Quyết định giám đốc thẩm số: 23/2009/KDTM-GĐT ngày 18 tháng 9 năm 2010 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng

Chủ đề   RSS   
  • #263936 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số: 23/2009/KDTM-GĐT ngày 18 tháng 9 năm 2010 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng

    Số hiệu

    23/2009/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số:23/2009/KDTM-GĐT ngày 18 tháng 9 năm 2010 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng

    Ngày ban hành

    18/09/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA KINH TẾ

    ------------------

    Quyết định giám đốc thẩm

    Số:23/2009/KDTM-GĐT

    Ngày 18 tháng 9 năm 2010

    V/v: tranh chấp hợp đồng

    xây dựng

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA KINH TẾ

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Thế Linh;

    Các Thẩm phán: Bà Bùi Thị Hải;

    Ông Nguyễn Văn Tiến

    Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Ông Phạm Ngọc Bình-Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Đức Thường.

    Ngày 18 tháng 9 năm 2009, tại trụ sở Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng xây dựng theo Quyết định kháng nghị số26/QĐ-KNGĐT-V12 ngày 05/8/2009 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 01/2009/KDTM –PT ngày 10/3/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An, giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại dịch vụ Hoàng Gia; có trụ sở tại số 618/42 đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh; đại diện theo pháp luật là ông Đinh Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty;

    Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn La Mã; có trụ sở tại số 207 ấp 3A, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; đại diện là ông Nguyễn Trung Thành, theo Giấy ủy quyền số109/08/UQ-LM ngày 22/11/2008 của Giám đốc Công ty.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chi nhánh liên hiệp khoa học và công nghệ phát triển nông thôn; trụ sở tại số 216/8/Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; đại diện là ông Vũ Khắc Thư, theo Giấy ủy quyền ngày 05/9/2008 của Giám đốc Chi nhánh.

    NHẬN THẤY

    Theo Đơn khởi kiện đề ngày 08/12/ và các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn xuất trình thì ngày 20/5/2007, Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại dịch vụ Hoàng Gia (sau đây viết tắt là Công ty Hoàng Gia) và Công ty trách nhiệm hữu hạn La Mã (sau đây viết tắt là Công ty La Mã) đã ký kết Hợp đồng giao nhận thầu cơ khí lắp dựng công trình số 02/HĐXL với hạng mục là cơ khí lắp dựng, tổng diện tích xây dựng là (96x36) m = 3456 m2, giá trị hợp đồng là 1.425.000.000 đồng. Hai bên đã thực hiện xong hợp đồng này, khối lượng, chất lượng công trình đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Ngoài hợp đồng nêu trên, hai bên còn ký kết 02 Phụ lục hơp đồng gồm Phụ lục ngày 22/6/2007 với nội dung: Công ty Hoàng Gia xây dựng công trình công nghiệp là nhà xưởng sản xuất mở rộng của Công ty La Mã (đổ móng nền nhà xưởng) với giá trị Phụ lục hợp đồng là 368.800.000 đồng. Phương thức thanh toán làm 4 đợt. Công ty Hoàng Gia đã thi công xong công trình, hai bên đã lập biên bản nghiệm thu vào ngày 10/10/2007, Công ty La Mã đã thanh toán được 03 đợt. Số tiền còn lại của đợt thứ 4 là 110.640.000 đồng, Công ty La Mã chưa thanh toán và Phụ lục ngày 06/7/2007 với nội dung: Công ty Hoàng Gia thực hiện việc lắp đặt tấm vách ngăn 3D, thay cho vách gạch và Tole. Giá trị của Phụ lục hợp đồng này là 303.000.000 đồng. Phương thức thanh toán làm 05 đợt. Công ty Hoàng Gia đã thi công xong công trình, phụ lục hợp đồng được Công ty Hoàng Gia và giám sát công trình của Công ty La Mã là ông Nguyễn Trung Thành ký biên bản nghiệm thu vào ngày 03/11/2007. Công ty La Mã đã thanh toán được 4 đợt. Số tiền còn nợ của đợt thứ 5 là 60.075.360 đồng, Công ty La Mã chưa thanh toán. Vì vậy, Công ty Hoàng Gia khởi kiện tại Tòa án với yêu cầu Công ty La Mã phải thanh toán số tiền còn thiếu của 02 phụ lục hợp đồng trên là 170.715.360 đồng và tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là 1.684.212 đồng. Tổng yêu cầu của Công ty Hoàng Gia là 172.399.572 đồng. Đối với yêu cầu phản tố của Công ty La Mã về việc buộc Công ty Hoàng Gia sửa chữa sự cố là sơn phủ toàn bộ diện tích nền nhà xưởng diện tích là 3456mbằng sơn chống mài mòn Epoxy, tháo dỡ và lắp dựng lại toàn bộ tấm vách 3D hoặc nếu không sửa chữa thì phải bồi thường 1.200.000.000 đông, Công ty Hoàng Gia không đồng ý. Liên quan đến việc thực hiện Phụ lục hợp đồng ngày 06/7/2007, Công ty Hoàng Gia có thỏa thuận với Chi nhánh liên hiệp khoa học và công nghệ phát triển nông thôn, theo đó Chi nhánh trên cung cấp vách ngăn 3D và cùng Công ty Hoàng Gia thi công, Công ty Hoàng Gia đề nghị trách nhiệm chính là giữa Công ty La Mã và Công ty Hoàng Gia, còn giữa Chi nhánh trên với Công ty Hoàng Gia sẽ bàn bạc, tính toán sau, không liên quan đến vụ kiện này.

    Bị đơn là Công ty La Mã trình bày: về thời gian, nội dung ký hợp đồng, các phụ lục hợp đồng giữa hai bên như Công ty Hoàng Gia đã nêu, đồng thời thừa nhận còn giữ 170.715.360 đồng của hai Phụ lục hợp đồng ngày 22/6/2007 và ngày 06/7/2007 nhưng cho rằng việc giữ lại số tiền trên là do Công ty Hoàng Gia thi công công trình không đảm bảo chất lượng: độ dày nền xưởng không đạt yêu cầu (8,19cm/10 cm thiết kế); lớp sơn phủ Epoxy không đạt yêu cầu; tấm vách 3D bị nghiêng và xước. Ngoài ra, vào ngày 02/3/2008, Công ty La Mã có đơn yêu cầu phản tố với nội dung: Công ty Hoàng Gia phải chịu chi phí để khắc phục sự cố của hạng mục kém chất lượng với số tiền là 1.351.677.963 đồng. Sau đó, vào ngày 24/3/2008, Công ty La Mã có đơn thay đổi yêu cầu phản tố với nội dung: Công ty Hoàng Gia sơn phủ lại toàn bộ diện tích nền là 3456mbằng sơn chống mài mòn Epoxy, trị giá theo Chứng thư thẩm định là 145.324.800 đồng; tháo dỡ và lắp dựng lại toàn bộ tấm vách 3D, diện tích là 2575,5 m2, trị giá theo Chứng thư giám định là 1.325.094.750 đồng… nếu không sửa chữa thì phải bồi thường cho Công ty là 1.200.000.000 đồng.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Chi nhánh liên hiệp khoa học và công nghệ phát triển nông thôn trình bày: Ngày 11/7/2007, Chi nhánh và Công ty Hoàng Gia có ký hợp đồng đặt hàng, theo đó Chi nhánh cung cấp toàn bộ tấm vách 3D và cùng Công ty Hoàng Gia thi công lắp đặt tấm vách 3D vào nhà xưởng của Công ty La Mã. Trước tranh chấp giữa Công ty Hoàng Gia và Công ty La Mã, Chi nhánh khẳng định tấm vách mà Chi nhánh cung cấp là đúng theo tiêu chuẩn của hợp đồng đã ký. Việc rạn nứt tấm vách 3D như Công ty La Mã đưa ra thì đây chỉ là rạn nứt phần vữa tô bên ngoài nên sẽ khắc phục được và không ảnh hưởng đến chất lượng tấm vách 3D.

    Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số02/2008/KDTM-ST ngày 30/9/2008, Tòa án nhân dân huyện Bến Lức áp dụng Điều 76, Điều 84 Luật Xây dựng; Điều 306 Luật Thương mại; khoản 2 Điều 305, Điều 519 Bộ luật dân sự và quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Hoàng Gia. Buộc Công ty TNHH La Mã phải có trách nhiệm hoàn trả 197.157.055 đồng; Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH La Mã về việc yêu cầu Công ty TNHH Hoàng Gia phải sơn phù lại toàn bộ diện tích nền nhà xưởng là 3456 mbằng sơn chống mài mòn Epoxy trị giá theo Chứng thư thẩm định là 145.324.800 đồng; tháo dỡ, lắp dựng lại toàn bộ tấm vách 3D, diện tích là 2575,5 m2, trị giá theo Chứng thư giám định là 1.325.094.750 đồng… Công ty TNHH La Mã phải chịu 4.490.000 đồng chi phí thẩm định giá…”

    Ngày 09/10/2008, Công ty La Mã có đơn kháng cáo toàn bộ đối với bản án sơ thẩm nêu trên với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã không trưng cầu giám định chất lượng công trình cũng như các hạng mục mà hai bên tranh chấp để làm căn cứ giải quyết…

    Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số01/2009/KDTM-PT ngày 10/3/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Long An căn cứ Điều 76, Điều 84 Luật Xây dựng, Điều 316 Luật Thương mại, Điều 305, Điều 307 và Điều 308 Bộ luật dân sự và quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Hoàng Gia về việc đòi Công ty TNHH La Mã thanh toán tiền thi công hai hạng mục công trình xây dựng nhà xưởng mở rộng theo hai phụ lục hợp đồng ngày 22/6/2007 và ngày 06/7/2007 số tiền là 197.167.055 đồng.

    Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH La Mã về việc yêu cầu Công ty TNHH Hoàng Gia bồi thường tiền cho phí lắp đặt và dựng vách 3D, sơ phủ nền Epoxy, diện tích 3456 mthuộc nhà xưởng sản xuất theo Hợp đồng số 02 ngày 28/5/2007 và hai phụ lục hợp đồng 22/6/2007 và ngày 06/7/2007 số tiền là 1.200.000.000 đồng.

    Khấu trừ tiền được chấp nhận của hai Công ty, số tiền còn lại buộc Công ty Hoàng Gia phải trả cho Công ty La Mã cụ thể 1.200.000.000 đồng – 197.167.055 đồng = 1.002.832.945 đồng. Buộc Công ty TNHH Hoàng Gia phải bồi thường cho Công ty TNHH La Mã số tiền 1.002.832.945 đồng … Về chi phí thẩm định, Công ty TNHH La Mã phải chịu 4.490.000 đồng…”

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 29/3/2009, Công ty Hoàng Gia có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định kháng nghị số26/QĐ-KNGĐT-V12 ngày 05/8/2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 01/2009/KDTM –PT ngày 10/3/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số02/2008/KDTM-ST ngày 30/9/2008, Tòa án nhân dân huyện Bến Lức và Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 01/2009/KDTM –PT ngày 10/3/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định như sau:

    “Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Hoàng Gia, buộc Công ty La Mã phải thanh toán cho Công ty Hoàng Gia số tiền xây dựng công trình còn thiếu là có cơ sở.

    Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số02/2008/KDTM-ST ngày 30/9/2008, Tòa án nhân dân huyện Bến Lức chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Hoàng Gia về việc buộc Công ty La Mã trả toàn bộ số tiền xây dựng công trình (theo hợp đồng ngày 28/5/2007 và 2 bản phụ lục hợp đồng kèm) còn thiếu là 197.167.055 đồng, trong khi công trình đang trong giai đoạn bảo hành và có lỗi kỹ thuật cần phải khắc phục là vi phạm Điều 30 khoản 2 điểm a Nghị định209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Đồng thời Công ty La Mã có yêu cầu phản tố đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty Hoàng Gia là không khách quan.

    Đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 01/2009/KDTM –PT ngày 10/3/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty La Mã, buộc Công ty Hoàng Gia phải bồi thường tiền chi phí lắp đặt tấm vách 3D và sơ phủ nền epoxy số tiền 1.200.000.000 là chưa có cơ sở thực thế và căn cứ pháp lý, cụ thể là:

    Trước khi vụ án được thụ lý, Công ty La Mã đã đơn phương thuê Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam Chi nhánh Miền Nam tiến hành kiểm định chất lượng tấm vách 3D và sơn phù nền Epoxy mà không có sự thỏa thuận của Công ty Hoàng Gia có yêu cầu giám định lại nhưng Tòa án vẫn công nhận kết quả kiểm định, không chấp nhận yêu cầu của Công ty Hoàng Gia là vi phạm Điều 67, Diều 90 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Bản án phúc thẩm còn nêu tài liệu không có trong hồ sơ vụ án: “ Ngày 11/12/2007, Công ty La Mã gửi văn bản cho Công ty Hoàng Gia có biện pháp khắc phục nhưng Công ty Hoàng Gia không trả lờ” làm căn cứ xác định lỗi của Công ty Hoàng Gia là vi phạm Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Những vi phạm về pháp luật tố tụng đã nêu trên dẫn đến vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật về nội dung, cụ thể là:

    Việc thi công của Công ty Hoàng Gia theo thỏa thuận giữa hai bên là không có thiết kế nên cả phía Công ty Hoàng Gia và Công ty La Mã đều vi phạm Điều 72 Luật Xây dựng, khi xảy ra tranh chấp không có tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng, nhưng trách nhiệm thuộc về Công ty La Mã.

    Thực tế, hai Công ty đã lập biên bản nghiệm thu số lượng, chất lượng hạng mục công trình và Công ty La Mã đã nhất trí thanh toán tiền, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn chấp nhận yêu cầu của Công ty La Mã yêu cầu Công ty Hoàng Gia bồi thường khoản tiền lắp đặt lại hạng mục công trình đã nghiệm thu là không có căn cứ.

    Trong Công văn ngày 13/11/2007 của Công ty La Mã gừi Công ty Hoàng Gia, phía Công ty La Mã đã thừa nhận việc sơn phủ chống mài mòn Epoxy là thiếu sót thuộc về Công ty La Mã và chấp nhận thanh toán tiền đối với phần việc Công ty Hoàng Gia đã thực hiện. Tòa án cấp phúc thẩm vẫn buộc Công ty Hoàng Gia bồi thường cho Công ty La Mã khoản tiền sơn chống phủ nói trên theo yêu cầu phản tố là vi phạm Điều 4, Điều 374 khoản 3 Bộ luật dân sự”.

    XÉT THẤY

    1. Về thủ tục tố tụng: Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì do có tranh chấp với Công ty Hoàng Gia về chất lượng thi công công trình theo Hợp đồng số 02 ngày 20/5/2007 và hai phụ lục hợp đồng ngày 22/6/2007 và ngày 06/7/2007 nên trước khi Tòa án nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An thụ lý vụ án vào ngày 17/01/2008, Công ty La Mã đã ký Hợp đồng số 37/2007/HDKT ngày 13/11/2007 với Chi nhánh Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC) để thuê Chi nhánh này kiểm định chất lượng công trình: Nhà máy sản xuất của Công ty La Mã tại số 207 ấp 3A, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An bao gồm: kiểm tra hồ sơ quản lý chất lượng của các công việc đã thực hiện; kiểm tra chất lượng thực tế của các công trình đã thực hiện; kiểm tra khối lượng thi công thực tế so với hợp đồng và lập báo cáo gửi Chủ đầu tư công trình. Ngày 03/12/2007, Chi nhánh Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam có Báo cáo thẩm định chất lượng công trình xây dựng gửi Công ty La Mã. Trong quá trình thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu phản tố của Công ty La Mã thì tại Tòa án cấp sơ thẩm, Công ty La Mã có yêu cầu Tòa án giám định, định giá theo kết quả của CDC (Biên bản thẩm định tại chỗ ngày07/7/2008-BL số 281) và tại Tòa án cấp phúc thẩm, Công ty Hoàng Gia có yêu cầu Tòa án giám định (Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày10/3/2009-BL số 470) nhưng Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm không ra Quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại tiểu mục 6.2 mục 6 phần IV Nghị quyết số04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về “Chứng minh và chứng cứ” mà dựa vào Báo cáo thẩm định chất lượng công trình của Chi nhánh công ty cổ phần tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam là không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự vì theo Quyết định số615/T-THH ngày 06/8/1993 của Hội đồng trung ương liên hiệp của Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thì Liên hiệp khoa học sản xuất và hỗ trợ phát triển nông thôn là tổ chức, cấp trên của Chi nhánh. Trong trường hợp coi đơn vị cung cấp tấm vách 3D và cùng thi công lắp dựng với Công ty Hoàng Gia có liên quan đến yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự đối với chất lượng tiêu chuẩn của tấm vách 3D thì cần thu thập thêm chứng cứ để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

    2. Về nội dung: Theo thỏa thuận của Công ty La Mã và Công ty Hoàng Gia tại Điều 4.2 và Điều 4.3 Phụ lục hợp đồng ngày 22/6/2007 và ngày 06/7/2007 thì số tiền bảo hành của Phụ lục hợp đồng ngày 22/6/2007 là 3%, tương đương với 11.064.000 đồng; của Phụ lục hợp đồng ngày 06/7/2007 là 3% tương đương với 9.090.000 đồng, Công ty La Mã tạm giữ và sẽ thanh toán cho Công ty Hoàng Gia khi hết thời hạn bảo hành và trường hợp trong thời gian bảo hành công trình có xảy ra các sự cố do lỗi của Công ty Hoàng Gia mà Công ty Hoàng Gia không cử cán bộ kỹ thuật giải quyết kịp thời… thì Công ty La Mã có quyền trích chi phí bảo hành để khắc phục. Chi phí sửa chữa này sẽ trừ vào số tiền bảo hành sau 12 tháng. Tại Tòa án các cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm, Công ty La Mã vẫn cho rằng Công ty Hoàng Gia đã có lỗi trong quá trình thi công nên chất lượng công trình không bảo đảm. Như vậy, việc Tòa án các cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Hoàng Gia buộc Công ty La Mã phải thanh toán toàn bộ số tiền còn thiếu của 02 phụ lục hợp đồng là 170.715.360 đồng là không phù hợp với thỏa thuận nêu trên của hai bên về giải quyết số tiền bảo lãnh và không phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 (Trách nhiệm của các bên về bảo hãnh công trình xây dựng) Nghị định số209/2004/ND-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm dựa trên Chứng thư thảm định giá số VC08/08/50/BDS-LS ngày 12/8/2008 của Công ty thẩm định giá Miền Nam và yêu cầu phản tố của Công ty La Mã để buộc “Công ty Hoàng Gia bồi thường tiền chi phí lắp dựng vách 3D, sơ phủ nền Epoxy diện tích 3456mthuộc nhà xưởng sản xuất theo Hợp đồng số 02 ngày 28/5/2007 và hai phụ lục hợp đồng ngày 22/6/2007 và ngày 06/7/2007 với số tiền là 1.200.000.000 đồng” là không có căn cứ vì Công ty Hoàng Gia đã có yêu cầu trưng cầu giám định đối với các công trình đã thi công và yêu cầu Công ty La Mã chỉ ra những hư hỏng cụ thể để Công ty Hoàng Gia sửa chữa, khắc phục. Ngoài ra, việc buộc Công ty Hoàng Gia phải bồi thường chi phí về sơn phủ Epoxy cho Công ty La Mã là không có cơ sở vì theo hồ sơ vụ án, trong quá trình thực hiện hợp đồng và phụ lục hợp đồng, Công ty La Mã đã có Công văn ngày 13/10/2007 gửi Công ty Hoàng Gia với nội dung dừng việc thi công nền nhà, không cần sơn Epoxy, đồng thời chấp nhận thanh toán mọi phí tổn cho việc ngừng thi công. Cùng ngày 13/10/2007, Công ty Hoàng Gia có Công văn phúc đáp với nội dung: đề nghị Công ty La Mã cân nhắc việc dừng thi công vì Công ty Hoàng Gia đã ký hợp đồng với đối tác. Hơn nữa, giữ hai bên đã ký các biên bản nghiệm thu số lượng, chất lượng công trình và đưa công trình vào sử dụng. Vì vậy, đẻ giải quyết vụ án được đúng pháp luật thì cần phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong việc ký kết và thực hiện hợp đông, các Phụ lục hợp đồng; căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan giám định được Tòa án trưng cầu để đánh giá chất lượng công trình thi công mà hai bên có tranh chấp và lỗi của các bên, đồng thời yêu cầu các đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 1, 3 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH

    Hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số02/2008/KDTM-ST ngày 30/9/2008, Tòa án nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An và Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 01/2009/KDTM –PT ngày 10/3/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    CÁC THẨM PHÁN

    Nguyễn Văn Tiến Bùi Thị Hải

    (Đã ký) (Đã ký)

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Bùi Thế Linh

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 03:51:59 CH
     
    3221 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận