Quyết định giám đốc thẩm số 06/2006/ds-gđt ngày 06-4-2006 về vụ án “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản”

Chủ đề   RSS   
  • #265049 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 06/2006/ds-gđt ngày 06-4-2006 về vụ án “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản”

    Số hiệu

    06/2006/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số06/2006/ds-gđt ngày 06-4-2006 về vụ án “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản”

    Ngày ban hành

    06/04/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ06/2006/DS-GĐT NGÀY 06-4-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP 
    VỀ QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 06 tháng 4 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ông Trần Ngọc Bá, sinh năm 1951; Việt kiều quốc tịch Pháp; tạm trú: 454/77 C42 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn: Bà Phan Viên Nguyệt, sinh năm 1951; trú tại: 338-340 Nguyễn Trung Trực, khu phố 4, phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Ông Tăng Thống, sinh năm 1950; trú tại: số 27 Đống Đa, khu phố 3, phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    2. Ông Đái Hữu Phước, sinh năm 1962; trú tại: 17 Trương Vĩnh Ký, phường Rạch Sỏi, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    3. Bà Trần Thị Tuyết Vân, sinh năm 1959; trú tại: 926/5/5 Nguyễn Trung Trực, phường An Hoà, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    4. Bà Châu Hồng Vân, sinh năm 1964, trú tại: 82 Lạc Hồng, phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    5. Bà Hồ Lệ Hà, sinh năm 1952, trú tại: 79/2 Trịnh Hoài Đức, phường Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    6. Bà Trần Ngọc Tài, sinh năm 1958, trú tại: 17 Mậu Thân, phường Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 03-12-1999 và lời khai của ông Trần Ngọc Bá trong quá trình tố tụng thì:

    Năm 1972, ông và bà Phan Viên Nguyệt có quan hệ tình dục nên có con chung là cháu Phan Thị Tường Vi. Năm 1979, ông vượt biên đến Pháp sinh sống. Năm 1992, ông Bá về nước gặp lại bà Nguyệt. Tháng 4-1993, ông Bá bỏ tiền ra xây dựng nhà 38/1 Nguyễn Hùng Sơn (là nhà đất của bà Nguyệt có từ trước) rồi bắt đầu đến sống với bà Nguyệt từ tháng 7-1993. Từ năm 1994, ông và bà Nguyệt thuê nhà hàng Hải Âu để kinh doanh, lãi kinh doanh nhà hàng Hải Âu được 40 cây vàng. Năm 1996, ông mua nền đất thổ cư diện tích 128m2 tại 
    số 340 Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang với giá 45 cây vàng và nộp 37 triệu đồng tiền thuế. Cũng năm 1996 ông mua lô đất số 338 Nguyễn Trung Trực diện tích 70m2 với giá 38 cây vàng và nộp 31 triệu đồng tiền thuế, kế tiếp mua phần đất phía sau diện tích 258m2 với giá 40 cây vàng và nộp 31 triệu đồng tiền thuế. Trong năm 1996, ông xây dựng hoàn tất căn nhà tại 340 Nguyễn Trung Trực, diện tích đất 128m2 với chi phí xây dựng 960 triệu đồng. Năm 1997, ông xây dựng nốt diện tích 328m2 đất còn lại với chi phí khoảng 700 triệu đồng. Sau khi xây dựng xong, ông xin giấy phép kinh doanh nhà hàng tên là Như Ngọc tại 338-340 Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    Như vậy, tổng giá trị tạo dựng nhà hàng Như Ngọc theo ông Bá khai là khoảng 2 tỷ 323 triệu đồng, gồm tiền xây dựng 1 tỷ 660 triệu đồng, mua 3 lô đất 575 triệu đồng (tương đương 133 cây vàng), nộp thuế đất 88 triệu đồng. Nguồn tiền tạo dựng gồm tiền lãi kinh doanh nhà hàng Hải Âu của chung hai vợ chồng là 40 cây vàng, bà Nguyệt bán căn nhà 38/1 Nguyễn Hùng Sơn thuộc sở hữu của bà Nguyệt được 25 cây vàng, tiền ông chuyển từ Pháp về (chỉ kể những khoản ông có chứng cứ chứng minh) đã là 1 tỷ 260 triệu đồng; vay ngân hàng Công thương Kiên Giang và ngân hàng Sông Kiên 500 triệu đồng.

    Trong đơn khởi kiện ông Bá nêu các yêu cầu: đề nghị Toà án huỷ hôn nhân thực tế giữa ông và bà Phan Viên Nguyệt; buộc bà Nguyệt trả lại phần tài sản riêng của ông mang từ Pháp về và yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng sau đó ông Bá chỉ yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Theo ông Bá toàn bộ tiền ông mang từ nước ngoài về và tài sản chung của hai người đều đã đầu tư để tạo dựng được nhà hàng Như Ngọc hiện nay. Lúc đầu ông Bá yêu cầu Toà án chia cho ông 80% tài sản chung, nhưng sau đó ông đề nghị chia đôi giá trị nhà hàng Như Ngọc.

    Bà Phan Viên Nguyệt trình bày: Bà có quan hệ thân thiết với ông Bá nhưng không có con chung, không phải sống chung như vợ chồng; ông Bá chỉ là người làm thuê hưởng lương do bà trả. Vốn tạo dựng nên nhà hàng Như Ngọc như hiện nay toàn bộ là của bà, gồm: 40 lượng vàng là khoản bà có từ trước khi thuê và kinh doanh nhà hàng Hải Âu; 110 triệu đồng là tiền lời kinh doanh nhà hàng Hải Âu; tiền lời mua bán nhà đất 40 lượng vàng; vay ngân hàng 500 triệu đồng và vay nợ bên ngoài, và như vậy, trên thực tế cũng như giấy tờ sở hữu nhà hàng Như Ngọc là của riêng bà, không phải là tài sản chung với ông Trần Ngọc Bá.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 17-12-2001, Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

    1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Trần Ngọc Bá

    2. Chia cho ông Trần Ngọc Bá được hưởng 50% giá trị tài sản theo biên bản kê biên ngày 26-11-2001 (có biên bản kèm theo), sau khi đã thanh toán số nợ chung của ông bà.

    3. Buộc bà Phan Viên Nguyệt phải giao cho ông Bá giá trị tài sản được chia

    Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn có quyết định về án phí, về quyền kháng cáo của các đương sự.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Nguyệt kháng cáo.

    Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang có Quyết định kháng nghị 
    số01/QĐ-DS ngày 31-12-2001 với nhận định: án sơ thẩm chia đôi tài sản là không đúng mà cần xác định rõ phần vốn góp của mỗi bên để chia; cần đưa các chủ nợ vào tham gia tố tụng và xác định rõ số nợ từng người và phải tuyên rõ án phí mỗi bên phải nộp.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 146/DSPT ngày 26-6-2002, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    1. Huỷ bản án sơ thẩm số 21/DSST ngày 17-12-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang, giao toàn bộ hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang điều tra và xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm theo thủ tục chung.

    2. Ông Trần Ngọc Bá và bà Phan Viên Nguyệt đều không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

    Bản án này có hiệu lực chung thẩm.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/DSST ngày 30-8-2004, Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

    Căn cứ điểm a, khoản 2 điều 11, điều 13 và điều 83 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

    Căn cứ điều 14, điều 233, điều 238 khoản 2 điều 313, điều 830, điều 833, và khoản 1 điều 827 Bộ luật Dân sự nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; Điều 25 và khoản 3 điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000

    Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính,

    Xử:

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu của anh Trần Ngọc Bá về việc kiện đòi chị Phan Viên Nguyệt phải chia cho anh Bá phần giá trị tài sản chung của nhà hàng Như Ngọc - toạ lạc tại số 338-340 Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    Buộc chị Nguyệt phải chia cho anh Bá 50% tài sản chung trị giá 1.136.402.500 đồng.

    2. Chấp nhận một phần yêu cầu của 6 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, buộc chị Phan Viên Nguyệt phải dùng tài sản chung với anh Bá trả cho các chủ nợ các khoản tiền sau:

    2.1 Chị Trần Ngọc Tài:       52.820.000 đồng

    2.2 Chị Hồ Lệ Hà:                22.528.000 đồng

    2.3 Anh Tăng Thống:           57.585.000 đồng

    2.4 Chị Châu Hồng Vân:     21.242.535 đồng

    2.5 Anh Đái Hữu Phước:     59.639.062 đồng

    2.6 Chị Trần Thị Tuyết Vân: 7.350.000 đồng và 1,536 lượng vàng 24 K

    Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của các đương sự chị Phan Viên Nguyệt có nghĩa vụ thanh toán tất cả các nghĩa vụ về tài sản đã kể trên. Nếu chị Nguyệt không thanh toán hoặc thanh toán chưa xong thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

    3. Giao cho chị Phan Viên Nguyệt quyền sở hữu tài sản - nhà hàng Như Ngọc và các tiện nghi sinh hoạt gia đình cũng như các máy móc thiết bị và phương tiện phục vụ kinh doanh của nhà hàng toạ lạc tại số 338-340 đường Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang sau khi chị Nguyệt đã thanh toán xong toàn bộ các nghĩa vụ về tài sản đã được xác định tại bản án này.

    4. Về án phí và chi phí giám định:

    + Anh Trần Ngọc Bá phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 9.719.970 đồng.

    Khấu trừ vào số dự phí 14.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu 
    số 084645 ngày 21-12-1999 của Phòng thi hành án tỉnh Kiên Giang. Hoàn lại cho ông Bá số tiền là 4.280.000 đồng và ông Bá có trách nhiệm thanh toán chi phí giám định tài sản cho Trung tâm thông tin và thẩm định giá Miền Nam chi nhánh tại Kiên Giang là 5.075.000 đồng.

    + Chị Phan Viên Nguyệt phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 28.632.873 đồng và bồi hoàn cho anh Bá 5.075.000 đồng về chi phí định giá tài sản.

    + Hoàn lại dự phí sơ thẩm cho các đương sự sau:

    - Chị Trần Ngọc Tài: 1.250.000 đồng theo biên lai thu số 005403 
    ngày 20-02-2004

    - Chị Hồ Lệ Hà: 500.000 đồng theo biên lai thu số 005418 ngày 24-4-2004

    - Anh Tăng Thống: 1.375.000 đồng theo biên lai thu số 005409 
    ngày 24-3-2004

    - Chị Châu Hồng Vân: 374.000 đồng theo biên lai thu số 000711 
    ngày 12-3-2001

    - Anh Đái Hữu Phước: 1.411.000 đồng theo biên lai thu số 005402 
    ngày 23-02-2004

    - Chị Trần Thị Tuyết Vân: 463.000 đồng theo biên lai thu số 005404 ngày 23-02-2004

    - Chị Nguyễn Thị Thu: 463.000 đồng theo biên lai thu số 005401 
    ngày 13-02-2004

    (Tất cả các biên lai trên đều là của Phòng thi hành án tỉnh Kiên Giang)

    - Hoàn lại dự phí phúc thẩm lần trước cho anh Bá và chị Nguyệt mỗi người 50.000 đồng theo các biên lai thu số 000745 ngày 28-12-2001 và 000744 ngày 26-12-2001 của Phòng thi hành án tỉnh Kiên Giang.

    Ngày 10-9-2004, bà Phan Viên Nguyệt có đơn kháng cáo với nội dung: ông Bá chỉ là người cộng tác hưởng lương tháng, toàn bộ tài sản liên quan đến vụ tranh chấp là do mình bà tạo dựng nên không đồng ý chia cho ông Bá.

    Ngày 10-9-2004, ông Trần Ngọc Bá có đơn kháng cáo với nội dung: Ông không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm chia cho ông 50% trên tổng giá trị tranh chấp là nhà hàng Như Ngọc tại 338-340 Nguyễn Trung Trực mà yêu cầu được chia 60% và phải theo giá thị trường tại thời điểm thi hành án. Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm ông Bá tự nguyện rút yêu cầu kháng cáo, đồng ý với quyết định tại bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 395/DSPT ngày 30-12-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    * Áp dụng Điều 60, khoản 1 Điều 69 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

    - Chấp nhận việc rút kháng cáo của ông Trần Ngọc Bá.

    - Không chấp nhận kháng cáo của bà Phan Viên Nguyệt

    - Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    * Căn cứ Điều 14; Điều 223; Điều 238; khoản 2 Điều 313; Điều 830; Điều 833; khoản 1 Điều 827 Bộ luật dân sự. Điều 25; khoản 3 Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000

    * Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.

    Xử:

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Trần Ngọc Bá về việc kiện đòi bà Phan Viên Nguyệt phải chia cho ông Bá phần giá trị tài sản chung của nhà hàng Như Ngọc - toạ lạc tại số 338-340 Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

    Buộc bà Phan Viên Nguyệt phải chia cho ông Bá 50% tài sản chung trị giá 1.136.402.500 đồng.

    2. Chấp nhận một phần yêu cầu của 6 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, buộc bà Phan Viên Nguyệt phải dùng tài sản chung với ông Bá trả cho các chủ nợ các khoản tiền sau:

    2.1 Bà Trần Ngọc Tài:         52.820.000 đồng

    2.2 Bà Hồ Lệ Hà:                  22.528.000 đồng

    2.3 Ông Tăng Thống:          57.585.000 đồng

    2.4 Bà Châu Hồng Vân:      21.242.535 đồng

    2.5 Ông Đái Hữu Phước:    59.639.062 đồng

    2.6 Bà Trần Thị Tuyết Vân: 7.350.000 đồng và 1,536 lượng vàng 24 K

    Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của các đương sự bà Phan Viên Nguyệt có nghĩa vụ thanh toán tất cả các nghĩa vụ về tài sản đã kể trên. Nếu bà Nguyệt không thanh toán hoặc thanh toán chưa xong thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tương ứng với số tiền chậm thi hành án.

    3. Giao cho bà Phan Viên Nguyệt quyền sở hữu toàn bộ tài sản nhà hàng Như Ngọc và các tiện nghi sinh hoạt gia đình cũng như các máy móc thiết bị và phương tiện phục vụ kinh doanh của nhà hàng toạ lạc tại số 338-340 Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang sau khi bà Nguyệt đã thanh toán xong toàn bộ các nghĩa vụ về tài sản đã được xác định tại bản án này.

    4. Về án phí và chi phí giám định:

    Ông Trần Ngọc Bá phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 9.719.970 đồng, khấu trừ vào số dự phí 14.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 084645 
    ngày 21-12-1999 của Phòng thi hành án tỉnh Kiên Giang. Hoàn trả cho ông Bá số tiền là 4.280.000 đồng và ông Bá có trách nhiệm thanh toán chi phí giám định tài sản cho Trung tâm thông tin và thẩm định giá Miền Nam chi nhánh tại Kiên Giang là 5.075.000 đồng.

    + Bà Phan Viên Nguyệt phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 28.632.873 đồng.

    + Hoàn lại dự phí sơ thẩm cho các đương sự sau:

    - Bà Trần Ngọc Tài 1.250.000 đồng theo biên lai thu số 005403 
    ngày 20-02-2004

    - Bà Hồ Lệ Hà: 500.000 đồng theo biên lai thu số 005418 ngày 24-4-2004

    - Ông Tăng Thống: 1.375.000 đồng theo biên lai thu số 005409 
    ngày 24-3-2004

    - Bà Châu Hồng Vân: 374.000 đồng theo biên lai thu số 000711 
    ngày 12-3-2001

    - Ông Đái Hữu Phước: 1.411.000 đồng theo biên lai thu số 005402 
    ngày 23-02-2004

    - Bà Trần Thị Tuyết Vân: 463.000 đồng theo biên lai thu số 005404 
    ngày 23-02-2004

    - Bà Nguyễn Thị Thu: 463.000 đồng theo biên lai thu số 005401 
    ngày 13-02-2004

    (Tất cả các biên lai trên đều là của Phòng thi hành án tỉnh Kiên Giang)

    - Hoàn lại dự phí phúc thẩm lần trước cho ông Bá và bà Nguyệt mỗi người 50.000 đồng theo các biên lai thu số 000745 ngày 28-12-2001 và 000744 ngày 26-12-2001 của Phòng thi hành án tỉnh Kiên Giang.

    Án phí dân sự phúc thẩm ông Trần Ngọc Bá phải chịu 25.000 đồng (hoàn lại 25.000 đồng án phí kháng cáo cho ông Trần Ngọc Bá đã nộp theo biên lai 
    số 005438 ngày 13-9-2004 tại Phòng thi hành án tỉnh Kiên Giang); bà Phan Viên Nguyệt phải chịu 50.000 đồng (đã nộp theo biên lai số 005439 ngày 13-9-2004 tại Phòng thi hành án tỉnh Kiên Giang).

    Sau khi xét xử phúc thẩm bà Phan Viên Nguyệt có nhiều đơn khiếu nại đề nghị xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm với lý do: Toàn bộ tài sản tranh chấp - nhà hàng Như Ngọc toạ lạc tại 338-340 Nguyễn Trung Trực - là do mình bà tạo dựng, ông Bá chỉ là người làm công ăn lương nên không đồng ý chia tài sản cho ông Bá như Toà án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định.

    Tại Quyết định kháng nghị số 110/QĐ/KNGĐT-DS ngày 26-12-2005 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 10/DSST ngày 30-8-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang và bản án dân sự phúc thẩm số 395/DSPT ngày 30-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ về Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang xác minh, xét xử lại từ sơ thẩm với lý do:

    “Tại phiên toà sơ thẩm lần thứ nhất do Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang xử ngày 17-12-2001 bà Nguyệt có xuất trình "giấy xác nhận" ghi nội dung: Hôm nay ngày 26-7-1997 tại phòng Công chứng Nhà nước tỉnh Kiên Giang tôi Trần Ngọc Bá, sinh năm 1951 hộ chiếu 95 HE 92856 định cư ở Pháp... tôi xác nhận rằng bà Nguyệt hiện ngụ và là chủ sở hữu căn nhà số 39/11 (số mới 340) đường Nguyễn Trung Trực khu phố 4, phường Vĩnh Lạc, Rạch Giá là vợ trước của tôi, song phần tài sản bà Nguyệt đứng tên là sở hữu riêng của bà không có liên quan gì đến tôi. Tôi không có điều chi khiếu nại về sau (ký tên: Trần Ngọc Bá), Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Kiên Giang xác nhận bản gốc đang lưu tại hồ sơ thế chấp số 721 ngày 26-7-1997. Tài liệu này cũng được nhận định trong bản án sơ thẩm lần thứ nhất và ghi trong bút ký phiên toà (BL 343) nhưng không được các cấp Toà án thu thập để giám định tính xác thực của tài liệu, lấy lời khai của ông Bá về tài liệu này để đánh giá tính khách quan của vụ án là một thiếu sót nghiêm trọng.

    Trong các giấy như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mang tên bà Nguyệt, sổ hộ khẩu của bà Nguyệt thì nhà đang tranh chấp là số 340 đường Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; nhưng trong các bản án và trong đơn khiếu nại của bà Nguyệt và ông Bá lại ghi nhà hàng Như Ngọc toạ lạc tại số 338-340 Nguyễn Trung Trực vậy ở đây có một nhà hay hai nhà cũng chưa được làm rõ khi xác định khối tài sản chung để phân chia thoả đáng cho các đương sự.

    Về khoản ông Bá vay 900.000.000 đồng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Đảo từ tháng 6-8/1996 và trả nợ từ tháng 9-12/1996 là 965.000.000 đồng, bà Nguyệt không thừa nhận. Hơn nữa, trong một thời gian ngắn vừa vay, vừa trả số tiền lớn nhưng nguồn tiền trả từ đâu cũng chưa được xác minh làm rõ đầy đủ. Khi ông Bá bỏ đi (tháng 10/1999) đã thừa nhận hai người còn nợ Ngân hàng Công thương tỉnh Kiên Giang 205.000.000 đồng và Ngân hàng Sông Kiên 90.000.000 đồng (BL 513), đến ngày 29-3-2001 bà Nguyệt một mình đã trả nợ xong cho Ngân hàng cũng không được các cấp Toà án đề cập đến cũng là một thiếu sót”.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu giữ nguyên quan điểm như đã nêu trong kháng nghị.

    XÉT THẤY:

    Tài sản tranh chấp là nhà hàng Như Ngọc đứng tên bà Nguyệt. Ông Bá khởi kiện yêu cầu Toà án xác định tài sản này là của chung chứ không phải thuộc sở hữu riêng của bà Nguyệt và đề nghị chia tài sản. Như vậy, vụ án này phải xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, bao gồm cả xác định sở hữu chung và chia tài sản thuộc sở hữu chung. Do đó, bản án dân sự phúc thẩm số 395/DSPT ngày 30-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh lại xác định quan hệ tranh chấp là “đòi tài sản” là không chính xác.

    Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án như xác nhận của tổ dân phố, công an phường và lời khai của các nhân chứng thì có cơ sở để xác định rằng ông Bá và bà Nguyệt có quan hệ sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng do vi phạm nguyên tắc một vợ, một chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, nên không thể xác định quan hệ giữa ông Bá và bà Nguyệt là hôn nhân hợp pháp. Do không phải là hôn nhân hợp pháp, nên quan hệ về tài sản giữa ông Bá và bà Nguyệt không phải là sở hữu chung của vợ chồng. Bản án phúc thẩm nhận định: “anh Bá và chị Nguyệt đã sống với nhau như vợ chồng... từ mối quan hệ này mà anh Bá đã thiết lập với chị Nguyệt mối quan hệ về tài sản với tính chất sở hữu chung vợ chồng” là không chính xác.

    Cũng do quan hệ giữa ông Bá và bà Nguyệt không phải là quan hệ hôn nhân hợp pháp nên mỗi bên không đương nhiên là chủ sở hữu chung đối với tài sản do một bên tạo lập được trong thời kỳ sống chung. Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều nhận xét do các bên không chứng minh được rõ ràng, nên chia cho mỗi bên 50% là không đúng pháp luật.

    Cũng do nhận định không đúng về tính chất quan hệ tài sản chung nên bản án sơ thẩm áp dụng Điều 233 Bộ luật Dân sự (về sở hữu chung của vợ chồng), bản án phúc thẩm cũng áp dụng Điều 233 nêu trên (ghi nhầm là Điều 223 Bộ luật Dân sự) là không đúng.

    Trong vụ án này, quan hệ giữa ông Bá và bà Nguyệt không phải là hôn nhân hợp pháp nên việc chia tài sản chung nếu có phải theo Điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình và các điều luật về chia sở hữu chung (không phải là tài sản của vợ chồng) của Bộ luật Dân sự. Trước hết, ông Bá là nguyên đơn khởi kiện đòi chia tài sản mà ông cho rằng đó là tài sản thuộc sở hữu chung thì ông Bá phải đưa ra các căn cứ chứng minh phần đóng góp của mình. Bà Nguyệt cho rằng tài sản tranh chấp hoàn toàn là của bà thì bà Nguyệt cũng phải đưa ra các căn cứ chứng minh.

    Ông Bá đã có lời khai thừa nhận khi ông bỏ đi (tháng 10/1999) hai người còn nợ Ngân hàng Công thương tỉnh Kiên Giang 205.000.000 đồng và Ngân hàng Sông Kiên 90.000.000 đồng. Các khoản nợ này sau đó bà Nguyệt đã phải trả nợ. Như vậy, lẽ ra khi giải quyết vụ án Toà án phải trừ cho bà Nguyệt hai khoản tiền này khi xác định giá trị tài sản chung của hai người mới đúng.

    Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên đều chia cho ông Bá và bà Nguyệt mỗi người 50% tài sản chung, mà giá trị tài sản chung theo xác định tại bản án phúc thẩm là 2.272.805.000 đồng = (2.505.777.000 - các khoản nợ chung), nhưng quyết định của cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên: “Buộc bà Phan Viên Nguyệt phải chia cho ông Bá 50% tài sản chung trị giá 1.136.402.500 đồng...” là không rõ ràng vì có thể được hiểu: ông Bá chỉ được hưởng 50% của số tiền 1.136.402.500 đồng, mà hiểu như vậy là sai, sẽ dẫn đến khó khăn cho việc thi hành án.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Nguyệt xuất trình “giấy xác nhận” 
    ngày 26-7-1997 nội dung: “Hôm nay ngày 26-7-1997 tại phòng Công chứng Nhà nước tỉnh Kiên Giang tôi Trần Ngọc Bá, sinh năm 1951 hộ chiếu số 95 HE 92856 định cư ở Pháp... tôi xác nhận rằng bà Nguyệt hiện ngụ và là chủ sở hữu căn nhà số 39/11 (số mới 340) đường Nguyễn Trung Trực khu phố 4, phường Vĩnh Lạc, Rạch Giá là vợ trước của tôi, song phần tài sản bà Nguyệt đứng tên là sở hữu riêng của bà không có liên quan gì đến tôi. Tôi không có điều chi khiếu nại về sau”. Giấy xác nhận này được ông Trần Văn Khai - Trưởng phòng công chứng số 1 tỉnh Kiên Giang xác nhận là bản gốc đang lưu tại hồ sơ thế chấp 
    số 721 ngày 26-7-1997 do Công chứng viên Ngô Ngọc Ẩn ký thế chấp (BL778). Giấy xác nhận nêu trên bà Nguyệt đã xuất trình tại phiên toà sơ thẩm lần thứ nhất của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang mở ngày 17-12-2001. Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận chứng cứ là “giấy xác nhận” nêu trên. Tuy nhiên, trong vụ án này cần xác định “giấy xác nhận” mà bà Nguyệt xuất trình có ý nghĩa chứng cứ quan trọng nên Toà án các cấp cần làm rõ có đúng như xác nhận của Công chứng Nhà nước và nội dung “giấy xác nhận” có đúng sự thật hay không để giải quyết vụ án khách quan, toàn diện.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 1 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 395/DSPT ngày 30-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 10/DSST ngày 30-8-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã giải quyết việc tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa nguyên đơn là ông Trần Ngọc Bá với bị đơn là bà Phan Viên Nguyệt.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang để giải quyết, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

    1. Toà án cấp phúc thẩm xác định không chính xác quan hệ tranh chấp;

    2. Bản án phúc thẩm nhận định không chính xác về quyền sở hữu đối với tài sản tranh chấp;

    3. Quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm về việc chia đôi tài sản tranh chấp cho nguyên đơn và bị đơn là không đúng pháp luật;

    4. Cần xác minh, làm rõ nội dung của “Giấy xác nhận” do bị đơn xuất trình.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    1. Thiếu sót trong việc áp dụng pháp luật để xác định quan hệ hôn nhân giữa nguyên đơn và bị đơn;

    2. Thiếu sót trong việc áp dụng pháp luật trong việc chia tài sản thuộc sở hữu chung;

    3. Thiếu sót trong việc xác minh và đánh giá chứng cứ.

     

     
    2411 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận