Số hiệu
|
07/2006/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số07/2006/ds-gđt ngày 06-4-2006 về vụ án “tranh chấp về quyền sử dụng đất”
|
Ngày ban hành
|
06/04/2006
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ07/2006/DS-GĐT NGÀY 06-4-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP
VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 06 tháng 4 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
Ông Chung Sáu, sinh năm 1934;
Ông Chung Thuỷ, sinh năm 1931;
Bà Chung Thị Huệ, sinh năm 1945;
Đều trú tại khu phố 1, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Bị đơn:
Bà Hà Thị Sáu, sinh năm 1925; uỷ quyền cho con là Vũ Huệ Liên, sinh năm 1954;
Trú tại nhà số 41 khu phố 4, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bà Vũ Huệ Liên, sinh năm 1934;
Anh Phạm Vũ Minh Triết, sinh năm 1975;
Chị Trần Thị Thuý Duyên, sinh năm 1973; anh Triết và chị Duyên uỷ quyền cho bà Vũ Huệ Liên; cùng trú tại nhà số 41 đường Vĩnh Phú, khu phố 4, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ông Chung Dậu và ông Chung Nam đều ở Mỹ và uỷ quyền cho ông Chung Sáu, ông Chung Thuỷ và bà Chung Thị Huệ.
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện ngày 11-6-2003 và tại các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, các đồng nguyên đơn là ông Chung Sáu, ông Chung Thuỷ và bà Chung Thị Huệ cho rằng: Năm 1944 cụ Chung Hữu (bố của các nguyên đơn) có mua một mảnh đất tại bằng khoán số 411, lô 329, tờ bản đồ số 2 và được chế độ cũ đăng ký ngày 9-10-1944. Năm 1945 ông Hữu mua lại căn nhà của ông Trần Trung Nguyên và trong năm 1945 cụ Hữu cho bà Nguyễn Thị Thì (bác dâu) cất nhà diện tích khoảng 200m2. Năm 1953 cụ Hữu chết. Từ đó con của bà Thì là bà Châu Lệ lén lút cất thêm nhà sau bất chấp sự phản đối của bà Châu Xảo (mẹ của các nguyên đơn). Đến năm 1979 ông Chung Dậu (em trai các nguyên đơn) xuất cảnh ra nước ngoài, gia đình (trong đó có cả cụ Châu Xảo) chuyển về căn nhà toạ lạc tại đường Vĩnh Phú ở và cho địa phương mượn căn nhà số 43 đường Vĩnh Phú để làm cơ quan (có lúc ông Chung Sáu khai nhà, đất bị nhà nước quản lý, có lúc ông Chung Sáu lại khai Nhà nước trưng dụng nhà, đất). Năm 1989 cụ Châu Xảo kêu con cháu lên cất nhà trên phần đất trống ở đường Vĩnh Phú (đất đang tranh chấp) thì bà Hà Thị Sáu ngăn cản không cho cất, Uỷ ban nhân dân đã giải quyết nhưng không cụ thể. Các nguyên đơn nại rằng không biết vì sao phía bà Sáu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.245,5m2 đất và yêu cầu bà Hà Thị Sáu trả lại đất cho các nguyên đơn, đồng ý để lại 200m2 đất cho bà Hà Thị Sáu, không đồng ý bồi hoàn công sức cho bà Sáu. Về giá đất thì đồng ý giá đất của Hội đồng thẩm định huyện Ba Tri.
Bị đơn bà Hà Thị Sáu do bà Vũ Thị Huệ Liên (người được bà Sáu uỷ quyền) trình bày: Nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp là của ông bà mua
năm 1936, đã cất nhà kiên cố với diện tích 396m2. Năm 1941, cụ Châu Lệ (mẹ chồng bà Hà Thị Sáu) đã được chính quyền cũ công nhận quyền sở hữu đối với căn nhà này, gia đình đã ở đây qua nhiều thế hệ đến nay, ngày 21-8-2000 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, không đồng ý trả lại đất theo yêu cầu của các đồng nguyên đơn.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/DSST ngày 18-8-2004, Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre xác định diện tích đất đang tranh chấp thuộc bằng khoán 411 làng An Đức, lô 329 (cũ) là của cụ Chung Hữu (bố nguyên đơn), tuy gia đình bà Hà Thị Sáu ở trên diện tích đất trên từ năm 1941, nhưng không chứng minh được đã mua bán, chuyển nhượng và quyết định:
Áp dụng Điều 264; Điều 290 Bộ luật dân sự; Điều 136 Luật đất đai.
Chấp nhận một phần yêu cầu của các ông, bà: Chung Sáu, Chung Thuỷ, Chung Thị Huệ đối với hộ bà Hà Thị Sáu.
Hộ bà Hà Thị Sáu được quyền sử dụng đất theo ngôi nhà số 41 đường Vĩnh Phú, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đồng thời cũng được quyền sử dụng đất lối đi từ nhà ra đường Vĩnh Phú có chiều ngang 2 mét, dài 12,1 mét, cặp sát phần đất của Uỷ ban mặt trận Tổ quốc huyện Ba Tri đang sử dụng.
Tổng diện tích hộ bà Sáu được quyền sử dụng là 508,5m2, thuộc thửa 202, bản đồ số 22, khu phố 4, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Buộc hộ bà Hà Thị Sáu giao phần đất còn lại có diện tích 737m2 thuộc thửa 202 cho các ông bà: Chung Sáu, Chung Thuỷ, Chung Thị Huệ.
Ghi nhận hộ bà Hà Thị Sáu không đòi bồi thường công sức, hoa màu và các công trình xây dựng trên đất.
Án phí dân sự sơ thẩm: Các ông bà Chung Sáu, Chung Thuỷ, Chung Thị Huệ liên đới nộp 7.818.200 đồng (bảy triệu tám trăm mười tám ngàn hai trăm đồng).
Hộ bà Hà Thị Sáu nộp: 20.267.500 đồng (hai mươi triệu hai trăm sáu mươi bảy ngàn năm trăm đồng).
Ngày 25-8-2004, nguyên đơn ông Chung Sáu, ông Chung Thuỷ và bà Chung Thị Huệ kháng cáo.
Ngày 30-8-2004, bị đơn bà Hà Thị Sáu kháng cáo.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 361/DSPT ngày 26-11-2004 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
“Giữ nguyên bản án sơ thẩm như sau:
1. Hộ bà Hà Thị Sáu được quyền sử dụng 508,5m2 đất thuộc thửa 202, tờ bản đồ số 22 theo căn nhà 41 đường Vĩnh Phú, khu phố 4, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Có tứ cận như sau: Đông giáp đất trống còn lại của thửa 202, có chiều dài 31,4m, cộng 1 mét phía trước và một mét phía sau, tổng cộng là 33,4 mét; Tây giáp phần đất Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ba Tri đang sử dụng có chiều dài 33,4 mét; Bắc giáp đất trống còn lại của thửa 202, theo chiều ngang nhà là 13,5 mét, cộng thêm 01 (một) mét của phần đất trống phía Đông, tổng cộng là 14,5 mét; Nam giáp đất trống còn lại của thửa 202, theo chiều ngang nhà là 13,5 mét, cộng thêm 01 (một) mét của phần đất trống phía Đông, tổng cộng là 14,5 mét và được quyền sử dụng lối đi từ nhà ra đường Vĩnh Phú có chiều ngang 02 (hai) mét, chiều dài 12,1 mét cặp sát theo ranh đất Uỷ ban mặt trật tổ quốc huyện Ba Tri đang sử dụng.
2. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày án có hiệu lực, hộ bà Hà Thị Sáu phải di dời cây cối, công trình liên quan để giao 737m2 (bảy trăm ba mươi bảy mét vuông) đất còn lại của thửa 202, tờ bản đồ số 22, khu phố 4, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho các ông bà Chung Thuỷ (sinh năm 1931), Chung Sáu (sinh năm 1934) và Chung Thị Huệ (sinh năm 1945) hiện cùng trú tại khu phố 1, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ghi nhận việc hộ bà Hà Thị Sáu không yêu cầu bồi thường công sức, hoa màu và các công trình xây dựng trên đất tranh chấp.
3. Huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất P.403867 ngày 21-8-2000 của bà Hà Thị Sáu.
Yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Hà Thị Sáu và cho các ông bà Chung Thuỷ, Chung Sáu và Chung Thị Huệ phù hợp các diện tích và tứ cận đã ghi tại mục 1 và 2 trên đây”.
Ngoài ra bản án dân sự phúc thẩm còn quyết định về phần án phí.
Ngày 1-4-2005, bà Hà Thị Sáu có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm cho rằng: Diện tích đất đang tranh chấp là của bà ngoại mẹ chồng bà là Nguyễn Thị Thì mua từ năm 1936 và đã cất nhà ở. Năm 1941, bà Châu Lệ là mẹ chồng bà đã được chế độ cũ công nhận quyền sở hữu đối với căn nhà trên. Gia đình bà đã sử dụng diện tích đất trên cùng với căn nhà này 70 năm nay nên bản án phúc thẩm quyết định trả đất cho nguyên đơn là không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi của gia đình bà.
Tại Quyết định kháng nghị số04/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 18-01-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận định với nội dung: Tranh chấp quyền sử dụng đất xảy ra từ năm 1993, năm 2000 bà Hà Thị Sáu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không tham khảo ý kiến chính thức của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không điều tra xác minh việc ông Chung Nam, Chung Dậu ra nước ngoài hợp pháp hay không hợp pháp. Do đó đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 361/DSPT ngày 26-11-2004 của Toà phúc thẩm
Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ án phúc thẩm, huỷ án sơ thẩm; giao hồ sơ
vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm đã được nêu trong quyết định kháng nghị và có thêm ý kiến cho rằng diện tích đất đang tranh chấp gia đình bị đơn đã ở qua các thế hệ, diện tích đất đang tranh chấp nằm trong cùng thửa đất hiện nay Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đang sử dụng, nhưng không thể hiện sau năm 1979, đất này có bị trưng dụng hay không? và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Diện tích đất đang tranh chấp giữa ông Chung Sáu, ông Chung Thuỷ và bà Chung Thị Huệ với bà Hà Thị Sáu theo các đồng nguyên đơn khai là do cụ Chung Hữu (bố của các đồng nguyên đơn) mua từ năm 1944 với tổng diện tích là 0ha30a40ca đất (tương đương 3.040m2). Diện tích đất trên hồ sơ thể hiện, gia đình cụ Hữu có sử dụng một phần để xây dựng nhà ở và từ năm 1979 căn nhà của cụ Hữu nhà nước đã sử dụng làm trụ sở Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (vì năm 1979 ông Chung Dậu, con cụ Hữu đi nước ngoài). Còn phần 1.245,5m2 đất cùng căn nhà được thể hiện là cụ Châu Lệ (mẹ chồng bà Hà Thị Sáu) sử dụng và cụ Lệ đã được chính quyền chế độ cũ công nhận quyền sở hữu từ năm 1941. Gia đình bà Hà Thị Sáu đã sử dụng qua nhiều thế hệ, quá trình sử dụng bà Hà Thị Sáu đã nộp thuế theo quy định của pháp luật và năm 2000 bà Hà Thị Sáu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bố, mẹ của các đồng nguyên đơn khi còn sống và trước khi chết không kê khai đăng ký và cũng không tranh chấp.
Như vậy, phía bị đơn quản lý sử dụng diện tích đất đó từ năm 1941 đến nay là hơn 60 năm.
Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào bằng khoán điền thổ số 411, thể hiện việc cụ Hữu mua diện tích đất trên để buộc bà Hà Thị Sáu phải trả lại cho nguyên đơn 737m2 đất là không đúng pháp luật.
Ngoài ra, khi các đồng nguyên đơn tranh chấp diện tích đất này, Uỷ ban nhân dân các cấp đã giải quyết, nhưng hồ sơ không thể hiện rõ quá trình giải quyết đã có quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay chưa? Vì vậy, cần điều tra, xác minh về kết quả giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền? Nếu đã có quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện cho đương sự và xoá sổ thụ lý. Còn nếu chưa có quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm nếu không có chứng cứ gì khác thì bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297; khoản 1, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 361/DSPT ngày 26-11-2004 của
Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số08/DS-ST ngày 18-8-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre đã xét xử vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các nguyên đơn là
ông Chung Sáu, ông Chung Thuỷ, bà Chung Thị Huệ với bị đơn là bà Hà Thị Sáu.
2. Giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre giải quyết xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:
1. Chưa đủ căn cứ để buộc bị đơn trả lại diên tích đất cho các nguyên đơn như quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm;
2. Cần điều tra, xác minh thêm về kết quả giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền.
- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:
Thiếu sót trong việc xác minh, thu thập và đánh giá chứng cứ.