Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Văn Huy phạm tội "Cố ý gây thương tích"

Chủ đề   RSS   
  • #265376 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Văn Huy phạm tội "Cố ý gây thương tích"

    Số hiệu

    17/2008/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Văn Huy phạm tội "Cố ý gây thương tích"

    Ngày ban hành

    24/11/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

    ……..

    Ngày 24 tháng 11 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với: 

    Nguyễn Văn Huy sinh năm 1976; trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; con ông Nguyễn Đình Thanh và bà Thái Thị Thanh; có vợ và 02 con; bị bắt tạm giam từ ngày 21-11-2005 đến ngày 13-12-2005.

    Người bị hại: anh Hồ Quốc Đoàn sinh ngày 22-9-1988 (khi bị đánh 16 tuổi 01 tháng 12 ngày); trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

    Người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông Hồ Thanh Tùng (là bố của anh Đoàn); trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

    NHẬN THẤY:

    Khoảng 20 giờ ngày 04-11-2004 Nguyễn Văn Huy đi xe mô tô từ nhà Huy đến nhà ông Nguyễn Đình Thanh (cha ruột Huy) thì gặp các anh Nguyễn Phúc Minh và Dương Thanh Tâm là hai người đang đi bộ cùng chiều. Do Huy đi xe gây bụi nên hai bên có lời qua tiếng lại. Ngay lúc đó Huy vào nhà ông Thanh cất xe, lấy cây gậy gỗ đuổi theo các anh Minh và Tâm. Đi đến khu vực nhà anh Lê Văn Đán thì Huy gặp các anh Trần Thế Đôi và Nguyễn Xuân Cát, Huy liền nói “có bọn C14 (ở tổ dân phố 7) đến quậy phá nhà ông già tôi” và cùng các anh Đán, Đôi, Cát quay lại nhà ông Thanh. Khi đến trước cổng nhà ông Thanh, Huy nghe ông Thái Văn Hội hô “Bắt trói chúng nó lại” và thấy anh Hồ Quốc Đoàn đang ngồi trên xe đạp trước cổng nhà ông Thập, Huy chạy đến dùng cây gậy gỗ đánh 01 cái vào lưng anh Đoàn. Anh Đoàn bỏ xe đạp chạy vào sân nhà ông Thập, liền bị Nguyễn Văn Sơn cầm cây gậy le nhảy qua hàng rào từ sân nhà ông Thanh sang sân nhà ông Thập đánh 01 cái trúng vào lưng. Anh Đoàn bỏ chạy ra cổng nhà ông Thập thì gặp Huy. Huy giơ gậy lên đánh 01 cái từ trên xuống về phía anh Đoàn, anh Đoàn giơ tay lên đỡ nên đã trúng khuỷu tay trái. Huy cầm gậy đi về phía cổng nhà ông Thanh, sau đó định quay lại để tiếp tục đánh anh Đoàn thì được mọi người can ngăn. Anh Đoàn được đưa đi cấp cứu tại trung tâm y tế huyện Đăk Hà, nằm điều trị 8 ngày (từ ngày 08-11-2004 đến ngày 15-11-2004 ra viện về nhà tiếp tục điều trị).

    Tại bản giám định pháp y số 66/PY ngày 17-11-2004, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Kon Tum kết luận: Hồ Quốc Đoàn bị gãy mỏm khuỷu trái (T), đầu trên lồi cầu trong xương cánh tay (T) chưa cal, trục thẳng. Tỷ lệ thương tật toàn bộ 33% vĩnh viễn.

    Trước khi xét xử sơ thẩm gia đình Huy đã đến nhà anh Đoàn xin gia đình anh Đoàn bãi nại cho Huy và bồi thường trước cho anh Đoàn 7.000.000 đồng.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 34/HSST ngày 07-8-2006, Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Văn Huy 03 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”; buộc Huy phải bồi thường cho anh Đoàn 7.295.000 đồng (đã bồi thường được 7 triệu) còn phải bồi thường tiếp cho anh Đoàn số tiền 295.000 đồng.

    Ngày 09-8-2006 Nguyễn Văn Huy kháng cáo kêu oan.

    Tại Quyết định kháng nghị số 01/KN ngày 21-8-2006, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum kháng nghị đề nghị Toà án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với Nguyễn Văn Huy.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 40/2007/HSPT ngày 16-11-2007, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248; khoản 2 Điều 107 và Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định: “bác kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum về việc tăng hình phạt; chấp nhận kháng cáo của bị cáo”; tuyên bố Nguyễn Văn Huy không phạm tội “cố ý gây thương tích”. Huỷ bản án hình sự sơ thẩm số 34/2006/HSST ngày 07-8-2006 của Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử đối với Nguyễn Văn Huy về tội “cố ý gây thương tích” và đình chỉ vụ án.

    Tại Công văn số76/CV-TA ngày 14-12-2007, Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum không đồng ý với bản án phúc thẩm và đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao giám đốc bản án phúc thẩm theo quy định tại Điều 274 Bộ luật tố tụng hình sự.

    Tại Quyết định kháng nghị số07/2008/HS-TK ngày 27-5-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc số 40/2007/HSPT ngày 16-11-2007 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân  tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    1. Về thủ tục tố tụng.

    Toà án cấp phúc thẩm hoãn phiên toà để yêu cầu Viện thực hành quyền công tố và xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng tiến hành giám định lại thương tích của anh Hồ Quốc Đoàn là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Theo quy định tại Điều 34 và Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ có Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát mới có thẩm quyền Quyết định trưng cầu giám định, không có điều luật nào quy định Toà án có quyền hoãn phiên toà để yêu cầu trưng cầu giám định lại. Theo quy định tại Điều 311 của Bộ luật tố tụng hình sự thì trong trường hợp có nghi ngờ về bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác có liên quan đến năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị cáo có biểu hiện trong giai đoạn xét xử, thì Toà án mới có quyền trưng cầu giám định. Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004 thì “trong trường hợp việc giám định được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng và Pháp lệnh này quy định thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể không trưng cầu giám định nữa mà sử dụng kết luận giám định đó như kết luận giám định tư pháp”. Đối với vụ án này, Bản giám định pháp y số 66/GĐPY ngày 17-11-2004 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Kon Tum đã thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp. Trường hợp Toà án cấp phúc thẩm có nghi ngờ về kết quả giám định thì phải huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

     Toà án cấp phúc thẩm nhận định bị cáo chỉ gây thương tích cho người bị hại có 4%, đồng thời cho rằng người đại diện hợp pháp của người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên toà sơ thẩm để xác định hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm, nhưng lại áp dụng khoản 2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự để tuyên bố bị cáo không phạm tội “cố ý gây thương tích” là không đúng. Trong trường hợp, nếu huỷ án sơ thẩm và theo kết luận giám định đúng quy định là người bị hại chỉ bị thương tích 4% và có yêu cầu không xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì Toà án cấp phúc thẩm phải áp dụng khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự đình chỉ vụ án.

    2. Về nội  dung vụ án.

    Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào Bản giám định pháp y số 66/GĐPY ngày 17-11-2004 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Kon Tum kết luận người bị hại bị thương tật với tỉ lệ 33% để xử phạt bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” là đúng, vì theo quy định tại Điều 31 Pháp lệnh giám định tư pháp thì thành phần giám định do một người thực hiện là không trái pháp luật. Tuy trong Bản giám định này có viết xếp hạng thương tật 33% “vĩnh viễn” là chưa chính xác, nhưng tại Công văn số01/CV-PY ngày 07-01-2008 của Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã giải thích rằng việc xếp hạng thương tật 33% “vĩnh viễn” đối với anh Đoàn theo kết luận của Bản giám định pháp y số 66 ngày 17-11-2004 là có sự nhầm lẫn, đúng ra phải xếp hạng thương tật “tạm thời”. Nguyễn Văn Huy đã vô cớ dùng gậy gỗ đánh anh Đoàn, nhưng Toà án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết được quy định tại các điểm a (dùng hung khí nguy hiểm) và điểm i (có tính chất côn đồ) khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là không đúng.

    Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào Bản kết luận giám định pháp y số37/GĐ-PY ngày 14-3-2007 của Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum kết luận anh Đoàn bị thương tật với tỉ lệ 4% vĩnh viễn và căn cứ vào việc người đại diện của người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi xét xử sơ thẩm để tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án là không đúng. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì từ khi anh Đoàn bị đánh cho đến khi giám định lại là 02 năm 4 tháng 10 ngày. Với kết quả giám định lại tỉ lệ thương tật không còn có tính khách quan nữa, nên không thể chấp nhận kết quả giám định pháp y lần 2 cho dù việc giám định đúng pháp luật không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trước khi xét xử vụ án người đại diện hợp pháp của người bị hại có ký vào đơn bãi nại đề ngày 21-4-2006 do gia đình bị cáo viết. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả xác minh của Cơ quan điều tra tại các Biên bản ghi lời khai vào các ngày 25, 29 và 31 tháng 5 năm 2006, thì việc ký vào đơn bãi nại này của phía bị hại là do bị tác động từ gia đình bị cáo. Tại phiên toà sơ thẩm phía người bị hại vẫn yêu cầu giải quyết theo pháp luật và cho rằng việc bãi nại chỉ là để xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; do đó, không có căn cứ cho rằng phía bị hại đã rút yêu cầu khởi tố trước khi xét xử như nhận định của Toà án cấp phúc thẩm.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 40/2007/HSPT ngày 16-11-2007 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

    Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã căn cứ vào kết quả giám định pháp y lần thứ 2. Kết luận này cách thời điểm xảy ra vụ án là 2 năm 4 tháng 10 ngày (thời gian đã quá dài) nên không thể thấp nhận kết luận này. Hơn nữa người bị hại vẫn yêu cầu giải quyết vụ án theo pháp luật. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là không có căn cứ.

     
    5540 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận