Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Ngọc Thắng phạm tội "Cố ý gây thương tích"

Chủ đề   RSS   
  • #265384 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Ngọc Thắng phạm tội "Cố ý gây thương tích"

    Số hiệu

    20/2008/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Ngọc Thắng phạm tội "Cố ý gây thương tích"

    Ngày ban hành

    22/12/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

    ……..

    Ngày 22 tháng 12 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Nguyễn Ngọc Thắng (còn có tên là Nguyễn Văn Thắng) sinh ngày 21-11-1987 (khi phạm tội Thắng được 17 năm 7 tháng 5 ngày tuổi); có hộ khẩu thường trú tại thôn Phương Chử Bắc, xã Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng; bị bắt giam từ ngày 31-3-2006.

    Người đại diện hợp pháp của bị cáo: ông Nguyễn Văn Quá (bố đẻ của bị cáo), trú tại thôn Phương Chử Bắc, xã Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

    Người bị hại: anh Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1983, trú tại thôn Đồng Xuân, xã Trường Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

    NHẬN THẤY:

    Khoảng 20 giờ ngày 26-6-2005, Nguyễn Ngọc Thắng đi xe đạp đến thôn Đồng Xuân, xã Trường Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng thì gặp anh Nguyễn Văn Dương. Thắng rủ anh Dương cùng đi chơi. Thắng và anh Dương đi được khoảng 200m thì Thắng đi đánh võng trên đường. Lúc này, anh Nguyễn Văn Tuấn đi xe máy ngược chiều đến thấy vậy liền nói  "chúng mày đi như thế thì đâm vào người ta còn gì". Thắng liền dừng xe lại và bảo anh Tuấn "tao trêu gì mày mà mày chửi tao". Anh Dương nhận ra anh Tuấn là người nhà nên nói với Thắng "đây là chú tao, thôi đi". Ngay lúc đó, anh Nguyễn Đình Dũng là anh rể anh Tuấn từ trong ngõ đi ra thấy Thắng và anh Tuấn cãi nhau nên vào can thì Thắng chửi anh Dũng. Anh Dũng tát Thắng một cái vào mặt. Anh Tuấn vào can thì bị Thắng dùng lưỡi cưa sắt nhọn mà Thắng vẫn để ở đầu xe đạp đâm vào bụng anh Tuấn rồi bỏ chạy. Anh Tuấn kêu lên "cứu cháu với" rồi ngã gục xuống đường ngất đi. Anh Dũng đuổi theo và nhặt đá ném Thắng làm Thắng bị ngã xuống đường, sau đó Thắng vùng dậy cầm lưỡi cưa quay lại đuổi theo anh Dũng nhưng không đuổi được nên bỏ về nhà. Trên đường về, Thắng đã vứt lưỡi cưa đi. Công an không tìm được lưỡi cưa trên. Anh Nguyễn Văn Tuấn được đưa đi cấp cứu, đến ngày 04-7-2005 thì ra viện.

    Tại Kết luận giám định pháp y số 723/PY/05 ngày 27-7-2005, Tổ chức giám định pháp y Hải Phòng kết luận: anh Nguyễn Văn Tuấn có vết thương thủng da bụng bên phải, xuyên vào rách gan ở hạ phân thuỳ số 6, chảy máu trong ổ bụng. Di chứng lâu dài làm giảm 35% sức lao động.

    Tại Bản kết quả giám định pháp y tâm thần số22/KQ-GĐPYTT ngày 05-12-2005, Tổ chức giám định pháp y tâm thần Hải Phòng kết luận Nguyễn Ngọc Thắng “bị mắc bệnh tâm thần: Bệnh động kinh cơn lớn (theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ X có mã số G40.5). Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội Thắng có bị mắc bệnh này, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của Thắng bị hạn chế. Hiện nay, Thắng bị mắc bệnh này. Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của Thắng bị hạn chế”.

    Tại Công văn số 1560/CV ngày 19-12-2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đề nghị giải thích kết quả giám định pháp y tâm thần đối với trường hợp Nguyễn Ngọc Thắng.

    Tại Công văn số20/CV- GĐPY ngày 26-12-2005, Tổ chức giám định pháp y tâm thần trả lời Công văn 1560/CV nêu trên của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng là: bệnh của Nguyễn Ngọc Thắng cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Do vậy, cần phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Thắng.

    Tại Quyết định số02/KSĐT-HS ngày 29-12-2005, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối Thắng.

    Ngày 10-01-2006, Thắng được đi chữa bệnh bắt buộc theo Quyết định số 02/ KSĐT-HS ngày 29-12-2005 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

    Tại “Biên bản giám định sức khoẻ tâm thần” số 07/BBCB ngày 08-3-2006, Tổ chức giám định pháp y tâm thần Trung ương kết luận: "tình trạng tâm thần hiện tại của Nguyễn Ngọc Thắng đã ổn định không cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh" và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng biết để tiếp tục giải quyết theo quy định pháp luật.

    Ngày 19-3-2006, Nguyễn Ngọc Thắng cùng một số bệnh nhân trốn khỏi Bệnh viện tâm thần Trung ương đi cướp tài sản. Hành vi này của Thắng đã bị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 04 năm tù về tội “cướp tài sản” tại bản án hình sự phúc thẩm số 261/2007/HSPT ngày 20-4-2007.

    Ngày 24-3-2006, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định số 488/KSĐT đình chỉ việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Ngọc Thắng.

    Ngày 31-3-2006, Thắng được ra viện và bị bắt tạm giam.

    Tại Cáo trạng số488/KSĐT-XXHS ngày 20-7-2006, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng truy tố Nguyễn Ngọc Thắng về tội "cố ý gây thương tích" theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

    - Tại bản án hình sự sơ thẩm số 196/2006/HSST ngày 15-9-2006, Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Ngọc Thắng (tức Nguyễn Văn Thắng) 03 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 31-3-2006; thời gian bắt buộc chữa bệnh (từ ngày 10-01-2006 đến ngày 31-3-2006) được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về phần bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, quyền kháng cáo, án phí theo quy định pháp luật.

    Ngày 22-9-2006, người đại diện hợp pháp của bị cáo là ông Nguyễn Văn Quá kháng cáo kêu oan cho bị cáo.

    - Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1379/2006/HSPT ngày 27-12-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69 và Điều 74 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Ngọc Thắng 02 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”; thời gian bắt buộc chữa bệnh (từ ngày 10-01-2006 đến ngày 31-3-2006) được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù.  

    - Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số19/QĐ-VKSTC-V3 ngày 25-8-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1379/2006/HSPT ngày 27-12-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 196/2006/HSST ngày 15-9-2006 của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng; giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    1- Theo Bản kết quả giám định pháp y tâm thần số22/KQ-GĐPYTT ngày 05-12-2005 của Tổ chức giám định pháp y tâm thần Hải Phòng thì Nguyễn Ngọc Thắng có bị mắc bệnh tâm thần, nhưng chỉ bị hạn chế, mà không bị mất  hoặc không có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình nên không thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 43, Điều 44 Bộ luật hình sự và Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Ngọc Thắng là không đúng quy định của pháp luật. Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng việc truy tố, xét xử Thắng đã vi phạm nghiêm trọng Điều 43 và Điều 44 Bộ luật hình sự là không có căn cứ.

                Việc Thắng mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm n khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo Thắng. Khi xem xét quyết định hình phạt, Toà án cấp phúc thẩm không áp dụng điểm n khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là thiếu sót nhưng cũng đã giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo từ 03 năm xuống còn 02 năm tù-dưới 2/3 mức khởi điểm (05 năm tù) quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

    Mặt khác, sau khi Thắng phạm tội cố ý gây thương tích, đến ngày 29-12-2005, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định số02/KSĐT-HS buộc Thắng phải đi bắt buộc chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương. Trong thời gian đi bắt buộc chữa bệnh (từ ngày 10-01-2006 đến 31-3-2006) tại Bệnh viện tâm thần Trung ương, ngày 19-3-2006 Thắng cùng một số bệnh nhân trốn khỏi Bệnh viện đi cướp tài sản. Điều đó chứng tỏ Thắng là một con người có tính nguy hiểm cao và hoàn toàn không bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

    2- Về việc ông Nguyễn Văn Quá (là bố đẻ của Nguyễn Ngọc Thắng) khiếu nại là có sự giả mạo chữ ký của ông với tư cách là người đại diện và giám hộ trong các biên bản hỏi cung Thắng:

    Đối với vụ án này, bị cáo Nguyễn Ngọc Thắng phạm tội quả tang, hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ. Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Ngọc Thắng có tất cả 16 lời khai, trong đó có 12 lời khai liên quan đến hành vi phạm tội. Trong 12 lời khai này có 01 lời khai (lời khai đầu tiên) Thắng không nhận tội. Trong 11 lời khai còn lại Thắng đều khai nhận tội. Lời khai nhận tội của Thắng tại Cơ quan điều tra phù hợp với lời khai nhận tội tại các phiên tòa sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm, phù hợp với lời khai của những người làm chứng và phù hợp với những chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Trong số 11 lời khai nhận tội nêu trên có 06 lời khai được thực hiện sau khi Thắng đã đủ 18 tuổi và trong tình trạng không mất năng lực hành vi. Từ khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã chỉ định Luật sư bào chữa cho bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Vì thế, Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Nguyễn Ngọc Thắng về tội “cố ý gây thương tích” là có căn cứ và cũng vì thế việc Cơ quan điều tra chưa giải quyết khiếu nại nêu trên của ông Nguyễn Văn Quá mặc dù là thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến việc xác định bản chất của vụ án và hành vi phạm tội của bị cáo.

    3- Việc đưa anh Trần Huy Cường với tư cách là người giám hộ của Thắng khi hỏi cung Thắng ngày 09-6-2006 và ngày 15-6-2006 là xác định tư cách người tham gia tố tụng không đúng, nhưng việc anh Cường tham gia cùng Điều tra viên khi hỏi cung Thắng không những không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Thắng mà còn làm cho việc lấy lời khai của Thắng thêm khách quan. Đây không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra.

    4- Việc ông Nguyễn Văn Quá khiếu nại cho rằng Thắng gây thương tích cho anh Tuấn là hành vi phòng vệ chính đáng là không có căn cứ. Tại Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không đề cập đến vấn đề này. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cũng nhận định không có căn cứ cho rằng Thắng gây thương tích cho anh Tuấn là hành vi phòng vệ chính đáng. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện anh Tuấn không có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, lợi ích chính đáng của Thắng hay của người khác. Khi thấy anh Dũng tát Thắng, anh Tuấn vào can thì Thắng đã dùng lưỡi cưa đâm anh Tuấn làm anh Tuấn bị thương.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 279, khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Không chấp nhận Kháng nghị số19/QĐ-VKSTC-V3 ngày 25-8-2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 1379/2006/HSPT ngày 27-12-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với Nguyễn Ngọc Thắng.

    Lý không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC:

    Nguyễn Ngọc Thắng bị tâm thầm chỉ ở mức độ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi bị hạn chế, đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của bị cáo.

     
    6415 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận