Số hiệu
|
15/2008/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số15/2008/DS-GĐT ngày 25/7/2008 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án "Tranh chấp quyền quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng” giữa các đương sự"
|
Ngày ban hành
|
25/07/2008
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
…
Ngày 25 tháng 7 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “ Tranh chấp quyền quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng” giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1- Bà Đinh Thị Phấn, sinh năm 1934; trú tại: 50/5 khu phố 8, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
2- Ông Đinh Văn Trèo, sinh 1939; trú tại: 36/5 ấp 2, xã Tân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
3- Bà Đinh Thị Thắng, sinh 1941; trú tại: 10/3C ấp 4, xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
4- Bà Đinh Thị Năm, sinh 1943; trú tại: 52/7 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
5- Bà Đinh Thị Muôn, sinh 1949; trú tại: 10/3B khu phố 2, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Bi đơn: Anh Đinh Tiến Phúc, sinh 1974;
Trú tại: 52/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Chị Hồng Tú Hương, sinh 1978 (vợ anh Đinh Tiến Phúc); trú tại: 52/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Chị Hương đại diện hợp pháp cho các con là: Đinh Tiến Sơn (sinh năm 2000), Đinh Hồng Ngân (sinh năm 2002), Đinh Hồng Tài cho anh Phúc tham gia tố tụng.
Bà Đỗ Thị Sa, sinh năm 1949 (là mẹ anh Phúc) trú tại : 40/1B tổ 39, khu phố 4, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN THẤY
Vợ chồng cụ Đinh Văn Tôn và cụ Phạm Thị Lên có 6 người con chung là: Đinh Thị Phấn, ông Đinh Văn Trèo, bà Đinh Thị Thắng, bà Đinh Thị Muôn, bà Đinh Thị Năm và ông Đinh Văn Hùng. Ông Đinh Văn Hùng (chết 1990) có vợ là Đỗ Thị Sa và có 4 con là: anh Đinh Tiến Dũng, anh Đinh Tiến Phúc, chị Đinh Thị Bảo Ngọc và anh Đinh Tiến Quốc. Cụ Tôn chết năm 1982, không để lại di chúc, cụ Lên chết năm 1996.
- Về tài sản: cụ Tôn và cụ Lên tạo dựng được 1 căn nhà ngói 3 gian trên diện tích đất thổ cư 0,1ha và 0,5 ha ruộng tại ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 22/5/1990 cụ Lên lập di chúc với nội dung: ’’Sau này tôi chết cháu nội tôi : Đinh Tiến Phúc (Đạt) được quyền thừa hưởng của hương hỏa do tôi để lại, ngoài ra không ai được quyền tranh chấp mọi tài sản đã nêu trên. Đinh Tiến Phúc được quyền thừa hưởng chứ không được quyền bán’’. Tiếp đó, ngày 04/10/1993, cụ Lên và những người thừa kế của cụ Tôn gồm anh Đinh Tiến Dũng, anh Đinh Tiến Phúc,bà Đinh Thị Phấn, ông Đinh Văn Trèo, bà Đinh Thị Thắng, bà Đinh Thị Năm, bà Đinh Thị Muôn lập văn bản thỏa thuận: ’’đối với Đinh Tiến Phúc làngười được quản lý sử dụng cũng như khai thác huê lợi trên đất được giao để lo thờ cúng ông, bà, nếu sau này điều kiện nào đó không sử dụng nữa thì báo cho cô, bác họp có ý kiến quyết đinh ’’. Năm 1996, cụ Lên chết, anh ĐinhTiến Phúc quản lý toàn bộ tài sản cho đến nay.
Ngày 24/5/2001, bà Đinh Thị phấn, ông Đinh Văn Trèo, bà Đinh Thị Thắng, bà Đinh Thị Năm, bà Đinh Thị Muôn cho rằng anh Phúc không thực hiện đúng nội dung di chúc và thỏa thuận về quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng, nên đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu thay đổi người quản lý di sản (tại phiên tòa sơ thẩm bà Thắng, bà Năm và bà Muôn rút yêu cầu khởi kiện, còn lại bà Phấn và ông Trèo vẫn giữ yêu cầu khởi kiện). Tại Bản án dân sự sơ thẩm số02/ST-DS ngày 28/01/2002, Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định bác yêu cầu thay đổi người quản lý di sản của bà Phấn và ông Trèo. Sau khi xét xử sơ thẩm, các đương sự không kháng cáo và Bản án sơ thẩm nêu trên không bị kháng nghị, nên có hiệu lực pháp luật.
Ngày 20/02/2004, bà Đinh Thị Phấn, ông Đinh Văn Trèo, bà Đinh Thị Thắng, bà Đinh Thị Năm và bà Đinh Thị Muôn lại có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: anh Đinh Tiến Phúc không thực hiện nghĩa vụ theo di chúc của cụ Phạm Thị Lên, không bảo quản tu bổ di sản và không thực hiện nghĩa vụ thờ cúng, nên yêu cầu giao tài sản của cụ Đinh Văn Tôn, cụ Phạm Thị Lên cho bà Đinh Thị Phấn quản lý để thờ cúng chung.
Anh Đinh Tiến Phúc không đồng ý theo yêu cầu của các nguyên đơn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 37/DSST ngày 12/7/2004, Toà án nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
1/ Chấp nhận yêu cầu của bà Đinh Thị Phấn, bà Đinh Thị Năm, bà Đinh Thị Thắng, bà Đinh Thị Muôn (nguyên đơn và đại diện ủy quyền của ông Đinh Văn Trèo):
Giao cho bà Đinh Thị Phấn đại diện gia tộc quản lý căn nhà thờ số 52/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn thay cho ông Đinh Tiến Phúc và ông Đinh Tiến Phúc chừa một con đường đi ngang 5m từ ngoài đường vào nhà thờ số 52/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cách tâm của cửa chính nhà thờ mỗi bên 2,5m để gia tộc có đường vào nhà thờ.
2/ Bác yêu cầu của ông Đinh Tiến Phúc, bà Hồng Tú Hưng, bà Đỗ Thị Sa đòi giao cho ông Đinh Tiến Phúc tiếp tục quản lý nhà thờ số 52/3, ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và anh Đinh Tiến Phúc sẽ mở một con đường ngang 3m, phía bên phải đất (từ ranh đất lùisang trái, từ ngoài đường nhìn vào nhà) vào nhà thờ để gia tộc đi vào nhà thờ.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 16/7/2004 anh Đinh Tiến Phúc kháng cáo yêu cầu được tiếp tục quản lý di sản để thờ cúng
Tại Quyết định số240/KSXXDS-2004 ngày 22/7/2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị bản án sơ thẩm nêu trên với nhận định: nội dung di chúc không nêu rõ nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng, nên không có cơ sở cho rằng anh Phúc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý di sản.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 166/DSPT ngày 26/01//2005, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
I-Về hình thức: chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đinh Tiến Phúc.Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hóc Môn.
II-I Về nội dung: Sửa Bản án sơ thẩm, xử:
l/ Chấp nhận yêu cầu của bà Đinh Thị Phấn, bà Đinh Thị Năm, bà Đinh Thị Thắng, bà Đinh Thị Muôn, ông Đinh Văn Trèo do bà Đinh Thị Muôn đại diện ủy quyền.
- Giao cho bà Đinh Thị Phấn đại diện gia tộc quản lý một phần nhà, đất (nhà thờ) số 52/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn thay cho ông Đinh Tiến Phúc; nhà nằm ở mặt tiền đường Phan Văn Hớn và đất bên hông nhà thờ có hàng rào (phía phải bên ngoài nhìn vào) có diện tích là 93,22m2 (nhà 6,9m x 9,05m= 62,44m2); đất bên hông nhà (2,7m x11,4m = 30,78m2) theo bản vẽ ngày l0/09/2004 và ngày05/11/2004 của Phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn.
- Ông Đinh Tiến Phúc chừa một con đường đi có chiều ngang 05m từ đường Phan Văn Hớn vào nhà thờ số 52/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cách tâm cửa chính nhà thờ mỗi bên 2,5m để gia tộc vào nhà thờ.
Ông Phúc phải tháo dỡ những vật liệu đã làm phía trước nhà thờ trên đường đi vào nhà thờ.
- Ghi nhận sự tự nguyện của bà Đinh Thị Muôn cho thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa phúc thẩm xét xử để ông Phúc thực hiện việc giao nhà chừa lối đi vào nhà thờ.
2/ Bác yêu cầu của ông Đinh Tiến Phúc, bà Hồng Tú Hương, bà Đỗ Thị Sa đòi giao cho ông Đinh Tiến Phúc quản lý nhà thờ số 52/3 ấp 4,xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và ông Đinh Tiến Phúc sẽ mở một con đường ngang 3m.
Ngoài ra,Tòa án cấp phúc thẩm còn có quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, anh Đinh Tiến Phúc khiếu nại.
Tại Quyết định số 36/QĐ/KNGĐT ngày 13/7/2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 166/DSPT ngày 26/01/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số 37/DSST ngày 12/7/2004 của Toà án nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh và đình chỉ việc giải quyết vụ án, với nhận định: ’’Vụ kiện này Toà án nhân dân huyện Hóc Môn đã thụ lý ngày 29/5/2001 và được giải quyết bằng Bản án số 02/DSST ngày 28/01/2002, bản án sơ thẩm này không có kháng cáo, không bị kháng nghị và đã có hiệu lực pháp luật . Năm 2004,các nguyên đơn trong bản án trên có đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện Hóc Môn yêu cầu giải quyết lại vụ việc đối với bị đơn đã được giải quyết bằng Bản án sơ thẩm số 02/DSST ngày 28/01/2002 và đã có hiệu lực pháp luật. Việc Toà án nhân dân huyện Hóc Môn thụ lý và giải quyết lại vụ kiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 168 Bộ luật tụng dân sự. Lẽ ra, Toà án cấp phúc thẩm phải khắc phục vi phạm trên nhưng lại xử chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn là không đúng”.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số172/2005/GĐT-DS ngày 25/10/2005, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã quyết định: ’’Không chấp nhận kháng nghị số 36/QĐ/KNGĐT ngày 13/7/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Giữ nguyên hiệu lực pháp luật của bản án phúc thẩm số 166/DSPT ngày 26/O1/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử về việc xin thay đổi người quảnlý di sản dùng vào việc thờ cúng giữa bà Đinh Thị Phấn (cùng các đồng nguyên đơn) với anh Đinh Tiến Phúc ’’.
Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, anh Đinh Tiến Phúc có đơn khiếu nại.
Tại Quyết định số 76/2008/DS ngày 16/4/2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số172/2005/GĐT-DS ngày 25/10/2005 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định giám đốc thẩm nêu trên; hủy án Dân sự phúc thẩm số 166/DSPT ngày 26/01/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 37/DSST ngày 12/7/2004 của Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh và đình chỉ giải quyết vụ án.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY
Theo các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì căn nhà ngói 3 gian trên diện tích 0,1 ha đất thổ cư và 0,5ha đất ruộng tại ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh là tài sản chung của vợ chồng cụ Đinh Văn Tôn và cụ Phạm Thị Lên. Cụ Tôn chết năm 1982, không để lại di chúc. Ngày 22/5/1990, cụ Lên lập di chúc có nội dung: ’’Sau này tôi chết cháu nội Đinh Tiến Phúc (Đạt) được quyền thừa hưởng của hương hỏa do tôi để lại, ngoài ra không ai được quyền tranh chấp mọi tài sản đã nêu trên. Đinh Tiến Phúc được quyền thừa hưởng chứ không được quyền bán ’’; tiếp dó ngày 04/10/1993, cụ Lên và các người thừa kế của cụ Tôn gồm có anh Đinh Tiến Dũng, anh Đinh Tiến Phúc, bà Đinh Thị Phấn, ông Đinh Văn Trèo, bà Đinh Thị Thắng, bà Đinh Thị Năm và bà Đinh Thị Muôn đã lập biên bản thỏa thuận:’’đối với Đinh Tiến Phúc là người được giao quản lý cũng như khai thác huê lợi trên đất để lo thờ cúng ông, bà, nếu sau này điều kiện nào đó không sử dụng nữa thì báo cho cô bác họp có ý kiến quyết định ’’. Năm 1996 cụ Lên chết, anh Đinh Tiến Phúc quản lý toàn bộ tài sản của hai cụ.
Như vậy, theo nội dung di chúc và thỏa thuận của cụ Lên với những người thừa kế của cụ Tôn, thì cụ Lên để lại tài sản cho cháu nội là anh Đinh Tiến Phúc (Đạt) gìn giữ và thờ cúng ông bà, anh Phúc được ’’quyền thừa hưởng của hương hỏa..chứ không được quyền bán ’’, “ngòai ra không ai được quyền tranh chấp ’’; còn các thừa kế của cụ Tôn cũng thống nhất giao phần tài sản của cụ Tôn cho anh Phúc có trách nhiệm ’’...quản lý sử dụng cũng như khai thác huê lợi trên đất được giao để lo thờ cúng ông bà ’’, chỉ khi nào ’’không sứ dụng nữa thì báo cho cô, bác họp có ý kiến quyết định ’’. Thực tế, anh Phúc vẫn đang trực tiếp quản lý sử dụng, đồng thời thực hiện nghĩa vụ thờ cúng và không bán tài sản, nên phải xác định anh Phúc đang thực hiện nghĩa vụ theo đúng nội dung di chúc của cụ Lên và thỏa thuận của các đồng thừa kế, do đó, trong trường hợp này, lẽ ra phải xác định các nguyên đơn khởi kiện chưa đủ điều kiện khởi kiện để trả lại đơn khởi kiện cho các nguyên đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự mới đúng, nhưng Tòa án các cấp lại xác định tài sản có tranh chấp là di sản dùng vào việc thờ cúng và xác định anh Phúc không thực hiện nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng, từ đó chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, buộc anh Phúc phải giao di sản cho người khác quản lý là đánh giá không đúng về nội dung di chúc ngày 22/5/1990 của cụ Lên và thỏa thuận của cụ Lên và các đồng thừa kế của cụ Tôn ngày 04/10/1993.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 4 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ Quyết định Giám đốc thẩm số172/2005/GĐT-DS ngày 25/10/2005 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao; hủy Bản án Dân sự Phúc thẩm số 166/DSPT ngày 26/01/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 37/DSST ngày 12/7/2004 của Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh và đình chỉ giải quyết vụ án.