Quyết định giám đốc thẩm số 06/2007/KDTM-GĐT ngày 05-6-2007 về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Chủ đề   RSS   
  • #264152 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 06/2007/KDTM-GĐT ngày 05-6-2007 về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

    Số hiệu

    06/2007/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số06/2007/KDTM-GĐT ngày 05-6-2007 về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

    Ngày ban hành

    05/06/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định giám đốc thẩm số06/2007/KDTM-GĐT ngày 05-6-2007 về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

                Ngày 05 tháng 6 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa:

                Nguyên đơn: Công ty xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật - tên viết tắt REXCO( nay là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật); có trụ sở tại 158/1 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh ; có bà Nguyễn Thị Phương Dung - Trưởng phòng kinh doanh, đại diện theo giấy ủy quyền số 134/RC ngày 28-3-2005 của giám đốc công ty xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật.

                Bị đơn: Bà Quách Cương Lan - Chủ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát; có địa chỉ : 81A Thoại Ngọc Hầu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh ; có bà Phạm Thị Ngọc Ngà - Kế toán trưởng, đại diện theo giấy ủy quyền này 25-4-2005 của chủ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát.

                Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Ông Tô Ngã Chảy - giám đốc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Thịnh Phát; trú tại số nhà 307A Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY:

                Ngày 27-7-2004, Công ty xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật (REXCO) có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát thanh toán các khoản nợ theo hợp đồng mua  bán giấy cụ thể như sau:

                Ngày 26-11-2004, REXCO và Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát, do ông Tô Ngã Chảy - giám đốc- đại diện ký hợp đồng kinh tế số132/RC-HĐKT với nội dung: REXCO bán cho Doanh nghiệp Thịnh Phát ( ±10%) 220 tấn giấy trắng dạng cuốn, khổ 84cm, tổng giá trị là 31.900.000.000 đồng. Doanh nghiệp Thịnh Phát  thanh toán tổng giá trị tiền hàng trong 90 ngày, nếu quá hạn phải chịu lãi suất 1,1%/tháng và không được thanh toán chậm quá 120 ngày, kể từ ngày bắt đầu giao hàng ( Điều 4 hợp đồng); thời hạn thực hiện hợp đồng đến ngày 31-3-2002, nhưng sau đó hai bên ký các phụ kiện hợp đồng số 01, 02 và 03 gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 31-1-2004.

                REXCO đã giao hàng cho Doanh nghiệp Thịnh Phát theo hai đợt ( 2.170.353.56kg giấy) với trị giá tổng cộng là 31.470.126.620 đồng. Doanh nghiệp Thịnh Phát thanh toán tính đến ngày 27-7-2004 còn nợ 5.337.704.433 đồng, gồm tiền hàng 2.914.246.500 đồng ( đợt đầu giao hàng đã thanh toán xong ngày 07-8-2002) và tiễn lãi 2.423.457.933 đồng do chậm thanh toán các đợt hàng.

                Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý vụ án, ngày 01-11-2004, Doanh nghiệp Thịnh Phát đã thanh toán hết nợ tiền hàng. REXCO tính lãi phát sinh thêm 76.431.633 đồng và có yêu cầu Tòa án giải quyết theo giá trị đòi nợ 2.499.889.566 đồng.

                Doanh nghiệp Thịnh Phát trình bày: Thực chất hợp đồng là REXCO nhờ bán giúp hàng trả tiền sau. Khi hai bên ký phụ kiện hợp đồng số 01 ( ngày 29-3-2002) và đối chiếu công nợ tiền hàng REXCO không thông báo cho Thịnh Phát tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán các đợt hàng. Doanh nghiệp Thịnh Phát chỉ chấp nhận trả 336.331.432 đồng là tiền lãi tính từ ngày hợp đồng hết hiệu lực ( 31-01-2004).

                Tại bản án kinh tế sơ  thẩm số 298/KTST ngày 27-12-2004, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

                Chấp nhận yêu cầu của Công ty xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật, buộc bà Quách Cương Lan, chủ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát phải trả cho Công ty xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật số tiền lãi chậm thanh toán là 2.499.889.566 đồng.

                Ngoài ra còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

                Ngày 04-01-2005, bà Quách Cương Lan có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với lý do: REXCO làm hợp đồng nhờ tiêu thụ giúp lô hàng 2.170.353,56kg giấy ( trị giá 31.470.126.620 đồng). Hai bên đối chiếu công nợ hàng tháng đều không nêu đến khoản tiền lãi nào mà Thịnh Phát phải trả REXCO.

                Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 40/KTPT ngày 01-6-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh  quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

                Ngày 09-6-2005, bà Quách Cương Lan có đơn đề nghị xin được xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên.

                Tại Quyết định kháng nghị số 04/QĐ/KGĐT - V12 ngày 27-3-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án kinh tế phúc thẩm số 40/KTPT ngày 01-6-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo hướng hủy cả bản án kinh tế sơ thẩm và bản án kinh tế phúc thẩm; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật với lý do:

                1. Tòa án chưa xem xét văn bản ngày 18-10-2002 của Công ty xuất nhập khẩu in - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh xác nhận hợp đồng đã ký kết là giao dịch gửi giúp hàng, không phải là quan hệ hợp đồng mua bán.

                2. REXCO có lỗi không thông báo cho Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát biết tiền lãi phát sinh 339.380.077 đồng của đợt hàng giao ngày 10-12-2001. Khi hai bên đối chiếu công nợ tiền hàng đợt hai ( từ 30-4-2003 đến ngày 31-7-2004) thì REXCO cũng không đề cập tiền lãi phát sinh phải trả.

                3. Tòa án quyết định số tiền thanh toán 2.449.889.566 đồng vượt quá so với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn 76.431.633 đồng là vi phậm Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.

                           

    XÉT THẤY:

                1. Công ty xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật ( REXCO ) là doanh nghiệp nhà nước thuộc Viện khoa học Việt Nam ( nay là Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) kinh doanh mua bán giấy và bìa giấy, các sản phẩm làm bằng bột giấy, giấy và bằng bìa giấy.  Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất và mua bán sản phẩm giấy, vở học sinh, nguyên vật liệu, vật tư ngành giấy. Công ty xuất nhập khẩu ngành in là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ văn hóa thông tin - Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Khắc Sơn - Trưởng chi nhánh. Xét tư cách pháp lý các đơn vị này không có quan hệ nào về mặt hành chính cũng như kinh doanh. Hồ sơ vụ án cho thấy ông Nguyễn Khắc Sơn là người giới thiệu Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát ( người mua hàng) với REXCO ( người bán hàng). Hợp đồng kinh tế số132/RC-HĐKT ngày 26-11-2001 và các phụ lục kèm theo hợp đồng mua đứt bán đoạn, trong đó thể hiện cụ thể số lường hàng, giá cả, thời gian thanh toán, trách nhiệm do chậm thanh toán… không có sự liên quan đến Chi nhánh công ty xuất nhập khẩu ngành in tại thành phố Hồ Chí Minh . Chi nhánh công ty xuất nhập khẩu ngành in tại thành phố Hồ Chí Minh  có văn bản ( ngày 18-10-2002) gửi đến Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát nói là thay mặt REXCO gửi hàng bán, trong khi REXCO không hề biết việc làm đó của Chi nhánh công ty xuất nhập khẩu ngành in tại thành phố Hồ Chí Minh nên không có giá trị.

                2. Số tiền hàng ( gốc) còn nợ 2.914.246.500 đồng đã được các bên đối chiều thừa nhận không có tranh chấp là tính đến ngày 27-7-2004 REXCO khởi kiện cả tiền lãi do chậm thanh toán ( 2.423.457.933 đồng). Sau ngày REXCO khởi kiện đến ngày 01-11-2005 thì Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát thanh toán dứt điểm tiền hàng, chưa trả nợ lãi nên đã phát sinh thêm tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 27-7-2004 đến 01-11-2004 tương ứng với 76.431.633 đồng. Nguyên đơn có bản chiết tính lãi chậm thanh toán tương ứng với thời gian Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát trả và yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân sản xuất giấy thương mại Thịnh Phát phải trả cả số tiền lãi tính trước và 76.431.633 đồng phát sinh sau. Như vậy là đương sự có yêu cầu, chứ không phải là Tòa án tính vượt quá mức yêu cầu của đương sự. Các cấp Tòa án đã xác định giá trị tiền lãi phải trả là trên cơ sở quy định tại Điều 233 Luật thương mại : “ Trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán phí dịch vụ, các chi phí khác thì bên kia có quyền đòi tiền lãi trến số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Trong hợp đồng số132/RC-HĐKT các bên không có thỏa thuận quy định khác”. Trong hợp đồng số132/RC-HĐKT các bên không có thỏa thuận về việc bên bán phải thông báo cho bên mua số tiền lãi theo định kỳ hoặc chốt nợ, bên REXCO không có lỗi khi không thông báo tiền lãi do chậm thanh toán và REXCO có quyền đòi tiền lãi theo số tiền gốc còn nợ.

                Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

                Không chấp nhận kháng nghị số 04/QĐ/KNGĐT-V12 ngày 27-3-2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án kinh tế phúc thẩm số 40/KTPT ngày 01-6-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

    Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNTC:

                Các căn cứ kháng nghị đều không đúng.

     

     
    3553 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận