Quyết định giám đốc thẩm số 08/2006/ds-gđt ngày 07-4-2006 về vụ án “tranh chấp về nhà đất”

Chủ đề   RSS   
  • #265055 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 08/2006/ds-gđt ngày 07-4-2006 về vụ án “tranh chấp về nhà đất”

    Số hiệu

    08/2006/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số08/2006/ds-gđt ngày 07-4-2006 về vụ án “tranh chấp về nhà đất”

    Ngày ban hành

    07/04/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ08/2006/DS-GĐT NGÀY 07-4-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP VỀ NHÀ ĐẤT”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 7 tháng 04 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về tranh chấp nhà đất giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ông Nguyễn Quang Thực

    Trú tại: 67 Phó Đức Chính, Trúc Bạch, Ba Đình, thành phố Hà Nội.

    Bị đơn: Uỷ ban nhân dân xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Nguyễn Thị Thịnh

    Trú tại: 169 đường Ngọc Lâm, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội,

    2. Bà Nguyễn Thị Nhung, 69 tuổi

    Trú tại: Số 11, F10, Tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

    3. Ông Nguyễn Quang Lộc - bà Đoàn Vĩnh Tuy (vợ ông Lộc), trú tại: 
    P 320 tầng 3 A 5 tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

    4. Ông Nguyễn Quang Đoàn - bà Lê Thị Thanh (vợ ông Đoàn).

    5. Ông Nguyễn Quang Thắng.

    6. Bà Nguyễn Thị Hiền.

    7. Bà Nguyễn Thị Hoà.

    Đều trú tại: 63 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    8. Ông Nguyễn Quang Chúc.

    Trú tại: Số 52 ngõ Thịnh Hào 3, Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

    9. Anh Nguyễn Quang Sim (Sin),

    Trú tại: xóm Minh Khai, xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện và lời khai của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án thì cụ Nguyễn Quang Thành và cụ Tạ Thị Thìn sinh được 9 người con:

    1. Bà Nguyễn Thị Nhung

    2. Ông Nguyễn Quang Lộc

    3. Ông Nguyễn Quang Thực

    4. Ông Nguyễn Quang Đoàn

    5. Bà Nguyễn Thị Thịnh

    6. Ông Nguyễn Quang Thắng

    7. Ông Nguyễn Quang Chúc

    8. Bà Nguyễn Thị Hiền

    9. Bà Nguyễn Thị Hoà

    Sinh thời cụ Thành, cụ Thìn được bố mẹ để lại cho 5 gian nhà gỗ lợp ngói, 3 gian lợp lá cùng công trình phụ trên 1 sào 8 thước đất ở xóm Minh Khai, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Tây.

    Năm 1948, cả gia đình cụ Thìn ra Hà Nội làm ăn sinh sống, còn nhà đất giao cho vợ chồng ông Nguyễn Quang Kế và bà Nguyễn Thị Hồng ở nhờ. Gia đình cụ Thành vẫn thường xuyên đi lại thăm nom nhà cửa.

    Năm 1956, cụ Thành được Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Đông cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất.

    Năm 1963, ông Kế bị đi cải tạo, vợ con ông Kế chuyển đi nơi khác ở. Uỷ ban nhân dân xã La Phù sử dụng ngôi nhà của cụ Thành làm trạm y tế xã. Trong quá trình sử dụng 3 gian nhà lợp lá bị hỏng, Uỷ ban nhân dân xã xây 4 gian nhà gạch để làm nhà sản (nhà hộ sinh).

    Năm 1967, cụ Thìn chết. Năm 1990, cụ Thành chết. Tháng 9-1992, Uỷ ban nhân dân xã La Phù xây dựng trạm y tế mới ở nơi khác và đã thanh lý toàn bộ khu trạm y tế cũ cho anh Nguyễn Quang Sim với giá 41.500.000 đồng. Sau khi mua gia đình anh Sim đã phá 4 gian nhà sản, xây dựng 4 gian nhà lợp ngói.

    Ông Thực đại diện cho các thừa kế của cụ Thành và cụ Thìn khởi kiện cho rằng: Năm 1963, Uỷ ban nhân dân xã mượn nhà đất của cụ Thành và cụ Thìn để đặt trạm y tế xã. Khi còn sống từ năm 1981 cụ Thành đã đòi nhiều lần nhưng Uỷ ban nhân dân xã không trả nhà. Nay Uỷ ban nhân dân xã La Phù bán tài sản trên cho anh Sim là trái pháp luật. Yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã La Phù trả lại nhà đất.

    Đại diện Uỷ ban nhân dân xã La Phù trình bày:

    Nguồn gốc số tài sản trên là của cụ Thành và cụ Thìn. Nhưng năm 1963 Uỷ ban nhân dân xã do ông Tạ Tương Tuân, Chủ tịch xã đã thoả thuận với cụ Thành và cụ Thìn mua 5 gian nhà gỗ trên đất với giá 2000 đồng để đặt trạm y tế xã. Trước khi bán cho Uỷ ban nhân dân xã cụ Thìn và cụ Thành đã bán nhà đất cho cụ Đăng và cụ Đỗi với giá 3.500 đồng, nên khi trả tiền cho cụ Thành và cụ Thìn thì Uỷ ban nhân dân xã đã trả 2.000 đồng cho cụ Đỗi. Về thủ tục thì Uỷ ban nhân dân xã không có ký hợp đồng mua bán nhà với cụ Thành và cụ Thìn mà chỉ giữ lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất của cụ Thành được cấp 
    năm 1956.

    Trong quá trình quản lý sử dụng Uỷ ban nhân dân xã làm thêm 4 gian nhà gạch để trạm y tế làm nhà sản. Do có nhu cầu mở rộng trạm y tế nên Uỷ ban nhân dân xã đã chuyển trạm y tế sang khu vực khác.

    Ngày 19-8-1992, Uỷ ban nhân dân xã La Phù đã bán ngôi nhà 5 gian cùng toàn bộ công trình phụ trên 1 sào 8 thước đất cho anh Nguyễn Quang Sim với giá 41.500.000 đồng. Uỷ ban nhân dân xã La Phù không đồng ý trả lại nhà đất cho các thừa kế của cụ Thành, cụ Thìn.

    Anh Sim (Sin) trình bày:

    Do có nhu cầu về chỗ ở nên khi Uỷ ban nhân dân xã La Phù thông báo bán trạm y tế xã (cũ) cho dân làm nhà ở thì gia đình anh mua. Sau khi mua bán xong anh đã dỡ bỏ 4 gian nhà sản, xây thêm 4 gian nhà mới, trồng thêm nhiều cây cối. Nếu phải trả nhà đề nghị thanh toán toàn bộ chi phí trả gia đình anh.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 23/DSST ngày 9-11-1999 Toà án nhân dân huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây quyết định:

    Xử bác đơn đòi tài sản + quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Quang Thực đối với Uỷ ban nhân dân xã La Phù, Hoài Đức, Hà Tây.

    Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

    Sau khi xử sơ thẩm, ngày 18-11-1999 ông Thực kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 24/DSPT ngày 13-3-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:

    Huỷ bản án số 23/DSST ngày 9-11-1999 của Toà án nhân dân huyện Hoài Đức.

    Giữ hồ sơ tại cấp tỉnh để giải quyết theo trình tự sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 10-01-2001 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:

    1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các con cụ Nguyễn Quang Thành và cụ Tạ Thị Thìn do ông Nguyễn Quang Thực đại diện kiện đòi 5 gian nhà ngói cổ khung gỗ lim cùng công trình phụ trên 1 sào 8 thước đất ở thôn Minh Khai, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Tây hiện nay anh Nguyễn Quang Sim đang quản lý sử dụng.

    2. Xác nhận khối tài sản 5 gian nhà ngói cổ khung gỗ lim, sân gạch, bể nước, nhà tắm trên diện tích 1 sào 8 thước đất (=552m2) ở thôn Minh Khai, La Phù, Hoài Đức, Hà Tây là di sản thừa kế của cụ Thành, cụ Thìn.

    3. Huỷ hợp đồng mua bán nhà đất giữa Uỷ ban nhân dân xã La Phù với anh Nguyễn Quang Sim ngày 19-8-1992.

    4. Buộc Uỷ ban nhân dân xã La Phù phải trả 5 gian nhà ngói cổ, sân gạch, bể nước, nhà tắm trên 1 sào 8 thước đất ở thôn Minh Khai, La Phù, Hoài Đức, Hà Tây - cho các con của cụ Thành, cụ Thìn do ông Nguyễn Quang Thực làm đại diện sở hữu.

    5. Buộc Uỷ ban nhân dân xã La Phù phải thanh toán hoàn trả anh Nguyễn Quang Sim số tiền 63.471.200 đồng. Các con của cụ Thành, cụ Thìn (do ông Thực đại diện) phải thanh toán trả anh Sim giá trị tài sản phát triển thêm là 37.640.000 đồng.

    Giao các con cụ Thành, cụ Thìn (do ông Thực đại diện) sở hữu 4 gian nhà cấp 4, bếp, công trình phụ và tài sản anh Sim phát triển thêm có tổng giá trị là 37.640.000 đồng.

    Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

    Ngày 12-01-2001 ông Nguyễn Duy Sinh đại diện Uỷ ban nhân dân xã La Phù kháng cáo với nội dung không nhất trí với bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 14/PTDS ngày 27-1-2003 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

    Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

    Sau khi xử phúc thẩm, Uỷ ban nhân dân xã La Phù có đơn khiếu nại không đồng ý với bản án phúc thẩm.

    Ngày 18-5-2004 Phòng thi hành án tỉnh Hà Tây có công văn số 109 kiến nghị xem xét lại bản án phúc thẩm.

    Tại Quyết định số06/2006/DS-KN ngày 13-1-2006 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 10-01-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xét xử sơ thẩm lại với nhận định: việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Quang Ngà, nhưng Toà án các cấp không đưa bà Bình và ông Ngà tham gia tố tụng là sai. Mặt khác, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây và Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội chấp nhận yêu cầu đòi nhà, đất của ông Nguyễn Quang Thực là chưa đủ căn cứ.

    Tại phiên toà đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 14/PTDS ngày 27-1-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 10-01-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây, giao hồ sơ vụ án 
    cho Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Căn nhà 5 gian lợp ngói trên diện tích 1,8 sào đất ở xóm Minh Khai, xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Nguyễn Quang Thành và bà Tạ Thị Thìn. Năm 1948, vợ chồng cụ Thành ra Hà Nội ở, nhà đất trên để cho vợ chồng người cháu là ông Nguyễn Quang Kế, bà Nguyễn Thị Hồng ở nhờ. Từ năm 1963, Uỷ ban nhân dân xã sử dụng phần diện tích nhà đất trên làm trạm y tế xã rồi xây dựng 4 gian nhà gạch làm nhà hộ sinh. Trạm y tế xã đã kê khai trong sổ địa chính diện tích nhà đất trên, nhưng toàn bộ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà đất thì do Uỷ ban nhân dân xã giữ. Ngày 19-8-1992 thì Uỷ ban nhân dân xã La Phù bán thanh lý nhà đất này cho anh Nguyễn Quang Sim (Sin). Sau khi mua được nhà đất trên, anh Sim đã phá 4 gian nhà sản xây dựng 4 gian nhà mới và bán 1/2 nhà đất cho bà Nguyễn Thị Bình và gia đình bà Bình đã làm nhà mới trên phần đất mua của ông Sim. Còn ngôi nhà 5 gian lợp ngói và phần đất còn lại, ông Sim đã đổi cho ông Nguyễn Quang Ngà, ông Ngà đã sửa chữa lại nhà 5 gian và làm công trình phụ. Như vậy, việc giải quyết tranh chấp căn nhà 5 gian lợp ngói trên diện tích 1,8 sào đất nêu trên có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của bà Bình và ông Ngà; nhưng Toà án các cấp không đưa bà Bình và ông Ngà tham gia tố tụng là chưa đúng pháp luật.

    Về nội dung: Từ năm 1963 Uỷ ban nhân dân xã La Phù đã sử dụng nhà đất này (gần 30 năm) để làm trạm y tế xã và còn xây dựng thêm 4 gian nhà gạch làm nhà hộ sinh nhưng gia đình cụ Thành, cụ Thìn không có ý kiến gì; Trạm y tế đã kê khai trong sổ địa chính xã, còn gia đình nguyên đơn không kê khai và không còn giữ được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, đồng thời gia đình cụ Thành, cụ Thìn đã bán đồ thời cúng cho người khác. Như vậy có nhiều chứng cứ cho thấy Uỷ ban nhân dân xã La Phù đã mua nhà đất, điều này còn phù hợp lời khai của các nhân chứng như cụ Đỗi, cụ Đỗ Huy Mỹ, cụ Ngô Văn Ngoạn (BL18). Bản án dân sự phúc thẩm số 14/PTDS ngày 27-01-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 10-01-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các con cụ Nguyễn Quang Thành và cụ Tạ Thị Thìn do ông Nguyễn Quang Thực đại diện kiện đòi 5 gian nhà ngói cổ khung gỗ lim cùng công trình phụ trên 1 sào 8 thước đất ở thôn Minh Khai, xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây đối với Uỷ ban nhân dân xã La Phù là chưa đủ căn cứ.

    Bởi lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    - Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 14/PTDS ngày 27-01-2003 của 
    Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm 
    số 01/DSST ngày 10-01-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xét xử việc tranh chấp nhà đất giữa ông Nguyễn Quang Thực và Uỷ ban nhân dân xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

    - Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây giải quyết xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

    1. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định chưa đầy đủ những người tham gia tố tụng;

    2. Chưa có đủ căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    1. Thiếu sót trong việc áp dụng quy định của luật tố tụng dân sự về xác định người tham gia tố tụng;

     

    2. Thiếu sót trong việc xác minh, thu thập và đánh giá chứng cứ.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 01:16:49 CH
     
    2938 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận