Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Chu Xuân Tĩnh phạm tội "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

Chủ đề   RSS   
  • #265149 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4358 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Chu Xuân Tĩnh phạm tội "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

    Số hiệu

    07/2007/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Chu Xuân Tĩnh phạm tội "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

    Ngày ban hành

    04/04/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 04 tháng 4 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Chu Văn Tĩnh, sinh năm 1975; trú tại xóm Nguyễn, xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp làm ruộng; con ông Chu Văn Túc và bà Nguyễn Thị Chu (đều đã chết); có vợ là Trần Thị Giang và 2 con.

    Người bị hại:

    1. Anh Trần Ngọc Khỏa sinh năm 1966 (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: chị Trần Thị Quyến (là vợ của người bị hại) trú tại xóm Chỗ, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

    2. Chị Vũ Thị Hoa sinh năm 1983; trú tại thôn Sơn Thịnh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

    NHẬN THẤY:

    Khoảng 19 giờ ngày 01-6-2005, Chu Văn Tĩnh không có giấy phép lái xe nhưng đã điều khiển xe công nông không có biển kiểm soát, không có đèn chiếu sáng đi trên tỉnh lộ 267 theo hướng từ xã Quỳnh Sơn đến xã Tân An với tốc độ từ 10 đến 15km/h. Khi đi đến Km 01+700 thuộc địa phận thôn Tân Sơn, phát hiện phía trước cùng chiều có chướng ngại vật và có ánh đèn của xe mô tô đi ngược chiều, nên Tĩnh đã điều khiển xe công nông đi sang phần đường bên trái để vượt chướng ngại vật thì xe công nông của Tĩnh đâm vào xe môtô (BKS 98F6-3651) do anh Trần Ngọc Khoả điều khiển, tiếp đó lại đâm vào xe môtô (BKS 98L2-8508) do chị Vũ Thị Hoa điều khiển (hai xe môtô đều đi ngược chiều với xe công nông của Tĩnh). Hậu quả làm anh Khỏa bị chết, chị Hoa bị thương (chị Hoa từ chối giám định); hai xe môtô bị hư hỏng.

    Sau khi xảy ra tai nạn, Chu Văn Tĩnh đã bồi thường cho gia đình anh Khỏa số tiền 44.000.000 đồng; bồi thường cho chị Hoa số tiền 1.000.000 đồng.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 130/2005/HSST ngày 25-10-2005, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202; các điểm b và p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Chu Văn Tĩnh 03 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"; buộc Tĩnh phải bồi thường thêm cho chị Vũ Thị Hoa số tiền 1.500.000 đồng.

    Sau khi xét xử sơ thẩm Chu Văn Tĩnh kháng cáo xin được hưởng án treo.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 91/2006/HSPT ngày19-01-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202; các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt Chu Văn Tĩnh 03 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 04 năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

    Tại Quyết định kháng nghị số 41/HS -TK ngày 29-12-2006, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 91/2006/HSPT ngày 19-01-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 41/HS -TK ngày 29-12-2006 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là có căn cứ, nhưng đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để điều tra lại.

    XÉT THẤY:

    Trong vụ án này, bị cáo không có giấy phép lái xe, điều khiển xe công nông không đảm bảo an toàn kỹ thuật, đi không đúng phần đường, hậu quả làm một người bị chết, một ng­ười bị thư­ơng, hai xe mô tô bị h­ư hỏng, lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo. Do bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là tự nguyện bồi thường và thành khẩn khai báo nên Toà án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là mức khởi điểm của khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

    Khi xét xử phúc thẩm vụ án, Toà án cấp phúc thẩm có những sai lầm nghiêm trọng như: tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đề nghị của thân nhân bị cáo về việc tạm dừng phiên tòa để bổ sung các tài liệu làm cho việc xét xử không đư­ợc tiến hành liên tục là vi phạm quy định “việc xét xử phải tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ” tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng hình sự; đồng thời, bản án phúc thẩm còn có một số nhận định chưa hoàn toàn chính xác về bố và anh trai của bị cáo như trong bản kháng nghị đã nêu. Do đánh giá không đúng về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo và yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này hiện nay, Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm và cho bị cáo được hưởng án treo là không đúng pháp luật.

    Việc đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là có căn cứ, nhưng lại đề nghị huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại phần thân nhân của bị cáo, Hội đồng Thẩm phán thấy rằng việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, truy tố lại là không cần thiết, vì các tình tiết này cũng chỉ là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự và có thể làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm; vấn đề chính trong vụ án này là Tòa án cấp phúc thẩm cho bị cáo hưởng án treo là không đúng pháp luật cần được xét xử phúc thẩm lại.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 91/2006/HSPT ngày 19-01-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

    Mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm lại cho bị cáo hưởng án treo là không đúng pháp luật.

     

     
    3537 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận