Số hiệu
|
08/2008/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Khánh Hùng phạm tội "Giết người" và "Cướp tài sản"
|
Ngày ban hành
|
16/05/2008
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
……..
Ngày 16 tháng 5 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Nguyễn Khánh Hùng (tức Nguyễn Phi Long) sinh năm 1985; đăng ký nhân khẩu thường trú tại xã Tân Dân, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên; hiện ở 188/50 Tân Kỳ, Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa 7/12; nghề nghiệp: công nhân may; con ông Nguyễn Khánh Hòa và bà Trần Thị Hà; bị bắt giam từ ngày 12-8-2006.
Người bị hại: Chị Trương Thị Mỹ Dung sinh năm 1984 (đã chết).
Người đại diện hợp pháp của người bị hại: Bà Đinh Thị Rỷ sinh năm 1947; trú tại 204/1 xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An (là mẹ đẻ của người bị hại).
NHẬN THẤY:
Nguyễn Khánh Hùng quen biết với chị Đoàn Thị Nhung, là người cùng thuê phòng với chị Trương Thị Mỹ Dung. Ngày 09-8-2006, do biết chị Nhung về quê ở Bình Phước, chị Dung ở nhà một mình, nên Hùng đã nảy sinh ý định giết chị Dung để lấy tài sản bán trả nợ cho anh Nguyễn Đức Hoan. Khoảng 21 giờ ngày 10-8-2006, Hùng đến phòng trọ của chị Dung tại số 30 Đoàn Giỏi, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Khi Hùng đến thì có anh Huỳnh Văn An đang ngồi nói chuyện với chị Dung trong phòng. Khoảng 30 phút sau, anh An đi về, Hùng tiếp tục ngồi lại nói chuyện với lý do chờ tạnh mưa, mục đích là cố ý chờ đêm khuya, mọi người xung quanh ngủ hết mới hành động. Đến 01 giờ ngày 11-8-2006, không còn người qua lại, thấy chị Dung đang đứng đối diện ăn trái cây, Hùng giả vờ cất cuốn sách lên kệ rồi bất ngờ đưa tay trái vòng ra trước siết cổ chị Dung. Chị Dung chặn lại được, vùng ra và đẩy Hùng ngã trúng cạnh tường, làm Hùng bị trầy da ở hông trái. Hùng đứng dậy tiếp tục dùng hai tay bóp cổ chị Dung. Chị Dung kêu cứu, giằng co và cào cấu Hùng, thì Hùng càng bóp mạnh rồi đập đầu chị Dung vào tường, làm chị Dung bất tỉnh. Hùng lại kệ tủ lấy chiếc điện thoại di động hiệu Motorola E398 của chị Dung bỏ vào túi quần, rồi tắt đèn ngồi trong phòng nghĩ cách chở chị Dung đi phi tang. Khoảng 02 giờ, Hùng bật đèn, tháo chiếc nhẫn vàng trên tay chị Dung, lấy áo mưa mặc vào rồi dắt xe máy Wave của chị Dung ra sân, đồng thời cầm túi xách của chị Dung để vứt theo xác, nhằm làm cho mọi người tưởng chị Dung bị tai nạn chết. Sau đó, Hùng bế chị Dung đang trong tình trạng bất tỉnh ngồi lên phía trước xe, hai chân để lên baga giữa xe, đầu gục xuống mặt đồng hồ xe, trùm áo mưa lên người chị Dung để tránh người đi đường phát hiện. Hùng điều khiển xe đến cầu Bình Triệu 2, đặt chị Dung lên lan can cầu và ngồi bên cạnh, để đầu chị Dung gục lên vai mình. Chờ đến lúc không có người qua lại, Hùng dùng áo mưa quấn vào người chị Dung, đẩy chị Dung xuống sông và ném túi xách theo. Sau đó, Hùng bán chiếc điện thoại được 1.100.000 đồng, chiếc nhẫn được 188.000 đồng.
Do bà Vi Thị Sáu (là chủ nhà) nghe thấy tiếng kêu cứu lúc nửa đêm và đến khoảng 3 giờ sáng thì bà Sáu đi qua phòng của chị Dung. Thấy cửa mở, đèn sáng, nhưng không thấy chị Dung và xe máy, nên bà Sáu đã báo cho mọi người biết. Chị Đoàn Thị Nhung đang ở quê nhận được điện thoại về việc chị Dung bị mất tích nên đã lên chỗ trọ và đến 16 giờ cùng ngày (ngày 11-8-2006) chị đã rủ Hùng cùng ra Công an phường Sơn Kỳ báo tin. Phát hiện trên người Hùng có nhiều vết trầy xước đáng nghi, Công an phường đã bắt giữ Hùng. Qua đấu tranh, Hùng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Ngày 13-8-2006, xác của chị Trương Thị Mỹ Dung được phát hiện tại bờ sông xã An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Tại bản giám định pháp y số 912/GĐPY ngày 09-9-2006, Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hồ Chí Minh kết luận: chị Trương Thị Mỹ Dung chết do ngạt nước, có tụ máu nhẹ dưới da đầu ở giữa trán và đỉnh chẩm phải.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 533/2007/HSST ngày 05-6-2007, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng điểm g khoản 1 Điều 93; khoản 1 Điều 133; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 50 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Khánh Hùng tử hình về tội “Giết người” và 03 (ba) năm tù về tội “Cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt của hai tội là tử hình; buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại 64.850.000 đồng.
Ngày 08-6-2007, Nguyễn Khánh Hùng kháng cáo với nội dung xin giảm hình phạt.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1208/2007/HSPT ngày 23-8-2007, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm o, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Khánh Hùng tù chung thân về tội “Giết người” và 03 (ba) năm tù về tội “Cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt chung của cả hai tội là tù chung thân.
Ngày 27-8-2007, ông Trương Văn Nam và bà Đinh Thị Rỷ (là bố mẹ của người bị hại) có đơn gửi Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị yêu cầu giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm số 1208/2007/HSPT ngày 23-8-2007 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, với lý do: không đồng ý với mức hình phạt mà Toà án cấp phúc thẩm đã xử phạt Nguyễn Khánh Hùng.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số03/QĐ-VKSTC-V3 ngày 24-01-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại theo hướng giữ nguyên hình phạt tử hình đối với bị cáo, với lý do: Nguyễn Khánh Hùng đã liên tiếp phạm hai tội là giết người và cướp tài sản; sau khi thực hiện tội phạm đã dùng thủ đoạn phi tang nhằm che giấu tội phạm. Toà án cấp sơ thẩm xử phạt tử hình Nguyễn Khánh Hùng là đúng. Toà án cấp phúc thẩm cho rằng bị cáo ăn năn hối cải, tuổi đời còn trẻ, chưa có tiền án, tiền sự... và áp dụng thêm điểm o khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự giảm hình phạt cho Nguyễn Khánh Hùng là không đúng pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Hành vi phạm tội của Nguyễn Khánh Hùng là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì cần tiền để trả nợ và tiêu xài bản thân mà bị cáo đã thực hiện hai hành vi là giết người rồi cướp tài sản. Sau khi đập đầu người bị hại vào tường làm người bị hại bất tỉnh, bị cáo vẫn bình tĩnh tắt điện trong phòng và ngồi cạnh người bị hại khoảng một tiếng đồng hồ để suy tính tìm cách phi tang, dù biết người bị hại chưa chết, nhưng bị cáo vẫn ném người bị hại xuống sông. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội rất tàn nhẫn, không còn tính người, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng. Toà án cấp sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp giết người để thực hiện tội phạm khác và áp dụng điểm g khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo tử hình về tội “Giết người” là đúng pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm xác định bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ và áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự là không chính xác, vì bị cáo phạm tội giết người là nhằm mục đích cướp tài sản chứ không phải là vô cớ. Khi quyết định hình phạt, Toà án cấp phúc thẩm quá nhấn mạnh về nhân thân, độ tuổi và thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải của bị cáo, cho rằng bị cáo thực hiện hành vi phạm tội do bột phát, không có sự chuẩn bị trước và bị cáo tự thú (điểm o khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự) để giảm hình phạt cho bị cáo xuống tù chung thân là không đúng. Bởi vì, bị cáo đã có ý định chiếm đoạt tài sản của người bị hại từ trước như cố tình ngồi đợi đến khuya, xung quanh không còn người qua lại bị cáo mới thực hiện hành vi phạm tội và sau khi phạm tội do Cơ quan điều tra phát hiện những dấu vết khả nghi trên người bị cáo, qua đấu tranh bị cáo mới nhận tội, chứ không phải do bị cáo chủ động đến Cơ quan điều tra để khai báo về hành vi phạm tội.
Ngoài ra, việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là không đúng pháp luật, mà trong trường hợp này cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.
Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 279, khoản 3 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự,
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1208/2007/HSPT ngày 23-8-2007 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:
Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá không đúng tính chất phạm tội của bị cáo nên đã giảm án cho bị cáo không có căn cứ.