Quyết định giám đốc thẩm số 11/2006/lđ-gđt ngày 04-4-2006 về vụ án “tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”

Chủ đề   RSS   
  • #265066 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 11/2006/lđ-gđt ngày 04-4-2006 về vụ án “tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”

    Số hiệu

    11/2006/LĐ-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số11/2006/lđ-gđt ngày 04-4-2006 về vụ án “tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”

    Ngày ban hành

    04/04/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Lao động

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ11/2006/LĐ-GĐT NGÀY 04-4-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ TRƯỜNG HỢP 
    BỊ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 04 tháng 4 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, giữa:

    - Nguyên đơn: Ông Đặng Văn Quang, sinh năm 1966; trú tại: 25 đường 904, phường Phú Hiệp, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh;

    - Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Công ty Coca-Cola); trụ sở tại: Km 17, Xa lộ Hà Nội, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; do bà Nguyễn Trúc Hiền làm đại diện theo uỷ quyền của Tổng Giám đốc Công ty Coca-Cola.

    NHẬN THẤY:

    Ông Đặng Văn Quang làm việc tại Công ty Coca-Cola từ ngày 15-11-1994 theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, công việc là Ca trưởng bảo vệ với mức lương 1.182.000/tháng (BL17), mức lương cuối cùng trước khi nghỉ việc là 4.332.000 đồng/tháng (BL67).

    Cuối năm 2003, Công ty Coca-Cola có chủ trương cắt giảm lao động để giảm chi phí sản xuất. Sau khi báo cáo và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận (BL82); ngày 12-12-2003, Tổng Giám đốc Công ty Coca-Cola ra Quyết định số06/QĐ-VL giải thể Đội bảo vệ và cho 22 nhân viên bảo vệ thôi việc theo Điều 17 Bộ luật lao động (BL81). Ngày 05-2-2004, Công ty ra Quyết định số 001/02/2004/QĐ-CDHĐLĐ chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Quang kể từ ngày 08-2-2004 và ông Quang được thanh toán các khoản: tiền lương tháng 02-2004 bao gồm các ngày làm việc thực tế từ ngày 21-01-2004 đến ngày 07-02-2004, tiền 7,5 ngày phép năm 2004 chưa nghỉ, tiền trợ cấp mất việc làm bằng 9,5 tháng lương, tiền trả thay thời gian thông báo trước bằng 1,5 tháng lương, tiền trợ cấp tái đào tạo bằng 01 tháng lương; mức lương làm căn cứ tính các khoản trợ cấp nói trên là 4.332.000đ (BL67). Tuy nhiên, thực tế Công ty đã đồng ý trả cho ông Quang tổng cộng các khoản tiền lương, trợ cấp nghỉ việc, tiền thưởng... là 97.486.015 đồng (ông Quang chưa nhận). (BL103, 104, 105).

    Ngày 08-3-2004, ông Quang khởi kiện về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và đề nghị Công ty Coca-Cola phải rút lại quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; nhận ông trở lại làm việc, bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày ông không được làm việc và công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng (BL13).

    Phía Công ty Coca-Cola không chấp nhận các yêu cầu của ông Quang vì cho rằng Công ty đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật.

    Tại bản án lao động sơ thẩm số134/LĐ-ST ngày 20-8-2004, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    - Bác các yêu cầu của ông Đặng Văn Quang kiện đòi Công ty Coca-Cola với các yêu cầu rút lại quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; yêu cầu Công ty Coca-Cola phải nhận trở lại làm việc theo hợp đồng lao động cũ và bồi thường khoản tiền lương trong những ngày không được làm việc và công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    - Công nhận Quyết định số 001/02/2004/QĐ-CDHĐLĐ ngày 05-02-2004 của Tổng Giám đốc Công ty Coca-Cola về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Đặng Văn Quang là đúng pháp luật.

    - Công ty Coca-Cola có trách nhiệm trả ông Đặng Văn Quang các khoản trợ cấp theo luật định (gồm tiền lương còn thiếu, tiền trợ cấp thôi việc làm, tiền đồng phục và tiền nghỉ mát) số tiền 47.279.789 đồng; ghi nhận sự tự nguyện của Công ty trợ cấp thêm cho ông Quang 58.482.000 đồng; Tổng cộng 2 khoản tiền trên (sau khi trừ thuế thu nhập số tiền 8.275.774 đồng) ông Quang được nhận 
    là 97.486.015 đồng;

    - Công ty Coca-Cola có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho ông Quang đến hết tháng 02-2004 và trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông Quang.

    Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 24-8-2004, ông Đặng Văn Quang có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm (BL160).

    Tại bản án lao động phúc thẩm số 13/LĐPT ngày 7-4-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    - Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đặng Văn Quang; Sửa bản án 
    sơ thẩm;

    - Huỷ Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 001/02/2004/QĐ-CDHĐLĐ ngày 05-02-2004 của Tổng Giám đốc Công ty Coca-Cola đối với ông Đặng 
    Văn Quang;

    - Buộc Công ty Coca-Cola phải nhận ông Quang trở lại làm việc theo hợp đồng cũ đã ký kết và bồi thường khoản tiền lương, các chế độ khác trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 11-02-2004 cho đến ngày Công ty nhận ông Quang trở lại làm việc.

    - Buộc Công ty Coca-Cola phải trả khoản tiền lương còn thiếu từ 
    ngày 21-01-2004 đến ngày 10-02-2004 và tiền nghỉ phép năm chưa nghỉ là 
    5.227.789 đồng;

    - Buộc Công ty phải trả 2 tháng tiền lương và phụ cấp cho ông Quang 
    là 9.264.000 đồng;

    Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 2-6-2005, Công ty Coca-Cola có đơn khiếu nại không đồng ý với bản án phúc thẩm (BL259).

    Tại Quyết định số15/KN-LĐ ngày 22-11-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã căn cứ Điều 285, Điều 283 Bộ luật tố tụng dân sự kháng nghị bản án phúc thẩm số 13/LĐPT ngày 7-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh với lý do nhận định của bản án phúc thẩm nói trên không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao áp dụng khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự huỷ bản án phúc thẩm số 13/LĐPT ngày 7-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo trình tự phúc thẩm và tạm đình chỉ việc thi hành bản án phúc thẩm nói trên cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm.

    Tại kết luận số22/KL-ALĐ ngày 30-12-2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao là cần thiết và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao áp dụng khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự huỷ bản án phúc thẩm số 13/LĐPT ngày 7-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.

    XÉT THẤY:

    Công ty Coca-Cola chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Đặng Văn Quang vì lý do thay đổi cơ cấu... theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật lao động và Điều 11 Nghị định số39/2003/NĐ-CP ngày 18-4-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về 
    việc làm.

    Điều 11 Nghị định số39/2003/NĐ-CP nói trên quy định:

    “Những trường hợp sau đây được coi là thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ luật lao động:

    ... 3. Thay đổi cơ cấu tổ chức: sáp nhập, giải thể một số bộ phận của 
    đơn vị”.

    Từ cuối năm 2003, để đáp ứng tình hình sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, Công ty Coca-Cola đã thực hiện sắp xếp lại lao động ở tất cả các bộ phận trong Công ty; Đội bảo vệ là đơn vị làm cuối cùng (BL 124). Để thực hiện chủ trương trên, ngày 12-12-2003 Tổng Giám đốc Công ty Coca-Cola ra Quyết định số06/QĐ-VL giải thể Đội bảo vệ (BL 81). Việc giải thể Đội bảo vệ trong Công ty để thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp thông qua việc ký kết hợp đồng dịch vụ bảo vệ với Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Bảo vệ Trí Dũng (Công ty Trí Dũng) là quyền của Công ty Coca-Cola, phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Do đó, kể từ ngày 12-12-2003 trong cơ cấu tổ chức của Công ty Coca-Cola không còn tồn tại danh sách bộ phận bảo vệ nữa mà lực lượng bảo vệ lúc này là thuộc sự quản lý và nằm trong cơ cấu tổ chức của Công ty Trí Dũng. Như vậy, việc giải thể Đội bảo vệ của Công ty Coca-Cola được coi là trường hợp thay đổi cơ cấu theo Điều 17 Bộ luật lao động.

    Tại Điều 11 của Nghị định số39/2003/NĐ-CP đã quy định: Khi thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ “dẫn đến người lao động bị mất việc làm thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại nghề cho người lao động để sử dụng vào công việc mới. Nếu không giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật lao động và Điều 12, Điều 13 của Nghị định này”.

    Đối với việc này Toà án cấp phúc thẩm cho rằng: Công ty Coca-Cola không có sự thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ vì khi giải thể Đội bảo vệ thì đồng thời Công ty Coca-Cola cũng đã ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 14/HĐBV 
    ngày 5-2-2004 với Công ty Trí Dũng. Như vậy về thực tế phía Công ty Coca-Cola vẫn tồn tại lực lượng bảo vệ... và trước khi cho ông Quang nghỉ việc thì Công ty Coca-Cola cũng không có thoả thuận cho ông Quang đi đào tạo hay bố trí sắp xếp một công việc nào khác.

    Nhận định của Toà án cấp phúc thẩm như nêu trên là không đúng; Bởi lẽ: sau khi giải thể bộ phận bảo vệ Công ty Coca-Cola không thể bố trí được công việc khác cho các nhân viên bảo vệ nên phải cho họ thôi việc để bàn giao công tác bảo vệ cho Công ty Trí Dũng thông qua hợp đồng kinh tế ký giữa hai Công ty. Đồng thời, các bộ phận khác trong Công ty Coca-Cola bị sắp xếp lại lao động trước khi bộ phận bảo vệ trong Công ty Coca-Cola bị giải thể, Công ty Coca-Cola không có nhu cầu sử dụng thêm lao động vào bất cứ khâu nào khác trong Công ty nên đã không thể bố trí được việc làm mới cho bộ phận bảo vệ bị giải thể. Vì vậy, việc Công ty Coca-Cola không đào tạo lại nghề cho người lao động bị giải thể do thay đổi cơ cấu tổ chức với lý do không có công việc mới cho họ là không trái pháp luật lao động. Hơn nữa, trường hợp này không phải là thay đổi công nghệ nên không nhất thiết phải đào tạo lại nghề cho người lao động, để người lao động có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của công việc.

    Như vậy, Công ty Coca-Cola cho người lao động thôi việc là phù hợp với quy định của pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm xử huỷ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Coca-Cola đối với ông Đặng Văn Quang là không đúng.

    Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Công ty Coca-Cola đã áp dụng các biện pháp có lợi cho người lao động, như: ngoài khoản trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật; công ty còn trả cho người lao động khoản tiền báo trước, tiền hỗ trợ đào tạo; đồng thời đề nghị Công ty Trí Dũng tiếp nhận các nhân viên bảo vệ vào làm việc.

    Về thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động:

    Khoản 2 Điều 17 Bộ luật lao động quy định: “Khi cần cho nhiều người lao động thôi việc theo khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải công bố danh sách, căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và thâm niên làm việc tại doanh nghiệp, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc sau khi đã trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp theo thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 38 của Bộ luật này. Việc cho thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã báo cho Cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết”.

    Toà án cấp phúc thẩm cho rằng: khi có kế hoạch giải thể Đội bảo vệ và cho những người ở bộ phận này nghỉ việc thì Công ty Coca-Cola cũng chưa có sự bàn bạc thống nhất và có sự nhất trí của ban chấp hành công đoàn công ty.

    Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án: ngày 03-12-2003 (khi chưa giải thể bộ phận bảo vệ), Công ty Coca-Cola đã có văn bản gửi Ban chấp hành công đoàn cơ sở (BL85); Ban chấp hành công đoàn cơ sở đã có văn bản số 01/12 CV.BCH-CĐCS ngày 5-12-2003 phúc đáp (BL83). Tiếp đó, ngày 08-01-2004 Ban Giám đốc công ty đã có cuộc họp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở, để thông báo cụ thể kế hoạch giải thể Đội bảo vệ (BL120). Trong quá trình thực hiện, đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở đã có tiếp xúc với các nhân viên bảo vệ, nắm bắt yêu cầu, nguyện vọng của người lao động và đã có văn bản số 01/01/2004 CV.BCH-CĐCS ngày 13-1-2004 gửi Tổng Giám đốc, đề nghị xem xét giải quyết yêu cầu của người lao động (BL75).

    Những tình tiết nêu trên cho thấy, tập thể Ban chấp hành công đoàn cơ sở Công ty Coca-Cola đã tham gia trong suốt quá trình giải quyết vụ việc. Ban chấp hành công đoàn cơ sở đã thực hiện biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tổng giám đốc Công ty Coca-Cola đã có văn bản thông báo cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở theo đúng quy định pháp luật, còn việc Ban chấp hành công đoàn cơ sở có đưa ra lấy ý kiến của tập thể Ban chấp hành công đoàn hay không không phải là trách nhiệm của Tổng giám đốc Công ty Coca-Cola. Nếu Ban chấp hành công đoàn cơ sở không nhất trí Tổng giám đốc Công ty Coca-Cola vẫn có quyền quyết định việc chấm dứt hợp đồng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục do pháp luật quy định.

    Như vậy, việc Công ty Coca-Cola cho ông Đặng Văn Quang thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu là phù hợp với các quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động và Điều 11 Nghị định số39/2003/NĐ-CP ngày 18-4-2003 của Chính phủ.

    Toà án cấp sơ thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Văn Quang là có cơ sở. Toà án cấp phúc thẩm xử huỷ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và buộc Công ty Coca-Cola phải nhận ông Quang trở lại làm việc là không có căn cứ. Do đó, Hội đồng Thẩm phán xét thấy cần chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, việc huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại là không cần thiết bởi vì bản án sơ thẩm đã xét xử có căn cứ, đúng pháp luật và bảo đảm được quyền lợi cho người lao động nên cần y án sơ thẩm.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm ngày 4-4-2006, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng nhất trí với ý kiến của Hội đồng Thẩm phán là huỷ bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 291, khoản 2 Điều 297 và Điều 298 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án phúc thẩm số 13/LĐPT ngày 7-4-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số134/LĐ-ST ngày 20-8-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa ông Đặng Văn Quang với Công ty trách nhiệm hữu hạn nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Nhận định của Toà án cấp phúc thẩm về các tình tiết trong vụ án không chính xác dẫn đến việc sửa án sơ thẩm sai.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

     

     
    3824 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận