Quyết định giám đốc thẩm số 07/2005/HĐTP-HS Ngày 29-3-2005 Về vụ án Hồ Thị Bé phạm tội “chiếm đoạt trẻ em”

Chủ đề   RSS   
  • #264810 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 07/2005/HĐTP-HS Ngày 29-3-2005 Về vụ án Hồ Thị Bé phạm tội “chiếm đoạt trẻ em”

    Số hiệu

    07/2005/HĐTP-HS

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số07/2005/HĐTP-HS Ngày 29-3-2005 Về vụ án Hồ Thị Bé phạm tội “chiếm đoạt trẻ em”

    Ngày ban hành

    29/03/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     


    Quyết định giám đốc thẩm số07/2005/HĐTP-HS

    Ngày 29-3-2005 Về vụ án Hồ Thị Bé
    phạm tội “chiếm đoạt trẻ em”

     

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 29 tháng 3 năm 2005 tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1. Hồ Thị Bé sinh năm 1972, trú tại thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; nghề nghiệp: nội trợ; con ông Hồ Văn Bách và bà Trần Thị Triều (đều đã chết); có chồng và 3 con (lớn nhất 11 tuổi, nhỏ nhất 8 tháng tuổi); bị cáo tại ngoại.

    2. Trần Hải sinh năm 1983; trú tại thôn Xuân Hoà, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; khi phạm tội là học sinh lớp 12/12; con ông Trần Văn Đáp và bà Hà Thị Vân (là bị cáo trong cùng vụ án); bị cáo tại ngoại.

    (Trong vụ án này, còn có Hà Thị Vân bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Trần Thị Gái bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đều về tội chiếm đoạt trẻ em nhưng không bị kháng nghị giám đốc thẩm).

    * Người bị hại: cháu Lê Văn Viên, sinh ngày 05-7-2000; người đại diện hợp pháp của người bị hại: chị Lê Thị Quyên (là mẹ cháu Viên); trú tại thôn Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

    Nhận thấy:

    Ngày 23-02-2003, Hà Thị Vân đến nhà con gái là Trần Thị Phù chơi. Tại đây, Vân gặp Hồ Thị Bé, Vân hỏi Bé và Phù: “có ai bán trẻ em thì mua cho một đứa vì Trần Thị Gái có nhờ tìm hộ để làm con nuôi”, Bé trả lời là: “có biết chị Lê Thị Quyên ở thôn Cẩm Phổ có đứa con cần bán”. Cùng ngày, Trần Hải (con trai Vân) đi xe máy chở Bé và Phù đến nhà chị Quyên hỏi mua cháu Viên (là con trai chị Quyên), chị Quyên đồng ý bán cháu Viên với giá một triệu đồng. Hải về nói với Vân, Vân mang tiền đến để trả cho chị Quyên, nhưng chị Quyên không đồng ý và hẹn ngày hôm sau.

    Ngày 28-02-2003, Trần Thị Gái đưa cho Phù 2 triệu đồng, Phù cùng Bé và Hải lại đến nhà chị Quyên. Đến nơi, chị Quyên đi vắng, đợi một lúc không thấy chị Quyên về thì Bé nói: “thôi bồng đi” Phù đã bế cháu Viên về nhà Phù.

    Sau đó sự việc đã bị phát hiện, cháu Lê Văn Viên được cơ quan Công an giao trả cho chị Lê Thị Quyên.

    Tại bản cáo trạng số 98/KS ĐT-TA ngày 15-10-2003 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị truy tố Hồ Thị Bé, Trần Hải, Hà Thị Vân, Trần Thị Gái và Trần Thị Phù về tội “chiếm đoạt trẻ em” theo khoản 1 Điều 120 Bộ luật hình sự.

    Tại Quyết định số02/QĐ-TA ngày 21-11-2003, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tạm đình chỉ xét xử đối với bị cáo Trần Thị Phù.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 66/HSST ngày 27-11-2003, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị áp dụng khoản 1 Điều 120; điểm p khoản 1 Điều 46; áp dụng Điều 47 đối với Trần Hải, Trần Thị Gái, Hà Thị Vân; áp dụng thêm khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự đối với Trần Thị Gái, Hà Thị Vân; xử phạt Hồ Thị Bé 36 tháng tù và Trần Hải 18 tháng tù; xử phạt Trần Thị Gái và Hà Thị Vân mỗi bị cáo 12 tháng tù, nhưng đều cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng, về tội “chiếm đoạt trẻ em”.

    Ngày 28-11-2003, Hồ Thị Bé có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo.

    Ngày 06-12-2003, Trần Hải có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo.

    Trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đưa Trần Thị Phù ra xét xử sơ thẩm và tại bản án hình sự sơ thẩm số 28/HSST ngày 28-5-2004 Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị áp dụng khoản 1 Điều 120; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 47; khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Trần Thị Phù 2 năm tù về tội “chiếm đoạt trẻ em”, nhưng cho hưởng án treo. Bản án này không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 432/HSPT ngày 18-6-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng áp dụng khoản 3 Điều 220; khoản 1 Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự huỷ bản án hình sự sơ thẩm số 66/HSST 
    ngày 27-11-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị; giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến hành xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại Quyết định kháng nghị số45/2004/HS-TK ngày 27-12-2004, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 432/HSPT ngày 18-6-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại đối với các bị cáo có đơn kháng cáo theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    xét thấy:

    Việc Toà án cấp sơ thẩm ra quyết định số02/QĐ-TA ngày 21-11-2003 tạm đình chỉ xét xử đối với Trần Thị Phù là không đúng quy định tại Điều 135 và Điều 155 của Bộ luật tố tụng hình sự (năm 1988). Quyết định tạm đình chỉ này không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, đã có hiệu lực pháp luật.

    Khi xét xử phúc thẩm, lẽ ra Toà án cấp phúc thẩm phải xét kháng cáo của bị cáo kháng cáo; nếu quyết định tạm đình chỉ xét xử của Toà án cấp sơ thẩm không đúng pháp luật thì kiến nghị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Nhưng Toà án cấp phúc thẩm lại xem xét tính hợp pháp của Quyết định tạm đình chỉ xét xử số02/QĐ-TA ngày 21-11-2003 đối với Trần Thị Phù và không chỉ ra được việc không xét xử Trần Thị Phù trong cùng vụ án Hồ Thị Bé sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét toàn diện, khách quan của vụ án, ảnh hưởng đến việc đánh giá vai trò của các bị cáo và ảnh hưởng đến quyết định hình phạt đối với các bị cáo khác là không đúng với quy định tại Điều 214 Bộ luật tố tụng hình sự (năm 1988). Toà án cấp phúc thẩm chưa xét kháng cáo của Hồ Thị Bé và Trần Hải là thiếu sót.

    Mặt khác, sau khi được tạm đình chỉ, Toà án cấp sơ thẩm đã đưa Trần Thị Phù ra xét xử sơ thẩm và bị xử phạt 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo và không làm ảnh hưởng đến việc xét xử đối với các bị cáo khác. Vì vậy, chỉ cần huỷ bản án phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại vụ án theo quy định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    Quyết định:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 432/HSPT ngày 18-6-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    Toà án cấp phúc thẩm đã căn cứ vào Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với một bị cáo trong vụ án (Quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị) để huỷ bản án sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật.

    - Nguyên nhân của việc huỷ bản án phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về phạm vi xét xử phúc thẩm.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 04:10:18 CH
     
    2724 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận