Quyết định giám đốc thẩm số 04/2007/KDTM-GĐT ngày 07-3-2007 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng phân phối (tôm giống)”

Chủ đề   RSS   
  • #264161 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 04/2007/KDTM-GĐT ngày 07-3-2007 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng phân phối (tôm giống)”

    Số hiệu

     

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số04/2007/KDTM-GĐT ngày 07-3-2007 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng phân phối (tôm giống)”

    Ngày ban hành

    07/03/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định giám đốc thẩm số04/2007/KDTM-GĐT ngày 07-3-2007 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng phân phối (tôm giống)”


    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

                Ngày 07 tháng 3 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng phân phối tôm giống giữa:

                Nguyên đơn: Công ty TNHH số 1: có trụ sở tại C25 Trumg tâm thương mại đường Bà Triệu, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; do ông Bùi Quang Nhơn làm đại diện theo ủy quyền.

                Bị đơn: Ông Nguyễn Trường Sinh; trú tại Khóm I, thị trấn Duyên Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

    NHẬN THẤY:

               

                Ngày07-01-2004 Công ty TNHH số 1 ký hợp đồng số 05/HĐKT và hợp đồng số 06/HĐKT về việc phân phối tôm giống với Ông Nguyễn Trường Sinh là cá nhân không có đăng ký kinh doanh - đại diện Trung tâm phân phối tôm giống cho tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bến Tre; hai bên thỏa thuận với nhau về đối tượng và điều kiện để thực hiện hợp đồng, phương thức đặt hàng: bên nhận phải đăng ký trước sản lượng từng tháng, từng tuần, đơn đặt hàng không được hủy ngang với bất cứ lý do nào, mỗi đơn đặt hàng phải tối thiểu 540.000con/lần (45 thùng); phương thức thanh toán: bên nhận phải chuyển khoản đủ số tiền trong đơn đặt hàng trước khi nhận hàng 3 ngày, sau khi chuyển khoản xong fax phiếu chuyển tiền báo cho bên giao thì việc giao hàng mới được thực hiện.

                Quá trình thực hiện hợp đồng từ khi ký ngày 07-01-2004 đến ngày 14-4-2004 theo Biên bản xác nhận công nợ thì Ông Nguyễn Trường Sinh còn nợ Công ty TNHH số 1 là 100.712.000 đồng, ngoài ra từ ngày 15-4-2004 đến ngày 28-4-2004 hai bên vẫn tiếp tục giao nhận hàng vì thế ông Sinh còn nợ thêm 43.740.000 đồng. Nhưng sau đó, Ông Nguyễn Trường Sinh không thanh toán hết số tiền hàng còn thiếu, nên ngày 10-7-2004 Công ty TNHH số 1 đã có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh yêu cầu Ông Nguyễn Trường Sinh phải thanh toán tổng cộng số tiền hàng còn thiếu là 153.422.000 đồng và lãi suất do thanh toán chậm.

                Ngày 22-11-2004 Ông Nguyễn Trường Sinh có đơn yêu cầu phản tố với nội dung:

                - Ông công nhận giữa hai bên có ký 02 hợp đồng như đã nêu trên: theo điều khoản hợp đồng, ông đã chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH số 1 là 1.349.300.000 đồng; trong khi đó Công ty TNHH số 1 chỉ giao hàng tính thành tiền là 775.050.000 đồng. Như vậy, ông đã trả tiền thừa cho Công ty TNHH số 1 là 574.250.000 đồng và yêu cầu Công ty TNHH số 1 phải trả ông số tiền mà ông đã trả thừa;

                - Văn bản xác nhận nợ qua fax là do Công ty TNHH số 1 tạo ra để buộc ông phải trả nợ.

                Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số02/2005/KDTM-ST ngày 22-8-2005 Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã quyết định:

                1/ Bác yêu cầu đòi tiền của Công ty TNHH số 1 đối với Ông Nguyễn Trường Sinh

    .           2/. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Ông Nguyễn Trường Sinh buộc Công ty TNHH số 1 phải trả cho ông Sinh số tiền còn thiếu là 57.250.000 đồng và số tiền lãi phát sinh từ ngày ông Sinh làm đơn phản tố đến khi xét xử sơ thẩm là 9 tháng bằng 66.153.600 đồng. Tổng cộng Công ty TNHH số 1 phải trả cho Ông Nguyễn Trường Sinh số tiền là 640.403.600 đồng.

                Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

                Ngày 23-8-2005 và ngày 17-2-2006, Công ty TNHH số 1 có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung của bán án kinh tế sơ thẩm nêu trên.

                Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số12/2006/KDTM-PT ngày 24-02-2006 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh  đã quyết định:

                Bác kháng cáo của Công ty TNHH số 1 và giữ nguyên án kinh doanh thương mại sơ thẩm số02/2005/KDTM-ST ngày 22-08-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh .

                Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí của các đương sự theo quy định của pháp luật.

                Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 27-3-2006 Công ty TNHH số 1 có đơn khiếu nại gửi Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm với nội dung:

                - Tòa áp cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không đưa bà Kiều Xuyên ( vợ của Ông Nguyễn Trường Sinh ) và ông Thành ( là em ruột của ông Sinh) tham gia tố tụng tại phiên tòa là không đúng pháp luật;

                - Tòa án không chấp nhận Biên bản đối chiếu công nợ ngày 15-4-2004 giữa hai bên và Bản kết luận giám định số 90/KLGĐ ngày 15-8-2004 của Tổ chức giám định lỹ thuật hình sự tỉnh Trà Vinh là vi phạm tố tụng.

                Tại Quyết định kháng nghị số06/2006/KN-KT ngày 22-11-2006, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án kinh doanh thương mại số12/2006/KDTM-PT ngày 24-02-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số02/2005/KDTM-ST ngày 22-8-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

                Tại kết luận số01/KL-AKT ngày 19-01-2007 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với quyết định kháng nghị số06/2006/KN-KT ngày 22-11-2006 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số12/2006/KDTM-PT ngày 24-02-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo hướng, hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số02/2005/KDTM-ST ngày 22-8-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số12/2006/KDTM-PT ngày 24-02-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh ; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu giữ nguyên quan điểm xét xử vụ án như Kết luận nêu trên.

    XÉT THẤY:

                Ngày 15-4-2004, Công ty TNHH số 1 gửi qua máy fax Bản xác nhận công nợ tháng 3, tháng 4 năm 2004 cho Trung tậm phân phối Trường An (Ông Nguyễn Trường Sinh ) trong đó có nội dung ông Sinh nợ Công ty TNHH số 1 tổng số tiền tôm giống là 100.712.000 đồng; cùng ngày ông Sinh đã xác nhận, ký tên vào bản fax này và gửi cho Công ty TNHH số 1 , đồng thời có ghi thêm ở phần ghi chú là chỉ yêu cầu Công ty TNHH số 1 hỗ trợ 40 thùng tôm bị chết và bị phát sáng; nhưng Tòa án các cấp không chấp nhận bản fax này vì là bản phô tô copy.

                Về việc này, theo yêu cầu của Tòa án nhân dân tối cao thì ngày 11-9-2006 Công ty TNHH số 1 đã giao nộp cho Tòa án nhân dân tối cao  bản fax gốc bản xác nhận công nợ ngày 15-4-2004 và theo bản Kết luận giám định số 90/KLGĐ ngày 15-8-2005 của Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự tỉnh Trà Vinh thì chữ viết trên tờ fax công nợ tháng 3, tháng 4 năm 2004 chữ viết ( của ông Sinh) ở phần B trong trường hợp phân phối số 05, số 06 nêu trên là do cùng một người viết ra; và tại giấy xác nhận của Bưu điện huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh xác nhận số máy fax trên bản fax của ông Sinh gửi cho Công ty TNHH số 1 máy fax mà ông Sinh đứng tên lắp đặt từ năm 1994. Hơn nữa, trong nội dung hai bản hợp đồng đã ký kết giữa hai bên đều thỏa thuận về phương tiện làm bằng máy điện thoại, máy fax. Như vậy, căn cứ theo khoản 3 Điều 49 Luật thương mại năm 1997 quy định: “…. Điện báo,telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản”. Tòa án các cấp chỉ dựa vào lời khai của ông Sinh để bác bỏ, không chấp nhận tài liệu là bản fax mà hai bên đã thỏa thuận và giao dịch với nhau là không đúng pháp luật.

                Mặt khác, Tòa án các cấp cho rằng Công ty TNHH số 1 không xác định được 16 hóa đơn mà ông Sinh không công nhận với lý do: công ty đã giao hàng cho ai?  Địa điểm giao nhận hàng ở đâu? Có đơn đặt hàng của ông Sinh hay không?

                Mặc dù, hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng: bên nhận phải chuyển khoản đủ số tiền trong đơn đặt hàng trước khi nhận hàng 3 ngày, sau khi chuyển khoản xong, fax phiếu chuyển tiền báo cho bên giao thì việc giao hàng mới được thực hiện; nhưng thực tế, trong khi thực hiện việc giao hàng thì hai bên đều không tuân thủ theo thỏa thuận này. Tuy nhiên, căn cứ theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện từ ngày 14-4-2004 trở về trước ông Sinh chuyển trả số tiền là 1.169.300.000 đồng; đến ngày 15-4-2004 tại bản đối chiếu công nợ, ông Sinh xác nhận còn nợ 100.712.000 đồng và ông chỉ yêu cầu Công ty TNHH số 1 hỗ trợ số tôm chết và bị phát sáng. Ngày 16-4-2004 ông Sinh chuyển tiếp số tiền 180.000.000 đồng trả Công ty TNHH số 1. Sau đó, hai bên tiếp tục giao nhận tôm giống đến ngày 28-4-2004.Vì vậy, ông Sinh tiếp tục nợ tiền tôm giống thêm 43.740.000 đồng; và cũng từ sau ngày 28-4-2004 hai bên không còn quan hệ giao nhận tôm, chuyển từ qua lại cho nhau nữa. Ngoài ra, trong hồ sơ còn thể hiện bức thư ngày 28-4-2004 của ông Sinh fax cho Công ty TNHH số 1 với nội dung ông còn nợ tiền tôm giống của Công ty TNHH số 1 và ông Sinh đề nghị hai bên ngồi lại với nhau để làm việc vào ngày mai ( tức ngày 29-4-2004), nhưng trong hồ sơ chưa có tài liệu nào thể hiện hai bên đã giải quyết về vấn đề còn nợ của nhau như thế nào? Sau ngày 28-4-2004. Bởi vậy, chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định là ông Sinh đã chuyển tiền thừa cho Công ty TNHH số 1 đến 640.430.600 đồng.

                Việc xác định giao nhận tôm phải căn cứ vào  hóa đơn mà hai bên đã giao nhận, song hiện nay ông Sinh chỉ thừa nhận 15 hóa đơn và từ chối 16 hóa đơn. Trong số 16 hóa đơn này, có 10 hóa đơn là có việc ông Sinh đặt hàng và trong đơn đặt hàng ông Sinh có chỉ định địa điểm đưa hàng, khi đến địa điểm đưa hàng có người ký nhận hàng, ( riêng có 01 hóa đơn số 877 là không có người ký nhận hàng, theo Công ty TNHH số 1 giải trình thì lô hàng này theo phiếu đặt hàng là 177 thùng nhưng trên hóa đơn chỉ ghi 148 thùng đã được ông Thành làm thủ tục đăng ký tại trạm kiểm dịch); còn 6 hóa đơn tuy không có phiếu đặt hàng của ông Sinh, nhưng đều có người nhận hàng ký tên ( ông Sinh, ông Sái, ông Sáu). Hơn nữa, xét về 16 hóa đơn không được ông Sinh chấp nhận đều thể hiện toàn bộ những hóa đơn này hai bên được giao nhận hàng từ ngày 12-4-2004 trở về trước; thời điểm này đã được các bên chốt nợ thể hiện tại Bản đối chiếu công nợ ngày 15-4-2004 nêu trên, Tòa án các cấp không chấp nhận cả 16 hóa đơn nêu trên của Công ty TNHH số 1 mà không phân tích rõ ràng lý do cụ thể của từng hóa đơn là chưa có căn cứ.

                Ngoài ra, Tòa án các cấp cần triệu tập một số người có liên quan đến việc giao nhận tôm giống, tham gia tố tụng tại phiên tòa để làm sáng tỏ nội dung vụ án như sau:

                + Ông Hồ Văn Chiến: tại Bản xác nhận ngày 28-4-2004 ông Chiến xác nhận có nhận tôm giống của Công ty TNHH số 1 theo phiếu giao nhận hàng từ ngày 14-4-2004 đến ngày 27-4-2004; ngày 17-7-2005 ông Chiến xác nhận có nhận tôm giống từ tháng 1/2004 đến tháng 5/2004 với số lượng 4.041.000.000 con tôm giống. Nội dung các văn bản này đều thể hiện ông Chiến có nhận tôm giống của Công ty TNHH số 1 thông qua ông Sinh theo đơn đặt hàng của ông Sinh. Bởi vậy, căn cứ khoản 4 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự cần phải đưa ông Hồ Văn Chiến tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết vụ án cho đúng pháp luật.

                + Ông Huỳnh Công Thành: ngày 05-8-2005 ông Thành xác nhận có nhận tôm giống của Công ty TNHH số 1 từ tháng 3/2004 đến tháng 4/2004 theo lệnh đặt hàng của Ông Nguyễn Trường Sinh với số lượng 5.439.000 post và đã thanh toán tiền cho Ông Nguyễn Trường Sinh , nhưng ngày 07-10-2005 ông Thành lại đính chính là chỉ nhận tôm giống với số lượng 2.000.000 post. Như vậy, bản xác nhận này của ông Thành là không thống nhất, việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi của ông Thành nên cần đưa ông Thành tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan căn cứ khoản 4 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự.

                + Tại bản xác nhận của Chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Trà Vinh, thể hiện ông Nguyễn Trung Thành ( em ruột của ông Sinh), bà Trương Kiều Xuyên ( vợ Ông Nguyễn Trường Sinh ) có ký xác nhận tôm giống qua Trạm kiểm dịch. Về việc này, theo giải trình của Công ty TNHH số 1 là hàng nhập vào đều phải có kiểm dịch của Trạm kiểm dịch, khi đưa hàng vào kiểm dịch thì phải có giấy đăng ký kinh doanh của người mua “ nhưng ông Sinh không có giấy đăng ký kinh doanh”, nên ông Sinh phải mượn bà Trương Kiều Xuyên ( là vợ Ông Nguyễn Trường Sinh) và ông Nguyễn Trung Thành( là em ruột của ông Sinh) có giấy đăng kí kinh doanh để đăng ký kiểm dịch khi qua trạm; về nguyên tắc là hàng tôm giống phải qua trạm kiểm dịch 100%. Tuy nhiên, trên thực tế có một số trung tâm phân phối và điểm phân phối không qua trạm kiểm dịch ( vì rất xa trạm kiểm dịch); cho nên số lượng hàng thực tế mua bán giữa Công ty TNHH số 1 với ông Sinh về ( hóa đơn giao nhận hàng) không khớp với tài liệu kiểm dịch ( Giấy chứng nhận). Mặt khác, số lượng tôm mua bán là căn cứ vào thực tế hai bên giao và nhận chứ không phải căn cứ vào tài liệu kiểm dịch. Để có cơ sở giải quyết vụ án, Tòa án cần căn cứ theo quy định tại Điều 65 Bộ luật tố tụng dân sự đưa ông Nguyễn Trung Thành, bà Trương Kiều Xuyên, Chi cục bảo vệ… nguồn lợi thủy sản… vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng để làm sáng tỏ tính chất của các số liệu tôm giống do Trung tâm kiểm dịch cung cấp.

                Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 219; khoản 3 Điều 297, khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

                1. Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số02/2005/KDTM-ST ngày 22-8-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh và bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số12/2006/KDTM-PT ngày 24-02-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh .

                2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh giải quyết, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

                            Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

                Tòa án các cấp không chấp nhận tài liệu là bản fax là không đúng pháp luật; không nêu lý do vì sao không chấp nhận 16 hóa đơn là chưa có căn cứ; cần phải triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng để giải quyết vụ án được chính xác.

     

     
    4980 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận