Số hiệu
|
12/2006/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số12/2006/hs-gđt ngày 07-6-2006 về vụ án bùi văn hiệp phạm tội “cố ý gây thương tích”
|
Ngày ban hành
|
07/06/2006
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ12/2006/HS-GĐT NGÀY 07-6-2006 VỀ VỤ ÁN BÙI VĂN HIỆP
PHẠM TỘI “CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 07 tháng 5 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Bùi Văn Hiệp (tên gọi khác là Bùi Văn Liệp) sinh năm 1977; trú tại thôn Ô Mễ 2, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; trình độ văn hoá: 9/12; nghề nghiệp: buôn bán; con ông Bùi Phúc Khánh và bà Đặng Thị Cúc; bị bắt tạm giam từ ngày 18-7-2004 đến ngày 22-9-2005.
Người bị hại: anh Đồng Xuân Trường sinh năm 1970; trú tại thôn Ô Mễ 3, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
NHẬN THẤY:
Khoảng 09 giờ ngày 17-7-2004, do có mâu thuẫn từ trước nên Đồng Xuân Chiến và Đồng Xuân Trường đi xe máy đến đoạn đường 223 nơi giáp ranh giữa xã Tân Phong và xã Tân Bình đón đường đánh Bùi Thế Tài. Khi Bùi Thế Tài đi xe máy từ phía thành phố Thái Bình đến, Đồng Xuân Chiến và Đồng Xuân Trường cầm gậy chặn đầu xe để đánh. Bùi Thế Tài bỏ xe máy ở đường và chạy ngược về hướng thành phố Thái Bình. Đồng Xuân Chiến và Đồng Xuân Trường đuổi theo, nhưng không kịp nên lấy xe máy của mình và đi về.
Nghe tin Bùi Thế Tài bị đánh, Bùi Xuân Lập và Bùi Văn Hiệp (đều là anh của Bùi Thế Tài) mang theo kiếm và mã tấu đi nhờ xe máy đến gặp Đồng Xuân Chiến và Đồng Xuân Trường. Đến nơi, Bùi Xuân Lập cầm kiếm, Bùi Văn Hiệp cầm mã tấu xông vào đánh nhau với Đồng Xuân Chiến và Đồng Xuân Trường, Đồng Xuân Chiến và Đồng Xuân Trường cầm gậy đánh lại. Thấy đánh nhau, ông Bùi Phúc Khánh (bố của Tài, Lập và Hiệp) bảo “thôi không được đánh nhau nữa” rồi xông vào thu gậy, kiếm, mã tấu, nên hai bên không đánh nhau nữa. Khi ông Bùi Phúc Khánh vừa quay đi hai bên lại tiếp tục đánh nhau. Bùi Xuân Lập và Bùi Thế Tài đánh nhau với Đồng Xuân Chiến, còn Bùi Văn Hiệp vật nhau với Đồng Xuân Trường làm cả hai cùng ngã ra đường. Bùi Văn Hiệp đứng dậy trước và nhặt hòn gạch đập nhiều nhát vào đầu của Đồng Xuân Trường. Thấy Đồng Xuân Trường bị chảy máu đầu, nên hai bên không đánh nhau nữa.
Anh Đồng Xuân Trường bị thương tích nặng ở đầu đã được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Việt Đức mổ cấp cứu. Sau đó điều trị tiếp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Bưu Điện và Bệnh viện thành phố Thái Bình.
Tại Bản khám nghiệm pháp y số 189-04/PY ngày 30-9-2004, Tổ chức giám định pháp y Sở y tế tỉnh Thái Bình xác định thương tích của anh Đồng Xuân Trường như sau: vùng phía trước đỉnh đầu có vết sẹo mổ đi từ trái sang phải, từ sau ra trước dài 9 cm; vùng thái dương đỉnh phải có vết sẹo mềm đường kính 2 cm; vùng trán trái từ đường dọc giữa trán đi lên trên và sang trái có sẹo của vết rách da dài 3cm; phía sau tai phải sát gốc sụn vành tai có nhiều sẹo nhỏ, mềm; 1/3 mặt sau cẳng tay trái có 03 vết sẹo, vết thứ nhất đứt da dài 5cm, sẹo cứng, dính, vết thứ hai dài 6,5 cm, vết thứ ba dài 5 cm; 1/3 mặt trước trong cẳng tay phải có vết sẹo mềm dài 4 cm; vùng trên thượng vị có vết sẹo mờ, mềm màu trắng kích thước 2x1,2 cm; mặt trước khớp gối phải, gối trái có nhiều vết sẹo mềm nhỏ. Kết luận: anh Đồng Xuân Trường bị đa thương tích ở đầu, ở tay do vật cứng và vật sắc tác động; chấn thương sọ não (lún hộp sọ, dập não) đã được phẫu thuật lấy xương lún, lấy não dập; khâu các vết thương và được phẫu thuật chỉnh hình xương khuyết; giảm thị lực mắt trái, suy nhược thần kinh sau chấn thương sọ não mức độ nhẹ; tỷ lệ thương tích của anh Đồng Xuân Trường là 63%
(tạm thời).
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 43/2005/HSST ngày 13-4-2005, Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình áp dụng khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, xử phạt Bùi Văn Hiệp 06 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”; buộc Bùi Văn Hiệp phải bồi thường cho anh Đồng Xuân Trường 55.718.000 đồng.
Ngày 15-4-2005, Bùi Văn Hiệp kháng cáo kêu oan.
Ngày 25-4-2005, anh Đồng Xuân Trường kháng cáo cho rằng mức bồi thường và mức hình phạt như Toà án cấp sơ thẩm quyết định là chưa thoả đáng.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 946/2005/HSPT ngày 22-9-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b, đ, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Bùi Văn Hiệp 03 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng; giữ nguyên quyết định về bồi thường của bản án hình sự sơ thẩm.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số09/2006/HS-TK ngày 10-4-2006, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 946/2005/HSPT ngày 22-9-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần hình phạt; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao có ý kiến như sau: trong vụ án này người bị hại có một phần lỗi như đánh em của bị cáo trước là nguyên nhân dẫn đến hai bên xô xát, đánh nhau. Người bị hại bị thương tích ở nhiều nơi, nhưng các vết thương ở đầu là do bị cáo dùng gạch gây nên. Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng. Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai báo, trước khi xét xử phúc thẩm đã bồi thường cho người bị hại 15.000.000 đồng, đây là những tình tiết giảm nhẹ mới. Do bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, đ và p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nên Toà án cấp phúc thẩm áp dụng thêm Điều 47, Điều 60 Bộ luật hình sự giảm hình phạt cho bị cáo xuống còn 03 năm tù và cho hưởng án treo là đúng pháp luật, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giữ nguyên hình phạt của bản án hình sự phúc thẩm đối với bị cáo.
XÉT THẤY:
Theo kết quả giám định pháp y của Tổ chức giám định pháp y Sở y tế tỉnh Thái Bình thì tỷ lệ thương tích của người bị hại là 63% do nhiều vết thương gây ra. Tuy không giám định riêng từng vết thương nhưng vết thương nặng của người bị hại chủ yếu ở đầu, bị lún sọ là do Bùi Văn Hiệp dùng gạch đánh vào đầu anh Đồng Xuân Trường gây nên và chỉ riêng vết thương này cũng trên 31%; do đó, việc áp dụng khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự để truy tố, xét xử đối với bị cáo là đúng. Trong quá trình điều tra, tại phiên toà sơ thẩm cũng như trong đơn kháng cáo, bị cáo đều không nhận tội. Xét tính chất nguy hi���m cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo và hậu quả do tội phạm gây ra, Toà án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 06 năm tù không phải là quá nặng. Toà án cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo xuống còn 03 năm tù là quá nhẹ và còn cho bị cáo được hưởng án treo là không đúng pháp luật. Tuy nhiên, do tại phiên toà phúc thẩm bị cáo đã thành khẩn khai báo và trước khi xét xử phúc thẩm đã bồi thường cho người bị hại được 15.000.000 đồng nên có thể xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo theo quy định của pháp luật.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;
QUYẾT ĐỊNH:
- Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 946/2005/HSPT ngày 22-9-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần quyết định hình phạt đối với Bùi Văn Hiệp; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.
- Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm không bị kháng nghị đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:
Toà án cấp phúc thẩm đã quyết định mức hình phạt quá nhẹ và cho bị cáo hưởng án treo là không đúng pháp luật.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:
Đánh giá không đúng tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 01:33:18 CH