Quyết định Giám đốc thẩm số: 03/2009/KDTM-GĐT ngày 09/04/2009 về vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

Chủ đề   RSS   
  • #263940 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định Giám đốc thẩm số: 03/2009/KDTM-GĐT ngày 09/04/2009 về vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

    Số hiệu

    03/2009/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định Giám đốc thẩm số:03/2009/KDTM-GĐT ngày 09/04/2009 về vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

    Ngày ban hành

    09/04/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Quyết định Giám đốc thẩm số03/2009/KDTM-GĐT ngày 09/04/2009 về vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

    Ngày 09 tháng 4 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán háng hoá, giữa các đương sự:

    1.Nguyên đơn: Công ty TNHH thương mại Đại Nam, có trụ sở tại 678-680 Trần Hưng Đạo, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh; do ông Nguyễn Văn Nhiên đại diện theo Giấy uỷ quyền ngày 25/3/2008 và ngày 28/4/2008 của Giám đốc Công ty;

    2.Bị Đơn: Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương (theo bản án sơ thẩm và phúc thẩm), có trụ sở tại Quốc lộ 22B, ấp Cầu, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; do bà Bùi Ngọc Thuý đại diện theo Giấy uỷ quyền ngày 08/10/2008 của Chủ Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương - bà Thái Thị Hon).

    NHẬN THẤY

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 25/3/2008, lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án và các tài liệu, chứng cứ khác do nguyên đơn - Công ty TNHH thương mại Đại Nam xuất trình, thì thấy:

    Ngày 20/3/2006, Công ty TNHH thương mại Đại Nam (sau đây gọi tắt là Công ty Đại Nam) ký Hợp đồng số34/HĐĐN-06 mua khoai mì lát của Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương (sau đây gọi tắt là DNTN Nguyệt Phương) số lượng 3.000 tấn, đơn giá 1,73 triệu đồng/1tấn, tổng giá trị hợp đồng là 5,19 tỷ đồng (BL 45).

    Ngày 09/5/2006, Công ty Đại Nam tiếp tục ký Hợp đồng số35/HĐĐN-06, mua khoai mì lát của Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương, số lượng 2.000 tấn, đơn giá 1,73 triệu đồng/tấn, tổng giá trị hợp đồng là 3,46 tỷ đồng (BL48).

    Tổng giá trị hai hợp đồng là 8,65 tỷ đồng.

    Công ty Đại Nam đã thanh toán cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương bằng chuyển khoản 7 lần (từ ngày 22/3/2006) với tổng số tiền là 8 tỷ đồng (BL109 đến 112, 118, 121).

    Sau khi nhận tiền, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã giao cho Công ty Đại Nam 5.000 tấn khoai mì lát khô vào kho trữ hàng tại Campuchia do Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương thuê; Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương cam kết sẽ giao hàng tại cảng Việt Nam theo đúng thoả thuận trong hợp đồng.

    Ngày 04/6/2006, hai bên lập Biên bản thoả thuận bán khoai mì lát; theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đồng ý mua lại số lượng (5.000 tấn mì lát) mà Công ty Đại Nam đã ứng tiền để Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương mua trữ với điều kiện: Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương sẽ trả lại tiền của Công ty Đại Nam đã ứng tổng cộng là 8 tỷ đồng và tiền lãi là 160 đồng/1kg, tổng cộng 8,8 tỷ đồng; thời hạn thanh toán chậm chất là ngày 15/8/2006; nếu quá thời hạn trên mà không thanh toán thì Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương phải chịu lãi suất chậm thanh toán 1,1%/tháng (kể từ ngày 16/6/2006) và phải chịu phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán là 5%/tháng (kể từ ngày 16/8/2006); cộng hai khoản là 6,1% /tháng trên số tiền còn nợ (BL50).

    Ngày 05/6/2006, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương (bên A) và Công ty Đại Nam (bên B) ký Bên bản thanh lý hợp đồng số 38/BBTLHĐ/2006 với nội dung chính (tóm tắt): “.. Hai bên thống nhất chấm dứt Hợp đồng mua bán số34/HĐĐN-06 ngày 20/3/2006 để được thay thế bằng một nghĩa vụ dân sự khác, cụ thể: bên A xác nhận đã nhận đủ số tiền ứng trước mua hàng của bên B… với số lượng giá trị của 3.000 tấn khai mì lát khô; Nay bên A không muốn thực hiện tiếp tục Hợp đồng số34/HĐĐN-06.. nên xin thanh lý hợp đồng và cam kết sẽ trả cho bên B số tiền đã thực nhận là 4,8 tỷ đồng và cộng với số tiền lãi mỗi kg khoai mì lát là 160 đồng/kg, tương tự số tiền là 480 triệu đồng; tổng cộng bên A phải thanh toán cho bên B số tiền là 5,28 tỷ đồng..”(BL 53).

    Cùng ngày 05/6/2006, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương cũng ký Bên bản thanh lý Hợp đồng số 39/BBTLHĐ/2006 với nội dung tương tự như Biên bản thanh lý hợp đồng số 38 nói trên; theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương xác nhận đã nhận đủ 3,2 tỷ đồng trị giá của 2.000 tấn khoai mì lát, nhưng chưa giao khoai mì lát khô cho Công ty Đại Nam và cam kết sẽ hoàn trả cho Công ty Đại Nam số tiền 3,2 tỷ đồng; cộng với số tiền lãi mỗi kg khoai mì lát là 160đồng/kg, tương tự số tiền là 320 triệu đồng; tổng cộng là 3,52 tỷ đồng (BL55).

    Sau khi ký biên bản thoả thuận mua lại khoai mì lát, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương mới trả cho Công ty Đại Nam 800 triệu đồng vào các ngày 11/7/2006 (500 triệu đồng), ngày 12/8/2006 (100 triệu đồng), và ngày 30/8/2006 (200 triệu đồng) bao gồm 447.425.125 đồng tiền lãi và 352.574.875 đồng tiền phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

    Ngày 30/8/2006, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương lập Phụ lục Biên bản thoả thuận bán khoai mì lát; theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương xác nhận còn nợ Công ty Đại Nam 8.447.425.125 đồng và cam kết đến ngày 30/9/2006 mà chưa thanh toán hết thì Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương phải chịu thêm 5%/tháng trên tổng số tiền còn nợ, cộng với 6,1%/tháng đã thoả thuận ngày 04/6/2006 là 11,1%/tháng (BL57); Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đề nghị Công ty Đại Nam tính lãi + phạt vi phạm theo Biên bản thoả thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006 là 6,1%/tháng.

    Sau đó, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã nhiều lần đối chiếu công nợ và ngày 14/9/2007, hai bên lập Biên bản thoả thuận giải quyết công nợ; theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương xác nhận tính đến ngày 14/9/2007 còn nợ Công ty Đại Nam 41.475.062.625 đồng (gốc, lãi +phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán (16,1%/tháng) nhưng xin Công ty Đại Nam chốt công nợ lại còn 30 tỷ đồng và chịu lãi suất chậm thanh toán từ 01/7/2007 là 1,5%/tháng; đồng thời tự nguyện giao 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính) cho Công ty Đại Nam để thế chấp đảm bảo thanh toán số nợ 29.572.235.740 đồng (BL68,78).

    Ngày 05/12/2007, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương lập Biên bản làm việc; theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương xác nhận nợ quá hạn chưa thanh toán gồm nợ gốc 29.574.453.657 đồng và lãi quá hạn là 2.040.135.597 đồng; tổng cộng 31.614.589.254 đồng (BL76).

    Do Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương nhiều lần xác nhận công nợ nhưng đến nay chưa trả, nên ngày 25/3/2008 Công ty Đại Nam khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh yêu cầu buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương trả 29.572.235.740 đồng và lãi suất nợ quá hạn là 150% căn cứ theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định đến khi Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương trả hết nợ (BL01, 169).

    Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương trình bày:

    Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương thừa nhận vào các ngày 20/3/2006 và 09/5/2006, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương có ký hai hợp đồng số 34, 35 với Công ty Đại Nam. Theo đó Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương sẽ bán cho Công ty Đại Nam 5.000 tấn khoai mì lát khô. Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã nhận 8 tỷ đồng.

    Ngày 04/6/2006, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương có đủ hàng để giao nhưng do quá trình thu mua, thời hạn kéo dài, khoai mì đổi màu, Công ty Đại Nam không nhận vì cho rằng chất lượng hàng không đạt, nên hai bên thoả thuận Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương mua lại số khoai mì nói trên với giá 8 tỷ đồng và chịu lãi 160 đồng/1kg; tổng cộng Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương phải trả Công ty Đại Nam 8,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã trả 800 triệu đồng, cụ thể: ngày 11/7/2006 trả 500 triệu đồng, ngày 12/8/2006 trả 100 triệu đồng; ngày 30/8/2006 trả 200 triệu đồng; còn 8 tỷ đồng tiền vốn hẹn đến ngày 30/9/2006 trả.

    Ngày 15/01/2007, kho hàng của Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương bị cháy làm thiệt hại trên 10 tỷ đồng nên Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương gặp khó khăn trong việc thanh toán cho Công ty Đại Nam.

    Do chưa có tiền thanh lý hợp đồng, phía Công ty Đại Nam tự ý đưa ra mức lãi và phạt lên đến 16,1%/tháng và ép buộc phải ký vào giấy nhận nợ nên Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã ký nhiều biên bản nhận nợ. Đến ngày 05/12/2007, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương ký nhận nợ lần cuối cùng là 31.790.153.420 đồng, trong đó số tiền lãi và phạt vi phạm là 23.790.153.420 đồng. Với lãi suất và phạt vi phạm do Công ty Đại Nam tính 16,1%/tháng là quá cao, nên Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương không đồng ý với mức lãi suất và phạt vi phạm này.

    Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương yêu cầu Toà án xem xét cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương được trả số nợ gốc cho Công ty Đại Nam là 8 tỷ đồng và tính lãi cho phù hợp (BL165,154).

    Tại bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số03/KDTM-ST ngày 14/7/2008, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định (tóm tắt): “- Chấp nhận một phận yêu cầu của Công ty TNHH thương mại Đại Nam, buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương trả tiền mua bán hàng hoá còn nợ gốc và tiền lãi theo hợp đồng là 10.237.670.000 đồng…

    Các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số01/2008/QĐ-BPKCTT ngày 27/5/2008 và02/2008/QĐ-BPKCTT ngày 06/6/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục có hiệu lực thi hành đến khi Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương thi hành xong bản án này;

    - Ngân hàng Công thương Việt Nam - chi nhánh tỉnh Tây Ninh hoàn trả cho Công ty TNHH thương mại Đại Nam số tiền 68.200.000 đồng theo Phiếu thu số 0058 ngày 28/5/2008 và phiếu thu số 0019 ngày 10/6/2008…”.

    Ngày 21/7/2008, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương có đơn kháng cáo.

    Ngày 28/7/2008, Công ty Đại Nam có đơn kháng cáo.

    Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số129/2008/KDTM-PT ngày 15/10/2008, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định (tóm tắt): “ Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn - Công ty TNHH thương mại Đại Nam, sửa bản án sơ thẩm…; chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty TNHH thương mại Đại Nam buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương trả tiền mua bán hàng hoá theo hợp đồng; Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương do bà Thái Thị Hon là chủ phải trả cho Công ty TNHH thương mại Đại Nam số tiền nợ của 4538 tấn khoai mì là 16.336.800.000 đồng…

    - Các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số01/2008/QĐ-BPKCTT ngày 27/5/2008 và02/2008/QĐ-BPKCTT ngày 06/6/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương thi hành xong bản án này;

    - Ngân hàng Công thương Việt Nam - chi nhánh tỉnh Tây Ninh hoàn trả cho Công ty TNHH thương mại Đại Nam số tiền 68.200.000 đồng theo Phiếu thu số 0058 ngày 28/5/2008 và Phiếu thu số 0019 ngày 10/6/2008..”.

    Ngày 28/10/2008, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định số03/KN-VKSTC-V12 ngày 18/02/2009, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số29/2008/KDTM-PT ngày 15/10/2008 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng huỷ bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số03/2008/KDTM-ST ngày 14/7/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh và Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số29/2008/KDTM-PT ngày 15/10/2008 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với lý do (tóm tắt):

    - “Việc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương ký hợp đồng mua bán khoai mì lát cho Công ty TNHH thương mại Đại Nam là hợp đồng kinh doanh, thương mại. Sau khi ký hợp đồng Công ty TNHH thương mại Đại Nam đã hoàn thành nghĩa vụ chuyển tiền, nhưng khi kiểm tra hàng hoá thấy hàng không đảm bảo chất lượng nên ngày 4/6/2006, hai bên lập biên bản xác nhận: .. Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đồng ý mua lại và có trách nhiệm trả tiền cho Công ty TNHH thương mại Đại Nam theo thoả thuận về gốc, lợi nhuận, thời hạn thanh toán và trách nhiệm chậm trả.

    Ngày 5/6/2006 hai bên đã thống nhất thanh lý hợp đồng mua bán khoai mì và được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác là nghĩa vụ trả tiền, như vây là hợp đồng đã chấm dứt. Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương trả lại Công ty TNHH thương mại Đại Nam số tiền mua khoai mì lát mà Công ty TNHH thương mại Đại Nam đã chuyển cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương, cộng lãi là 160đồng/kg, tổng cộng hai khoản tiền là 8,8 tỷ đồng, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã trả cho Công ty TNHH thương mại Đại Nam 800 triệu đồng, sau đó không trả tiếp và hai bên đã tiến hành lập nhiều biên bản thoả thuận về việc thanh toán gốc và tiền phạt, tiền lãi theo nguyên tắc gốc cộng lãi và phạt.

    Do Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương vi phạm nghĩa vụ trả tiền nên Công ty Đại Nam khởi kiện ra Toà án, yêu cầu Toà án buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương phải thực hiện nghĩa vụ dân sự là trả tiền, chứ không yêu cầu Toà án buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương phải thực hiện hợp đồng kinh doanh, thương mại. Vì vậy tranh chấp này là tranh chấp dân sự chứ không phải tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại. Việc Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định tranh chấp là tranh chấp kinh doanh, thương mại để thụ lý giải quyết theo các quy định của pháp luật về mua bán hàng hoá (Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự) dẫn đến việc áp dụng pháp luật về nội dung (Điều 428, 438 Bộ luật dân sự) là không chính xác, mà tranh chấp này là tranh chấp dân sự, vì vậy Toà án nhân dân thụ lý theo quy định tại Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự, phán quyết của Toà án phải căn cứ vào Điều 290 và Điều 305 Bộ luật dân sự thì mới đúng pháp luật.

    - “… bản án phúc thẩm căn cứ vào giấy báo giá khoai mì lát là 360đ/kg (bản phô tô không có công chứng) do Công ty Đại Nam cung cấp làm chứng cứ để ra quyết định là chưa đúng tại điểm 2.1 mục II Nghị quyết số 04/2005/HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về “chứng cứ chứng minh”; Toà án cấp phúc thẩm quy giá trị của khoai mì lát ra tiền để buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương phải trả cho Công ty Đại Nam là vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự trong tố tụng dân sự”.


     

    XÉT THẤY

    1. Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương tranh chấp với nhau về nghĩa vụ thanh toán phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hoá (các Hợp đồng số34/HĐĐN-06 và số35/HĐĐN-06). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã thay đổi nội dung các hợp đồng trên bằng việc lập và ký Biên bản thoả thuận bán lại khoai mì lát ngày 04/6/2006 và đã thanh lý các Hợp đồng số34/HĐĐN-06 và số35/HĐĐN-06 để thay thế hợp đồng khác (Biên bản thoả thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006). Sau đó, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã nhiều lần đối chiếu công nợ.., nhưng Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương không trả được nợ theo cam kết, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hoá là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không có nhận định và không viện dẫn điểm a khoản 1 Điều 29, khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự là thiếu sót.

    2. Việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng các Điều 428 (quy định về hợp đồng mua bán tài sản), Điều 438 (quy định về nghĩa vụ trả tiền), Điều 476 (quy định về lãi suất) của Bộ luật dân sự năm 2005 và Toà án cấp phúc thẩm áp dụng các Điều 428 và 438 Bộ luật dân sự để giải quyết vụ án này là không đúng. Đối với vụ án này phải áp dụng quy định tại các Điều 300 (quy định về phạt vi phạm), Điều 301 (quy định về mức phạt vi phạm) và Điều 306 ( quy định về yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán) Luật thương mại năm 2005 mới đúng.

    3. Theo Biên bản thoả thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006 thì Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương cam kết đến ngày 15/8/2006 trả đủ 8,8 tỷ đồng cho Công ty Đại Nam, nếu quá thời hạn trên mà chưa trả đủ thì phải chịu lãi suất chậm thanh toán là 1.1%/tháng và phải chịu phạt thêm 5%/tháng trên số tiền còn nợ cho Công ty Đại Nam; tổng hai khoản là 6,1%/tháng.

    Vào các ngày 11/7/2006, 12/8/2006 và 30/8/2006, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương đã thanh toán được 800 triệu đồng; như vậy, tính đến ngày 30/8/2006, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương còn nợ Công ty Đại Nam 8 tỷ đồng tiền gốc.

    Tại Phụ lục Biên bản thoả thuận bán khoai mì lát ngày 30/8/2006, Công ty Đại Nam yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương thanh toán số tiền trên trước ngày 30/9/2006, nếu quá hạn thì phải chịu lãi suất là 1,1%/tháng và chịu phạt vi phạm 10%/tháng trên số tiền chậm thanh toán; còn Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương cam kết đến ngày 30/9/2006 trả hết số nợ còn lại và đề nghị được tính mức lãi và mức phạt vi phạm theo Biên bản thoả thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006 là 6,1%/tháng.

    Sau đó, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương còn nhiều lần đối chiếu công nợ và Công ty Đại Nam đưa ra mức phạt vi phạm hợp đồng lên đến 15%/tháng và lãi suất chậm thanh toán là 1,1%/tháng. Đến ngày 14/9/2007, Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương lại xin được trả lãi theo lãi suất ngân hàng là 1,5%/tháng kể từ ngày 01/7/2007.

    Như vậy, Công ty Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương chỉ thống nhất được với nhau về mức lãi suất chậm thanh toán là 1,1%/tháng; thoả thuận của các đương sự về trách nhiệm thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán là không trái pháp luật. Riêng về việc phạt vi phạm hợp đồng, các đương sự có thoả thuận và thoả thuận này là không trái pháp luật; nhưng các đương sự không thống nhất được với nhau về mức phạt sau mỗi làn đối chiếu công nợ. Hơn nữa, mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mà các đương sự đưa ra (5%/tháng, 10%/tháng hay 15%/tháng) đều không đúng pháp luật. Theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại năm 2005 thì mức phạt (hoặc tổng mức phạt đối chiếu với nhiều vi phạm) do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

    Toà án cấp sơ thẩm căn cứ các Điều 428, 438 và 476 Bộ luật dân sự năm 2005 để buộc Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương phải chịu lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố và không phải chịu phạt vi phạm hợp đồng là không đúng pháp luật và không đúng với thoả thuận không trái pháp luật của đương sự (thoả thuận về trách nhiệm thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán và về phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương và Công ty Đại Nam tại Biên bản thoả thuận bán khoai mì lát ngày 04/6/2006).

    Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận cách tính lãi của Toà án cấp sơ thẩm, không chấp nhận mức lãi suất (1,1%/tháng) và mức phạt vi phạm (15%/tháng) là 16,1%/tháng do nguyên đơn đưa ra và buộc bị đơn trả lại số tiền nợ của 5.000 tấn khoai mì lát theo thời giá tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 3.600đ/kg (theo Báo giá khoai mì do nguyên đơn cung cấp) cũng là không đúng pháp luật.

    Trường hợp này cần phải căn cứ vào các Điều 300, 301, 306 Luật thương mại năm 2005 và thoả thuận (không trái pháp luật) của các đương sự tại Biên bản thoả thuận bán lại khoai mì lát ngày 04/6/2006 để xem xét về việc phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và khoản tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Mặt khác, theo Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương trình bày thì do bị cháy kho hàng tại Campuchia nên Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền cho Công ty Đại Nam. Vì vậy, khi xét xử lại vụ án này, Toà án các cấp cần yêu cầu đương sự cung cấp lại tài liệu chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra, nếu có đẩy đủ căn cứ thì có thể xem xét giảm một phần mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương.

    4. Toà án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định: “Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh hoàn trả cho Công ty TNHH thương mại Đại Nam số tiền 68.200.000 đồng..” nhưng không có nhận định gì về số tiền này, lý do Ngân hàng Công thương Việt Nam phải hoàn trả số tiền này cho Công ty Đại Nam là thiếu sót và cách tuyên như vậy cũng không đúng pháp luật.

    5. Về tố tụng: Toà án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương là bị đơn là không chính xác, không đúng quy định tại khoản 3 Điều 143 Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Toà án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp). Trong vụ án này phải xác định bị đơn là Chủ Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Phương - bà Thái Thị Hon mới đúng.

    Bởi các lẽ trên; căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 1,2 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH

    Huỷ bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số129/2008/KDTM-PT ngày 15/10/2008 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số03/KDTM-ST ngày 14/7/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm bị huỷ:

    Các Toà án xác định là vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hoá nhưng không viện dẫn k1 Điều 29, k2 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự; không áp dụng các quy định của Luật thương mại 2005 để giải quyết vụ án là sai lầm. Các Toà án cũng sai lầm trong việc xác định tư các đương sự của doanh nghiệp tư nhân.

     

     

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 04:01:12 CH
     
    6617 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận