Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Vũ Phong bị xét xử về tội "Cướp giật tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265430 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Vũ Phong bị xét xử về tội "Cướp giật tài sản"

    Số hiệu

    12/2009/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Vũ Phong bị xét xử về tội "Cướp giật tài sản"

    Ngày ban hành

    30/09/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Phạm Vũ Phong sinh năm 1972; đăng ký nhân khẩu thường trú tại 86 Đinh Tiên Hoàng, phường 1, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở hiện tại: 6/1 Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hoá 9/12; nghề nghiệp: lái xe; con ông Phạm Hồng Hải (đã chết) và bà Võ Thị Thu (Hồng); có vợ và 02 con; tiền án: tại bản án số 512/HSST ngày 13-8-1991 bị Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 06 tháng tù về tội “Cướp tài sản của công dân” (đến thời điểm phạm tội chưa được xoá án); bị cáo hiện tại ngoại.

    Người bị hại: chị Cao Thị Nhung, trú tại 212/1 Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY:

    Khoảng 12 giờ ngày 23-02-1992, Phạm Vũ Phong, Mai Ngọc Huy, Phan Duy Cảnh, Phạm Minh Thành đèo nhau trên hai chiếc xe đạp, đến hẻm 87 Đinh Tiên Hoàng thì phát hiện cùng chiều có hai người phụ nữ đi trên một chiếc xe đạp, chị Cao Thị Nhung ngồi đằng sau đeo một sợi dây chuyền vàng. Cảnh rủ Phong, Huy, Thành giật sợi dây chuyền của chị Nhung, cả bọn đồng ý. Phong chở Huy giả vờ chọc ghẹo chị Nhung. Thành chở Cảnh áp sát bên trái xe của chị Nhung. Cảnh nhảy xuống giật sợi dây chuyền của chị Nhung, rồi leo lên xe để Thành chở bỏ chạy. Tất cả đến quán cà phê gần chợ Phú Nhuận thì gặp Nguyễn Ngọc Trung và Hoàng và có kể lại việc giật sợi dây chuyền cho Trung và Hoàng nghe. Hoàng chở Cảnh đi bán sợi dây chuyền tại tiệm vàng Kim Phát được 244.000 đồng, chia đều mỗi người được 30.000 đồng, còn lại 64.000 đồng tiêu xài chung.

    Ngày 31-3-1992, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Sau đó, Huy, Cảnh, Thành bị bắt; Nguyễn Ngọc Trung và Phạm Vũ Phong bỏ trốn, Hoàng không rõ lai lịch.

    Ngày 28-5-1992, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và Quyết định truy nã đối với Phạm Vũ Phong.

    Người bị hại là chị Cao Thị Nhung đã được Cơ quan điều tra trả lại sợi dây chuyền và không có khiếu nại gì.

    Hành vi phạm tội của Mai Ngọc Huy, Phan Duy Cảnh và Phạm Minh Thành đã bị xét xử tại bản án hình sự sơ thẩm số 109/HSST ngày 29-9-1994 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày 13-4-2007, Phạm Vũ Phong bị bắt theo Quyết định truy nã số 968-60 ngày 28-5-1992 do Thiếu tá Trần Hùng Nghiệp - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh ký.

    Tại Cáo trạng số352/KSĐT-XXHS-STKT ngày 27-8-2007, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh truy tố Phạm Vũ Phong về tội “Cướp giật tài sản” theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 960/2007/HSST ngày 29-9-2007, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng các điểm a và d khoản 2 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985; các điểm g và p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt Phạm Vũ Phong 02 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”.

    Ngày 03-10-2007, Phạm Vũ Phong kháng cáo xin hưởng án treo.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 22/2008/HSPT ngày 15-01-2008, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Tại Kháng nghị số 18/2009/HS - TK ngày 02-6-2009, Chánh án Toà án   nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 22/2008/HSPT ngày  15-01-2008 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 960/2007/HSST ngày 29-9-2007 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

    Tại Quyết định số 03/2009/HS ngày 02-6-2009, Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 22/2008/HSPT ngày 15-01-2008 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi có kết quả xét xử giám đốc thẩm.

    Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên toà giám đốc thẩm nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.   

    XÉT THẤY:

    Hành vi phạm tội của Phạm Vũ Phong thuộc trường hợp quy định tại các điểm a và d khoản 2 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985, có mức hình phạt tù từ 02 năm đến 10 năm và thuộc tội phạm nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự năm 1985, thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng là 15 năm, kể từ ngày tội phạm được thực hiện. Từ ngày Phạm Vũ Phong thực hiện hành vi phạm tội (ngày 23-02-1992) đến ngày bị bắt theo Quyết định truy nã (ngày 13-4-2007) là đã được 15 năm 01 tháng 20 ngày.

    Tại giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh thời gian Phạm Vũ Phong sinh sống ở địa phương từ năm 1983 đến tháng 5-2007. Theo xác nhận của Công an phường 1, quận Bình Thạnh nơi Phong cư trú từ năm 1983 đến năm 1990, từ năm 1994 đến năm 2002 và của Công an phường 5, quận Gò Vấp nơi Phong cư trú từ năm 2002 đến tháng 5-2007, thì trong thời gian trên Phạm Vũ Phong thường xuyên sinh sống ở địa phương và không có vi phạm gì. Những xác nhận này được ghi tại bản lý lịch bị can, lý lịch đối tượng và có trong hồ sơ vụ án (bút lục 29 và 31), nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không căn cứ vào đó để xem xét đến thời hạn được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Vũ Phong là sai lầm nghiêm trọng.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, Phạm Vũ Phong gửi đơn khiếu nại đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, với nội dung xin được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo các tài liệu Phạm Vũ Phong gửi kèm đơn khiếu nại, thì trong thời gian trên, Phạm Vũ Phong vẫn thực hiện các thủ tục tư pháp tại chính quyền địa phương như xin cấp lại chứng minh nhân dân, nhập sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, được cấp thẻ cử tri để bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…; như vậy, nếu căn cứ vào các tài liệu do Phong xuất trình, thì từ ngày phạm tội Phạm Vũ Phong không cố tình trốn tránh. Tuy nhiên, các tài liệu này đều là bản phô tô, nên cần phải điều tra lại để xác minh sự chính xác và tính hợp pháp của chúng. Ngoài ra, cũng cần điều tra làm rõ Quyết định truy nã đối với Phạm Vũ Phong có được ban hành đúng về nội dung, hình thức cũng như việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 hay không? Cụ thể: hộ khẩu thường trú của Phạm Vũ Phong là 86 Đinh Tiên Hoàng, phường 1, quận Bình Thạnh nhưng Quyết định truy nã lại xác định là 86A Đinh Tiên Hoàng, phường 1; vậy hai địa chỉ này có khác nhau không, hay chỉ là một? Quyết định truy nã có được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và gửi về Công an phường 1 hay không?.

    Trường hợp sau khi điều tra lại, có cơ sở xác định Phạm Vũ Phong không được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể căn cứ việc Phạm Vũ Phong đã có thời gian dài ở ngoài, không vi phạm pháp luật, làm việc và sinh sống ổn định tại địa phương, xét thấy Phạm Vũ Phong không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho Phạm Vũ Phong theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1985.

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 nhưng lại tuyên Phạm Vũ Phong phạm tội “Cướp giật tài sản” là không chính xác, mà đúng ra phải tuyên Phong phạm tội “Cướp giật tài sản của công dân”.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 22/2008/HSPT ngày 15-01-2008 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 960/2007/HSST ngày 29-9-2007 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để điều tra lại; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Cần xác định bị cáo có được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

     

     
    4498 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận