Quyết định giám đốc thẩm số: 10/2009/KDTM-GĐT ngày 03/09/2009 về vụ án tranh chấp về hợp đồng liên doanh xây dựng nhà

Chủ đề   RSS   
  • #263949 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số: 10/2009/KDTM-GĐT ngày 03/09/2009 về vụ án tranh chấp về hợp đồng liên doanh xây dựng nhà

    Số hiệu

    10/2009/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số:10/2009/KDTM-GĐT ngày 03/09/2009 về vụ án tranh chấp về hợp đồng liên doanh xây dựng nhà

    Ngày ban hành

    03/09/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "tranh chấp về hợp đồng liên doanh xây dựng nhà"

    Ngày 03/9/2009, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng liên doanh xây dựng nhà giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn; có trụ sở tại số 63-65 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; do bà Đặng Thị Hương Lan làm đại diện theo Giấy ủy quyền ngày 10/6/2008 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty;

    Bị đơn: Ông Trần Ngọc Cứ; có địa chỉ tại số 74 Kinh Dương Vương, phường 13, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY

    Theo Đơn khởi kiện đề ngày 30/5/2006 và các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn xuất trình thì: Ngày 06/01/1993, Công ty xây dựng và kinh doanh nhà (nay là Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn-sau đây viết tắt là Công ty địa ốc) và ông Trần Ngọc Cứ có ký kết Hợp đồng liên doanh xây dựng nhà số 02/93 với nội dung (tóm tắt) như sau:

    -Ông Cứ giao toàn bộ khu đất với diện tích là 552 m2 cho Công ty địa ốc đầu tư xây dựng 12 căn nhà; giá trị góp vốn của ông Cứ là 456 lượng vàng 9999; giá trị đầu tư xây dựng của Công ty địa ốc là 513,6 lượng vàng 9999;

    - Về trách nhiệm của các bên: ông Cứ lo toàn bộ thủ tục gồm Giấy phép sử dụng đất, Giấy phép xây dựng để bảo đảm tính pháp lý cho việc xây dựng nhà. Công ty địa ốc đầu tư vốn xây dựng, lo thủ tục chủ quyền nhà cho người mua;

    - Hình thức phân chia lợi nhuận: sau khi trừ chi phí, mỗi bên được chia 50% lợi nhuận;

    - Thời gian xây dựng là 06 tháng (từ ngày 15/02/1993 đến ngày 15/7/1993).

    Đến cuối năm 1993, Công ty địa ốc đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu nhà nhưng không đưa vào kinh doanh được vì Công ty địa ốc phát hiện ông Cứ đã gian dối khi sửa chữa Quyết định số 02 ngày 10/11/1986 của Lữ đoàn thông tin 596 (về việc giao đất cho ông Cứ) từ diện tích đất là 342 mthành 942 mvà sử dụng phần diện tích đất lấn chiếm trái phép này để góp vốn kinh doanh với Công ty địa ốc. Do việc Bộ tư lệnh thông tin ra Quyết định số 206g3/QĐ ngày 18/6/1997 thu hồi phần đất do ông Cứ lấn chiếm, sử dụng trái phép là 666 m2 nên một số căn nhà mà Công ty địa ốc đã đầu tư xây dựng bị hoang phế, vốn đầu tư bị tồn đọng. Đến ngày 10/3/2000, Bộ Quốc phòng cùng Bộ tư lệnh thông tin mới có Biên bản bàn giao nhà, đất số507/BB-TTLL bàn giao 619,6 m2 đất và 11 căn hộ cho Công ty địa ốc trong khi đó, ông Cứ không có trách nhiệm cùng Công ty giải quyết hậu quả. Vì vậy, Công ty địa ốc đã khởi kiện ra Tòa án với yêu cầu buộc ông Cứ phải bồi thường các khoản:

    - Thiệt hại do đọng vốn đầu tư trong 7 năm 4 tháng là 224,7 lượng vàng 999;

    - Chi phí giải quyết hậu quả trong thời gian Công ty địa ốc làm việc với các cơ quan của Bộ Quốc phòng là 200 triệu đồng;

    - Chi phí bảo vệ công trình (từ tháng 7/1993 đến tháng 6/2000) là 180 triệu đồng;

    - Chi phí sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng do bỏ hoang 7 năm là 500 triệu đồng;

    Tổng cộng các khoản bồi thường, phạt là 273,18 lượng vàng SJC và 880 triệu đồng (theo Đơn bổ sung đề ngày 07/8/2006). Sau đó, tại Đơn bổ sung đề ngày 12/10/2007 Công ty địa ốc yêu cầu ông Cứ phải bồi thường 224,7 lượng vàng SJC và 460 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14/01/2008, Công ty địa ốc yêu cầu ông Cứ bồi thường 147 lượng vàng SJC và 460 triệu đồng.

    Ông Trần Ngọc Cứ trình bày: Ông thừa nhận có ký Hợp đồng số 02/93 với Công ty địa ốc nhưng sau đó Công ty địa ốc đã tự bán các căn hộ mà không thông báo cho Ông biết. Ông không có lỗi trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng với Công ty địa ốc, không gây thiệt hại gì cho Công ty địa ốc, nên không đồng ý các yêu cầu của Công ty địa ốc đối với Ông.

    Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số77/2008/KDTM-ST ngày 14/01/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng Điều 15, Điều 16 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991, quyết định: “1.Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Trần Ngọc Cứ phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn (do lỗi gây thiệt hại trong việc giao kết Hợp đồng liên doanh xây dựng nhà số 02/93 ngày 06/01/1993 bị vô hiệu) là 1.051.293.600 đồng.

    2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại vượt quá số tiền bồi thường được chấp nhận nói trên (số tiền chênh lệch là 1.937.106.400 đồng)…”.

    Ngày 16/01/2008, ông Trần Ngọc Cứ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

    Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số82/2008/KDTM-PT ngày 11/6/2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: “ 1. Buộc ông Trần Ngọc Cứ có trách nhiệm bồi thường cho Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn (do lỗi gây thiệt hại trong việc giao kết Hợp đồng liên doanh xây dựng nhà số 02/93 ngày 06/01/1993 bị vô hiệu) là 757.658.124 đồng.

    2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại vượt quá số tiền bồi thường được chấp nhận như đã nêu ở trên là 2.230.741.876 đồng…”

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 22/7/2008, ông Trần Ngọc Cứ có đơn đề nghị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định kháng nghị số10/KN-VKSTC-V12 ngày 13/4/2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số82/2008/KDTM-PT ngày 11/6/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng: hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm. Đình chỉ giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật, với nhận định như sau:

    “Về thời hiệu: Theo thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng, trong vòng 6 tháng công trình xây dựng xong, đến ngày 15/7/1993 là hoàn thành. Nhưng do khu đất có quyết định thu hồi nên việc khai thác các căn nhà không được thực hiện. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định thời điểm phát sinh tranh chấp là sau ngày 15/7/1993 là đúng. Nhưng việc Tòa án hai cấp xác định và áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 để xác định thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại này là hoàn toàn không đúng vì hai Bộ luật này không quy định thời hiệu hồi tố. Việc giao dịch giữa ông Cứ và Công ty địa ốc thực hiện xong năm 1993, vì vậy thời hiệu khởi kiện vụ án này phải được áp dụng khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế có hiệu lực từ ngày 16/3/1994. Như vậy, ngày 09/6/2006, Công ty địa ốc Sài Gòn mới có đơn khởi kiện là đã quá thời hiệu khởi kiện trên 10 năm. Vụ án kinh doanh, thương mại trên đã hết thời hiệu khởi kiện. Việc Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định vụ kiện này còn thời hiệu để thụ lý và xét xử là không đúng theo quy định của pháp luật.

    Về nội dung vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định hợp đồng giữa Công ty địa ốc Sài Gòn ký với ông Cứ là vô hiệu toàn bộ. Do vậy việc xử lý hợp đồng này Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại vận dụng Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự để giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại là không đúng tại thời điểm hai bên ký hợp đồng năm 1993. Đối với vụ tranh chấp này phải áp dụng điểm c khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế có hiệu lực từ ngày 25/9/1989 thì “Thiệt hại phát sinh các bên phải chịu” mà không xem xét đến mức độ lỗi của các bên. Quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên buộc ông Cứ phải bồi thường thiệt hại là không đúng với quy định của pháp luật và trái với quy định tại khoản 3 Chương II Nghị quyết số04/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong việc xử lý Hợp đồng kinh tế vô hiệu thì “Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế thì trong trường hợp Hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ, thiệt hại phát sinh các bên phải chịu mà không xem xét đến mức độ lỗi của các bên”.

    XÉT THẤY

    1-Về quan hệ pháp luật tranh chấp:

    -Theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì Hợp đồng liên doanh xây dựng nhà số 02/93 ký ngày 06/01/1993 giữa ông Cứ với Công ty địa ốc không phải là hợp đồng kinh tế vì tuy thỏa mãn về hình thức (bằng văn bản) và mục đích kinh doanh nhưng không bảo đảm điều kiện về chủ thể do ông Cứ là cá nhân không có đăng ký kinh doanh.

    -Theo quy định tại Điều 1 và khoản 1 Điều 57 Pháp lệnh hợp đồng dân sự thì Hợp đồng liên doanh xây dựng nhà số 02/93 ký ngày 06/01/1993 giữa ông Cứ với Công ty địa ốc tuy thỏa mãn điều kiện về chủ thể nhưng không bảo đảm điều kiện về mục đích của hợp đồng dân sự là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng vì cả Công ty địa ốc và ông Cứ đều có mục đích kinh doanh nhưng ông Cứ là cá nhân không có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 394 Bộ luật dân sự năm 1995 (nay là Điều 388 Bộ luật dân sự năm 2005) về khái niệm hợp đồng dân sự (Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự) thì Hợp đồng liên doanh xây dựng nhà số 02/93 nói trên là hợp đồng dân sự. Do xác định đây là hợp đồng dân sự và hợp đồng này được ký kết và thực hiện từ năm 1993 nên phải căn cứ quy định của Pháp lệnh hợp đồng dân sự để giải quyết vụ án.

    - Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm thụ lý, giải quyết vụ án này bằng vụ án kinh doanh, thương mại và áp dụng quy định của Pháp lệnh hợp đồng dân sự để giải quyết vụ án là phù hợp với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 và quy định tại điểm d khoản 3 Nghị quyết của Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 8 về việc thi hành Bộ luật dân sự năm 1995 (Đối với các giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra, thì áp dụng quy định của pháp luật có hiệu lực trước đây để giải quyết).

    2- Về thời hiệu khởi kiện:

    - Theo quy định tại điểm 6 Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự năm 1995 (được Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28/10/1995) thì: “Việc áp dụng quy định pháp luật về thời hiệu được quy định như sau: a) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó; b) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây không quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu và thời điểm bắt đầu được tính từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực”.

    -Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 01/7/1996 (ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực) mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu (thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện) thì phải áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó để xác định thời hiệu còn hay hết, không phân biệt giao dịch dân sự đó được thực hiện xong trước ngày 01/7/1996 hay từ ngày 01/7/1996…”.

    -Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì không có căn cứ để áp dụng một trong các điểm a, b, c tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP nêu trên vì các bên tham gia giao dịch dân sự (ký kết hợp đồng) không có thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng hay thỏa thuận bổ sung hợp đồng.

    - Sau khi có Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP nêu trên, thì việc Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án nhân dân năm 1999 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2000 để xem xét thời hiệu khởi kiện của vụ án này là không đúng. Để xác định đúng thời hiệu khởi kiện của vụ án này cần phải căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh hợp đồng dân sự (về thời hiệu khởi kiện); điểm 6 Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự năm 1995 và hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP (đã trích dẫn ở trên) và xác định được đúng “thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng”.

    3-Về đường lối giải quyết vụ án (trong trường hợp xác định còn thời hiệu khởi kiện): Tại thời điểm ký kết và thực hiện hợp đồng, ông Cứ chưa được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1987 (đang có hiệu lực tại thời điểm này); trong diện tích đất mà ông Cứ dùng để góp vốn đầu tư xây dựng có diện tích đất lấn chiếm của Nhà nước, nhưng Công ty địa ốc có biết hay không chưa được Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm làm rõ. Hợp đồng này có dấu hiệu vi phạm điều cấm của pháp luật.

    Vì vậy, việc Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 15 và khoản 4 Điều 16 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự (khoản 3 Điều 15 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự quy định: “Khi một bên hợp đồng bị nhầm lẵn về nội dung chủ yếu của hợp đồng, bị đe dọa hoặc bị lừa dối, thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định hợp đồng vô hiệu”; khoản 4 Điều 16 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự quy định: “Bên có lỗi trong việc giao kết hợp đồng vô hiệu mà gây ra thiệt hại cho bên kia, thì phải bồi thường, trừ trường hợp bên bị thiệt hại biết rõ lý do làm cho hợp đồng vô hiệu mà vẫn giao kết”) để xác định Hợp đồng số 02/93 là hợp đồng vô hiệu và xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu là chưa có đủ căn cứ vững chắc. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao viện dẫn quy định tại điểm c khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và mục 3 phần II Nghị quyết số04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cho rằng “thiệt hại phát sinh các bên phải chịu” cũng không phù hợp với quy định của pháp luật và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

    Để giải quyết đúng trách nhiệm và mức độ bồi thường thiệt hại của vụ án này thì phải xác minh, thu thập chứng cứ chứng minh diện tích đất mà ông Cứ dùng để góp vốn thực hiện hợp đồng chính xác là bao nhiêu?; trong đó, diện tích đất ông Cứ được giao sử dụng hợp pháp là bao nhiêu? diện tích đất ông Cứ lấn chiếm là bao nhiêu?; diện tích được cấp giấy phép xây dựng (nếu có) là bao nhiêu?; diện tích đất Công ty địa ốc đã sử dụng để xây dựng 12 căn nhà là bao nhiêu?; số vốn thực tế Công ty địa ốc góp để xây dựng 12 căn nhà nói trên? Khi nào thì việc xây dựng 12 căn nhà chính thức hoàn thành để đưa vào sử dụng và kinh doanh? Khi nào thì Công ty địa ốc biết việc ông Cứ sử dụng đất lấn chiếm của Nhà nước để góp vốn thực hiện hợp đồng? Tổng số tiền thu được từ việc bán 12 căn nhà này? Sau khi trừ các khoản chi phí hợp lệ, lợi nhuận thu được là bao nhiêu và đã xử lý khoản lợi nhuận này như thế nào theo thỏa thuận trong hợp đồng?

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH

    1. Hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số77/2008/KDTM-ST ngày 14/01/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số82/2008/KDTM-PT ngày 11/6/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 04:12:20 CH
     
    4159 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận