Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Lê Bá Mai phạm các tội "Hiếp dâm trẻ em" và "Giết người"

Chủ đề   RSS   
  • #265132 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Lê Bá Mai phạm các tội "Hiếp dâm trẻ em" và "Giết người"

    Số hiệu

    02/2007/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Lê Bá Mai phạm các tội "Hiếp dâm trẻ em" và "Giết người"

    Ngày ban hành

    05/02/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

      ……..

    Ngày 05 tháng 02 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Lê Bá Mai sinh năm 1982; đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá; tạm trú tại ấp 1, xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước; trình độ văn hóa: 5/12; nghề nghiệp: làm thuê; con ông Lê Bá Triệu và bà Lê Thị Khoa; bị bắt giam ngày 17-11-2004.

    Người bị hại: Cháu Thị Út sinh ngày 07-5-1993, khi bị xâm hại 11 tuổi 6 tháng 5 ngày; dân tộc Stiêng (đã chết).

    Người đại diện hợp pháp của người bị hại: Ông Điểu Cẩn sinh năm 1940, là bố của cháu Thị Út; thường trú tại ấp Cần Lê, xã Thanh Lương, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; tạm trú tại sóc Cây Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

    NHẬN THẤY:

    Khoảng 8 giờ ngày 12-11-2004, cháu Thị Hằng và cháu Thị Út đi mót củ đậu (củ sắn) tại bãi đất trống (khu đất này của chị Lê Thị Thiêu thuê lại của ông Dương Bá Tuân, đất vừa thu hoạch củ đậu xong). Đến tối cùng ngày, do không thấy cháu Út về nên gia đình đi tìm. Cháu Hằng kể lại với mọi người trong gia đình là có người thanh niên mặc áo xanh, quần đen, đội nón lá, đi xe máy màu xanh, trên xe có chở một bình xịt thuốc rầy màu xanh loại 14 lít đến 16 lít, một thùng đựng đá màu đỏ treo ở tay lái xe máy, đã đèo cháu Út đi. Qua mô tả của cháu Hằng thì mọi người trong gia đình cháu Hằng và cháu Út nghi Lê Bá Mai là người làm công cho ông Dương Bá Tuân đã chở cháu Út đi. Tối cùng ngày, anh Điểu Ky (bố cháu Hằng) và ông Điểu Cẩn (bố cháu Út) đến chòi của Mai ở để hỏi về việc Mai rủ cháu Út đi lúc sáng, nhưng Mai không nhận là đã đi cùng cháu Út. Sau khi ở chòi của Mai về, anh Ky còn đèo cháu Hằng đi đến bãi đất nơi cháu Út và cháu Hằng đã mót củ đậu lúc sáng để tìm nhưng không thấy nên đi về. Hai ngày sau, ông Cẩn đến nhà báo tin cho anh Ky biết, vẫn chưa thấy cháu Út về nên ngày 15-11-2004, anh Ky đã viết đơn trình báo Công an xã An Khương về việc cháu Út bị mất tích, đồng thời cháu Hằng cũng khai báo về việc cháu Út bị một người thanh niên chở đi. Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 16-11-2004, anh Ky cùng họ hàng tổ chức tìm kiếm và phát hiện ra xác cháu Út tại khu vườn mít nhà ông Dương Bá Tuân. Ngày 16-11-2004, cháu Hằng khai tại cơ quan điều tra rằng, biết Mai từ trước và khẳng định Lê Bá Mai đã chở cháu Út đi, nên ngày 17-11-2004 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước ra lệnh bắt tạm giam Lê Bá Mai.

    Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường số 323/2004 ngày 17-11-2004 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước thể hiện: Tư thế nạn nhân nằm úp, gần ngay chỗ xác nạn nhân có 01 chiếc mũ vải (vành cứng phía trước, màu đỏ), 01 đôi dép xốp màu xanh (dép Lào); khu vực nạn nhân nằm không có xáo trộn mạnh; cách tử thi 3,5 mét phát hiện trên mặt đất bị xáo trộn mạnh (kích thước khoảng 2 mét x 1,8 mét); tại khu vực này phát hiện  01 cây mì bị nhổ bung gốc lộ củ, lá đã héo; trên mặt đất phát hiện 04 cọng tóc mỏng dính vào đất; cách tử thi 30 mét phát hiện 01 bật lửa ga màu đỏ; cách tử thi 75 mét có 01 chiếc dép da màu đen bên trái loại của nam; cách tử thi 80 mét có vết hằn của lốp xe máy đi từ ngoài đường mòn vào vườn mít cách đường 09 mét thì kết thúc và có vết xe quay ra; dọc vết hằn của xe phát hiện dấu vết giày dép in trên mặt đất (25,5 cm x 8,5 cm); cách đường mòn 15 mét, cách vết hằn cuối cùng của bánh xe 06 mét trên mặt đất có 01 củ đậu ăn dở. Sau khi khám nghiệm hiện trường Cơ quan điều tra đã thu giữ: Chiếc quần quấn trên cổ nạn nhân, một chiếc nón (mũ) kết đỏ, một đôi dép Lào, một củ đậu (củ sắn) bị ăn dở.

    Tại Bản giám định pháp y số 323/04/PY ngày 18-11-2004, Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước đã xác định:

     - Vùng cổ: khám ngoài có 01 chiếc quần vải thun quấn chặt vào cổ giữa, có nút thắt phía sau gáy dạng nút kép, quần thấm dịch phân huỷ, vùng cổ phát hiện vết hằn da khép kín cổ, chỗ rộng nhất 04 cm, chỗ hẹp nhất 2,5 cm, chu vi vùng cổ 22,5 cm; khám trong: da, tổ chức dưới da có vết hằn chắc, nhạt màu, khí quản xẹp, lòng khí quản đỏ thẫm, phân huỷ, không xác định được tình trạng tổn thương, quanh cột sống ở cổ không có bầm tụ máu.

    - Bộ phận sinh dục: âm đạo mở, niêm mạc thối rữa thoát nhiều dịch, không nhận diện được màng trinh do bị phân huỷ.

     - Phần mềm vùng đầu, mặt nạn nhân phân huỷ, không thấy dấu hiệu của sự bầm tụ máu, xương hộp sọ không nứt vỡ, không bị ngoại lực tác động. Khoang vùng bụng, vùng phổi không có dấu hiệu chảy máu trong, các phủ tạng trong ổ bụng không bị tổn thương. Vùng ngực, bụng, lưng và tứ chi không có dấu hiệu ngoại lực tác động.

    Kết luận: Nạn nhân tử vong do bị thắt cổ ngạt hô hấp bằng chính chiếc quần thun của nạn nhân, cụ thể là tình trạng tử thi phân huỷ mạnh, nhận định nạn nhân tử vong khoảng 05 ngày.

    Ngày 19-11-2004, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước ra Quyết định khởi tố vụ án và Quyết định khởi tố bị can đối với Lê Bá Mai; sau đó trưng cầu giám định thêm một số vấn đề, kết quả như sau:

    Tại Bản kết luận giám định số 165/C21(C/III) ngày 17-12-2004, Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: không phát hiện thấy dấu vết tinh dịch và xác tinh trùng trong mẫu ghi thu tinh dịch âm đạo của nạn nhân Út.

    Tại Công văn số47/CV-PC14 ngày 17-01-2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đề nghị Tổ chức giám định pháp y tỉnh Bình Phước giải thích: Trường hợp Lê Bá Mai giao cấu với nạn nhân Út từ khoảng 10 giờ ngày 12-11-2004, sau đó giết chết nạn nhân; đến 10 giờ ngày 17-11-2004 tiến hành khám nghiệm tử thi và thu giữ tinh dịch trong âm đạo nạn nhân Út; như vậy, khi giám định tinh dịch đó có tìm thấy tinh trùng, tinh dịch... của Lê Bá Mai trong âm đạo cháu Út không ?

    Tại Kết luận giám định số 02/GĐPY ngày 24-01-2005, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Bình Phước trả lời: nếu Mai đã giao cấu với nạn nhân từ khoảng ngày 12-11-2004 sau đó giết chết nạn nhân, đến khoảng 10 giờ ngày 17-11-2004 tiến hành khám nghiệm tử thi thu giữ tinh dịch trong âm đạo nạn nhân thì sẽ không thấy được tinh dịch và tinh trùng của Mai vì khi đó đã bị phân huỷ.

    Ngoài lời khai đầu tiên hồi 15h30 phút ngày 16-11-2004 (ngày phát hiện ra xác cháu Út), Lê Bá Mai không nhận đã rủ cháu Út đi rồi giết cháu Út, còn tại các bản tự khai và lời khai từ ngày 17-11-2004 trở đi và tại phiên tòa sơ thẩm, Mai khai nhận hành vi phạm tội như sau:

    Lê Bá Mai ở cùng chòi với các anh Nguyễn Văn Trong và Đỗ Thanh Trường; cả ba đều là người làm thuê. Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 12-11-2004, Mai cùng anh Trong, anh Trường đi làm đất, rải phân để trồng mì trên mảnh đất của anh Bạch Văn Hừng thuê, khu đất này cách chòi Mai ở khoảng 300 mét. Trong lúc rải phân, Mai nhìn thấy 2 cháu Út và Hằng đang mót củ đậu (củ sắn) ở gần đó. Sau khi rải phân xong, Mai về chòi lấy xe môtô biển kiểm soát 53SB - 4457 (xe của ông Dương Bá Tuân giao cho Mai để làm phương tiện đi trông coi rẫy) và chạy xe đến chỗ hai cháu Út và Hằng. Mai chạy xe qua chỗ cháu Hằng nhưng thấy cháu Hằng nhỏ con nên Mai đến chỗ cháu Út. Mai dừng xe lại và rủ cháu Út đi để hỏi chuyện. Cháu Út lên xe Mai và nói lại với cháu Hằng bằng tiếng dân tộc Stiêng (sau này, cháu Hằng khai là Út dặn trông xe đạp). Mai chở cháu Út vào vườn mít của ông Tuân. Mai dừng xe và dẫn cháu Út vào vườn mít, đi được khoảng 80 mét thì cháu Út không đi nữa. Mai đòi giao cấu nhưng cháu Út không đồng ý và doạ sẽ về nói lại cho bố mẹ biết. Mai dùng tay phải chặt mạnh vào gáy cháu Út làm cháu Út bất tỉnh rồi giao cấu với cháu Út. Giao cấu xong, Mai cởi quần cháu Út, lật úp người cháu Út, ngồi lên lưng cháu Út và cầm ống quần luồn qua cổ cháu Út, thắt nút 2 ống quần với nhau (loại nút kép). Sau đó, Mai dùng tay trái cầm chỗ quần thắt ở cổ cháu Út, tay phải cầm chân cháu Út bê cháu Út tới chỗ gốc mít cách chỗ giao cấu khoảng 3,5 mét rồi lấy xe máy đi về chòi.

    Ngày 30-12-2004, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước tổ chức thực nghiệm điều tra: Cho cháu Hằng xác định vị trí đứng và quan sát Mai lái xe Honda qua và cho Mai diễn lại quá trình thực hiện hành vi phạm tội cùng với người đóng thế và hình nộm thay cháu Út. Kết quả thực nghiệm cho thấy, cháu Hằng đứng ở đầu vườn củ đậu cách đường đất đỏ khoảng 17 mét nghe rõ tiếng cháu Út dặn trông xe đạp (2 cháu đứng cách nhau khoảng 100 mét), Mai đưa cháu Út vào khu vườn mít cách chỗ mót củ đậu của chị em cháu Hằng khoảng 600 mét và thực hiện lại các hành vi phạm tội như đã mô tả.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 11/2005/HSST ngày 16-3-2005, Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước áp dụng các điểm c và g khoản 1 Điều 93; khoản 4 Điều 112; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 50 Bộ luật hình sự; xử phạt Lê Bá Mai tử hình về tội “Giết người” và 18 (mười tám) năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”, tổng hợp hình phạt chung của cả hai tội là tử hình; buộc bị cáo bồi thường 20.822.000 đồng cho gia đình nạn nhân (10.822.000 đồng tiền mai táng, 10.000.000 đồng tiền tổn thất tinh thần)

    Ngày 30-3-2005 bị cáo Lê Bá Mai kháng cáo xin giảm hình phạt, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo kêu oan và cho rằng, mình không phải là thủ phạm, việc làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là do cán bộ Công an trong Trại tạm giam đọc cho viết.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1345/2005/HSPT ngày 04-8-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh không chấp nhận kháng cáo và lời chối tội tại phiên toà phúc thẩm của Lê Bá Mai và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, Lê Bá Mai không làm đơn xin ân giảm án tử hình mà chỉ làm đơn kêu oan.

    Tại Quyết định kháng nghị số30/QĐ-VKSTC-V3 ngày 12-12-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1345/2005/HSPT ngày 04-8-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1345/2005/HSPT nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 11/2005/HSST ngày16-3-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước để điều tra lại theo thủ tục chung với lý do: Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Lê Bá Mai về tội “Hiếp dâm trẻ em” và tội “Giết người” là chưa có căn cứ vững chắc. Lời khai nhận tội của Lê Bá Mai và lời khai của những người làm chứng còn nhiều mâu thuẫn về các đặc điểm của nạn nhân và đặc điểm của bị cáo, nhưng chưa được làm rõ; nạn nhân được phát hiện có đúng là cháu Thị Út không cũng chưa được Cơ quan điều tra thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có nhiều vi phạm pháp luật tố tụng hình sự trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ các dấu vết, vật chứng cũng như việc giao nhận, bảo quản vật chứng không đảm bảo tính rõ ràng và chính xác.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đã nêu trong kháng nghị.

    XÉT THẤY:

    Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người bị hại là một bé gái mới hơn 11 tuổi, lại là người dân tộc thiểu số, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết luận bị cáo phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em và đã áp dụng hình phạt cao nhất đối với bị cáo, nhưng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong việc chứng minh tội phạm, chỉ căn cứ vào các chứng cứ buộc tội mà bỏ qua nhiều chứng cứ khác; nhiều mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo với lời khai của người làm chứng về các đặc điểm của nạn nhân và đặc điểm của bị cáo chưa được làm rõ.  Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có một số vi phạm pháp luật tố tụng hình sự trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ các dấu vết, vật chứng cũng như việc giao nhận, bảo quản vật chứng. Do đó, để có căn cứ vững chắc kết án Lê Bá Mai về tội giết người và hiếp dâm trẻ em, ngoài những tình tiết của vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh có ý nghĩa buộc tội bị cáo, cần phải điều tra làm rõ thêm một số vấn đề sau:

    Ngay buổi tối ngày 12-11- 2004, không thấy cháu Út về, cháu Hằng đã kể cho những người trong gia đình về đặc điểm của người chở cháu Út đi, anh Điểu Ky bố của cháu Hằng đã nghi người chở cháu Út đi là Lê Bá Mai, anh Ky và cháu Hằng đã đến hỏi Lê Bá Mai nhưng Mai không nhận, nhưng anh Ky không có phản ứng gì, cũng không báo với chính quyền địa phương hay với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc cháu Út bị mất tích, ba ngày sau (15-11-2004), anh Điểu Ky mới viết đơn trình báo Công an xã An Khương về việc cháu Út bị mất tích. Cần phải hỏi lại anh Điểu Ky để làm rõ về sự việc này.

    Ngày 16-11-2004, anh Điểu Ky cùng họ hàng tổ chức tìm kiếm cháu Út, đến khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày phát hiện có xác chết trong khu vườn mít của ông Dương Bá Tuân, nhưng không có tài liệu nào thể hiện cơ quan chức năng như Công an xã An Khương... đã tiến hành lập Biên bản về việc anh Điểu Ky phát hiện ra xác chết, không tổ chức cho gia đình cháu Út nhận dạng tử thi được tìm thấy. Vì vậy, cần hỏi lại những người thân của cháu Út đã căn cứ vào những đặc điểm gì để gia đình nhận dạng đó chính là xác của cháu Út, đặc biệt là chiếc quần quấn trên cổ nạn nhân về mầu sắc, cách gọi không thống nhất giữa lời khai với biên bản thu giữ nên phải lý giải được vì sao lại có sự khác nhau đó. Mặt khác, đến nay gia đình có nghi ngờ gì về nạn nhân bị giết không phải là cháu Út hay không?

    Theo biên bản ghi lời khai ngày 15-11-2004 (lời khai ban đầu), cháu Hằng chỉ khai là có người thanh niên mặc áo xanh, quần đen, đội nón lá, đi xe máy màu xanh, trên xe có chở một bình xịt thuốc rày màu xanh loại 14 lít đến 16 lít, một thùng đựng đá màu đỏ treo ở tay lái xe máy đã chở cháu Út đi chứ chưa khẳng định người chở cháu Út đi ngày 12-11-2004 là Lê Bá Mai, nhưng sau đó, tại biên bản ghi lời khai  ngày 16-11-2004 cháu Hằng khai rõ người chở cháu Út đi chính là Mai, còn anh Điểu Ky ngay lời khai ban đầu (ngày 16-11-2004) đã khẳng định, qua mô tả của cháu Hằng thì gia đình anh nghi ngờ người chở cháu Út đi là Mai. Vì vậy, cần điều tra làm rõ vì sao có sự khác nhau này giữa lời khai của cháu Hằng với lời khai của anh Điểu Ky?

    Về đặc điểm của người chở cháu Út đi ngày 12-11-2004, theo mô tả của cháu Hằng thì người này mặc áo xanh, quần đen, đội nón lá, đi xe máy màu xanh, trên xe có chở một bình xịt thuốc rầy màu xanh loại 14 lít đến 16 lít, một thùng đựng đá màu đỏ treo ở tay lái xe máy, nhưng anh Trong, anh Trường là những người cùng ở, cùng làm với Lê Bá Mai đều xác nhận: hôm cháu Út bị mất tích khi đi làm Mai không mang theo những vật dụng nói trên. Đây là chứng cứ quan trọng trong việc xác định thủ phạm gây án, cần phải điều tra làm rõ mâu thuẫn này.

    Theo Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 17-11-2004, thì tại hiện trường còn phát hiện các dấu vết như: vết giày dép, vết lốp xe và một số đồ vật  như chiếc bật lửa đỏ, chiếc dép da màu đen, các cọng tóc mỏng nhưng không được cơ quan điều tra tiến hành thu giữ. Vậy, các dấu vết và những đồ vật có liên quan gì đến vụ án và tại sao Cơ quan điều tra lại không thu giữ? Đối với các vật chứng của vụ án Cơ quan điều tra đã thu giữ như: Chiếc quần quấn trên cổ nạn nhân, một chiếc nón (mũ) kết đỏ, một đôi dép Lào, một củ đậu (củ sắn) bị ăn dở và thu tại chòi ở của Lê Bá Mai một chiếc bình đựng đá màu đỏ, một nón lá, một khăn vải và ba bộ quần áo, nhưng việc thu giữ, bảo quản, giao nhận không đúng với quy định của pháp luật,  và không thu giữ bình xịt thuốc rầy màu xanh... cần phải được điều tra làm rõ.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, Lê Bá Mai và gia đình có đơn khiếu nại về việc Mai bị ép cung và bị vi phạm quyền kháng cáo, nhưng chưa được giải quyết, vì vậy cũng cần tiến hành làm rõ để trả lời cho người khiếu nại.

    Ngoài ra, Bản kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn nêu ra một số tình tiết khác cần được điều tra xác minh là cần thiết.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;'

    QUYẾT ĐỊNH:

     Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1345/2005/HSPT ngày 04-8-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 11/2005/HSST ngày 16-3-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước về vụ án Lê Bá Mai phạm các tội “Hiếp dâm trẻ em” và "Giết người" để điều tra lại theo quy định của pháp luật; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

    Tiếp tục tạm giam bị cáo Lê Bá Mai cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý lại vụ án.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong việc chứng minh tội phạm, chỉ nghiêng về các chứng cứ buộc tội mà bỏ qua nhiều chứng cứ khác. Do đó, cần phải điều tra lại để làm rõ các căn cứ kết tội bị cáo.

     

     
    6280 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận