Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trần Văn Thừa phạm tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

Chủ đề   RSS   
  • #265171 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trần Văn Thừa phạm tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

    Số hiệu

    15/2007/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trần Văn Thừa phạm tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

    Ngày ban hành

    04/06/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

    ……..

    Ngày 04 tháng 6 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Trần Văn Thừa (Thạch) sinh năm 1981; trú tại: ấp Ông Lãnh, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; nghề nghiệp: lái xe; con ông: Trần Văn Xê và bà Phan Thị Việt; bị bắt giam ngày 24-02-2005.

    (Trong vụ án còn có Nguyễn Hoàng Hải bị kết án về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng").

    Người bị hại:

    1. Bà Nguyễn Thị Thực (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: anh Nguyễn Văn Bé Hai (con của bà Thực); trú tại: ấp Mỹ Hạnh A, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    2. Bà Trần Thị Hoa (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: chị Nguyễn Thị Thơ Thủy (con của bà Hoa và cũng là người bị hại trong vụ án); trú tại: ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    3. Bà Nguyễn Thị Út (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: anh Phan Cua Đinh (con của bà Út); trú tại: ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    4. Bà Nguyễn Thị Mọi, sinh năm 1950; trú tại: ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    5. Cháu Phạm Thiện Thành sinh 1995; người đại diện hợp pháp cho cháu Thành: anh Phạm Văn Bé sinh 1970 (cha của cháu Thành); trú tại: ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    6. Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy sinh 1979; trú tại: ấp Mỹ Thạnh B, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    7. Chị Nguyễn Thị Trúc Ly sinh năm 1985; trú tại: ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    8. Anh Trần Văn Thành sinh năm 1972; trú tại: ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    Bị đơn dân sự: Anh Phạm Văn Thanh; trú tại: số 92/3, khu 3 thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

    1. Công ty Bảo hiểm Bảo Việt tỉnh Vĩnh Long.

    2. Bến phà Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

    NHẬN THẤY:

    Ngày 24-02-2005 anh Phạm Văn Thanh là chủ xe ô tô (loại xe khách 15 chỗ ngồi) biển kiểm soát 64H-3151 đã thuê Trần Văn Thừa lái xe chở khách đi Châu Đốc. Khoảng 5 giờ sáng, Thừa điều khiển xe đến khu vực bến phà Trà Ôn và cho xe dừng trước rào chắn đường dẫn xuống phà. Cùng lúc đó, dưới bến sông có chiếc phà B12 vừa cập bến, trên phà có một chiếc xe tải, có nhiều xe mô tô và khách đang chuẩn bị lên bờ nên nhân viên kiểm soát vé điều hành bến phà là Nguyễn Hoàng Hải đã mở cổng phà cho xe và người từ dưới phà lên. Thấy cổng phà mở, Thừa liền cho xe chạy vào cổng và lái xe đậu bên trái đường dẫn ngay trước cổng phụ dành cho xe mô tô và khách đi bộ qua phà. Hải thấy Thừa điều khiển xe vào đường dẫn, nhưng đã không ngăn cản và cũng không buộc hành khách xuống xe qua phà mà chỉ hỏi Thừa: "đã mua vé qua phà chưa". Thừa trả lời: "chưa, vào trong bến rồi mua vé". Khi vào trong đường dẫn, Thừa kéo phanh tay, nhưng chưa hết cỡ và vẫn cho xe nổ máy. Thừa mở cửa xuống xe để mua vé qua phà, nhưng vừa đi được khoảng 5 đến 6 m thì xe 64H-3151 bắt đầu tuột dốc theo đường dẫn xuống sông. Nghe tiếng kêu Thừa quay lại định mở cửa xe, nhưng xe chìm dần xuống sông. Hậu quả là 03 người bị chết và thiệt hại về tài sản là 2.835.000 đồng.

    Sau khi tai nạn xảy ra, anh Phạm Văn Thanh là chủ phương tiện đã bồi thường mỗi gia đình nạn nhân 5.000.000 đồng và Bến phà Trà Ôn tự nguyện hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 2.000.000 đồng để mai táng.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 28/HSST/2006 ngày 10-5-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long áp dụng khoản 3 Điều 202, điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Trần Văn Thừa 08 (tám) năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ngoài ra còn áp dụng pháp luật và xử phạt Nguyễn Hoàng Hải 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

    Về bồi thường thiệt hại: áp dụng Điều 622, khoản 2 Điều 623, điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 610 Bộ luật dân sự; buộc anh Phạm Văn Thanh liên đới cùng Trần Văn Thừa bồi hoàn tiền cho những người có tên sau:

    1. Anh Nguyễn Văn Bé Hai số tiền 24.175.000 đồng (hai mươi bốn triệu một trăm bảy mươi lăm ngàn đồng);

    2. Chị Nguyễn Thị Thơ Thủy tổng cộng: 35.413.000 đồng (Ba mươi lăm triệu bốn trăm mười ba ngàn đồng), trong đó phần của bà Hoa là 34.413.000 đồng; phần của chị Thơ Thủy là 1.000.000 đồng.

    3. Anh Phan Cua Đinh số tiền 23.740.000 đồng (hai mươi ba triệu bảy trăm bốn mươi ngàn đồng);

    4. Bà Nguyễn Thị Mọi số tiền 1.200.000 đồng (một triệu hai trăm ngàn đồng);

    5. Cháu Phạm Thiện Thành (có đại diện là anh Phạm Văn Bé) số tiền 115.000 đồng (một trăm mười lăm ngàn đồng);

    6. Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy số tiền 110.000 đồng (một trăm mười ngàn đồng);

    7. Chị Nguyễn Thị Trúc Ly số tiền 110.000 đồng (một trăm mười ngàn đồng);

    8. Anh Trần Văn Thành số tiền 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng)

    Ghi nhận việc bến phà Trà Ôn chi hỗ trợ bồi thường cho Nguyễn Văn Bé Hai, Nguyễn Thị Thơ Thủy và Phan Cua Đinh mỗi người 3.000.000 đồng; tổng cộng là 9.000.000 đồng. Số tiền này được trừ vào số tiền của anh Thanh và bị cáo Thừa phải bồi thường cho 3 người có tên trên.

    Công ty bảo hiểm Bảo Việt Vĩnh Long phải chi trả cho anh Phạm Văn Thanh số tiền bảo hiểm là 90.000.000 đồng. Số tiền này để bồi thường cho các người bị hại, nếu thừa thì anh Phạm Văn Thanh được nhận lại.

    Ngày 15-5-2006 Trần Văn Thừa kháng cáo xin giảm hình phạt.

    Ngày 15-5-2006 anh Phạm Văn Thanh (chủ phương tiện) kháng cáo xin xét xử lại phần bồi thường dân sự (tại phiên tòa phúc thẩm anh Thanh rút đơn kháng cáo).

    Ngày 24-5-2006 Công ty bảo hiểm Bảo Việt tỉnh Vĩnh Long kháng cáo yêu cầu xét xử lại phần bồi thường dân sự.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1277/2006/HSPT ngày 28-8-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khoản 3 Điều 202, điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Trần Văn Thừa 08 (tám) năm  tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".

    Áp dụng Điều 622, khoản 2 Điều 623, điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 610 Bộ luật dân sự và khoản 1, khoản 2 Điều 42 Bộ luật hình sự buộc bị cáo Trần Văn Thừa cùng ông Phạm Văn Thanh phải liên đới bồi hoàn cho những người bị hại và đại diện bị hại:

    1. Ông Nguyễn Văn Bé Hai số tiền 24.175.000 đồng (hai mươi bốn triệu, một trăm bảy mươi lăm ngàn đồng chẵn);

    2. Bà Nguyễn Thị Thơ Thủy 35.413.000 đồng (Ba mươi lăm triệu bốn trăm mười ba ngàn đồng). Trong đó phần bà Thủy 1.000.000 đồng và phần của bà Hoa là 34.413.000 đồng.

    3. Ông Phan Cua Đinh số tiền là 23.740.000 đồng (hai mươi ba triệu, bảy trăm bốn mươi ngàn đồng chẵn).

    + Buộc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Vĩnh Long phải chi trả cho ông Phạm Văn Thanh số tiền bảo hiểm là 90.000.000 đồng (chín mươi triệu đồng). 

    Tại Quyết định kháng nghị số10/QĐ-VKSTC-V3 ngày 20-4-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1277/2006/HSPT ngày 28-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 28/HSST/2006 ngày 10-5-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy hai bản án hình sự nêu trên về phần quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đã nêu trong kháng nghị và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Trần Văn Thừa về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", Nguyễn Hoàng Hải về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là có căn cứ,  đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm có những sai lầm nghiêm trọng khi quyết định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại; cụ thể như sau:

    - Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc Trần Văn Thừa phải liên đới cùng anh Phạm Văn Thanh bồi thường thiệt hại là không đúng. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Mục 3 Nghị quyết 03/HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì "chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra". Trong trường hợp này, anh Phạm Văn Thanh là chủ sở hữu xe ô tô, còn Trần Văn Thừa chỉ là lái xe thuê, được anh Thanh trả lương theo từng lần chở khách, nên người chiếm hữu, sử dụng phương tiện gây ra tai nạn vẫn là anh Thanh, cho nên anh Thanh phải là người bồi thường toàn bộ thiệt hại.

    - Sau khi tai nạn xảy ra và trước khi xét xử sơ thẩm bến phà Trà Ôn đã hỗ trợ cho mỗi gia đình có người chết là 2.000.000 đồng (để mai táng). Tại phiên tòa sơ thẩm bến phà Trà Ôn tự nguyện hỗ trợ thêm cho mỗi gia đình có nạn nhân bị chết 3.000.0000 đồng. Như vậy, tổng số tiền mà bến phà Trà Ôn hỗ trợ cho 03 gia đình nạn nhân là 15.000.000 đồng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận khoản tiền mà bến phà Trà Ôn hỗ trợ cho 03 gia đình nạn nhân 9.000.000 đồng là không chính xác và lại trừ khoản tiền trên vào số tiền mà anh Phạm Văn Thanh và Trần Văn Thừa phải liên đới bồi thường cho 03 gia đình nạn nhân là không đúng. Số tiền này là bến phà Trà Ôn tự nguyện hỗ trợ cho 03 gia đình có nạn nhân bị chết mà không yêu cầu chủ phương tiện phải hoàn trả lại. 

    - Về việc Công ty bảo hiểm Bảo Việt Vĩnh Long phải có trách nhiệm hoàn trả cho anh Phạm Văn Thanh số tiền 90.000.000 đồng thì theo quy định tại khoản 2 Điều 580 Bộ luật dân sự: "Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại cho người thứ 3 thì có quyền yêu cầu bên bảo hiểm phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả cho người thứ ba, nhưng không vượt quá mức trả bảo hiểm mà các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật đã quy định". Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì tổng số tiền ba gia đình nạn nhân được bồi thường là 103.328.000 đồng chứ không phải chỉ có 83.328.000 đồng như Tòa án các cấp đã tuyên, vì vậy số tiền mà Công ty bảo hiểm Bảo Việt tỉnh Vĩnh Long phải hoàn trả cho anh Thanh, để anh Thanh chi trả cho 03 gia đình nạn nhân phải là 90.000.000 đồng. Tuy nhiên, khi tuyên trả cho anh Thanh thì cần phải tuyên số tiền này phải được tạm giữ để đảm bảo cho việc thi hành án. 

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1277/2006/HSPT ngày 28-8-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 28/2006/HSST ngày 10-5-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long về phần quyết định bồi thường thiệt hại và phần án phí dân sự; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy một phần:

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc quyết định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

     
    3780 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận