Quyết định giám đốc thẩm số: 21/2009/KDTM-GĐT ngày 20 tháng 8 năm 2009 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng

Chủ đề   RSS   
  • #263961 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số: 21/2009/KDTM-GĐT ngày 20 tháng 8 năm 2009 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng

    Số hiệu

    21/2009/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số:21/2009/KDTM-GĐT ngày 20 tháng 8 năm 2009 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng

    Ngày ban hành

    20/08/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA KINH TẾ

    ------------------

    Quyết định giám đốc thẩm

    Số:21/2009/KDTM-GĐT

    Ngày 20 tháng 8 năm 2009

    V/v: tranh chấp hợp đồng xây dựng

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA KINH TẾ

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:

    Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Bà Bùi Thị Hải;

    Các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

    1. Ông Bùi Thế Linh,

    2. Ông Nguyễn Văn Tiến,

    Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Ông Nguyễn Bá Thắng-Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ồng Nguyễn Anh Hoàng -Thẩm tra viên chính Tòa án nhân dân tối cao.

    Ngày 20 tháng 8 năm 2009, tại trụ sở Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại theo Kháng nghị số06/2009/KDTM-KN-K của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số19/2007/KDTM-PT ngày 27/9/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về tranh chấp hợp đồng xây dựng, giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn; có trụ sở tại số 475 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; do luật sư Hà Minh Tú – đại diện theo Giấy ủy quyền số 754A/UQ-TCT ngày 8/12/2006 của Tổng Giám đốc Công ty;

    Bị đơn: 1- Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải Thăng Long; có trụ sở tại số 401 đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; do ông Hoàng Kim San (Trưởng phòng tổ chức hành chính) đại diện theo Giấy ủy quyền số72/UQ-TCLDTL ngày 28/6/2007 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty;

    2- Công ty cổ phần TRAENCO; có trụ sở tại số 46 phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; do ông Đặng Tử Hoàng (Trưởng phòng tổ chức hành chính) đại diện theo Giấy ủy quyền số 941/UQ ngày 18/9/2007 của Tổng Giám đốc Công ty.

    NHẬN THẤY

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 15/12/2006 (bổ sung ngày 28/12/2006) và các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn xuất trình, thì:

    Ngày 09/10/2001, Công ty xây dựng và thương mại (nay là Công ty cổ phần TRAENCO – gọi tắt là TRAENCO) ký Hợp đồng nhận thầu thi công đoạn đường nối từ quốc lộ 32 qua Trung tâm thể dục thể thao Quốc gia (Mễ Trì-Hà Nội) với đường Láng-Hòa Lạc (gói thầu số 4 Km 2+900 – Km 4+124) với Ban Quản lý các dự án 5 (PMU5). Ngày 24/10/2001, Công ty xây dựng và thương mại có quyết định số 1558/KHKT giao cho Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải Thăng Long – gọi tắt là Công ty Thăng Long) là đơn vị hạch toán phụ thuộc thực hiện hợp đồng này.

    Ngày 12/11/2001, Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 và Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (gọi tắt là Tổng Công ty Trường Sơn) ký kết Hợp đồng kinh tế số 71/HĐKT với nội dung (tóm tắt nội dung có tranh chấp): Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 giao cho Tổng Công ty Trường Sơn thi công đường nối từ quốc lộ 32 qua Trung tâm thể dục thể thao Quốc gia (Mễ Trì-Hà Nội) với đường Láng-Hòa Lạc-gói thầu số 4, nút giao Y đoạn Km3+270 – Km3+625; giá trị hợp đồng tạm tính là 7,5 tỷ đồng; nhà thầu chính (Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2) giữ lại 2% giá trị khối lượng xây lắp được thanh toán của nhà thầu phụ (để chi phí tổng B) và tiền bảo hành công trình…

    Ngày 17/02/2004, Chủ công trình (PMU5) và nhà thầu - Công ty xây dựng và thương mại đã nghiệm thu gói thầu đưa vào sử dụng phục vụ SEAGAME 22.

    Tổng giá trị khối lượng Tổng Công ty Trường Sơn đã thực hiện: 5.647.728.378 đồng; Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 giữ lại 2% (theo hợp đồng) là 112.954.568 đồng; Tổng Công ty Trường Sơn được thanh toán 5.534.773.810 đồng. Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 mới trả được 4.053.631.016 đồng (trong đó Công ty xây dựng và thương mại chuyển trả 200.000.000 đồng vào ngày 24/3/2004), còn nợ 1.481.142.794 đồng.

    Tổng Công ty Trường Sơn yêu cầu Công ty Thăng Long và TRAENCO thanh toán 1.198.756.375 đồng, còn lại 5% (282.368.419 đồng) chờ PMU5 trả lại nhà thầu khi đó Tổng Công ty Trường Sơn sẽ kiện đòi bằng một vụ kiện khác.

    Đại diện bị đơn trình bày:

    1- Đại diện Công ty Thăng Long: - Số tiền nợ phải trả cho Tổng Công ty Trường Sơn 1.481.142.794 đồng có trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2, nhưng TRAENCO không những không bàn giao khoản nợ mà hiện còn giữ 1.019.841.774 đồng của giá trị quyết toán chi phí gói thầu (20.498.940.467 đồng). TRAENCO phải là bị đơn có trách nhiệm thanh toán mới đúng.

    2- Đại diện TRAENCO: Công ty giao toàn bộ gói thầu cho Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 thực hiện và đã tạm ứng tổng cộng là 19.479.098.693 đồng. Số tiền còn lại 1.019.841.774 đồng khi chủ đầu tư thanh toán thì Công ty sẽ chuyển trả cho Xí nghiệp 2 (Công ty Thăng Long). Còn số tiền nợ của nguyên đơn đã đưa vào hồ sơ để cổ phần hóa của Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 thì Công ty Thăng Long có nghĩa vụ trả nợ.

    Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2007/KDTM ngày 18/6/2007, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội quyết định:

    “1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải Thăng Long.

    Buộc Công ty Thăng Long phải thanh toán trả Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn số tiền là: 1.198.756.375 đồng (gốc) + 230.000.000 đồng (lãi) = 1.428.756.375 đồng.

    2, Công ty cổ phần TRAENCO không phải trả nợ cho Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn ”.

    Ngày 28/6/2007, Công ty Thăng Long có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

    Tại bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số19/2007/KDTM-PT ngày 27/9/2007, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Ngày 12/12/2007, Công ty Thăng Long có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại kháng nghị số06/2009/KDTM-KN-K ngày 30/3/2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, theo hướng hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số19/2007/KDTM-PT ngày 27/9/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2007/KDTM ngày 18/6/2007 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội ; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với lý do (tóm tắt): - Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định Hợp đồng kinh tế số 71/HĐ ngày 12/11/2001 không bị vô hiệu, là có căn cứ, đúng pháp luật; Tòa án hai cấp chỉ buộc Công ty Thăng Long thanh toán nợ Tổng Công ty Trường Sơn, mà không buộc TRAENCO liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, không đúng quy định tại khoản 2 Điều 76 Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 (nay là khoản 3 Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2005).

    Ngày 14/4/2009, TRAENCO có văn bản số 285/CV kiến nghị cho rằng, lý do kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao không đúng.

    Tại kết luận số16/KL-GĐKT ngày 25/5/2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng không chấp nhận kháng nghị. Tuy nhiên, tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhất trí và đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị nêu trên của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY

    Khi ký Hợp đồng kinh tế số 71/HĐKT ngày 12/11/2001 về giao nhận thầu xây lắp công trình giữa Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 – đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty Xây dựng và Thương mại (nay là Công ty cổ phần TRAENCO) với Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, tuy giám đốc Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 không được người có thẩm quyền của Công ty Xây dựng và Thương mại ủy quyền, nhưng việc Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 ký hợp đồng với Tổng Công ty Trường Sơn là để thực hiện nhiệm vụ mà Công ty Xây dựng và Thương mại giao cho Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2; đồng thời Công ty Xây dựng và Thương mại biết việc ký kết và thực hiện hợp đồng này nhưng không phản đối mà còn trực tiếp thanh toán cho Tổng Công ty Trường Sơn 200.000.000 đông. Cho nên, Hợp đồng kinh tế số 71/HĐKT nêu trên không bị coi là vô hiệu.

    Do Hợp đồng kinh tế số 71/HĐKT ngày 12/11/2001 không bị coi là vô hiệu, cho nên Công ty Xây dựng và Thương mại (là pháp nhân) có nghĩa vụ đối với khoản nợ phát sinh từ hợp đồng này do Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 xác nhận nợ với Tổng Công ty Trường Sơn; Biên bản đối chiếu công nợ ngày 4/7/2004 (BL418) là biên bản đối chiếu công nợ nội bộ trong Công ty, Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 chỉ là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty Xây dựng và Thương mại, chưa phải là Công ty Thăng Long (pháp nhân);

    Sau khi Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 được tách ra thành một pháp nhân độc lập – Công ty Thăng Long, thì Công ty Xây dựng và Thương mại (nay là Công ty cổ phần TRAENCO) và Công ty Thăng Long không có việc bàn giao nghĩa vụ trả nợ Tổng Công ty Trường Sơn cho Công ty Thăng Long.

    Do vậy, việc TRAENCO cho rằng Công ty Thăng Long phải kế thừa nghĩa vụ trả nợ Tổng Công ty Trường Sơn là không có căn cứ.

    Việc tổ chức lại Công ty Xây dựng và Thương mại, tách Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 (đơn vị hạch toán phụ thuộc) để cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải Thăng Long (Giấy chứng nhận ĐKKD công ty cổ phần số 0103010656 ngày 13/01/2006) và chuyển đổi Công ty Xây dựng và Thương mại (công ty nhà nước) thành Công ty cổ phần TRAENCO (Giấy chứng nhận ĐKKD công ty cổ phần số 0103010774 ngày 26/01/2006) được thực hiện tại thời điểm thi hành Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, cho nên phải áp dụng Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003và các văn bản pháp luật liên quan đến luật này.

    Xét việc TRAENCO cho rằng kháng nghị viện dẫn áp dụng khoản 2 Điều 76 Luật DNNN năm 2003 là không đúng, bởi vì quy định này chỉ áp dụng cho hình thức tổ chức lại công ty nhà nước không làm thay đổi chủ sở hữu của công ty (Điều 73 Luật DNNN năm 2003), thấy: Tại khoản 2 Điều 74 Luật DNNN năm 2003 quy định: “Điều kiện tổ chức lại công ty nhà nước dưới các hình thức sáp nhập, hợp nhất, chia tách do Chính phủ quy định”; Ngày 6/11/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó quy định về đối tượng, điều kiện cổ phần hóa, nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước…Do đó, Công ty Xây dựng và Thương mại và Xí nghiệp xây dựng giao thông số 2 (đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty Xây dựng và Thương mại) thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định trên; Tại khoản 2 Điều 76 Luật DNNN năm 2003 quy định: “Đối với trường hợp tách công ty thì công ty bị tách và công ty được tách cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán…” và tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số187/2004/NĐ-CP ngày 6/11/2004 của Chính phủ, quy định:“Công ty cổ phần…kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của công ty nhà nước trước khi cổ phần hóa…”. Như vậy, việc kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao viện dẫn khoản 2 Điều 76 Luật DNNN năm 2003 là đúng.

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định TRAENCO và Công ty Thăng Long là đồng bị đơn trong vụ án là đúng. Tuy nhiên, Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ buộc Công ty Thăng Long thanh toán nợ cho Tổng Công ty Trường Sơn, mà không buộc TRAENCO cùng liên đới chịu trách nhiệm trả nợ Tổng Công ty Trường Sơn là không đúng quy định của pháp luật nêu trên; Trong trường hợp này, TRAENCO phải cùng Công ty Thăng Long có trách nhiệm trả nợ S, bởi vì, TRAENCO là đơn vị được chủ đầu tư (PMU5) thanh toán giá trị hợp đồng đã thực hiện có quyền đòi số tiền còn nợ từ hợp đồng với PMU5, chứ Công ty Thăng Long không có quyền này và chính TRAENCO cũng xác nhận là khi PMU5 trả số tiền còn lại sẽ thanh toán cho Công ty Thăng Long.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 2 Điều 291, khoản 3 Điều, Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH

    Hủy bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số19/2007/KDTM-PT ngày 27/9/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2007/KDTM ngày 18/6/2007 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật

    CÁC THẨM PHÁN

    Bùi Thế Linh  - Nguyễn Văn Tiến

    (Đã ký) 
    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Bùi Thị Hải

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 04:33:27 CH
     
    3612 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận