế khác, nhưng bà Hoàng mới thanh toán cho ông Dương 3 lượng, ông Phú 4 lượng, còn các thừa kế khác mà bà Hoàng chưa thanh toán theo di chúc thì nay bà Hoàng phải thanh toán theo giá trị thực tế tại thời điểm xét xử sơ thẩm mới đúng.

    Về số tiền 16.800 USD bà Hoàng vay nợ của bà Phượng, nếu bà Phượng đã có yêu cầu xem xét thì Toà án phải giải quyết để đối trừ nợ cho bà Phượng, không thể tách ra giải quyết ở vụ án khác được.

    Ngoài ra bà Nguyễn Thị Lợi chết năm 1994 là chết trước cụ Quy nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm vẫn xác định bà Lợi được hưởng kỷ phần thừa kế theo di chúc và xác định là người thừa kế là không đúng theo quy định của pháp luật  mà phải xác định các con bà Lợi là người thừa kế thế vị được hưởng”.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Vợ chồng cụ Nguyễn Thái Quy và cụ Trần Thị Thế có tám người con chung là: ông Nguyễn Hoàng Dương, ông Nguyễn Hoàng Phú, bà Nguyễn Thị Thịnh, bà Nguyễn Thị Loan, bà Nguyễn Thị Phượng, bà Nguyễn Thanh Hoàng, bà Nguyễn Thanh Hồng và bà Nguyễn Thị Lợi (chết năm 1994).

    Tài sản chung của vợ chồng cụ Quy, cụ Thế có căn nhà cấp 4 trên diện tích 35m2 đất tại số 146 Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định. Ngày 21-8-1995 cụ Quy, cụ Thế đã lập di chúc phân chia nhà đất nêu trên. Di chúc của cụ Quy và cụ Thế là hợp pháp.

    Tháng 11-1995 cụ Quy chết.

    Năm 1996, vợ chồng bà Nguyễn Thanh Hoàng và ông Hoàng Đình Biên mua thêm 7m2 đất liền kề và phá dỡ nhà cấp 4 (cũ) xây dựng thành căn nhà 2 tầng trên diện tích 42m2 đất. Như vậy, nhà đất nêu trong di chúc đã có sự thay đổi.

    Ngày 03-11-2000, cụ Thế và các con gồm ông Dương, ông Phú, bà Thịnh, bà Loan, bà Phượng, bà Hồng và bà Hoàng lập biên bản họp hội đồng gia tộc thống nhất để lại toàn bộ căn nhà 2 tầng trên diện tích 42m2 đất cho bà Phượng toàn quyền sở hữu và được làm thủ tục sang tên bà Phượng. Ngày 03-11-2000, giữa bà Phượng với bà Hoàng lập bản tổng thanh toán bao gồm các khoản: tiền bà Hoàng nợ bà Hồng, tiền bà Hồng phải trả cho bà Hoàng về giá trị căn nhà 2 tầng, về 7m2 đất vợ chồng bà Hoàng mua thêm và về các khoản chi phí khác của bà Hồng; sau khi đối trừ bà Hồng đã thanh toán cho bà Hoàng 183.194.000 đồng. Sự thoả thuận tại Biên bản họp hội đồng gia tộc ngày 03-11-2000 đã có sự tham gia của cụ Thế và các thừa kế của cụ Quy,  nhưng ở thời điểm thoả thuận thì nhà đất đã có thay đổi trong đó có phần đóng góp của ông Biên nên ông Biên phải được tham gia vào việc định đoạt tài sản. Tuy vậy, gia đình ông Biên đã có bà Hoàng đại diện tham gia, nếu ông Biên biết về sự thoả thuận ngày 03-11-2000 nêu trên, không phản đối, để cho bà Hoàng thực hiện theo thoả thuận thì thoả thuận ngày 03-11-2000 vẫn hợp pháp. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa làm rõ việc ông Biên có biết về thoả thuận nêu trên và có phản đối hay không đã khẳng định Biên bản họp hội đồng gia tộc ngày 03-11-2000 vô hiệu là chưa có cơ sở chắc chắn.

    Bà Nguyễn Thanh Hoàng yêu cầu phản tố là yêu cầu chia di sản thừa kế theo bản di chúc lập ngày 21-8-1995. Do đó, trong trường hợp thoả thuận ngày 03-11-2000 là vô hiệu thì Bản di chúc lập ngày 21-8-1995 có hiệu lực; nhưng do cụ Thế còn sống đã thay đổi ý chí, nên di chúc ngày 21-8-1995 chỉ có hiệu lực đối với phần di sản của cụ Quy.

    Căn cứ vào nội dung bản di chúc lập ngày 21-8-1995 thì phần bà Hoàng được hưởng là:

    + 1/2 của phần 21/40 là di sản của cụ Quy;

    + 7/40 là phần thanh toán cho ông Dương và ông Phú;

    + 1/40 là một nửa phần 2/19 bà Hoàng được cho;

    Như vậy, bà Hoàng được hưởng 18,5/40 giá trị nhà đất cụ Quy và cụ Thế; được thanh toán chi phí xây dựng mới và chuyển nhượng 7m2; nhưng bà Hoàng có nghĩa vụ thanh toán cho các thừa kế chưa được thanh toán của phần 19/40 theo giá nhà ở giai đoạn xét xử sơ thẩm mới đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự là bà Thịnh, bà Lợi, bà Loan, bà Phượng, bà Hồng. Trường hợp ông Hoàng Đình Biên (chồng bà Hoàng đã chết) khi giải quyết lại vụ án, phải đưa những người thừa kế của ông Biên vào tham gia tố tụng.

    Mặt khác, bà Nguyễn Thị Lợi đã chết năm 1994 là chết trước cụ Quy, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm vẫn xác định bà Lợi là người thừa kế hưởng thừa kế là không đúng (lẽ ra phải xác định các con bà Lợi là người được hưởng thừa kế thế vị).

    Ngoài ra, về việc chia hiện vật là căn nhà 146 Trần Đăng Ninh, Toà án cấp phúc thẩm chia cho mỗi bên 1/2 căn nhà 2 tầng, nhưng lại không phân chia cụ thể lối đi ra nhà sau và cầu thang lên tầng 2 là không đảm bảo việc sử dụng của các đương sự đối với phần diện tích được chia; về số tiền 16.800 USD bà Hoàng vay nợ bà Phượng, nếu bà Phượng có yêu cầu xem xét thì Toà án phải giải quyết luôn trong cùng vụ án này để đối trừ nợ cho bà Phượng.

    Ông Hoàng Đình Biên (chồng bà Hoàng) đã chết nên khi giải quyết lại vụ án, phải đưa những người thừa kế của ông Biên vào tham gia tố tụng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 85/DSPT ngày 28-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 06-9-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Nam Định về vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà và yêu cầu chia di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Phượng với bị đơn là bà Nguyễn Thanh Hoàng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Trần Thị Thế, ông Nguyễn Hoàng Dương, ông Nguyễn Hoàng Phú, bà Nguyễn Thị Thịnh, bà Nguyễn Thị Loan, bà Nguyễn Thanh Hồng, ông Đặng Xuân Lâm và bà Nguyễn Thanh Hoàng.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố Biên bản họp hội đồng gia tộc vô hiệu là chưa có cơ sở chắc chắn; đã xác định không đúng người được hưởng thừa kế; việc chia hiện vật (căn nhà) chưa cụ thể về lối đi và cầu thang.

     

     
    4326 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận