Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất"

Chủ đề   RSS   
  • #265242 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất"

    Số hiệu

    42/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất"

    Ngày ban hành

    14/12/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 14 tháng 12 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm, xét xử vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa:

    Nguyên đơn: Bà Dương Thị Thanh sinh năm 1972; trú tại: 295 Âu Cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn: Ông Lai Hồng Thanh sinh năm 1952; trú tại: 633/8 Hồng Bàng, phường 6, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Ông Quách Triển Quang sinh năm 1958; Quốc tịch: Canada; địa chỉ liên hệ: 95 xóm Củi, phường 11, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Lai Hồng Thanh) sinh năm 1955 và chị Lai Hồng Nguyệt (con gái ông Lai Hồng Thanh) sinh năm 1980; đều trú tại: 633/8 Hồng Bàng, phường 6, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, ủy quyền cho ông Lai Hồng Thanh đại diện (Hợp đồng ủy quyền ngày 17-5-2006).

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 18-5-2005 và lời khai của bà Dương Thị Thanh thì: Ngày 10-6-2001, ông Lai Hồng Thanh ký Hợp đồng sang nhượng cho bà và ông Quách Triển Quang 1000m2 đất tại 254 Hương lộ 14, phường 18, quận Tân Bình (nay là Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú) với giá 300 lượng vàng 95%; theo thoả thuận, bà đã đặt cọc trước 100 lượng vàng 95%; còn lại 200 lượng sẽ trả đủ khi ông Thanh làm xong thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho bà. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho ông Thanh hoàn tất mọi thủ tục cho bà được đứng tên đất, bà và ông Quang đã nhiều lần trả vàng cho ông Thanh, chị Lai Hồng Nguyệt (con ông Thanh) và đã trả đủ 200 lượng vàng còn lại vào ngày 03-01-2002.

    Tại thời điểm sang nhượng đất, ông Thanh chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 29-5-2003, ông Thanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích là 6144,5m2. Sau đó, ông Thanh chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất này cho  Xí nghiệp xây dựng đầu tư kinh doanh địa ốc 799 (nay là Công ty đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584) để xây dựng chung cư cao tầng (trong đó có 1000m2 đất mà ông Thanh đã sang nhượng cho bà, ông Quang) mà không thông báo, thoả thuận với bà.

    Do không còn đất để giao cho bà nữa nên ông Thanh đề nghị chuộc lại 1000m2 đất đã sang nhượng cho bà và ông Quang. Ngày 10-12-2004 bà, ông Quang và ông Thanh lập Thoả thuận thanh lý hợp đồng sang nhượng đất mà hai bên đã ký kết ngày 10-6-2001, theo đó bà và ông Quang sang nhượng lại 1000 m2 đất cho ông Thanh với giá 4.282.250.000 đồng, ông Thanh trả luôn cho bà 3 tỉ đồng và 282.250.000 đồng (số tiền bà còn giữ lại của ông Thanh từ quan hệ vay mượn khác), tổng cộng là 3.282.250.000 đồng; ông Thanh thanh toán tiếp 1 tỉ đồng còn lại vào ngày 24-01-2005; nhưng từ đó đến nay ông Thanh chưa trả cho bà số tiền còn thiếu.

    Nay bà yêu cầu ông Thanh phải trả cho bà số tiền còn thiếu là 1 tỉ đồng và tiền lãi do chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn (tính từ ngày 24- 01-2005 đến nay) do Ngân hàng Nhà nước quy định.

    Tuy ông Quách Triển Quang ký tên trong Hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001, Thoả thuận thanh lý hợp đồng năm  2004 và có một số lần giao vàng cho ông Thanh và con gái ông Thanh, nhưng ông Quang không phải là người mua chung đất với bà; ông Quang chỉ là người giới thiệu, môi giới chuyển nhượng đất cho bà, không liên quan đến số tiền mà bà đang đòi ông Thanh.

    Theo lời khai và yêu cầu phản tố đề ngày 19-9-2004 của ông Lai Hồng Thanh thì:

    Ông thừa nhận đã ký Hợp đồng sang nhượng 1000m2 đất cho bà Thanh và ông Quang vào ngày 10-6-2001 như bà Thanh đã trình bày, đồng thời ông và chị Lai Hồng Nguyệt (con gái ông) cũng đã nhận của bà Thanh và ông Quang tổng cộng là 300 lượng vàng 95%. Tại thời điểm ký hợp đồng sang nhượng đất, ông chưa được nhận đất.  Tuy UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số3671/QĐ-UB ngày 01-11-1994 về việc  thu hồi và giao lại 7000m2 đất toạ lạc tại phường 18, quận Tân Bình cho ông, nhưng cho đến khi ký hợp đồng sang nhượng đất với bà Thanh và ông Quang, thì ông vẫn chưa được nhận đất; đầu năm 2003 ông mới được Nhà nước giao lại đất. Ngày 29-5-2003 ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích là 6144,5m2 (trong đó có 1000m2 đất ông Thanh đã ký hợp đồng sang nhượng cho bà Thanh, ông Quang).

    Trong quá trình tố tụng, có lúc ông Thanh khai là ông vay tiền vàng của ông Quang, bà Thanh và khi ông được nhận đất thì trả bằng đất tương đương với tiền vay; có lúc ông khai là ông vay mượn 300 lượng vàng 95% của bà Thanh, ông Quang, chứ không có việc sang nhượng đất.

    Khoảng tháng 6/2004, ông chuyển nhượng toàn bộ lô đất 6144,5 m2 cho Xí nghiệp xây dựng đầu tư kinh doanh địa ốc 799 (nay là công ty đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584) với giá hơn 60 tỉ đồng (trong đó có 1000 m2 đất ông Thanh đã ký hợp đồng sang nhượng cho bà Thanh và ông Quang).

    Ngày 10-12-2004, ông và bà Thanh, ông Quang thoả thuận có nội dung là ông mua lại phần đất nói trên (1000m2) với giá 4.282.250.000 đồng; nhưng thực tế thì trước đó (năm 2002), ông và bà Thanh đã thoả thuận là bà Thanh lấy lại tiền là 3 tỉ đồng; còn tờ thoả thuận ngày 10-12-2004 là do bà Thanh ép ông phải ký, chứ không phải ý chí của ông (có lúc ông Thanh khai là ông Quang và bà Thanh dẫn nhiều người đến nhà ông gây áp lực để ông phải ký thoả thuận thanh lý). Ông đã đưa cho ông Quang và bà Thanh 3.282.250.000 đồng.

     Ngày 19-9-2005, ông Thanh có đơn phản tố (Biên lai thu tiền nộp tạm ứng án phí ngày ngày 28-9-2005) có nội dung là số vàng 300 lượng (vàng 95 %) mà ông đã nhận của bà Thanh và ông Quang theo hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001 là tương đương 1,2 tỉ đồng tại thời điểm đó, nhưng năm 2004 ông đã hoàn trả cho bà Thanh, ông Quang là 3 tỉ đồng, nên ông không đồng ý trả cho bà Thanh 1 tỉ đồng theo thoả thuận thanh lý hợp đồng đất mà ông và bà Thanh, ông Quang đã lập ngày 10-12-2004. Ông yêu cầu Toà án đưa ông Quách Triển Quang tham gia tố tụng vì ông Quang là người biết rõ sự việc và mọi giao dịch đều có ông Quang tham gia; đồng thời, buộc bà Thanh, ông Quang phải trả lại cho ông số tiền 282.250.000 đồng (số tiền còn dư lại từ việc ông trả nợ cho bà Thanh, ông Quang trong giao dịch vay nợ khác).

    Ông Quách Triển Quang là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Ông và ông Lai Hồng Thanh là bạn với nhau từ lâu, khi ông Thanh có nhu cầu chuyển nhượng đất thì ông giới thiệu cho bà Thanh đến thoả thuận nhận sang nhượng; ông chỉ là người môi giới cho bà Thanh nhận chuyển nhượng đất của ông Thanh; việc ông và bà Thanh cùng đứng tên trong giấy tờ sang nhượng đất là do bà Thanh nhờ ông. Toàn bộ số vàng ông đưa cho ông Thanh là của bà Thanh, ông chỉ là người giúp bà Thanh đưa giùm vàng nhận chuyển nhượng đất cho ông Thanh chứ không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Ông không có yêu cầu gì.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 585/DSST ngày 22-6-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    - Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Dương Thị Thanh.

    - Buộc ông Lai Hồng Thanh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng liên đới chịu trách nhiệm trả cho bà Dương Thị  Thanh số tiền 1.175.312.500 đồng.

    - Bác yêu cầu đòi số tiền nhận dư là 282.250.000 đồng của ông Lai Hồng Thanh đối với bà Dương Thị Thanh.

    Ngoài ra, bản án sơ thẩm  còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

    Trong các ngày 28-6-2008 và 14-8-2006, ông Thanh có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung: ông vay 300 lượng vàng 95% của bà Thanh và ông Quang, chứ không sang nhượng đất; ông đã trả cho ông Quang và bà Thanh 3 tỉ đồng (tương đương 525,624 lượng vàng 95%) vào ngày 10-12-2004; ông Quang và bà Thanh ép ông phải ký giấy thoả thuận thanh lý hợp đồng đất; do đó, yêu cầu Toà xem xét khoản tiền ông đã trả thừa cho ông Quang, bà Thanh và buộc ông Quang, bà Thanh phải trả lại cho ông 282.250.000đ còn thiếu của ông.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số27/DS-PT ngày 18-01-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Sửa án sơ thẩm.

    Buộc bà Dương Thị Thanh cùng ông Quách Triển Quang liên đới hoàn trả cho ông Lai Hồng Thanh số vàng lãi quá cao so với quy định của pháp luật là 47,4 lượng vàng 95%.

    Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí.

    Ngày 09-3-2007 bà Dương Thị Thanh có đơn khiếu nại cho rằng bà đã nhận chuyển nhượng 1000 m2 đất của ông Thanh và đã trả đủ 300 lượng vàng cho ông Thanh theo thỏa thuận, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định là bà cho vay vàng với  lãi suất cao và buộc bà cùng ông Quang liên đới trả 47,4 lượng vàng cho ông Thanh là không đúng. 

    Tại Quyết định số178/2007/KN-DS ngày 29-8-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số27/2007/DS-PT ngày 18-01-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại với nhận định như sau:

    “Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Thanh thừa nhận là ngày 10-6-2001 ông có ký hợp đồng sang nhượng đất cho bà Thanh, ông Quang, nhưng ông Thanh cho rằng việc ông ký hợp đồng sang nhượng đất nêu trên là để đảm bảo cho việc vay mượn vàng của bà Thanh, ông Quang; còn việc ông ký tên vào bản “Thỏa thuận thanh lý hợp đồng đất 10-6-2001” là do bị bà Thanh ép buộc; tuy nhiên, ông Thanh không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc vay vàng của bà Thanh, ông Quang với lãi suất cao, ông cũng thừa nhận không có chứng cứ chứng minh cho việc bị ép buộc ký bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng nêu trên.

    Ông Quách Triển Quang khai nhận ông chỉ là người môi giới cho bà Thanh mua đất của ông Thanh, việc ông đứng tên cùng với bà Thanh trong giấy tờ mua bán đất là do được bà Thanh nhờ, toàn bộ số vàng ông đưa cho ông Thanh là của bà Thanh, ông chỉ là người đưa giùm chứ không có liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Thanh với bà Thanh.

    Mặc dù trong bản “Thỏa thuận thanh lý hợp đồng đất 10-6-2001” giữa ông Thanh với bà Thanh, ông Quang có nội dung là 2 bên cùng nhau thỏa thuận chuyển nhượng lại 1000m2 đất với giá 4.282.250.000 đồng; nhưng thực chất phải xác định đây là thỏa thuận về việc giải quyết hậu quả của việc không tiếp tục thực hiện hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001 (do ông Thanh đã nhận tiền bán đất của bà Thanh, nhưng khi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì ông Thanh lại chuyển nhượng đất này cho Xí nghiệp xây dựng- đầu tư xây dựng khai thác công trình giao thông 584, nên phải hoàn trả bà Thanh số tiền đã nhận và bồi thường thiệt hại cho bà Thanh) và thỏa thuận về việc tính 282.250.000 đồng (số tiền mà ông Thanh trả dư cho bà Thanh trong việc vay nợ trước đây) vào số tiền mà ông Thanh trả cho bà Thanh do không thực hiện hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001. Do không có căn cứ để kết luận là ông Thanh bị ép buộc khi ký kết bản thỏa thuận nêu trên, đồng thời cũng không có căn cứ để kết luận hợp đồng sang nhượng đất lập ngày 10-6-2001 là thỏa thuận nhằm che giấu việc vay mượn vàng giữa ông Thanh với bà Thanh, nên phải xác định bản thỏa thuận nêu trên có giá trị pháp lý.

    Tòa án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001 giữa ông Thanh với bà Thanh, ông Quang là có thật, nhưng hợp đồng này không thực hiện được, ngày 10-12-2004 các bên đã lập “Thỏa thuận thanh lý hợp đồng đất 10-6-2001”, thỏa thuận này không trái pháp luật, nên đã chấp nhận yêu cầu của bà Thanh, buộc ông Thanh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Thanh) liên đới chịu trách nhiệm trả cho bà Thanh số tiền 1.175.312.500 đồng, đồng thời bác yêu cầu của ông Thanh đòi bà Thanh số tiền 282.250.000 đồng là có căn cứ.

    Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng hợp đồng sang nhượng đất lập ngày 10-6-2001 giữa ông Thanh với bà Thanh, ông Quang là không có thật, mà thực chất đây là việc cho vay vàng với lãi suất quá cao so với quy định của Nhà nước, nên đã buộc bà Thanh và ông Quang liên đới hoàn trả cho ông Thanh số vàng lãi quá cao so với quy định của pháp luật (47,4 lượng vàng 95%) là không có căn cứ”.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Quyết định kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại phần tính lãi trong bản án sơ thẩm cho đúng pháp luật.

    XÉT THẤY:

    1. Về hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001

    Ngày 01-11-1994, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số3671/QĐ-UB- QLĐT về việc “thu hồi và giao lại 7000m2đất toạ lạc phường 18, quận Tân Bình cho ông Lai Hồng Thanh”, nhưng trên thực tế ông Thanh chưa được nhận đất.

    Ngày 10-6-2001, ông Thanh ký hợp đồng sang nhượng diện tích 1000m2 đất (tại 254 hương lộ 14, phường 18, quận Tân Bình) theo Quyết định số 3671 cho ông Quang, bà Thanh với giá 300 lượng vàng 95%; đặt cọc 100 lượng vàng, số vàng còn lại bà Thanh và ông Quang sẽ trả đủ sau khi ông Thanh lo xong các thủ tục về đất đai. Trên thực tế bà Thanh và ông Quang đã trả đủ 300 lượng vàng cho ông Thanh (trong đó có 100 lượng vàng đã đặt cọc và 200 lượng vàng được giao sau khi ký hợp đồng), nhưng ông Thanh chưa có đất để giao cho bà Thanh và ông Quang. Ông Quang thừa nhận toàn bộ số số vàng 300 lượng đã giao cho ông Thanh là của bà Thanh.

    Trong quá trình tố tụng, có lúc ông Thanh khai là ông vay của bà Thanh và ông Quang là 300 lượng vàng 95%, chứ không có việc sang nhượng đất; có lúc ông Thanh lại khai là ông vay tiền vàng của ông Quang và bà Thanh, khi được nhận đất thì ông trả bằng đất tương ứng với tiền vay. Tuy nhiên, ông Thanh không xuất trình được chứng cứ chứng minh. Trong khi đó, ông Thanh đã có lời khai với nội dung thừa nhận việc sang nhượng đất cho ông Quang và bà Thanh; lời khai này phù hợp với việc giao nhận vàng của các bên, được thể hiện là sau khi ký hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001, bà Thanh và ông Quang đã nhiều lần giao vàng cho bố con ông Thanh và việc giao nhận vàng đều có giấy biên nhận; có lần giao nhận vàng đã ghi rõ số lượng vàng còn lại để giao tiếp; tại giấy nhận tiền ngày 03-01-2002 ghi rõ: ông Quang giao thêm cho chị Nguyệt (con gái ông Thanh) là 30 lượng, tổng cộng là 300 lượng “vậy là dứt điểm”.

    Vì vậy, có cơ sở xác định ông Thanh và ông Quang, bà Thanh có thỏa thuận và ký kết hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001; đây là hợp đồng có điều kiện (khi ông Thanh được giao đất thì sẽ làm thủ tục sang tên cho bà Thanh), đối tượng của hợp đồng là một phần diện tích đất theo Quyết định3671/QĐ-UB-QLĐT ngày 01-11-1994 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, nhưng trên thực tế thì  ông Thanh chưa được giao lại đất này; không có căn cứ xác định ông Thanh vay 300 lượng vàng 95% của ông Quang và bà Thanh; không có căn cứ kết luận hợp đồng sang nhượng đất lập ngày 10-6-2001 nhằm che giấu việc vay mượn vàng giữa ông Thanh với bà ThanhToà án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001 giữa ông Thanh với bà Thanh, ông Quang là có thật, nhưng không thực hiện được là có căn cứ. Toà phúc thẩm xác định hợp đồng sang nhượng đất lập ngày 10-6-2001 giữa ông Thanh với bà Thanh, ông Quang là không có thật và cho rằng thực chất đây là việc cho vay vàng với lãi suất quá cao để làm cơ sở giải quyết vụ án là sai.

    2. Về “Thoả thuận thanh lý hợp đồng đất 10-6-2001”

    Tại Quyết định số799/QĐ-UB ngày 26-02-2003 UBND thành phố Hồ Chí Minh sửa đổi Điều 1 của Quyết định số3671/QĐ-UB-QLĐT ngày 01-11-1994 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với nội dung: thu hồi 6144,5m2 đất hiện do Xí nghiệp Chế biến và cung ứng hàng xuất khẩu thuộc Công ty Vikamex đang quản lý để giao lại cho ông Lai Hồng Thanh sử dụng 6144,5m2 đất (Quyết định 3671 giao cho ông Thanh sử dụng 7000m2) và  ông Thanh có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Sau khi được giao đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Thanh không giao đất cho bà Thanh, ông Quang theo thỏa thuận tại hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001 mà lại chuyển nhượng toàn bộ lô đất 6144,5m2 (trong đó có 1000m2 đất mà ông Thanh đã ký hợp đồng sang nhượng cho bà Thanh, ông Quang) cho Xí nghiệp xây dựng đầu tư kinh doanh địa ốc 799 (nay là công ty đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584) với giá hơn 60 tỉ đồng vào ngày 23-6-2004.

    Do không còn đất giao cho bà Thanh và ông Quang, nên ngày 10-12-2004 ông Thanh và ông Quang, bà Thanh lập thỏa thuận thanh lý hợp đồng sang nhượng đất mà hai bên đã ký kết ngày 10-6-2001, theo đó ông Quang, bà Thanh đồng ý sang nhượng lại 1000m2 đất cho ông Thanh với giá 4.282.250.000đ; ông Thanh đã thanh toán cho bà Thanh và ông Quang là 3 tỉ đồng và 282.250.000đ (số tiền bà Thanh đang giữ của ông Thanh trong quan hệ vay mượn khác), cộng là 3.282.250.000đ; số tiền còn lại 1 tỷ đồng, ông Thanh sẽ trả cho bà Thanh và ông Quang vào ngày 24-01-2005.

    Mặc dù nội dung thoả thuận thanh lý hợp đồng sang nhượng đất ghi là ông Quang, bà Thanh “bán lại 1000m2 đất” cho ông Thanh, nhưng thực chất đây là thỏa thuận giải quyết hậu quả, bồi thường thiệt hại của ông Thanh cho bà Thanh do việc không tiếp tục thực hiện hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001. Không có tài liệu nào thể hiện việc ông Thanh ký kết thoả thuận thanh lý hợp đồng đất nêu trên là bị ép buộc hay không tự nguyện; mặt khác, không có căn cứ xác định hợp đồng sang nhượng đất lập ngày 10-6-2001 nhằm che giấu việc vay mượn vàng giữa ông Thanh với bà Thanh, ông Quang; do đó, “Thoả thuận thanh lý hợp đồng đất 10-6-2001” phù hợp với Điều 4 và Điều 389 Bộ luật dân sự năm 2005 nên phải được công nhận. Ông Thanh cho rằng ông bị ép buộc ký “Thoả thuận thanh lý hợp đồng đất” nói trên, nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh, nên không có cơ sở để chấp nhận. Vì vậy, ông Thanh phải có trách nhiệm trả cho bà Thanh, ông Quang số tiền còn thiếu 1 tỷ đồng và trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

    Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Thanh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Thanh) cùng liên đới chịu trách nhiệm trả cho bà Thanh số tiền nợ gốc và tiền lãi là có căn cứ. Trong trường hợp này lẽ ra phải buộc ông Thanh, bà Lan trả cho bà Thanh số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 305 BLDS năm 2005 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định mức lãi phải trả là 8,25%/12 tháng x150% x17 để buộc ông Thanh, bà Lan phải trả cho bà Thanh 175.312.500 đồng là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng sang nhượng đất ngày 10-6-2001 là không có thật, mà thực chất đây là việc cho vay vàng với lãi suất quá cao so với quy định của Nhà nước, nên đã buộc bà Thanh và ông Quang liên đới hoàn trả cho ông Thanh số vàng lãi quá cao so với quy định của pháp luật 47,4 lượng vàng 95%, là không có căn cứ.  

    Riêng về số tiền 282.250.000 đồng mà ông Thanh có yêu cầu phản tố đòi bà Thanh, ông Quang trả cho ông Thanh, thấy rằng:  trước đây ông Thanh có vay của bà Thanh 50 lượng vàng; khi ông Thanh trả cho bà Thanh số vàng nêu trên đã trả dư ra 282.250.000 đồng và khi hai bên ký kết thoả thuận thanh lý hợp đồng sang nhượng đất, thì số tiền này đã được khấu trừ vào tổng số tiền mà ông Thanh phải trả cho bà Thanh; trong quá trình tố tụng, ông Thanh và bà Thanh đã thừa nhận nội dung này. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu này của ông Thanh là đúng pháp luật; Tòa án cấp phúc thẩm không quyết định cụ thể về số tiền 282.250.000 đồng, nhưng qua cách tính toán trong phần nhận định của bản án phúc thẩm thì vẫn tính số tiền này để buộc bà Thanh và ông Quang phải trả cho ông Thanh trong tổng số 47,4 lượng vàng 95% là không có căn cứ.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ  khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số27/2007/DS-PT ngày 18-01-2007 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Dương Thị Thanh với bị đơn là ông Lai Hồng Thanh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Quách Triển Quang, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, chị Lai Hồng Nguyệt.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp sơ thẩm xác định giữa nguyên đơn và bị đơn có xác lập hợp đồng sang nhượng đất, nhưng không thực hiện được là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng hợp đồng trên là không có thật, dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.

     

     
    3459 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận