Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Huỳnh Thanh Bình bị kết án về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

Chủ đề   RSS   
  • #265156 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Huỳnh Thanh Bình bị kết án về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

    Số hiệu

    10/2007/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Huỳnh Thanh Bình bị kết án về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

    Ngày ban hành

    07/05/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 07 tháng 5 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với: 

    Huỳnh Thanh Bình, sinh ngày 25-9-1985 (khi phạm tội 17 tuổi 20 ngày); trú tại ấp Phú Khánh, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là khu vực Phú Khánh, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ); tạm trú tại ấp Đông An, xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; con ông Huỳnh Hữu Dư và bà Nguyễn Thị Tám.

    Người bị hại: Bà Võ Thị Bảy, sinh năm 1930 (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông Lê Bình (chồng bà Bảy), trú tại số 34/3 khu phố Đông Tân, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Nguyễn Văn Tấn Đạt, trú tại ấp 3, xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; tạm trú tại ấp Đông An, xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

    NHẬN THẤY:

    Khoảng 9 giờ ngày 15-10-2002, Nguyễn Văn Tấn Đạt điều khiển xe mô tô (BKS 61F4-2362) chở Huỳnh Thanh Bình đi bán nắp chai bia. Khi Đạt vào quán bán nắp chai, Bình ngồi trên xe chờ. Do Đạt không rút chìa khoá xe nên khi thấy Đạt từ quán đi ra, Bình nổ máy và nói với Đạt là để Bình đèo về, thì Đạt đồng ý. Bình điều khiển xe lưu thông trên đường ĐT 743 với tốc độ khoảng 50 km/h đến 60 km/h. Bình phát hiện phía trước cùng chiều cách khoảng 30 mét đến 40 mét có 1 xe đạp do bà Võ Thị Bảy điều khiển, nhưng Bình vẫn không giảm tốc độ. Khi còn cách xe đạp khoảng 5 mét đến 7 mét, thì Bình thấy bà Bảy điều khiển xe đạp ra khoảng giữa đường và chuyển hướng sang trái. Do không làm chủ được tốc độ và xử lý kém nên trục bánh trước bên phải xe mô tô vướng vào phía bên trái xe đạp của bà Bảy làm 2 xe ngã xuống đường. Hậu quả làm bà Bảy bị chết, Bình và Đạt bị thương nhẹ.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 318/HSST ngày 22-11-2004, Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202; các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69 và Điều 74 Bộ luật hình sự; xử phạt Huỳnh Thanh Bình 18 (mười tám) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; buộc Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Văn Tấn Đạt liên đới bồi thường 29.910.000 đồng (trong đó Bình bồi thường 19.910.000 đồng, Đạt bồi thường 10.000.000 đồng).

    Ngày 25-11-2004, ông Lê Bình (người đại diện hợp pháp của người bị hại) kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Thanh Bình và tăng mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu xử lý về mặt hình sự đối với Nguyễn Văn Tấn Đạt.

    Ngày 29-11-2004, Huỳnh Thanh Bình kháng cáo xin được hưởng án treo, xin giảm mức bồi thường thiệt hại.

    Ngày 29-11-2004, Nguyễn Văn Tấn Đạt kháng cáo xin giảm tiền bồi thường thiệt hại.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 674/HSPT ngày 25-4-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 69 và Điều 74 Bộ luật hình sự; xử phạt Huỳnh Thanh Bình 24 (hai mươi bốn) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; buộc Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Văn Tấn Đạt liên đới bồi thường cho người đại diện hợp pháp của người bị hại 34.910.000 đồng (Bình bồi thường 24.910.000 đồng, Đạt bồi thường 10.000.000 đồng).

    Tại Quyết định kháng nghị số39/HS-TK ngày 26-12-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 674/HSPT ngày 25-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 318/HSST ngày 22-11-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương về phần quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, và cho rằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự của Nguyễn Văn Tấn Đạt là thiếu sót.

    XÉT THẤY:

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Huỳnh Thanh Bình về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là có căn cứ, đúng pháp luật. Theo các tài liệu như lý lịch bị can, sổ hộ khẩu gia đình đều thể hiện Huỳnh Thanh Bình sinh năm 1985 (không có ngày tháng sinh cụ thể), nên Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định bị cáo sinh vào ngày 31-12-1985 (khi phạm tội bị cáo 16 tuổi 9 tháng 14 ngày). Tuy nhiên, theo Biên bản xác minh ngày  12-10-2006 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì tại sổ cấp giấy khai sinh lưu tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ thể hiện Huỳnh Thanh Bình sinh ngày 25-9-1985 (tức là khi phạm tội bị cáo 17 tuổi 20 ngày). Mặc dù có sự thay đổi ngày, tháng sinh, nhưng không làm thay đổi đường lối xét xử. Trong vụ án này, khi phạm tội bị cáo là người chưa thành niên, hậu quả xảy ra có một phần lỗi của người bị hại, cho nên mức hình phạt 24 (hai mươi bốn) tháng tù mà Toà án đã quyết định đối với Huỳnh Thanh Bình là đúng với đường lối xét xử đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

    Về phần trách nhiệm dân sự, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm buộc Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Văn Tấn Đạt liên đới bồi thường là không đúng, bởi lẽ Nguyễn Văn Tấn Đạt giao xe mô tô cho Huỳnh Thanh Bình điều khiển nhưng Đạt vẫn ngồi sau xe, Bình điều khiển xe thế nào vẫn phải phụ thuộc vào ý chí của Đạt; do đó, Đạt vẫn đang là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe  mô tô này. Theo hướng dẫn tại điểm a mục 2 phần III Nghị quyết số01/2004/NQ-HĐTP ngày 28-4-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (nay là Nghị quyết số03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006) thì Đạt vẫn là người phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Giả thiết cho rằng có căn cứ buộc Bình có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, thì việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không đưa cha, mẹ của Bình vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại) cũng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 674/HSPT ngày 25-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 318/HSST ngày 22-11-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương về phần quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    2. Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy một phần:

    Mặc dù chủ xe đã giao xe mô tô cho bị cáo điều khiển, nhưng chủ xe vẫn ngồi sau xe; do đó, vẫn đang là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe mô tô này, nên phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị cáo và chủ xe liên đới bồi thường thiệt hại là không đúng.

     

     
    4183 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận