Quyết định giám đốc thẩm số 17/2006/ds-gđt ngày 05-7-2006 về vụ án “tranh chấp quyền sở hữu tài sản”

Chủ đề   RSS   
  • #265082 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 17/2006/ds-gđt ngày 05-7-2006 về vụ án “tranh chấp quyền sở hữu tài sản”

    Số hiệu

    17/2006/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số17/2006/ds-gđt ngày 05-7-2006 về vụ án “tranh chấp quyền sở hữu tài sản”

    Ngày ban hành

    05/07/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ17/2006/DS-GĐT NGÀY 05-7-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP 
    QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 5 tháng 7 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa các đương sự:

    1. Nguyên đơn: Bà Lê Thị Síu, sinh năm 1932; trú tại: Số nhà 14A phố Bảo Khánh, Hà Nội.

    2. Bị đơn: Chị Lê Thị Hưởng, sinh năm 1954; trú tại: Số nhà 52A phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Vũ Thị Lụa, trú tại: Số nhà 31 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    2. Anh Phan Quốc Trị (Dũng);

    3. Chị Lương Thị Ngọc Hiên;

    Cùng định cư tại Cộng hoà Liên bang Nga.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 28-4-1985 và lời khai tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội của bà Lê Thị Síu thì:

    Cuối năm 1979, bà đã giao dịch với bà Đặng Thị Nga để mua nhà 72 phố Lò Đúc, nhưng do bà không đủ tiền mua toàn bộ tầng 1, nên đã rủ bà Vũ Thị Lụa là mẹ chị Lê Thị Hưởng mua chung, giá nhà là 7.500đ, mỗi bên 1/2 là 3.750đ và 1/2 tiền thuế là 750đ, bà đã đưa số tiền đó cho bà Nga tại 31 phố Bà Triệu. Sau đó bà đã đi làm thủ tục sang tên trước bạ và chuyển đồ đạc đến ở 72 phố Lò Đúc vào ngày 26-5-1980; tháng 8-1980 khi bà đi vắng, chị Hưởng đã phá khoá cửa nhà bỏ đồ của bà ra ngoài.

    Bà đề nghị chia nhà 72 Lò Đúc theo 2 cách:

    1. Ngăn bớt phòng 17m2, bà xin ở phần 10m2 và sân phía trước, còn phòng cầu thang, bếp, sân để chị Hưởng ở.

    2. Ngăn đôi phòng 17m2, còn lại bếp, gầm cầu thang, sân dùng chung, chị Hưởng phải bồi thường số tài sản của bà do chị Hưởng làm hư hỏng.

    Chị Lê Thị Hưởng trình bày: Do bà Síu giới thiệu cho mẹ chị là bà Vũ Thị Lụa đến mua nhà vào cuối năm 1979, bà Lụa là người trả toàn bộ tiền mua nhà cho bà Nga với giá 15.000đ. Trả làm 3 lần: Lần 1 vào ngày 2-10-1979 số tiền 5.000đ, lần 2 vào ngày 24-10-1979 số tiền 8.000đ và lần 3 là 2.000đ. Các lần nhận tiền, bà Nga đều viết giấy biên nhận tiền cho mẹ chị. Ngày 21-12-1985 bà Nga viết một giấy biên nhận tổng cộng cả 3 lần đã nhận đủ 15.000đ, giấy này có thị thực của Uỷ ban nhân dân phường Phạm Đình Hồ cùng ngày 21-12-1985.

    Sau đó bà Síu mới đến hỏi mẹ chị xin mua chung nhà, diện tích bà Síu định mua từ phòng 4m2 trở vào bếp trị giá 6.000đ bà Síu đưa cho bà Lụa 2,5 lượng vàng tương đương 5.000đ còn thiếu 1.000đ sẽ trả sau. Tháng 11-1980 bà Síu đưa đồ đạc đến ở, hẹn khi nào chị xây dựng gia đình sẽ trả lại. Tháng 11-1981, chị xây dựng gia đình, bà Síu đưa chìa khoá nhà để chị đến ở. Đồ đạc của bà Síu bị hư hỏng là do cháu bà Nga làm cháy xăng gây ra. Tháng 10-1983 bà Síu nói với bà Lụa là không đủ tiền mua từ phòng chân cầu thang đến bếp nên lấy lại 1 lạng vàng tương đương 80.000đ để sửa phòng bếp, có giấy biên nhận vay tiền. Bà Síu đề nghị chia sở hữu nhà, chị đồng ý nhưng chia theo tỷ lệ tiền đóng góp. Nếu chia đôi thì bà Síu phải thanh toán tiền còn thiếu cho mẹ chị.

    Bà Vũ Thị Lụa thống nhất như lời khai của chị Hưởng.

    Bà Đặng Thị nga (đã chết tháng 4-1992) nhưng khi còn sống, tại các lời khai của bà Nga khẳng định chỉ bán nhà cho bà Lụa và nhận tiền của bà Lụa làm 3 lần tổng cộng 15.000đ và viết biên nhận cho bà Lụa. Bà Nga không nhận tiền của bà Síu.

    Anh Phan Quốc Trị, chị Lương Ngọc Hiên trình bày: Theo bản án số 243 ngày 25-6-1987 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, bản án này đã xác định chị Hưởng được sở hữu các diện tích còn lại gồm phòng 17,37m2, phòng chân cầu thang 5,89m2. Do đó, năm 1988 anh, chị đã mua diện tích này của chị Hưởng giá 12 lạng vàng. Trong quá trình sử dụng anh, chị đã sửa lại cổng chính, làm cửa kéo phòng 17m2, làm lại cửa sổ, cửa chính phòng cầu thang, trát lại mặt trong 2 gian nhà lát gạch men, kính nhà vệ sinh, làm mới một nhà tắm 1,1m2; nhưng theo bản án 103 ngày 17 và ngày 18-12-1992 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xác định chị Hưởng được sở hữu phòng 17,23m2, phòng 6,82m2 sân 1,1m2 (đã làm nhà tắm). Sử dụng chung phần sân còn lại theo tỷ lệ tiền 4/5 nên ngày 20-1-1993 anh, chị cùng chị Hưởng lập lại hợp đồng mua bán theo diện tích mà bản án này đã chia. Ngày 19-1-1993, anh, chị đã trước bạ tại Sở Nhà đất Hà Nội.

    Được sự đồng ý của bà Nga cho sử dụng sân trước, anh đã xây dựng cải tạo thành phòng ở. Sau đó anh đã mua toàn bộ tầng 2 nhà 72 phố Lò Đúc, hiện tại gia đình anh đang sử dụng toàn bộ ngôi nhà. Anh đề nghị Toà án giữ nguyên phần diện tích đã mua của chị Hưởng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 35/DSST ngày 27-10-1986, Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã quyết định:

    Chia cho bà Síu được sở hữu phòng 7,3m2; 8,2m2 sân và bếp 7,16m2. Trị giá 105.600đ. Chị Hưởng được sở hữu phòng 17,37m2; 7,84m2 sân trước trị giá 177.620đ. Chị Hưởng thanh toán cho bà Síu 36.010đ chênh lệch. Khoản tiền 80.000đ bà Síu vay bà Lụa và đặt cọc 1,5 lượng vàng tháng 10-1983 không liên quan đến việc mua nhà 72 phố Lò Đúc nên Toà án không xét.

    Bác yêu cầu của bà Síu đòi bồi thường tài sản đối với bà Lụa.

    Ngày 30-10-1986 chị Hưởng kháng cáo.

    Ngày 4-11-1986 bà Síu kháng cáo.

    Ngày 19-12-1986 bà Đặng Thị Nga có đơn khiếu nại nêu bà không bán diện tích sân trước nhưng Toà án lại chia cho chị Hưởng mà bà không được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 243/DSPT ngày 25-6-1987, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    - Xác nhận việc mua chung nhà 72 phố Lò Đúc của bà Síu và chị Hưởng là hợp pháp.

    - Bà Síu được sở hữu phòng 7,8m2 (trước là bếp đã sửa chữa lại thành mái bằng) trị giá 204.750đ. Bà Síu phải thanh toán chênh lệch cho chị Hưởng so với kỷ phần được hưởng là 31.658,5đ tương đương 633kg thóc.

    - Chị Hưởng được sở hữu các diện tích còn lại gồm phòng 17,37m2; phòng chân cầu thang 5,89m2;

    - Công trình phụ các hộ sử dụng chung.

    - Công trình phụ do chị Hưởng tự xây dựng trên sân trước nếu các bên có yêu cầu sẽ do chính quyền địa phương giải quyết.

    - Yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản của bà Síu nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ do cơ quan Công an, Viện kiểm sát quyết định.

    - Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Sau khi xét xử phúc thẩm bà Síu có nhiều đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số 66 ngày 17-6-1989, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm trên với lập luận: Án phúc thẩm xác định bà Síu và chị Hưởng mua chung nhà là đúng, nhưng xác định bà Síu có góp 1,5 lượng vàng trong số 7,5 lượng vàng để chia cho bà Síu 7,8m2 bà Síu phải thanh toán cho chị Hưởng 31.650đ là chưa thoả đáng vì lời khai về tiền mua nhà của hai bên có mâu thuẫn nên cần điều tra thêm về số tiền đóng góp mua nhà của mỗi bên. Diện tích sân ghi trong văn tự là 10,8m2 nhưng đo thực tế là 18m2 nên cũng cần xem xét lại xem chủ nhà bán diện tích sân nào (vì nhà có 2 sân).

    Tại Kết luận số 161 ngày 11-11-1989, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị nêu trên.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số 168 ngày 29-11-1989, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:

    Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 243 ngày 25-6-1987 và giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội phúc thẩm lại theo hướng điều tra làm rõ số tiền mỗi bên đóng góp là bao nhiêu để phân chia sở hữu và thanh toán chênh lệch. Phần diện tích sân 10,8m2 ghi trong văn tự, án phúc thẩm xác định là 18m2 nên cũng cần điều tra để làm rõ.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 97/DSPT ngày 7 và 8-6-1990, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    - Xác nhận hợp đồng mua bán nhà lập ngày 12-5-1980 là hợp pháp.

    - Xác nhận toàn bộ diện tích tầng 1 nhà 72 phố Lò Đúc thuộc sở hữu của bà Lê Thị Síu và chị Lê Thị Hưởng có giá trị là 21.570.219đ, thanh toán công sức cho chị Hưởng là 1.407.780đ còn lại là 20.162.439đ. Mỗi người được hưởng 1/2 giá trị là 10.081.219đ.

    - Chia hiện vật:

    + Chị Hưởng được sở hữu phòng 7,905m2 mặt phố Lò Đúc trị giá 5.634.684đ. Một phần buồng 17,76m2 là 3 ´ 3,4 = 10,2m2 trị giá 6.058.800đ (giáp buồng 7,9m2) giá trị 1/2 nhà tắm, nhà xí là 977.872,5đ. Cộng giá trị là 12.671.356,5đ so với kỷ phần sở hữu của chị Hưởng là 11.488.999đ. Chênh lệch thừa là 1.182.357đ.

    + Bà Síu được sở hữu bếp 7,1m2 trị giá 2.108.700đ, diện tích 7,56m2 của buồng 17,76m2 trị giá 4.490.640đ; buồng cầu thang 4,45m2 trị giá 1.321.650đ; giá trị 1/2 nhà tắm, nhà xí là 977.872,5đ. Còn thiếu so với kỷ phần được chị Hưởng thanh toán là 1.182.357đ.

    - Diện tích phụ gồm: Sân trong, nhà tắm, nhà xí, máy nước, công tơ điện và lối đi vào sân các hộ sử dụng chung.

    - Bà Síu được mở lối đi ra phố Hoà Mã và xây tường ngăn buồng chính phí tổn hai bên cùng chịu. Cửa sắt buồng 17,76m2 do hai bên thương lượng, nếu không thương lượng được chị Hưởng phải tháo dỡ.

    - Số tiền bà Síu vay bà Lụa 80.000đ không liên quan tới vụ án này, nếu có tranh chấp giải quyết thành vụ án khác.

    - Yêu cầu của Bà Síu đòi chị Hưởng bồi thường thiệt hại tài sản nếu có đủ căn cứ sẽ giải quyết thành vụ án khác.

    - Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Án phí:

    Bà Síu phải chịu 500.000đ án phí sơ thẩm.

    Chị Hưởng phải chịu 500.000đ án phí sơ thẩm và 15.000đ án phí phúc thẩm.

    Sau khi xét xử án phúc thẩm, chị Hưởng có nhiều đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số 28 ngày 9-4-1991, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao lại kháng nghị bản án phúc thẩm trên với lập luận: Trong văn tự mua bán nhà không ghi bán diện tích sân 7,9m2 trước phòng 17,76m2, án phúc thẩm xác định diện tích sân này có ghi bán trong văn tự nên đã đưa diện tích sân này vào chia sở hữu cho bà Síu và chị Hưởng là không đúng.

    Tại Kết luận số 137 ngày 7-8-1991, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị và đề nghị điều tra làm rõ diện tích sân ghi trong văn tự là 10,8m2 nhưng thực tế đo là 18m2, giá tiền mua bán ghi trong văn tự là 7.500đ nhưng giá thực tế là 15.000đ để giải quyết cho thoả đáng.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số 154 ngày 30-10-1991, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao đã xử huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 97 ngày 7 và 8-6-1990 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xử phúc thẩm lại theo hướng xác định diện tích sân phía trước 7,9m2 bà Nga không bán cho bà Síu và chị Hưởng và việc Toà án cấp phúc thẩm tách việc vay nợ 80.000đ của bà Síu với bà Lụa thành vụ án khác vì cho rằng 
    không liên quan đến việc mua bán nhà 72 phố Lò Đúc là không có căn cứ 
    vững chắc.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 37/DSPT ngày 7-3-1992, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 35 ngày 27-10-1986 của Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng và giữ hồ sơ lại để xử sơ thẩm vì sau khi có bản án dân sự phúc thẩm 243 ngày 25-6-1987, chị Hưởng đã bán nhà cho vợ chồng anh Phan Quốc Trị nên cần đưa vợ chồng anh Trị tham gia tố tụng để giải quyết triệt để vụ án.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 18/DSST ngày 12-6-1992, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    - Xác nhận văn tự bán nhà lập ngày 12-5-1980, giữa bà Đặng Thị Nga với bà Lê Thị Síu, chị Lê Thị Hưởng là hợp pháp.

    - Xác nhận bà Lê Thị Síu góp 1/5 và chị Lê Thị Hưởng góp 4/5 trong số tiền mua nhà 72 phố Lò Đúc.

    - Chia hiện vật:

    Chị Hưởng được sở hữu:

    + Phòng 17,20m2 trị giá 76.994.200đ;

    + Phòng 6,82m2 trị giá 14.941.000đ;

    + Sân 1,1m2 (đã làm nhà tắm) trị giá 1.150.000đ;

    + Sử dụng chung phần sân còn lại theo tỷ lệ tiền 4/5 là 5.520.000đ;

    Tổng cộng chị Hưởng được chia có giá trị 98.605.200đ. Chị Hưởng phải thanh toán chênh lệch cho bà Síu là 3.989.100đ.

    Bà Síu được sở hữu:

    + 1 gian nhà bằng (bếp cũ) trị giá 15.755.000đ;

    + 2,2m2 sân rộng 1m sát bếp trị giá 2.530.000đ;

    + Sử dụng chung phần sân còn lại theo tỷ lệ 1/5 là 1.380.000đ;

    Tổng cộng bà Síu được chia có trị giá 19.665.000đ, được chị Hưởng thanh toán chênh lệch là 3.989.100đ;

    - Bà Síu được mở lối đi ra phố Hoà Mã sát bếp được chia và được chuyển máy nước đến phần sân chung, phí tổn các hộ cùng chịu.

    - Chị Hưởng được mở lối đi ra phố Hoà Mã trên phần sân chung để các hộ trên gác và tầng 1 đi chung.

    - Phần sân còn lại 6m2 trên đó có máy nước, nhà xí, công tơ điện, ngõ dùng chung.

    - Bác yêu cầu đòi bồi thường tài sản của bà Síu.

    - Bác yêu cầu của bà Síu về 7,3m2 sân trước.

    - Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Án phí: Bà Síu phải nộp 1.774.050đ.

    Ngày 24-6-1992 bà Síu kháng cáo.

    Ngày 26-6-1992 chị Hưởng kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 103/DSPT ngày 17 và 18-12-1992, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 18/DSST ngày 12-6-1992 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 20-1-1993 tại Phòng công chứng Nhà nước thành phố Hà Nội chị Hưởng lập văn tự bán phần nhà được chia theo bản án dân sự phúc thẩm nêu trên cho anh Phan Quốc Trị, chị Lương Ngọc Hiên, đã được trước bạ tại Sở Nhà đất Hà Nội ngày 21-1-1993.

    Bà Lê Thị Síu có nhiều đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số 352 ngày 3-11-1995, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm trên với lập luận: Không có cơ sở xác định giá mua tầng 1 nhà 72 Lò Đúc là 15.000đ và kỷ phần đóng góp của bà Síu là 1/5 tiền mua chung nhà như Toà phúc thẩm đã xác định.

    Đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm lại theo hướng: Xác định giá mua nhà phố 72 Lò Đúc giữa bà Nga với bà Síu, chị Hưởng là 7.500đ, kỷ phần đóng góp mỗi bên là 1/2 như đã xác định tại bản án dân sự phúc thẩm số 97 ngày 8-6-1990 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, nhưng không tính 9,7m2 sân trước nằm trong phần diện tích mua bán giữa bà Nga với bà Síu, chị Hưởng.

    Tại Kết luận số 96 ngày 19-4-1996, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số23/UBTP-DS ngày 8-5-1996, Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định:

    - Chấp nhận kháng nghị số 352 ngày 3-11-1995 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    - Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 103 ngày 17 và 18-12-1992 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội về vụ án tranh chấp sở hữu nhà do mua chung tại nhà 72 phố Lò Đúc, Hà Nội giữa bà Lê Thị Síu và chị Lê Thị Hưởng.

    - Giao hồ sơ cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm theo hướng nêu trên.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 132/DSPT ngày 19-8-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    - Về hình thức: Chấp hành bản án giám đốc thẩm số23/UBTP-DS  ngày 08-5-1996 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ đề ngày 24-6-1992 của bà Lê Thị Síu và đơn kháng cáo hợp lệ ngày 26-6-1992 của chị Lê Thị Hưởng.

    - Về nội dung: Bác yêu cầu kháng cáo của chị Lê Thị Hưởng, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Lê Thị Síu, cụ thể:

    1. Xác nhận hợp đồng mua bán nhà 72 phố Lò Đúc, Hà Nội lập 
    ngày 12-5-1980 giữa bên bán là bà Đặng Thị Nga, bên mua là hai người mua chung là bà Lê Thị Síu và chị Lê Thị Hưởng là hợp đồng hợp pháp.

    2. Xác nhận kỷ phần sở hữu của bà Lê Thị Síu và chị Lê Thị Hưởng mỗi người là 1/2 diện tích nhà đã mua bán theo hợp đồng.

    3. Xác nhận phòng 9,6m2 mặt phố là của chung các hộ bà Đặng Thị Nga, bà Lê Thị Síu, chị Lê Thị Hưởng. Bà Nga, bà Síu, chị Hưởng có quyền lợi ngang nhau theo phần mỗi người 1/3 = 3,2m2.

    4. Huỷ toàn bộ “hợp đồng mua bán nhà” (một phần ngôi nhà số 72 phố Lò Đúc, Hà Nội) giữa bên bán là chị Lê Thị Hưởng và bên mua là anh Phan Quốc Trị, chị Lương Ngọc Hiên lập và chứng nhận ngày 20-01-1993 tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1 Hà Nội, huỷ việc đăng ký sang tên tại Sở Nhà đất Hà Nội ngày 19-01-1993 quyển 13 tờ 99 số 74 đối với hợp đồng mua bán nhà 72 phố Lò Đúc giữa chị Lê Thị Hưởng với anh Phan Quốc Trị và vợ là Lương Ngọc Hiên đã nêu ở trên.

    5. Phân chia nhà cụ thể như sau:

    - Chia cho bà Lê Thị Síu:

    + Phòng số 2 diện tích sử dụng 13,15m2 (không kể diện tích 1/2 tường giáp phòng số 1 và tường 2 bên).

    + Phòng số 5 diện tích sử dụng 7m2 (nguyên là nhà kho cũ ở cuối nhà).

    + Phòng số 4 diện tích sử dụng 4,65m2 (giáp phòng số 5).

    Tổng cộng bà Síu được chia sở hữu 24,80m2 diện tích sử dụng.

    - Chia cho chị Lê Thị Hưởng:

    + Phòng số 1 diện tích sử dụng 6,4m2 (sân trước cũ), không kể diện tích 1/2 tường ngăn với phòng 2.

    + Phòng số 2 diện tích sử dụng 4,65m2 (phần giáp phòng số 3).

    + Phòng số 3 diện tích sử dụng 8,50m2 (trừ 1m2 lối đi cho hộ trên gác) (phòng có cầu thang).

    + Phòng số 4 diện tích sử dụng 5,25m2.

    Tổng cộng chị Hưởng được chia sở hữu 24,80m2 diện tích sử dụng.

    Việc phân chia có sơ đồ kèm theo. Bà Síu, chị Hưởng không phải đền bù các công trình do vợ chồng anh Trị và chị Hiên đã làm trên đất được chia. Bà Síu, chị Hưởng có quyền xây ngăn diện tích được chia, nếu xây ở giữa gianh giới thì mỗi người phải chịu 1/2 kinh phí, nếu hai bên không cùng xây chung thì một bên có quyền xây tường ngăn trên diện tích của mình được chia. Các hộ được chia có quyền mở lối đi ra mặt phố Hoà Mã và phố Lò Đúc.

    Bà Lê Thị Síu, chị Lê Thị Hưởng có quyền đơn phương đến cơ quan Nhà đất sang tên trước bạ các diện tích được chia.

    Chị Lê Thị Hưởng phải trả cho bà Lê Thị Síu 655.500đ tiền bà Síu đã tạm ứng để định giá và đo đạc nhà.

    Về án phí: Bà Lê Thị Síu không phải chịu án phí phúc thẩm và được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

    Chị Lê Thị Hưởng phải nộp 18.000.000đ án phí sơ thẩm và phải nộp 50.000đ án phí phúc thẩm dân sự.

    Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 19-8-2004.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, chị Lê Thị Hưởng, anh Phan Quốc Trị có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định kháng nghị số20/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 5-4-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận định:

    Ngôi nhà số 72 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thuộc sở hữu của bà Đặng Thị Nga. Theo văn tự mua bán nhà ngày 12-5-1980 thì bà Nga bán tầng 1 nhà 72 phố Lò Đúc cho bà Lê Thị Síu và chị Lê Thị Hưởng gồm 1 buồng 17,36m2, 1 buồng 4,45m2, nhà bếp 6,21m2, toàn bộ sân 10,8m2. Máy nước, nhà xí, công tơ điện dùng chung với giá 7.500đ. Tiền mua nhà bên mua đã trả đủ cho bên bán, văn tự mua bán đã hoàn tất thủ tục sang tên trước bạ.

    Theo cấu trúc căn nhà 72 phố Lò Đúc có 2 sân, nhưng trong văn tự mua bán nhà chỉ ghi mua bán toàn bộ sân 10,8m2, không thể hiện sân trước hay sân sau. Tại các lời khai, bà Síu, chị Hưởng và bà Nga đều khai nhà số 72 phố Lò Đúc có 2 sân: Sân trước có diện tích 7,9m2 và sân sau 10,8m2.

    Quá trình giải quyết vụ kiện, bà Nga (người bán) khai chỉ bán sân sau cho bà Síu và chị Hưởng, không bán sân trước. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 12-6-1992 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, chị Hưởng (người mua) khai “bà Nga không bán sân trước mà chỉ bán buồng từ cầu thang trở vào”. Như vậy, bà Nga không bán 7,9m2 sân trước. Bản án phúc thẩm số 132/DSPT ngày 19-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội cũng xác định bà Nga không bán sân trước và cho là sân chung nên chia diện tích sân trước cho ba người là bà Síu, chị Hưởng, bà Nga làm thiệt hại đến quyền lợi của đương sự.

    Xét việc đóng góp tiền mua nhà của bà Síu và chị Hưởng thấy: Văn tự bán nhà lập ngày 12-5-1980 không ghi rõ phần diện tích nhà và số tiền mỗi bên đóng góp là bao nhiêu. Lời khai của mỗi bên về việc góp tiền mua chung nhà còn nhiều mâu thuẫn: Bà Síu khai rằng giá mua bán nhà là 7.500đ như trong văn tự bán nhà đã ghi nhưng bà không xuất trình được tài liệu nào chứng minh bà đã trả tiền cho bà Nga, lời khai của bà Síu lại không thống nhất về trình tự, thời gian trả tiền và làm văn tự mua bán nhà. Phía chị Hưởng khai: Việc ghi 7.500đ trong văn tự để trốn thuế, thực tế tiền mua nhà là 15.000đ do bà Lụa (mẹ chị) trực tiếp trả cho bà Nga, trả thành 3 lần. Trong tất cả các lời khai của bà Nga (bên bán nhà) đều khẳng định bán nhà giá 15.000đ, bà nhận tiền do bà Lụa (mẹ chị Hưởng) trả làm 3 lần. Tài liệu chứng minh trong hồ sơ chỉ có 3 giấy biên nhận của bà Nga nhận tiền trả mua nhà của bà Lụa (ngày 2-10-1979 bà Nga nhận 5.000đ; ngày 24-10-1979 nhận của bà Lụa 8.000đ; ngày 11-5-1980 nhận 2.000đ và biên nhận tổng 3 đợt là 15.000đ vào ngày 21-12-1985 và 01 giấy bà Síu viết tháng 10-1983 với nội dung vay của bà Lụa số tiền 80.000đ (tiền mua nhà) và gửi bà Lụa 01 cái kiềng 1,5 lạng vàng, khi có tiền sẽ lấy lại kiềng vàng, khoảng ngày chuộc lại từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có giấy biên nhận. Bản án phúc thẩm số 132/DSPT ngày 19-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xác định số tiền 80.000đ bà Síu vay bà Lụa không liên quan đến việc mua nhà 72 phố Lò Đúc và chỉ căn cứ vào văn tự mua bán nhà để chia đôi cho bà Síu và chị Hưởng mỗi người một nửa diện tích nhà đã mua của bà Nga là chưa đủ căn cứ vững chắc. Vì vậy, cần xác định lại tỷ lệ đóng góp tiền mua nhà 72 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội giữa bà Lê Thị Síu và chị Lê Thị Hưởng mới có quyết định chính xác.

    Xét hợp đồng mua bán nhà giữa chị Lê Thị Hưởng với anh Phan Quốc Trị, chị Lương Thị Ngọc Hiên đề ngày 20-01-1993; sau khi bản án phúc thẩm 
    số 103/DSPT ngày 18-12-1992 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao đã xét xử cho chị Hưởng được sở hữu 4/5 (phần diện tích chị Hưởng và bà Síu mua chung) của căn nhà 72 phố Lò Đúc. Việc mua bán trên đã hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án và đến nay chị Hưởng vẫn có nguyện vọng bán nhà cho anh Trị (hai bên không có tranh chấp). Song án phúc thẩm số 132/DSPT ngày 19-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao lại xử huỷ hợp đồng mua bán nhà này mà không giành quyền giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu giữa các bên là không đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên đương sự.

    Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 132/DSPT ngày 19-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, giao hồ sơ cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm.

    Sau khi có kháng nghị bà Lê Thị Síu có nhiều đơn gửi đến Toà án nhân dân tối cao không đồng ý với kháng nghị nêu trên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bà Síu cho rằng vụ án tranh chấp nhà 72 phố Lò Đúc đã qua 12 lần xét xử sơ, phúc thẩm, kháng nghị và giám đốc thẩm; kéo dài từ khi mua nhà đến nay là 26 năm (tính từ ngày khởi kiện là 21 năm). Bản án phúc thẩm cuối cùng đã tuyên ngày 19-8-2004 và đã được thi hành ngày 29-7-2005. Sau 26 năm từ khi mua nhà gia đình bà mới được vào ở chỉ được 7 tháng. Những căn cứ mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu ra đã được Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử giám đốc ngày 8-5-1996 bác bỏ...

    Tại phiên toà giám đốc, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Căn cứ văn tự bán nhà lập ngày 12-5-1980, giữa bên bán là bà Đặng Thị Nga và bên mua là bà Lê Thị Síu, chị Lê Thị Hưởng về diện tích tầng 1 nhà số 72 phố Lò Đúc, có thị thực của Uỷ ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng ngày 12-5-1980; trước bạ và đăng ký sở hữu tại Sở Nhà đất thành phố Hà Nội ngày 2-6-1980 thì giá mua bán nhà là 7.500đ và không phân định những diện tích nào trong số diện tích đã mua là của bà Síu, chị Hưởng và số tiền đóng góp của mỗi bên. Vì vậy, về mặt pháp lý có đủ cơ sở để xác định bà Lê Thị Síu và chị Lê Thị Hưởng là đồng sở hữu những diện tích đã mua tại tầng 1 nhà 72 phố Lò Đúc theo văn tự mua bán nhà nêu trên và phần quyền sở hữu của mỗi người là 1/2.

    Bà Đặng Thị Nga, bà Vũ Thị Lụa, chị Lê Thị Hưởng có lời khai việc bà Vũ Thị Lụa trả tiền mua nhà cho bà Nga theo giá mua bán là 15.000đ, các lần trả tiền tại nhà bà Nga ở 31 phố Bà Triệu đều có mặt bà Síu, nhưng bà Síu không công nhận. Bà Lụa, chị Hưởng còn xuất trình các “giấy biên nhận trả tiền mua nhà” giữa bà Nga và bà Lụa về việc bà Nga nhận tiền mua nhà của bà Lụa vào ngày 2-10-1979 số tiền 5.000đ, ngày 24-10-1979 số tiền 8.000đ đều là giấy viết tay và không có người làm chứng; riêng giấy biên nhận (tổng cộng các lần trả tiền là 15.000đ) vào ngày 21-12-1985 giữa bà Nga và bà Lụa, tuy có thị thực của chính quyền, nhưng cũng không có người làm chứng (bà Nga lại lập giấy này theo yêu cầu của bà Lụa); đồng thời lại được lập sau khi có tranh chấp và Uỷ ban nhân dân phường chỉ xác nhận chữ ký và địa chỉ của bà Nga nên không thể hiện tính khách quan của chứng cứ. Do đó, chỉ căn cứ vào các giấy biên nhận này và các lời khai của bà Nga, bà Lụa, chị Hưởng để xác định tiền mua nhà là 15.000đ là không có căn cứ, trong khi đó văn tự mua bán nhà được các bên xác nhận giá nhà thực đã mua là 7.500đ.

    Bà Lụa, chị Hưởng cũng thừa nhận bà Síu mua chung nhà của bà Nga, nhưng cho rằng bà Síu chỉ mua phần diện tích từ sát buồng 4,45m2 ra đến bếp có giá trị 6.000đ và bà Síu chỉ mới góp 2,5 lạng vàng tương đương 5.000đ. Đến tháng 10-1983, do không đủ tiền mua diện tích nhà nói trên bà Síu đã lấy lại 1 lạng vàng tương đương 80.000đ để sửa gian bếp nên số vàng còn lại là 1,5 lạng tương đương 3.000đ. Lời khai này của bà Lụa, chị Hưởng là không có cơ sở, bởi vì trong văn tự bán nhà ngày 12-5-1980 không ghi phần diện tích bà Síu mua như lời khai của bà Lụa, chị Hưởng.

    Đối với giấy biên nhận về việc bà Síu vay của bà Lụa số tiền 80.000đ, bà Síu đặt cọc cho bà Lụa 1 kiềng bằng vàng trọng lượng 1,5 lạng ngày 3-8-1983 chỉ là việc vay tiền có đảm bảo (sau khi mua nhà hơn 3 năm). Mặt khác, trong một giấy vay nợ cùng ngày 3-8-1983 do chính bà Lụa viết thì cũng không thể hiện việc bà Síu nợ tiền mua nhà 72 Lò Đúc. Do đó, không có cơ sở để xác định giá mua bán tầng 1 nhà số 72 phố Lò Đúc là 15.000đ và kỷ phần đóng góp 
    của chị Hưởng là nhiều hơn bà Síu. Vì vậy, tại bản án dân sự phúc thẩm 
    số 132/DSPT ngày 9-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xác định bà Síu và chị Hưởng mỗi người 1/2 giá trị nhà do mua chung là có căn cứ.

    Về việc mua bán nhà giữa bà Síu và chị Hưởng với bà Nga. Theo “giấy biên nhận tiền bán nhà” lập ngày 15-5-1988 thì chị Lê Thị Hưởng, anh Hoàng Chí Dũng đã bán cho anh Phan Quốc Trị (tức Dũng), chị Lương Ngọc Hiên diện tích được chia như trong bản án số 243 ngày 25-6-1987 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, bản án tuy có hiệu lực nhưng chưa được thi hành thì 
    ngày 17-6-1989 có kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm huỷ bản án nêu trên. Sau đó, bản án dân sự phúc thẩm số 103 ngày 17 và 18-12-1992 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xác định phần quyền sở hữu của bà Síu chỉ là 1/5, còn chị Hưởng là 4/5 và cũng đã bị Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị. Tại quyết định giám đốc thẩm số 23 ngày 8-5-1996, Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã xác định là bà Síu và chị Hưởng đã mua chung tầng 1 nhà số 72 phố Lò Đúc nên phải chia đôi diện tích đã mua. Vì vậy, việc mua bán nhà giữa bà Síu, chị Hưởng với bà Nga bị vô hiệu một phần; nhưng do anh Trị, chị Hiên không có mặt tại Việt Nam nên Toà án không thể giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu được. Vụ án đã được giải quyết nhiều lần ở nhiều giai đoạn và đến nay bản án phúc thẩm đã được thi hành, các bên đã nhận nhà theo quyết định của bản án. Vì vậy, Toà án cấp phúc thẩm đã quyết định huỷ “hợp đồng mua bán nhà” (một phần ngôi nhà số 72 phố Lò Đúc, Hà Nội) giữa bên bán là chị Lê Thị Hưởng và bên mua là anh Phan Quốc Trị, chị Lương Ngọc Hiên và chứng nhận ngày 20-01-1993 tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1 Hà Nội, huỷ việc đăng ký sang tên tại Sở Nhà đất Hà Nội ngày 19-01-1993 quyển 3, tờ 99, số 74 đối với hợp đồng mua bán nhà 72 phố Lò Đúc giữa chị Lê Thị Hưởng với anh Phan Quốc Trị, chị Lương Ngọc Hiên là phù hợp với quy định của pháp luật.

    Đối với diện tích sân trước: Theo sơ đồ thì nhà 72 phố Lò Đúc có 2 sân: Sân trước có 7,9m2 và sân sau 10,8m2. Căn cứ “Văn tự bán nhà” giữa bà Đặng Thị Nga và bà Lê Thị Síu, chị Lê Thị Hưởng lập ngày 12-5-1980 thì bà Nga bán cho bà Síu, chị Hưởng tầng dưới nhà 72 phố Lò Đúc gồm 2 buồng, một buồng 17,80m2; một buồng 4,45m2; một nhà bếp 6,21m2; sân 10,80m2; máy nước, nhà vệ sinh, công tơ điện dùng chung. Như vậy, diện tích sân trước không được ghi trong văn tự mua bán thể hiện bà Nga không bán sân trước như Toà án cấp phúc thẩm đã xác định. Tuy nhiên, diện tích sân này là mặt tiền của nhà 72 phố Lò Đúc (có cổng để đi vào nhà). Vì vậy, các hộ ở trong ngôi nhà này được sử dụng chung để làm lối đi vào nhà. Do đó, Toà án cấp phúc thẩm xác định sân trước có diện tích 10,8m2 các hộ được sử dụng chung là đúng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    Không chấp nhận kháng nghị số20/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 5-4-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 132/2004/DSPT ngày 19-8-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Síu với bị đơn là chị Lê Thị Hưởng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị Lụa, anh Phan Quốc Trị, chị Lương Thị 
    Ngọc Hiên.

    ____________________________________________

    - Lý do không chấp nhận kháng nghị:

    Quyết định của bản án phúc thẩm là đúng pháp luật, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

     

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 01:50:42 CH
     
    2779 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận