Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở"

Chủ đề   RSS   
  • #265230 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở"

    Số hiệu

    33/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở"

    Ngày ban hành

    02/10/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 02 tháng 10 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp quyền sở hữu nhà” giữa:

    Nguyên đơn:

    1. Bà Đỗ Thị Minh Trang, sinh năm 1955;

    2. Ông Trần Văn Lộc, sinh năm 1940;

    Đều trú tại nhà số 20A Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn:

    1. Bà Dương Thị Tới, sinh năm 1953;

    2. Ông Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1950;

    Đều trú tại: nhà số 20 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện ngày 14-3-1994 và những lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bà Đỗ Thị Minh Trang và ông Trần Văn Lộc trình bày như sau: Đầu năm 1990, ông bà có cho bà Dương Thị Tới mượn nhiều lần tiền giá trị tương đương 2,5 lượng vàng, không tính lãi; tháng 5 năm 1990, ông Phong, bà Tới đã thỏa thuận chuyển nhượng cho ông, bà 1 phần căn nhà diện tích 17,55m2 (3,9m x 4,5m) trên 100,7m2 đất, với giá 15 lượng vàng, thời hạn trả tiền trong 1 năm và trừ 2,5 lượng vàng nợ (việc thỏa thuận chỉ bằng miệng, không làm giấy tờ); quá trình thực hiện thỏa thuận, ngoài số vàng cho mượn, ông bà còn giao thêm cho vợ chồng ông Phong, bà Tới nhiều lần tiền tổng cộng là 14.644.000 đồng (tương đương 6,68 lượng vàng) để ông Phong, bà Tới xây dựng phần nhà đã sang nhượng cho ông, bà và xây dựng phần nhà cho ông Phong, bà Tới; do việc thanh toán giá trị xây dựng nhà không được hai bên thống nhất, xảy ra mâu thuẫn, nên đầu tháng 8 năm 1990 hai bên thỏa thuận đồng ý để ông Tạ Văn Thành (người nhận thầu xây dựng) tính khối lượng, tiền công xây dựng của mỗi bên và ghi bản chiết tính cho hai bên, sau đó nhà của bên nào bên đó tự bỏ tiền ra xây dựng tiếp cho đến khi hoàn tất, (ông, bà vẫn nhờ ông Thành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phần nhà mà vợ chồng bà đã nhận sang nhượng); ngày 25-12-1990, ông, bà đã trả đủ 15 lượng vàng cho bà Tới và bà Tới đã viết biên nhận với nội dung là “Tôi Dương Thị Tới …có nhận của chị Trang 15 lạng vàng để cùng hoàn chỉnh căn nhà 20 Hoàng Hoa Thám. Kể từ ngày 30-12-1990, chị Trang được toàn quyền sử dụng căn nhà thứ 3 kể từ hẻm 20 đổ vào có kích thước ngang lọt lòng 3,7m, dài 16,5m và phần đất đằng trước, đằng sau căn nhà. Riêng lối đi phía sau tôi sẽ thu xếp để chị Trang sử dụng sau 1 tháng kể từ ngày 30-12-1990”, đồng thời ngày 10 tháng 06 năm 1991 bà Tới viết giấy xác nhận với nội dung là “số tiền Trang gửi 14.644.000 đồng, số tiền đã dùng xây dựng 14.890.273 đồng, số vàng quy ra (theo Trang quy) 6,68 cây, số vàng đã đưa vào xây dựng cho Trang 7,429 cây”; tháng 3 năm 1992 ông Phong, bà Tới cho rằng tiền xây dựng nhà còn thiếu nên yêu cầu ông Lộc giao thêm 3 triệu đồng và ông Lộc cũng đã giao số tiền này cho ông Phong, bà Tới đồng thời ông Phong, bà Tới giao nốt phần đất 2m x 5m để vợ chồng bà làm lối đi sau nhà (mà lẽ ra theo cam kết ông Phong, bà Tới đã phải giao sau 30-12-1990 một tháng); do đó, ông, bà yêu cầu Tòa án công nhận ông, bà có quyền sở hữu đối với phần nhà, đất có tranh chấp.

    Bị đơn là bà Dương Thị Tới trình bày như sau: Năm 1987, Học viện kỹ thuật quân sự cấp cho ông Phong 150m2 đất tại số 20 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh (theo quyết định số 05/QĐ ngày 25-7-1987); sau khi được cấp đất, năm 1988 vợ chồng bà đã xây dựng một căn nhà trệt 96m2 (ngang 8m x dài 12), tường xây, mái lợp phibrôximăng; năm 1989, do có sự thay đổi quy hoạch toàn bộ khu vực và mở đường nên diện tích đất của vợ chồng bà được đơn vị 40207 Bộ Quốc phòng (theo quyết định số 311/NĐ) công nhận là 176m2 (thực tế là 249m2), sau đó vợ chồng bà đã phá một phần nhà cũ để xây dựng lại thành nhà có diện tích 62,4m2 (dài 12m, rộng 5,2m) bao gồm cả mái hiên 1m phía trước và bên trái nhà, còn phía sau đức một số cột bê tông, đến đầu năm 1990, đúc thêm 2 trụ bê tông phía sau và tiếp tục đổ bê tông 2 tấm phần diện tích còn lại để xây dựng thành nhà 1 trệt, 1 lầu; khoảng tháng 7/1990 ông Lộc, bà Trang (là bạn cũ của bà) có đề nghị cho sử dụng nhờ một phần nhà phía sau (trên khoảng 100mđất) để làm Văn phòng Công ty và ông Lộc đồng ý cho bà vay 15 lượng vàng không lấy lãi; ông Lộc có đưa tiền để làm riêng cầu thang, nhà bếp, nhà vệ sinh để sử dụng riêng cho thuận tiện và nâng cấp sửa chữa tổng cộng 2 lần hết 14.644.000 đồng (tương đương 6,68 lượng vàng); hai bên thỏa thuận khi ông Lộc không sử dụng nhà nữa thì ông Lộc trả lại nhà, còn bà sẽ trả lại 15 lượng vàng; vì vậy, ông, bà không đồng ý với yêu cầu của bà Trang, ông Lộc, mà yêu cầu bà Trang, ông Lộc phải trả lại nhà cho ông, bà.

    Ông Nguyễn Thanh Phong (chồng bà Tới) khai: Việc bà Tới nhận tiền của ông Lộc, bà Trang ông không biết; cuối năm 1990 khi giao 1 phần nhà cho ông Lộc, bà Trang sử dụng thì bà Tới mới nói cho ông biết, nhưng ông đã phản đối; đất ông được cấp nhưng bà Tới giao dịch với bà Trang, ông Lộc để cho ở nhờ nhà mà không trao đổi với ông; ông không đồng ý thỏa thuận của bà Tới với ông Lộc, bà Trang và ông không thỏa thuận bán nhà, nên không chấp nhận yêu cầu của ông Lộc, bà Trang.

    Tại quyết định số 03 dân sự sơ thẩm ngày 06-01-1995, Tòa án nhân dân quận Tân Bình quyết định:

    Đình chỉ việc giải quyết vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

    Ông Phong, bà Tới kháng cáo Quyết định dân sự sơ thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định số 05 ngày 25-03-1995, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Điều 1: Nay sửa quyết định sơ thẩm dân sự số 03  ngày 06-01-1995 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình về việc đình chỉ giải quyết về việc tranh chấp nhà 20A Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình giữa bà Đỗ Thị Minh Trang và bà Dương Thị Tới.

    Điều 2: Tạm đình chỉ việc giải quyết tranh chấp nhà 20A Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình giữa các đương sự nói trên.

    Chuyển hồ sơ sang cho đơn vị quân đội 40207 và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết trước theo thẩm quyền.

    Điều 3: Quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký.

    Ngày 17-7-1999 bà Tới có đơn đề nghị Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án và yêu cầu lấy lại nhà, đồng ý trả lại ông Lộc, bà Trang 15 lạng vàng (không tính lãi) và đồng ý thanh toán giá trị phần nâng cấp nhà theo giá do Hội đồng định giá xác định.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/DSST ngày 26-12-2001, Tòa án nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    1.Bác yêu cầu của bà Đỗ Thị Minh Trang, ông Trần Văn Lộc về việc đã mua phần nhà thuộc 20 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình.

    2. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật phía bà Dương Thị Tới và ông Nguyễn Thanh Phong phải hoàn trả cho bà Trang, ông Lộc 15 (mười lăm) lượng vàng 24k và 110.029.600 đồng (một trăm mười triệu không trăm hai mươi chín ngàn sáu trăm đồng). Tại Đội Thi hành án quận Tân Bình.

    3. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật gia đình bà Trang, ông Lộc và những người thuê phần nhà của bà Trang, ông Lộc phải ra khỏi nhà để trả lại nhà cho bà Tới, ông Phong theo như hiện trạng nhà đã được xác định tại biên bản định giá tài sản ngày 27-4-2001.

    - Việc giao nhận tiền, vàng, nhà có sự chứng kiến của Đội Thi hành án quận Tân Bình.

    (Ngoài ra, Tòa án sơ thẩm còn quyết định về án phí, điều kiện thi hành án và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự).

    Ngày 27-12-2001, ông Lộc, bà Trang có đơn kháng cáo cho rằng đã mua nhà đất tại thời điểm 1990 bằng 15 lạng vàng là phù hợp với thời giá lúc đó, nhưng Tòa án không công nhận là không đúng.

    Ngày 07-01-2002, ông Phong, bà Tới có đơn kháng cáo cho rằng không có việc mua bán nhà đất mà chỉ có việc mượn 15 lạng vàng và giao nhà cho sử dụng đồng thời đồng ý thanh toán cho bà Trang, ông Lộc giá trị phần trang trí nội thất cùng những diện tích làm thêm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 676/DSPT ngày 08-05-2002, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Đỗ Thị Minh Trang và ông Trần Văn Lộc.

    - Bác yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Thanh Phong và bà Dương Thị Tới.

     

    2. Sửa án sơ thẩm, xử:

    - Chấp nhận yêu cầu của bà Đỗ Thị Minh Trang và ông Trần Văn Lộc.

    - Bác yêu cầu của ông Nguyễn Thanh Phong và bà Dương Thị Tới về việc đòi ông Lộc và bà Trang trả lại phần diện tích nhà đất ông Lộc, bà Trang đang sử dụng hiện mang số 20A Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình.

    - Ông Trần Văn Lộc, bà Đỗ Thị Minh Trang được tiếp tục sử dụng một phần trong căn nhà 20 Hoàng Hoa Thám (phần nhà hiện mang số 20A Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình) và có quyền liên hệ với các cơ quan chức năng để xin hợp thức hóa quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại số nêu trên.

    (Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí).

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 28-08-2002 ông Phong, bà Tới có đơn khiếu nại cho rằng không có việc mua bán nhà, đất vì nếu mua bán phải có chữ ký của ông Phong; biên nhận vàng do bà Tới viết ngày 25-12-1990 không phải là hợp đồng mua bán nhà, đất giữa bà Trang và bà Tới; Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của bà Trang, ông Lộc là không đúng pháp luật.

    Tại quyết định số 132/KNDS ngày 07-10-2002, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối vơi bản án dân sự phúc thẩm số 676/DSPT ngày 08-5-2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

    Tại Kết luận số196/KL-VKSTC-KSXXDS ngày 07-11-2002, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm dân sự số141/GĐT-DS ngày 28-7-2003, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao quyết định :

    - Hủy bản án sơ thẩm 08/DSST ngày 26-12-2001 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình và bản án phúc thẩm số 676/DSPT ngày 08-5-2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

    - Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 1337/2005/DSST ngày 23-06-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    1. Bác yêu cầu của bà Đỗ Thị Minh Trang và ông Trần Văn Lộc về việc mua một phần căn nhà 20 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình có diện tích 3,7m x 16,5m.

    2. Trong thời gian một tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật bà Dương Thị Tới, ông Nguyễn Thanh Phong phải hoàn trả cho ông Lộc, bà Trang 15 (mười lăm) lượng vàng 24k và 95.208.200 đồng (chín mươi lăm triệu hai trăm lẻ tám ngàn hai trăm đồng).

    3. Trong thời hạn ba tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, ông Lộc, bà Trang và những người đang ở trong phần nhà này phải trả lại cho bà Tới, ông Phong theo hiện trạng đã xác định tại biên bản chiết tính ngày 23-9-2004.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, điều kiện thi hành án và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 24-6-2005, ông Lộc,bà Trang có đơn kháng cáo cho rằng ông, bà đã mua phần nhà, đất đang có tranh chấp của ông Phong, bà Tới, nhưng Tòa án không công nhận hợp đồng là không đúng.

    Ngày 05-7-2005, ông Phong, bà Tới có đơn kháng cáo chỉ đồng ý thanh toán cho ông Lộc, bà Trang 1/3 giá trị xây dựng căn nhà.

    Tại Quyết định dân sự phúc thẩm số495/2005/DS-PT-QĐ ngày 28-12-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp nhà giữa nguyên đơn bà Đỗ Thị Minh Trang và ông Trần Văn Lộc với bị đơn bà Dương Thị Tới và ông Nguyễn Thanh Phong.

    Bản án dân sự sơ thẩm số 1337/2005/DSST ngày 23-6-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật.

    (Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí).

    Sau khi có quyết định phúc thẩm, bà Trang, ông Lộc có đơn khiếu nại với nội dung: ông, bà đã mua phần nhà đang có tranh chấp, nhưng Tòa án thành phố Hồ Chí Minh không công nhận việc mua bán là không đúng; Tòa án cấp phúc thẩm mới triệu tập vợ chồng bà 01 lần vào ngày 15-12-2005 để mở phiên tòa vào ngày 28-12-2005 và ông, bà đã có đơn xin hoãn phiên tòa đề ngày 21-12-2005, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng ông, bà đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa để ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng.

    Tại Quyết định số133/2007/KN-DS ngày 10-7-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định dân sự phúc thẩm nêu trên; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định dân sự phúc thẩm nêu trên của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

    Căn cứ vào các tài liệu có tại hồ sơ vụ án và báo cáo của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh thì có cơ sở xác định để xét xử phúc thẩm vụ án, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã làm thủ tục triệu tập các đương sự để xét xử phúc thẩm 3 lần:

    - Lần thứ nhất là vào ngày 11-11-2005, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ triệu tập theo đường bưu chính nhưng không có tài liệu lưu để xác định các đương sự có hay không nhận được giấy triệu tập của Tòa án, nhưng nguyên đơn và bị đơn đều không đến phiên tòa.

    - Lần thứ 2 là vào ngày 14-12-2005, Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập bằng biện pháp niêm yết tại Ủy ban nhân dân nơi đương sự cư trú nhưng việc niêm yết này không đúng quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự (vì các đương sự có địa chỉ rõ ràng và không có căn cứ chứng minh là đương sự không có mặt tại địa phương).

    - Lần thứ 3 là vào ngày 28-12-2005, Tòa án cấp phúc thẩm giao trực tiếp giấy triệu tập cho đương sự, các đương sự đều đã ký nhận giấy triệu tập này (nhưng nguyên đơn và Luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn đều có đơn xin hoãn phiên tòa).

    Như vậy, tuy đã 3 lần triệu tập đương sự đến phiên tòa để xét xử phúc thẩm nhưng chưa đủ căn cứ xác định là lần thứ nhất và lần thứ hai nguyên đơn có kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ theo quy định của pháp luật tố tụng (chỉ lần triệu tập thứ ba cả nguyên đơn và bị đơn mới nhận được giấy triệu tập). Do đó, chỉ có căn cứ xác định lần triệu tập thứ ba mới là lần triệu tập hợp lệ. Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định nguyên đơn có kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ kháng cáo, từ đó Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự, là không đúng.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Căn cứ vào các tài liệu có tại hồ sơ vụ án và các tài liệu do Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thì có căn cứ xác định, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh có bốn lần mở phiên tòa xét xử phúc thẩm để xét kháng cáo của các đương sự:

    Lần thứ nhất: Tòa án cấp phúc thẩm lên lịch mở phiên tòa vào ngày 11-11-2005, nhưng phải hoãn phiên tòa do bà Trang, ông Lộc vắng mặt. Theo báo cáo của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thì Tòa án cấp phúc thẩm có gửi giấy triệu tập các đương sự đến phiên tòa theo đường bưu chính; nhưng trong hồ sơ vụ án không có tài liệu chứng minh việc các đương sự đã nhận được giấy triệu tập. Do đó, không đủ căn cứ để xác định là bà Trang, ông Lộc đã được triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa ngày 11-11-2005.

    Lần thứ hai: Tòa án cấp phúc thẩm có lên lịch để mở phiên tòa vào ngày 08-12-2005; nhưng trong hồ sơ vụ án không có các tài liệu chứng minh về việc Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập các đương sự và cũng không có tài liệu chứng minh Tòa án cấp phúc thẩm có mở phiên tòa vào ngày 08-12-2005 nhưng phải hoãn phiên tòa.

    Lần thứ ba: Tòa án cấp phúc thẩm lên lịch xét xử vụ án vào ngày 14-12-2005, nhưng phải hoãn phiên tòa do bà Trang, ông Lộc vắng mặt. Theo các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì ngày 28-11-2005 Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký “giấy triệu tập niêm yết” để triệu tập bà Trang, ông Lộc đến phiên tòa và giấy này đã được niêm yết tại Ủy ban nhân dân phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. (“Giấy triệu tập niêm yết” có xác nhận của Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh với nội dung đã niêm yết vào ngày 30-11-2005).

    Cũng theo các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì bà Trang, ông Lộc ở tại nhà số 20 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh và bà Trang đang làm việc tại Bệnh viện 115 thành phố Hồ Chí Minh (có số điện thoại 8631849); nên cũng không đủ cơ sở để xác định bà Trang, ông Lộc vắng mặt tại nơi cư trú hoặc không rõ tung tích hay từ chối nhận giấy triệu tập. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập bà Trang, ông Lộc bằng hình thức niêm yết là trái với quy định tại khoản 1 Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự. Hơn nữa, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ niêm yết giấy triệu tập đương sự tại Ủy ban nhân dân phường 12, quận Tân Bình mà không niêm yết bản sao “giấy triệu tập niêm yết” nêu trên tại nơi cư trú của bà Trang, ông Lộc và không lập biên bản về việc lập thủ tục niêm yết công khai là vi phạm điểm b và điểm c khoản 2 Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Như vậy, không có cơ sở xác định bà Trang, ông Lộc đã được triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa ngày 14-12-2005.

    Lần thứ tư: Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa vào ngày 28-12-2005, nhưng do ông Phong, bà Tới rút kháng cáo và do bà Trang, ông Lộc không có mặt tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đã ra Quyết định số495/2005/DS-PT-QĐ ngày 28-12-2005 đình chỉ xét xử phúc thẩm với lý do là “…người kháng cáo là bà Đỗ Thị Minh Trang và ông Trần Văn Lộc đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo”.

    Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì Tòa án cấp phúc thẩm đã trực tiếp giao giấy triệu tập phiên tòa cho các đương sự và bà Trang, ông Lộc đã ký nhận giấy triệu tập vào sáng ngày 15-12-2005. Tuy nhiên, ngày 21-12-2005, bà Trang, ông Lộc và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trang, ông Lộc đã có đơn xin hoãn phiên tòa. Như vậy, có đủ căn cứ để xác định bà Trang, ông Lộc đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa ngày 28-12-2005.

    Theo phân tích trên thì tuy bà Trang, ông Lộc đã nhiều lần vắng mặt tại phiên Tòa phúc thẩm, nhưng chỉ có căn cứ xác định có 1 lần bà Trang, ông Lộc được Tòa án triệu tập hợp lệ mà vắng mặt tại phiên tòa đó là phiên Tòa phúc thẩm ngày 28-12-2005. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bà Trang, ông Lộc đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn vắng mặt tại phiên tòa, từ đó ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm là không có căn cứ.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số495/2005/DS-PT-QĐ ngày 28-12-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà giữa nguyên đơn là bà Đỗ Thị Minh Trang và ông Trần Văn Lộc với bị đơn là bà Dương Thị Tới và ông Nguyễn Thanh Phong; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm bị hủy:

    Không có cơ sở xác định người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn vắng mặt.

     
    3049 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận