Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Duy Luật phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265371 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Duy Luật phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

    Số hiệu

    15/2008/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Phạm Duy Luật phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

    Ngày ban hành

    06/10/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 06 tháng 10 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với: 

    1. Phạm Duy Luật (tức Phạm Đức Luật) sinh năm 1955; trú tại nhà số 71/366 phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; khi phạm tội là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hải Phú Sơn; con ông Phạm Đình Lợi (đã chết) và bà Hoàng Thị Ám; có vợ và 03 con; ngày 16-6-2006 bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội  xử phạt 17 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; bị bắt giam ngày 29-4-2004.

    2. Phạm Văn Hùng sinh năm 1958; trú tại số nhà 15, ngõ 48, đường Tây Hồ, phường Quảng An, thành phố Hà Nội; khi phạm tội là Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Hải Phú Sơn; con ông Phạm Văn Tịch (liệt sĩ) và bà Lê Thị Thảo; có vợ và hai con; bị bắt giam ngày 22-9-2005.

    NHẬN THẤY:

    Phạm Duy Luật là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hải Phú Sơn (sau đây viết tắt là Công ty HPS). Công ty HPS có chức năng kinh doanh về dịch vụ nhà đất, kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác.

    Ngày 06-6-2003, Phạm Duy Luật làm Tờ trình gửi các cơ quan chức năng đề nghị giao cho Công ty của Luật lập dự án đầu tư kinh doanh nhà ở, khu vui chơi giải trí... tại khu đất có diện tích 8.604 m2 thuộc xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

    Tại Quyết định số4430/QĐ-UB ngày 29-7-2003, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý cho Công ty HPS lập dự án sử dụng đất, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thời hạn lập dự án là 06 tháng.

    Tuy nhiên, Phạm Duy Luật và Phạm Văn Hùng (Trưởng phòng kinh doanh bất động sản của Công ty HPS) không tiến hành lập dự án và mặc dù Công ty HPS chưa được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội giao quyền sử dụng diện tích đất nêu trên, nhưng từ ngày 18-8-2003 đến ngày 18-11-2003 Luật và Hùng đã chia lô khu đất ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng 2.385 m2 đất cho 25 người, thu tiền đặt cọc tổng số là 8.788.000.000 đồng.

    Trong quá trình điều tra có 22 người đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết với tổng số tiền là 7.648.000.000 đồng.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 381/2006/HSST ngày 30-8-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

    - Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt Phạm Duy Luật tử hình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổng hợp với hình phạt 17 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại bản án hình sự phúc thẩm số 595/HSPT ngày 16-6-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là tử hình.

    - Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; các điểm b và p khoản 1 Điều 46;  điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, xử phạt Phạm Văn Hùng  12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    - Buộc Phạm Duy Luật bồi thường cho những người bị hại tổng số là 7.298.000.000 đồng.

    Kháng cáo: trong thời hạn luật định, Phạm Duy Luật và Phạm Văn Hùng đều có đơn xin giảm hình phạt.

    Tại Kháng nghị số 02/QĐ/VKS-P1 ngày 01-9-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho Phạm Duy Luật xuống tù chung thân.

    14 người bị hại kháng cáo đề nghị giảm hình phạt cho Phạm Duy Luật, tăng hình phạt đối với Phạm Văn Hùng; buộc Hùng liên đới bồi thường thiệt hại, đề nghị thu hồi số tiền Luật đã chuyển cho các đơn vị khác để bồi thường cho những người bị hại.

     Tại bản án hình sự phúc thẩm số 374/2007/HSPT ngày 02-5-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên quyết định về tội danh, hình phạt của Tòa án cấp sơ thẩm đối với Phạm Duy Luật và Phạm Văn Hùng. Buộc Phạm Duy Luật và Phạm Văn Hùng liên đới bồi thường cho những  người bị hại số tiền là 7.298.000.000 đồng, trong đó Luật phải bồi thường 6.203.300.000 đồng, Hùng phải bồi thường 1.094.700.000 đồng.

    Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số09/HS-TK ngày 16-6-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 374/2007/HSPT ngày 02-5-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 381/2006/HSST ngày 30-8-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, để điều tra lại.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

     Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Phạm Duy Luật và Phạm Văn Hùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có một số sai lầm, thiếu sót trong việc xác định phạm vi xử lý, xác định tài sản bị chiếm đoạt cần được thu hồi, tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội cần được kê biên, định giá để đảm bảo thi hành án…; cụ thể như sau:

    1. Theo lời khai của Phạm Duy Luật thì trong tổng số tiền bán đất mà   Luật chiếm đoạt, Luật đã chi cho các cán bộ có thẩm quyền là anh Lương Xuân Hiển (là Phó Trưởng phòng Phòng hành chính của Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất thành phố Hà Nội) và ông Đào Công Từ (là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) 5.700.000.000 đồng để được xem xét đề nghị cấp đất cho Công ty. Nếu việc chi tiền là có thật thì số tiền đó là tài sản do các bị cáo phạm tội mà có cần phải được thu hồi trả lại cho những người bị hại và đây còn là dấu hiệu của một tội phạm khác. Việc Cơ quan điều tra tách hồ sơ liên quan đến việc này để điều tra, xử lý sau đã ảnh hưởng đến việc giải quyết toàn diện vụ án và khả năng thu hồi, xử lý tài sản bị chiếm đoạt.

    2. Trong số tiền 500 triệu đồng Phạm Duy Luật đưa cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Bảo để chi phí cho việc tư vấn xin cấp đất có 300 triệu đồng Phạm Duy Luật và Phạm Văn Hùng thu của những người mua đất.    Đây là tài sản do các bị cáo Luật và Hùng phạm tội mà có cần phải được thu hồi để trả lại cho những người bị hại. Ngoài ra, cần xác định Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Bảo đã hoàn thành việc tư vấn xin đất cho Phạm Duy Luật ở mức độ nào, giá trị tiền tư vấn là bao nhiêu để xem xét, đối trừ số tiền Công ty này đã nhận của Luật, từ đó xác định số tiền còn lại phải thu hồi.  Mặt khác, Phạm Duy Luật còn đặt cọc 190.000.000 đồng và 3.000 USD để mua khách sạn của Công ty cổ phần du lịch Bãi Cháy (việc mua bán không thành). Luật khai đây là tài sản riêng, nhưng Cơ quan điều tra chưa làm rõ số tiền trên là tài sản riêng của Luật hay là tiền do Luật chiếm đoạt được của những người bị hại. Nếu là tài sản chiếm đoạt được của những người bị hại thì việc Tòa án cấp sơ thẩm không thu hồi số tiền nêu trên để trả lại cho những người bị hại mà quyết định giành quyền khởi kiện vụ án dân sự cho Phạm Duy Luật đối với việc giải quyết các khoản tiền trên là không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự và không bảo đảm quyền lợi cho những người bị hại.

     Sau khi xét xử sơ thẩm, những người bị hại kháng cáo đề nghị thu hồi các khoản tiền nêu trên. Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét nhưng không có quyết định đối với kháng cáo này của những người bị hại là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 241 Bộ luật tố tụng hình sự về phạm vi xét xử phúc thẩm.

    3. Phạm Duy Luật có ngôi nhà tại số 71/366 phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội và Luật khai còn có 8.000 m2 đất tại tỉnh Bình Dương. Các tài sản này đều chưa được điều tra,  xác định giá trị để có biện pháp kê biên, định giá, bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại.

    Ngoài ra, gia đình Phạm Văn Hùng đã bồi thường cho ông Đỗ Minh Cao 350 triệu đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Số tiền này lẽ ra phải được trừ vào phần Hùng có trách nhiệm bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm khấu trừ vào tổng số tiền mà Luật và Hùng có trách nhiệm bồi thường là không đúng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 374/2007/HSPT ngày 02-5-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 381/2006/HSST ngày 30-8-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử Phạm Duy Luật và Phạm Văn Hùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.       

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Một số khoản tiền và tài sản của bị cáo chưa được điều tra, xác định để thu hồi trả lại và bồi thường cho những người bị hại. Do đó, vụ án cần được điều tra lại theo thủ tục chung.

     

     
    4656 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    iec.corp (20/09/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận