Quyết định giám đốc thẩm số 10/2008/kdtm-gđt ngày 31-7-2008 về vụ án tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

Chủ đề   RSS   
  • #264106 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 10/2008/kdtm-gđt ngày 31-7-2008 về vụ án tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

    Số hiệu

    10/2008/KDTM-GDT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số10/2008/kdtm-gđt ngày 31-7-2008 về vụ án tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

    Ngày ban hành

    31/07/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định giám đốc thẩm số10/2008/KDTM-GDT ngày 31-7-2008 về vụ án tranh chấp giữa  thành viên công ty với công ty

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

                ….

                Ngày 31 tháng 7 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên toàn giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty gồm:

                Nguyên đơn: Ông Trần Minh Bộ; trú tại Hoaì Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

                Bị đơn: Công ty TNHH Xây dựng Phương Đông; trụ sở tại thôn Duệ Đông, trị trấn Lim, huyện Tiên Dun, tỉnh Bắc Ninh; do ông Nguyễn Công Cường- Giám đốc Công ty đại diện.

    NHẬN THẤY:

                Theo đơn khởi kiện đề ngày 16-3-2005, lời trình bày của ông Trần Minh Bộ trong quá trình giải quyết vụ án và các tài liệu, chứng cứ do ông Bộ xuất trình có trong hồ sơ vụ án thấy:

                Từ năm 1990, ông Trần Minh Bộ đã là người làm công ăn lương cho gia đình ông Nguyễn Công Cường trong hoạt động xây dựng (BL.01).

                Năm 1993, gia đình ông Nguyễn Công Cường thành lập Công ty TNHH Xây dựng Phương Đông với bốn thành viên sáng lập là Nguyễn Công Cường, Nguyễn Công Cánh (em trai của ông Cường), Trần Minh Bộ và Nguyễn Xuân Lùng, do ông Nguyễn Công Cường là Giám đốc Công ty. Hai thành viên là Trần Minh Bộ và Nguyễn Xuân Lùng không góp vốn (BL. 47-46).

                Ngày 06-9-2004, tại cuộc họp tổng kết mười lăm năm hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, các thành viên đều đã ký biên bản họp Công ty xác định tài chính từ 1990-2004 (riêng ông Nguyễn Xuân Lùng không tham gia họp, không ký biên bản), sau đó đem đi  pho to về đóng dấu của Công ty và giao cho mỗi thành viên một bản. Trong biên bản này, có ghi “…Còn phải chi các khoản:

                ….

                Thanh toán lương ô Bộ        =150.000.000 đ

                Tính lãi cho ô Bộ 15 năm    = 150.000.000 đ…”

                Sau đó, ông Trần Minh Bộ yêu cầu: Tòa án buộc ông Giám đốc Nguyễn Công Cường phải thanh toán số tiền trên, nhưng ông Nguyễn Công Cường cứ khất lần khất lượt và đến ngày 24-2-2005 thì tuyên bố không thanh toán số tiền này cho ông Trần Minh Bộ.

                Ông Trần Minh Bộ yêu cầu: Tòa án buộc ông Giám đốc Nguyễn Công Cường phải thành toán toàn bộ số tiền 300 triệu đồng trên cho ông Bộ.

                Trong giai đoạn tố tụng tại Tòa án nhân dân huyện Tiên Dun, tỉnh Bắc Ninh (từ ngày 18-4-2005 đến ngày 05-8-2005) và tại đơn khiếu nại giám đốc thẩm ngày 25-12-2005, ông Nguyễn Công Cường xác nhận toàn bộ các nội dung như trình bày của nguyên đơn.

                Sau giai đoạn trên, ông Nguyễn Công Cường có các lời khai khác, cụ thể:

                Ngày 13-3-1993, Công ty TNHH Xây dựng Phương Đông được thành lập với bốn thành viên sáng lập là Nguyễn Công Cường, Nguyễn Công Cánh, Trần Minh Bộ và Nguyễn Xuân Lùng, trong đó hai ông Trần Minh Bộ và Nguyễn Xuân Lùng  chỉ là thành viên ghi danh chứ không góp vốn. Thực chất ông Trần Minh  Bộ chỉ là người làm công ăn lương.

                Trong suốt quá trình làm việc từ năm 1993 đến năm 2004, hàng tháng Công ty TNHH Xây dựng Phương Đông đã trả đủ tiền lương cho ông Trần Minh  Bộ. Riêng tiền lãi do hoạt động kinh doanh  của Công ty, ông Trần Minh Bộ không góp vốn nên không được hưởng.

                Do có sự bất hòa trong nội bộ gia đình, ngày 06-9-2004 gia đình ông Nguyễn Công Cường tổ chức cuộc họp trong nội bộ để giải quyết, ông Trần Minh Bộ đến chơi và cùng ngồi dự. Hôm sau, ông Bộ mang biên bản sang bảo ký, ông Cường có ký vào biên bản mà không xem đó là biên bản gì. Ông Cường không nhất trí việc ông Bộ tự ghi thêm vào biên bản hai khoản tiền phải trả cho ông Bộ vì không đung sự thật.

                Biên bản họp Công ty ngày 06-9-2004 không đủ và đúng thành phần (thiếu thành viên Nguyễn Xuân Lùng và thừa ông Nguyễn Công Sy người không phải là thành viên Công ty); xác định tài chính của Công ty từ năm 1990 đến năm 2004 là không đúng vì Công ty mới thành lập từ năm 1993; tài chính của Công ty  lẫn lộn với tài chính của gia đình; nội dung và chữ ký trong biên bản đều là  photo mà không có công chứng, chứng thực hợp pháp; con dấu đóng trên “Biên bản họp Công ty” ngày 06-9-2004 không phải  do ông Nguyễn Công Cường đóng vì nó đã bị ông Nguyễn Công Cánh chiếm giữ trái phép trước đó; ông Bộ không góp vốn vào Công ty nên không thể được chia lãi. Vì vậy, Biên bản họp Công ty ngày 06-9-2004 không có giá trị pháp lý.

                Ông Nguyễn Công Cường xác nhận có tuyên bố miệng về việc trích thưởng bằng tiền cho ông Trần Minh Bộ. Sau khi ông Bộ kiện ra Tòa án, ngày 31-5-2005 ông Cường nhân danh Công ty ký quyết định rút lại tuyên bố trích thưởng trên (BL.125_.

                Ông Nguyễn Công Cường đề nghị bác đơn khởi kiện của ông Trần Minh Bộ.

                Tại buổi hòa giải ngày 28-7-2005, ông Nguyễn Công Cường đã thỏa thuận với ông Trần Minh Bộ(BL.11). Ngày 05-8-2005, Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/QĐDS

                “… Ông Nguyễn Công Cường – Giám đốc Công ty Xây dựng Phương Đông Bắc Ninh phải trả cho ông Trần Minh Bộ số tiền là 150 triệu đồng. Thời hạn trả cuối cùng là ngày 30-10-2005…

                Đối với số tiền 150 triệu đồng tiền lãi, hai bên thống nhất đến khi nào Công ty Xây dựng Phương Đông thành quyết toán xong lỗ lãi thì mới yêu cầu giải quyết…”

                Ngày 25-12-2005, ông Nguyễn Công Cường có đơn khiếu nại đề nghị xét lại Quyết định công nhận  sự thỏa thuận của các đương sụ số 05/QĐDS ngày 05-8-2005 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh theo thủ tục giám đốc thẩm.

                Ngày 20-6-2006, Chánh án Tòa án nhân  dân tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định kháng nghị số1136/QĐ-KN; tại Quyết định giám đốc thẩm số01/2006/DS-GĐT ngày 03-8-2006,Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã xử hủy toàn bộ Quyết định số05/QĐ-DS ngày 05-8-2005 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Tiên Du xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

                Sau khi thụ lý lại vụ án, xác định đây là vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện Tiên Du đã chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh giải quyết theo thẩm quyền.

                Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số01/2007/KDTM-ST ngày 31-01-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã quyết định:

                “… Buộc Công ty Xây dựng Phương Đông phải trả cho ông Trần Minh Bộ số tiền 300 triệu đồng, trong đó 150 triệu đồng tiền lương và 150 triệu đồng trích lãi…”

                Ngày 09-02-2007, Công ty TNHH Xây dựng  Phương Đông  có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng biên bản ngày 06-9-2004 là biên bản giả (BL.251).

                Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số133/2007/KDTM-ST ngày 18-6-2007, Tòa án phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã sửa toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số01/2007/KDTM-ST ngày 31-01-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã quyết định:

                “…Bác đơn khởi kiện của nguyên đơn là ông Trần Minh Bộ đòi 300 triệu đồng đối với bị đơn là Công ty Xây dựng Phương Đông…”

                Ngày 17-7-2007, ông Trần Minh Bộ có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

                Tại Quyết định số06/KN-VKSTC-V12 ngày 17-4-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án kinh doanh thương mại  phúc thẩm số133/2007/KDTM-ST ngày 18-6-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, theo hướng hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Tòa án địa phương điều tra, xét xử sơ thẩm lại.

               

    XÉT THẤY:

                Ông Nguyễn Công Cánh là thành viên sáng lập Công ty, có góp vốn, tham gia cuộc hộp và ký biên bản họp Công ty ngày 06-9-2004 nhưng chưa được tham gia tố tụng trong vụ án. Ông Nguyễn Công Sy là người có mặt trong cuộc họp Công ty ngày 06-9-2004, biết diễn biến, nội dung cuộc họp   cũng chưa được tham gia tố tụng. Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng những quy định tại Điều 61 (Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và Điều 65 (Người làm chứng) BLTTDS. Cần áp dụng khoản 1 Điều 299 BLTTDS hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại đúng quy định của pháp luật; đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

                Theo lời khai của ông Trần Minh Bộ thì trong các “Biên bản họp tại công ty”ngày 06-9-2004 có một bản chính (do ông Bộ viết tay, có chữ ký trực tiếp của ba thành viên Công ty tham dự cuộc họp) và các bản photo từ bản chính (mỗi người giữ một bản). Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa thu thập cac biên bản cuộc họp đã phát cho mọi người để làm đối chứng so sánh, đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ quan trọng này là thiếu sót, cần khắc phục khi xét xử vụ án.

                Đồng thời, Tòa án các cấp chưa xác minh, làm rõ thực trạng hiện tại của Công ty Xây dựng Phương Đông như thế nào? Còn hoạt động hay đã giải thể? Tài sản của Công ty còn những gì? Do ai quản lý? Nếu Công ty đã bị giải thể thì ai là người thừa kế Công ty giải quyếtw, xử lý các khoản nợ còn tồn đọng?... để xác định chính xác bị đơn trong vụ kiện.

                Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297; khoản 1 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

                1.Hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số01/2007/KDTM-ST ngày 31-01-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số133/2007/KDTM-ST ngày 18-6-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

                2.Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh giải quyết lại từ sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

               

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

                Các Tòa án đã không triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng, tham gia tố tụng; không xác định rõ Công ty (bị đơn) còn hoạt động hay đã giải thể.

     

     
    3055 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận