Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Thanh Khiết và đồng bọn bị kết án về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của...

Chủ đề   RSS   
  • #265423 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Thanh Khiết và đồng bọn bị kết án về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của...

    Số hiệu

    08/2009/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Thanh Khiết và đồng bọn bị kết án về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước

    Ngày ban hành

    14/07/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 14 tháng 7 năm 2009, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1. Nguyễn Thanh Khiết sinh năm 1948; th­ường trú tại khóm 1, ph­ường Cam Lộc, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; trình độ văn hoá 10/10; nghề nghiệp khi phạm tội là Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ tinh Cam Ranh; con ông Nguyễn Văn Lướng và bà Vũ Thị Tửu; có vợ là Nguyễn Thị Then và có 05 con; bị cáo đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam A2, Cục V26 thuộc Bộ Công an.

    2. Lê Thành Sơn sinh năm 1946; th­ường trú tại số nhà 91A, Lê Hồng Phong, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; trình độ văn hoá 10/10; nghề nghiệp khi phạm tội là Giám đốc Công ty Vật tư­ Công nghiệp tỉnh Khánh Hòa; con ông Lê Công Tám và bà Tôn Nữ Thị Bửu; có vợ là Trư­ơng Thị Trà Ph­ương và có 02 con.

    Nguyên đơn dân sự: Công ty Thủy tinh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

    NHẬN THẤY:

    Thực hiện chủ trư­ơng nâng cấp Xí nghiệp Thủy tinh Cam Ranh thành Nhà máy Thủy tinh Cam Ranh sản xuất bao bì thủy tinh với công xuất 25 tấn sản phẩm/ngày theo công nghệ của Công ty FaNT thuộc Cộng hòa liên bang Nga, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo cho Sở Công nghiệp lập Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật. Sở Công nghiệp giao cho Nguyễn Thanh Khiết là Giám đốc Xí nghiệp Thủy tinh Cam Ranh thực hiện và chỉ đạo Lê Thành Sơn là Giám đốc Công ty Vật t­­ư Công nghiệp Khánh Hòa (Khamatco) trực thuộc Sở Công nghiệp soạn thảo hợp đồng uỷ thác mua bán thiết bị sản xuất chai thủy tinh với Xí nghiệp thủy tinh Cam Ranh và hợp đồng mua bán, lắp đặt dây chuyền công nghệ với Công ty FaNT.

    Sau khi Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật đ­ược UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt. Ngày 10-5-1994, Nguyễn Thanh Khiết và Lê Thành Sơn ký Hợp đồng Uỷ thác nhập khẩu thiết bị sản xuất chai thủy tinh số03/VT-HĐUT, với nội dung: Công ty Khamatco nhập cho Xí nghiệp Thủy tinh Cam Ranh thiết bị sản xuất chai thủy tinh đựng thực phẩm lỏng với công suất 25 tấn sản phẩm/ngày, toàn bộ thiết bị mới 100% do các n­ước SNG sản xuất từ năm 1992 trở lại. Tổng giá trị hệ thống thiết bị giao tại Cảng thành phố Hồ Chí Minh là 1.240.000USD; trong đó, giá trị các thiết bị là 992.000USD, chi phí thiết kế chuyển giao công nghệ, chuyên gia và bảo hành là 248.000USD. Chất lượng các thiết bị đều phải có văn bản nghiệm thu của Nhà máy sản xuất. Riêng máy tạo hình chai phải có chứng chỉ chất l­ượng của Nhà n­ước CHLB Nga. Chất l­ượng thiết bị nhập đ­ược Vinacontrol kiểm nghiệm, văn bản kiểm nghiệm của Vinacontrol là cơ sở pháp lý giải quyết về chất l­ượng thiết bị.

    Trên cơ sở hợp đồng uỷ thác hai bên đã ký, ngày 15-5-1994, Lê Thành Sơn ký hợp đồng mua bán, lắp đặt dây chuyền công nghệ số 01-94/FaNT-KHAMTCO với Công ty FaNT của CHLB Nga, với nội dung: Công ty FaNT bán cho Công ty Khamatco toàn bộ hệ thống thiết bị dùng để sản xuất chai đựng bia mầu nâu gồm 03 loại dung tích (0,7 lít, 0,5 lít và 0,33 lít) có công suất 25 tấn sản phẩm/ngày; toàn bộ thiết bị mới 100%  do các n­­ước SNG sản xuất từ năm 1992 trở lại. Tổng giá trị hợp đồng là 1.240.000 USD; trong đó, giá toàn bộ hệ thống thiết bị theo điều kiện CIF Cảng Sài Gòn là 992.000 USD, chi phí thiết kế, chuyển giao công nghệ, chuyên gia và bảo hành là 248.000 USD. Chất lượng thiết bị nhập đ­ược Vinacontrol kiểm nghiệm đạt yêu cầu, văn bản kiểm nghiệm của Vinacontrol là cơ sở pháp lý cho các tranh chấp về chất l­ượng thiết bị. Quy cách, số l­ượng thiết bị vật t­ư do hai bên kiểm nghiệm có xác nhận của hãng tầu và Cảng. Các thiết bị đều có văn bản nghiệm thu của nhà máy sản xuất (riêng máy tạo hình chai  phải có chứng chỉ chất l­ượng cấp quốc gia).

    Sau khi ký hợp đồng với Công ty FaNT, Lê Thành Sơn được UBND tỉnh Khánh Hòa cử làm tr­ưởng đoàn, Nguyễn Thanh Khiết là thành viên sang Công ty FaNT để đàm phán việc thực hiện hợp đồng. Tại CHLB Nga, Sơn và Khiết đ­ược Công ty FaNT cho biết dây chuyền, thiết bị đã ký bán ch­ưa đ­ược sản xuất mà chỉ đưa đi tham quan một số Nhà máy sản xuất chai thủy tinh t­ương tự. Trong quá trình đàm phán, Sơn và Khiết đã thoả thuận thay đổi một số thiết bị và giảm bớt một số thiết bị đã đ­ược nêu tại hợp đồng số 01-94//FaNT-KHAMTCO mà không ký lại phụ lục hợp đồng. Khi về Việt Nam, Sơn và Khiết không báo cáo lại Sở Công nghiệp và UBND tỉnh Khánh Hòa biết, từ đó một số thiết bị của dây chuyền sản xuất chai thủy tinh theo hợp đồng đã ký lại được chế tạo tại Việt Nam và một số n­­ước khác làm cho dây chuyền lắp đặt không đồng bộ.

    Theo quy định của Pháp lệnh chuyển giao công nghệ ngày 05-12-1988 của Hội đồng Nhà n­ước; Điều 20 Nghị định số 49/HĐBT ngày 04-3-1991 của Hội đồng Bộ trư­ởng (nay là Chính phủ) và Thông t­ư số 28-TT/QLKH ngày 21-10-1994 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi tr­ường thì “hợp đồng mua bán dây chuyền, thiết bị có nội dung chuyển giao công nghệ phải đ­ược lập hợp đồng chuyển giao công nghệ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; các khoản phải thanh toán cho phần chuyển giao công nghệ trong thời hạn hợp đồng theo ph­ương thức trả gọn, đ­ược quy định giới hạn từ 03-08% trên tổng số vốn đầu tư của dự án”. Với số tiền 248.000 USD về chuyển giao công nghệ, Sơn không lập hợp đồng chuyển giao công nghệ riêng với Công ty FaNT để trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt mà đ­ưa luôn nội dung này vào hợp đồng mua bán, lắp đặt dây chuyền thiết bị với Công ty FaNT. Vì vậy, số tiền chuyển giao công nghệ chiếm tỷ lệ 11,67% trên tổng số tiền của dự án (1.240.000 USD), đã v­ượt quá giới hạn cao nhất (8%), gây thiệt hại 106.970 USD (tư­ơng đ­ương 1.679.429.000 đồng, theo giá quy đổi tại thời điểm năm 1995 là 15.700 đồng/USD).

    Trong quá trình thực hiện hợp đồng với Công ty FaNT, Lê Thành Sơn đã nhờ ông Nguyễn Chiến Thắng là nghiên cứu sinh của Việt Nam tại CHLB Nga ký nhận giúp 03 chuyến thiết bị để đ­ưa xuống tàu tại Cảng Odessa và Cảng S.Petesrbua thuộc CHLB Nga, sau đó máy móc thiết bị đư­ợc vận chuyển về Việt Nam (ông Thắng không phải là ng­ười của Công ty Khamatco và cũng không có trách nhiệm gì về hợp đồng; theo ông Thắng thì máy và thiết bị đã cũ, sản xuất đã từ lâu, như­ng không biết sản xuất năm nào). Lê Thành Sơn trực tiếp chỉ đạo nhận 04 chuyến hàng tại Tân Cảng và Cảng Tân Thuận Đông, thành phố Hồ Chí Minh với tổng giá trị các thiết bị là 218.000 USD và các thiết bị máy móc này không đ­ược Vinacontrol kiểm tra chất lượng, bàn giao tay ba giữa Xí nghiệp Thủy tinh Cam Ranh, Công ty Khamatco và Công ty FaNT như­ hợp đồng đã ký mà toàn bộ đ­ược Lê Thành Sơn và Nguyễn Thanh Khiết thống nhất đư­a về Nhà máy để lắp đặt.

    Sau khi bàn giao chức Giám đốc Khamatco cho ông L­ưu Quang Thái, với tư­ cách là Phó Giám đốc Sở Công nghiệp, Sơn tiếp tục đ­ược Giám đốc Sở Công nghiệp phân công theo dõi lắp đặt dây chuyền thiết bị của Nhà máy Thủy tinh Cam Ranh (đến tháng 12-1995 đ­ược giao kiêm Giám đốc Nhà máy Thủy tinh Cam Ranh), nhưng không báo cáo với lãnh đạo Sở Công nghiệp và UBND tỉnh Khánh Hòa về quá trình lắp đặt thiết bị, chạy thử xảy ra nhiều sự cố kỹ thuật tr­ước khi Hội đồng nghiệm thu tỉnh Khánh Hòa tiến hành nghiệm thu mà vẫn thanh toán 127.295 USD cho Công ty FaNT (lẽ ra số tiền này phải đ­ược giữ lại vì chất l­ượng thiết bị lắp đặt không bảo đảm theo hợp đồng quy định).

    Quá trình chạy thử, nghiệm thu dây chuyền sản xuất thủy tinh của Nhà máy liên tục xảy ra sự cố kỹ thuật phải dừng vận hành 66 lần để sửa chữa, hiệu chỉnh, nhưng vẫn không khắc phục được, nên ngày 31-8-1996, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định dừng hoạt động của toàn bộ dây chuyền. Ngày 26-4-2002, Hội đồng định giá tài sản của tỉnh Khánh Hòa xác định giá trị còn lại của cụm thiết bị sản xuất thủy tinh bao bì Cam Ranh là 7.670.747.000 đồng.

    Nh­ư vậy, tổng giá trị dây chuyền, thiết bị theo hợp đồng là 992.000 USD, tương đư­ơng 15.574.400.000 đồng (theo giá quy đổi năm 1995 là 15.700 đồng/USD), nhưng Hội đồng định giá tài sản của tỉnh Khánh Hòa chỉ xác định cụm thiết bị chính có giá trị là 12.978.742.000 đồng và xác định giá trị còn lại là 7.670.747.000 đồng. Vì vậy, tài sản bị thiệt hại là 5.307.995.000 đồng.

    Tại kết quả giám định ngày 18-10-2000 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường thì nguyên nhân xảy ra sự cố gây ra dừng sản xuất như­ sau:

    “Thiết bị, máy móc tự động, khuôn, hệ thống cấp khí nén, cấp dầu FO-DO…chất lư­ợng kém và hư­ hỏng nghiêm trọng không đủ điều kiện hiệu chỉnh, nên không đảm bảo tính đồng bộ về nhịp của sản xuất tự động hóa; loạt lớn sản phẩm không đạt chất l­ượng, có phế phẩm nhiều; cẩu nạp liệu và máy khối trộn nguyên liệu một phần do chế tạo ch­ưa đạt các yêu cầu kỹ thuật về vật liệu và nhiệt luyện. Chất l­ượng linh kiện kém và quá lạc hậu, nên hệ thống chỉ báo mức thủy tinh, chỉ báo các vùng nhiệt trong lò, chỉ báo áp suất nén; kim ghi tên giấy kẻ ly về nhiệt của lò và hệ thống sụt khí hỏng; hệ thống khí nén sụt áp tới mức không chỉnh đ­ược; hệ thống phun dầu vào lò và béc phun bị hở và kẹt. Công nghệ thiết bị, lò nấu thủy tinh ch­ưa có quy trình và tài liệu chuyển giao công nghệ nghiêm túc, nên không thể đảm bảo về chất l­ượng thủy tinh lỏng, về điều chỉnh thiết bị tự động cứng. Trên một số thiết bị chính, nhãn, mác và năm sản xuất không còn hoặc còn mà các con chữ số không đều, có dấu hiệu dập lại và sơn lại thể hiện máy cũ và không đồng bộ, do nhiều n­ước chế tạo hợp thành”.

    Tại bản kết luận giám định số 07/GĐ ngày 27-10-2000 của Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa kết luận: “tại vị trí đóng nhãn mác máy tạo hình BB7 có kích thư­ớc (13,3cm x 5,5cm) của Nhà máy Thủy tinh Cam Ranh: chữ số 4 của dãy chữ số “1994” và các chữ số “615” đóng trên nhãn mác máy tạo hình BB7 là các chữ số đã đ­ược đóng dập mới và đóng theo ph­ương pháp thủ công; không phát hiện thấy các chữ số nguyên thủy trư­ớc khi đóng dập các chữ số nói trên. Tại vị trí đóng nhãn mác máy cắt giọt có kích thư­ớc (4,85 cm x 7,85cm) của Nhà máy Thủy tinh Cam Ranh: các chữ số IIK 1552  335 12 1993 đóng trên nhãn mác máy cắt giọt là các chữ số đ­ược đóng dập mới và đóng dập theo phư­ơng pháp thủ công; không phát hiện thấy chữ số nguyên thuỷ của Nhà máy sản xuất in đóng dập, kiểu, model và ngày tháng năm sản xuất. Tại vị trí đóng nhãn mác máy trộn phối liệu PA 350 P3 có kích th­ước (2,6cm x 6,3cm) của Nhà máy thủy tinh Cam Ranh: các chữ số “0400” “38” “09” “92” đóng trên nhãn mác máy trộn phối liệu là các chữ số đã đ­ược đóng dập mới và đóng theo ph­ương pháp thủ công; không phát hiện thấy các chữ số nguyên thuỷ tr­ước khi đóng dập các chữ số nói trên”.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 66/2006/HSST ngày 12-9-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa áp dụng khoản 3 Điều 144; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; xử phạt Nguyễn Thanh Khiết 06 (sáu) năm tù; Lê Thành Sơn 05 (năm) năm tù, đều về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”.

    - Áp dụng các Điều 604, Điều 605; khoản 1 Điều 606 và Điều 608 Bộ luật dân sự buộc Khiết và Sơn phải bồi th­ường cho Công ty Thuỷ tinh Cam Ranh 5.307.995.000 đồng (trong đó: Khiết bồi thư­ờng 3.538.663.333 đồng; Sơn bồi thường 1.769.331.666 đồng).

    Ngày 12-9-2006, Lê Thành Sơn kháng cáo kêu oan.

    Ngày 18-9-2006, Nguyễn Thanh Khiết kháng cáo kêu oan.

    Ngày 12-3-2007, Lê Thành Sơn rút toàn bộ kháng cáo.

    Ngày 26-3-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Lê Thành Sơn.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 428/2007/HSPT ngày 03-4-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thanh Khiết.

    Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số10/QĐ-VKSTC-V3 ngày 26-5-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm số 428/2007/HSPT ngày 03-4-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm số 66/2006/HSST ngày 12-9-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa để điều tra lại, với lý do:

    “…Sau khi đoàn công tác tại Nga về có báo cáo với Sở Công nghiệp và UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng quá trình điều tra, xét xử chưa làm rõ được nhiệm vụ của từng thành viên để xác định trách nhiệm của từng bị cáo; chưa làm rõ được nội dung báo cáo kết quả làm việc với Công ty FaNT, nhất là việc bỏ sót một số thiết bị theo hợp đồng đã ký hay đồng ý cho Công ty FaNT gia công một số thiết bị tại Việt Nam; ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề này và việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa như thế nào.

    Trong thời gian Lê Thành Sơn giữ chức Phó Giám đốc Sở Công nghiệp được phân công theo dõi Nhà máy Thủy tinh Cam Ranh đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không có kế hoạch theo dõi, kiểm tra hoạt động này dẫn đến hậu quả công tác thiết kế lắp đặt, xây lò do chuyên gia Nga thực hiện không có chứng chỉ chuyên môn hành nghề dẫn đến sai sót như thay đổi cốt lò so với luận chứng kinh tế kỹ thuật, mạch vữa nhiều chỗ quá lớn, đáy lò quá dày gây lên sự cố đáng tiếc cho lò, nhưng cũng chưa làm rõ trách nhiệm của Lê Thành Sơn. Đây là trách nhiệm của  Ban quản lý Công trình hay là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

    Về hậu quả của vụ án: sau khi dây chuyền thiết bị được nghiệm thu để đưa vào sản xuất ngày 23-8-1995 đến khi được phép dừng hoạt động ngày 31-8-1996, thì Xí nghiệp Thủy tinh Cam Ranh đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 8 triệu chai các loại. Sau đó, ngày 09-8-1996, Công ty Thủy tinh Cam Ranh và Sở Công nghiệp báo cáo với UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình sản xuất của Công ty và được UBND tỉnh đồng ý cho dừng lò xả thuỷ tinh để lập phương án đào tạo, phục hồi thiết bị, tìm khách hàng để sản xuất trở lại đạt hiệu quả. Như vậy, việc dừng sản xuất được sự đồng ý của UBND tỉnh, đồng thời UBND tỉnh cũng chỉ đạo Công ty và Sở thực hiện một số công việc như đã nêu trên, nhưng việc thực hiện ý kiến chỉ đạo này chưa được điều tra làm rõ.

    Về xác định giá trị thiệt hại: quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã lấy giá trị của dây chuyền là 992.000 USD tương đương 12.978.740.000 đồng trừ giá tài sản của   Hội đồng định giá tỉnh Khánh Hòa xác định tại thời điểm năm 2002, còn lại là 7.670.747.000 đồng. Phương pháp xác định này không có cơ sở vì: theo hợp đồng nhập khẩu thì giá trị của dây chuyền là 992.000 USD, nhưng khi sang Nga đàm phán thực hiện hợp đồng với Công ty  FaNT bên mua đã bỏ bớt một số thiết bị giá trị là 22.110 USD, sau khi đưa dây chuyền vào sản xuất, bên mua giữ lại tiền bảo hành là 66.478 USD đến nay không thanh toán cho FaNT và một số thiết bị gia công tại Việt Nam cũng chưa được Hội đồng định giá tính đến.

    Về giá trị còn lại tại thời điểm năm 2002: hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra trong các năm 1994, 1995, nhưng đến năm 2002 mới xác định giá trị còn lại để làm căn cứ để tính thiệt hại là không đúng, vì sau một năm hoạt động đã sản xuất hơn 8 triệu chai, nên giá trị hao mòn của máy móc chuyển vào sản phẩm và hình thành nguồn quỹ khấu hao, nhưng khi xác định giá trị thiệt hại chưa đề cập đến nguồn quỹ này, hơn nữa sau một năm hoạt động các bộ phận của máy móc tiếp xúc với hoá chất và sáu năm máy móc không hoạt động dẫn đến thiết bị bị hoá chất ăn mòn han rỉ là nguyên nhân khách quan làm giảm giá trị của máy móc. Vì vậy, phương pháp xác định giá trị thiệt hại như trên chưa phản ánh đúng giá trị thiệt hại.

    Về thủ tục tố tụng, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo, nhưng quá trình điều tra không tiến hành định giá mà sử dụng kết quả của Hội đồng định giá UBND tỉnh Khánh Hòa là hội đồng không có chức năng định giá để xác định giá trị thiệt hại tài sản là vi phạm tố tụng”.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Sau khi ký hợp đồng mua bán thiết bị sản xuất chai thuỷ tinh với Công ty FaNT của Cộng hoà liên bang Nga. Nguyễn Thanh Khiết và Lê Thành Sơn được UBND tỉnh Khánh Hoà cử sang Cộng hòa liên bang Nga để đàm phán việc thực hiện hợp đồng với Công ty FaNT. Tại Cộng hòa liên bang Nga, Khiết và Sơn được Công ty FaNT cho biết dây chuyền, thiết bị đã ký bán chưa được sản xuất mà chỉ đưa đi tham quan một số Nhà máy sản xuất chai thuỷ tinh tuơng tự. Mặc dù, chưa hiểu rõ để hoàn thiện dây chuyền sản xuất chai thuỷ tinh cần phải có những thiết bị gì, nhưng trong quá trình đàm phán với Công ty FaNT, Sơn và Khiết đã tự ý thay đổi nội dung hợp đồng như­ thay thế một số thiết bị, giảm bớt một số thiết bị và đồng ý cho Công ty FaNT đặt sản xuất một số thiết bị tại Việt Nam, từ đó làm cho hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất chai thuỷ tinh lắp đặt không đồng bộ.

    Đối với việc giám định chất lượng thiết bị: tại Điều 3 Hợp đồng Uỷ thác Nhập khẩu  số03/VT-HĐUT ngày 10-5-1994 quy định “các thiết bị đều có văn bản nghiệm thu của Nhà máy sản xuất, chất lượng các thiết bị phải đ­ược Vinacontrol kiểm nghiệm”, nhưng khi tiếp nhận dây chuyền thiết bị do Công ty FaNT chuyển sang, Khiết và Sơn đã thống nhất đưa về Nhà máy để lắp đặt mà không qua Vinacontrol giám định chất l­ượng và bàn giao tay ba giữa Xí nghiệp Thủy tinh Cam Ranh, Công ty Khamatco và Công ty FaNT như  hợp đồng đã ký.

    Trong thời gian Nhà máy đang tiến hành lắp đặt dây chuyền sản xuất chai thuỷ tinh do chuyên gia Nga thực hiện, thì Lê Thành Sơn giữ chức Phó Giám đốc Sở Công nghiệp, đ­ược phân công theo dõi Nhà máy Thuỷ tinh Cam Ranh, Nguyễn Thanh Khiết  là Trưởng ban quản lý công trình Nhà máy thủy tinh, nhưng do thiếu trách nhiệm các bị cáo không kiểm tra, giám sát, nên đã để chuyên gia Nga không có chứng chỉ chuyên môn hành nghề lắp đặt, dẫn đến sự cố là cốt lò bị thay đổi so với luận chứng kinh tế kỹ thuật.

    Về giá trị thiệt hại của dây chuyền: tại Kết quả giám định ngày 18-10-2000 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường kết luận “thiết bị máy móc tự động, khuôn, hệ thống cấp khí nén, cấp dầu chất lượng kém và hư hỏng nghiêm trọng, không đủ điều kiện hiệu chỉnh, nên không đảm bảo tính đồng bộ về nhịp của sản xuất tự động hoá…”. Như vậy, toàn bộ hệ thống dây chuyền thiết bị đã bị hỏng và phải dừng hoạt động, nhưng đến ngày 26-4-2002 Hội đồng định giá tài sản của tỉnh Khánh Hòa vẫn xác định giá trị còn lại của cụm thiết bị chính là 7.670.747.000 đồng và kết luận dây chuyền bị thiệt hại là 5.307.995.000 đồng là không đúng với thực tế. Việc xác định thiệt hại này chư­a chính xác, như­ng theo h­ướng có lợi cho các bị cáo, nên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết luận các bị cáo gây thiệt hại với số tiền nêu trên là có cơ sở.

    Như vậy, trong quá trình đàm phán và thực hiện hợp đồng mua bán thiết bị sản xuất chai thủy tinh với Công ty FaNT của Cộng hòa liên bang Nga, các bị cáo Nguyễn Thanh Khiết và Lê Thành Sơn đã tự ý thay đổi nội dung của hợp đồng; khi tiếp nhận thiết bị các bị cáo đã không thông qua cơ quan giám định chất lượng như hợp đồng đã ký; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, đã để cho chuyên gia Nga không có chứng chỉ chuyên môn lắp đặt, từ đó làm cho dây chuyền sản xuất chai thủy tinh không đồng bộ, xảy ra sự cố cốt lò bị thay đổi so với luận chứng kinh tế kỹ thuật, hệ thống các thiết bị thường xuyên bị hư hỏng, nên chỉ qua 02 tháng chạy thử nghiệm (từ ngày 20-7-1995 đến ngày 19-9-1995) dây chuyền phải dừng 66 lần để sửa chữa, thời gian dừng là 140 giờ; trong 11 tháng 10 ngày sản xuất chính thức (từ ngày 20-9-1995 đến ngày 30-8-1996) dây chuyền, thiết bị phải dừng 552 lần để sửa chữa, thời gian dừng là 1.382 giờ và nguyên nhân dừng hoạt động của hệ thống dây chuyền chủ yếu là các thiết bị do Công ty FaNT cung cấp, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 5.307.995.000 đồng.

    Ngoài ra, trong vụ án này, khi ký hợp đồng mua bán lắp đặt dây chuyền, thiết bị sản xuất chai thủy tinh, các bị cáo đã không lập hợp đồng chuyển giao công nghệ riêng để trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, đồng thời số tiền chuyển giao công nghệ đã vượt quá giới hạn cao nhất theo quy định (8%), gây thiệt hại 106.970USD (tương đương số tiền 1.697.429.000 đồng) là vi phạm Pháp lệnh chuyển giao công nghệ ngày 05-12-1988 của Hội đồng Nhà nước; Điều 20 Nghị định số 49/HĐBT ngày 04-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 28-TT/QLKH ngày 21-10-1994 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

    Hành vi nêu trên của các bị cáo có dấu hiệu của các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”. Tuy nhiên, các bị cáo chỉ bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm đại diện Viện kiểm sát đề nghị kết tội các bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” và Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm kết án các bị cáo với tội danh nêu trên là có lợi cho các bị cáo và hình phạt áp dụng đối với các bị cáo có phần nhẹ.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Không chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số10/QĐ-VKSTC-V3 ngày 26-5-2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 428/2007/HSPT ngày 03-4-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Đà Nẵng.

    Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC:

    Hành vi phạm tội của các bị cáo có dấu hiệu của hai tội, nhưng chỉ bị truy tố về một tội nhẹ hơn và Tòa án đã kết án các bị cáo theo tội danh đó là đã có lợi cho các bị cáo. Do đó, không có lý do để chấp nhận kháng nghị.

     

     
    3860 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận