Quyết định giám đốc thẩm số 03/2006/ds-gđt ngày 21-02-2006 về vụ án “tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm”

Chủ đề   RSS   
  • #265024 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 03/2006/ds-gđt ngày 21-02-2006 về vụ án “tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm”

    Số hiệu

    03/2006/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số03/2006/ds-gđt ngày 21-02-2006 về vụ án “tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm”

    Ngày ban hành

    21/02/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ03/2006/DS-GĐT NGÀY 21-02-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP 
    VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 21 tháng 02 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giữa các đương sự:

    1. Nguyên đơn: Ông Võ Lợi, trú tại: thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

    2. Bị đơn: Công ty Bảo hiểm Bình Định do ông Võ Minh Sang là đại diện theo uỷ quyền; địa chỉ: 62 Diên Hồng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 15-02-2000 và lời khai tại Toà án nhân dân tỉnh Bình Định của ông Võ Lợi thì:

    Ông Võ Lợi là chủ sở hữu chiếc tàu đánh cá số đăng ký BĐ-1025TS, có hợp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo hiểm Bình Định, hiệu lực từ 06-02-1999 đến 06-02-2000.

    Khoảng 1h sáng ngày 15-06-1999, trong khi đang kéo lưới tại phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng thì phát hiện có nhiều tàu neo đậu trong khu vực ông Võ Lợi đang thả lưới. Con ông Lợi là anh Võ Văn Lộc đã đề nghị các tàu này chuyển dịch ra khỏi khu vực tàu ông Lợi đang thả lưới. Một số tàu đã kéo neo bỏ đi nơi khác con lại 02 tàu không đi. Anh Lộc điều khiển tàu đến gần để yêu cầu hai chiếc tàu đi nơi khác, thì tàu không số do anh A Hoanh điều khiển kéo neo chạy tới đâm thẳng vào tàu của ông Lợi nhiều lần làm tàu bị vỡ, chìm tại ngư trường. Sau khi cấp cứu, vớt tàu, xác định thân tàu bị hư hỏng toàn bộ (như biên bản giám định của Bảo hiểm Hải Phòng đã kết luận).

    Bên tàu không số do anh A Hoanh điều khiển và ông Lợi đã thương lượng là anh A Hoanh bồi thường cho ông Lợi 165.000.000 đồng (gồm 75.000.000 đồng bồi thường cho máy và vỏ tàu, 90.000.000 đồng bồi thường cho tư trang, vật dụng và ngư lưới cụ) và đã thi hành xong.

    Khi tàu bị nạn, ông Lợi có điện báo ngay về Bảo hiểm Bình Định là nơi ông tham gia đóng bảo hiểm, Công ty Bảo hiểm Bình Định đã có công văn uỷ quyền cho Công ty Bảo hiểm Hải Phòng đến xem xét hiện trường và Công ty Bảo hiểm Hải Phòng đã có biên bản giám định việc hư hỏng tàu của ông Lợi. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, Công ty Bảo hiểm Hải Phòng đã gửi toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn cho Công ty Bảo hiểm Bình Định. Ông Lợi đề nghị giải quyết thiệt hại theo chế độ quy định của Bảo Việt, nhưng đến ngày 14-10-1999 Công ty Bảo hiểm Bình Định trả lời từ chối bồi thường. Ông Lợi yêu cầu buộc Công ty Bảo hiểm Bình Định bồi thường cho ông đủ mức như đã thoả thuận trong hợp đồng.

    Công ty Bảo hiểm Bình Định trình bày:

    Tàu cá BĐ 1025 TS của ông Võ Lợi tham gia bảo hiểm ngày 06-02-1999 theo giấy chứng nhận bảo hiểm số 034209, hiệu lực bảo hiểm từ ngày 06-02-1999 đến ngày 06-02-2000 theo mức trách nhiệm: Thân tàu 300.000.000 đồng; 
    Trách nhiệm dân sự: 70.000.000 đồng/vụ; Thuyền viên: 7.000.000 đồng/người.

    Nguyên nhân tai nạn do mâu thuẫn cá nhân nên anh A Hoanh đã điều khiển tàu đánh cá không số cố ý đâm vào tàu BĐ 1025 TS gây đắm tàu. Sự việc xảy ra vào ngày 15-6-1999 tại vùng biển đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng.

    Theo biên bản thoả thuận ngày 20-7-1999 giữa ông Lợi và anh A Hoanh thì anh A Hoanh bồi thường thiệt hại cho ông Lợi 165.000.000 đồng. Trong đó: tư trang vật dụng và ngư lưới cụ là 90.000.000 đồng và vỏ tàu là 75.000.000 đồng. Phần vỏ tàu còn lại thuộc quyền sở hữu của anh A Hoanh. Ông Lợi đã cam kết không có ý kiến nào khác, không thắc mắc hoặc khiếu nại gì trong việc tự thoả thuận bồi thường.

    Khi ông Lợi bị tai nạn, Công ty Bảo hiểm Bình Định có báo cho Công ty Bảo hiểm Hải Phòng để nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ. Quá trình giải quyết vụ việc ông Lợi không bảo lưu quyền khiếu kiện cho Công ty Bảo hiểm. Hơn nữa anh A Hoanh đã cố ý đâm vào tàu ông Lợi cho nên đây là trách nhiệm dân sự của anh A Hoanh. Công ty Bảo hiểm Bình Định khước từ trách nhiệm bồi thường.

    Trong thời gian Công an thụ lý vụ án, ông Lợi có khó khăn nên Công ty có cho ông Lợi ứng 5.000.000 đồng để làm thủ tục tranh chấp với phía tàu Quảng Ngãi. Do đó, ông Lợi phải hoàn trả lại số tiền 5.000.000 đồng cho cơ quan Bảo hiểm.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 18-01-2002, Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã xử:

    1) Buộc Công ty Bảo hiểm Bình Định (Bảo Việt) có trách nhiệm bồi thường một phần tổn thất cho ông Võ Lợi, chủ tàu BĐ 1025 TS số tiền là: 80.000.000 đồng (tám chục triệu đồng). Được khấu trừ khoản tiền bảo hiểm ứng trước cho ông Võ Lợi là 5.000.000 đồng, còn lại 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng).

    2) Kể từ ngày ông Lợi có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Bảo hiểm không chịu trả số tiền nêu trên, thì hàng tháng Bảo hiểm còn phải trả cho ông Lợi số tiền lãi theo mức lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

    3) Án phí dân sự sơ thẩm: theo diện án phí có giá ngạch 5% trên giá trị tranh chấp: 75.000.000đ ´ 5% = 3.750.000đ Công ty Bảo hiểm Bình Định chịu. Hoàn trả 50.000đ dự phí cho ông Lợi.

    - Án xử sơ thẩm công khai, có mặt các bên đương sự, các đương sự có quyền kháng cáo bản án này lên cấp xét xử phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

    - Ngày 21-01-2002, ông Lợi có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị buộc Công ty Bảo hiểm Bình Định có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm mà ông và Công ty Bảo hiểm đã ký kết.

    - Ngày 29-01-2002, Công ty Bảo hiểm Bình Định có đơn kháng cáo với nội dung: Tổn thất tàu BĐ 1025 TS hoàn toàn do lỗi cố ý của anh A Hoanh nên không thuộc phạm vi bảo hiểm. Theo biên bản thoả thuận ngày 20-7-1999 giữa ông Lợi với anh A Hoanh, thì ông Lợi đã không làm các thủ tục cần thiết bảo lưu quyền khiếu nại cho Bảo Việt để Bảo Việt tranh chấp với anh A Hoanh. Ngoài ra, căn cứ vào giá trị tàu BĐ 1025 TS thì số tiền bồi thường của anh A Hoanh đã vượt quá mức thiệt hại tàu của ông Lợi.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 64/2002/DSPT ngày 16-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã quyết định:

    Áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 69 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, bác kháng cáo của ông Võ Lợi chấp nhận kháng cáo của Công ty Bảo hiểm Bình Định.

    Căn cứ khoản 1 Điều 578; khoản 1 Điều 581 Bộ luật dân sự; Tuyên xử bác yêu cầu của ông Võ Lợi đòi Công ty Bảo hiểm Bình Định phải trả tiền bảo hiểm.

    Ghi nhận sự thoả thuận của Công ty Bảo hiểm Bình Định đồng ý chi cho ông Võ Lợi số tiền 5.000.000 đồng mà ông Lợi đã nhận trước đây.

    Công ty Bảo hiểm Bình Định không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm.

    Ông Lợi phải nộp 50.000 đồng án phí phúc thẩm, miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông Võ Lợi.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 10-02-2005 ông Lợi có đơn khiếu nại cho rằng Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng bác yêu cầu đòi bảo hiểm của ông là không đúng.

    Tại Quyết định kháng nghị số172/2005/KN-DS ngày 08-12-2005 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã nhận định:

    Việc Công ty Bảo hiểm Bình Định căn cứ vào biên bản thoả thuận 
    ngày 20-7-1999 giữa ông Lợi với anh A Hoanh, bà Lan để từ chối bồi thường tổn thất cho ông Lợi là không đảm bảo quyền lợi của ông Lợi, bởi lẽ:

    - Ông Lợi có mua bảo hiểm thân tàu, nên về nguyên tắc, khi giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho ông Lợi do anh A Hoanh cố ý đâm hỏng tàu của ông Lợi, phải có mặt cả cơ quan Bảo hiểm. Cơ quan Bảo hiểm không có mặt khi ông Lợi và anh A Hoanh hoà giải là không đúng thủ tục, trong khi đó cơ quan Bảo hiểm chưa làm hết trách nhiệm khi hướng dẫn ông Lợi làm thủ tục bảo lưu quyền khiếu nại cho người thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo hiểm;

    - Việc thoả thuận chỉ là tự thoả thuận bồi thường giữa ông Lợi với anh A Hoanh, chứ không có thoả thuận việc ông Lợi không được yêu cầu Công ty Bảo hiểm trả bảo hiểm, cũng không thoả thuận việc Bảo hiểm không được đòi anh A Hoanh hoàn trả tiền bảo hiểm.

    - Thực tế, giá trị tài sản mà ông Lợi bị thiệt hại nhiều hơn số tiền anh A Hoanh và ông Lợi thoả thuận đền bù cho ông Lợi; trong khi, theo quy định tại khoản 2 Điều 581 Bộ luật Dân sự thì: “Trong trường hợp bên được bảo hiểm đã nhận số tiền bồi thường thiệt hại do người hứ ba trả, nhưng vẫn ít hơn số tiền mà bên bảo hiểm phải trả, thì bên bảo hiểm chỉ phải trả phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và số tiền mà người thứ ba đã trả...”.

    Mặt khác, pháp luật không có quy định cấm các đương sự thay đổi nội dung thoả thuận và yêu cầu cơ quan pháp luật giải quyết, nhất là trong trường hợp việc thoả thuận không có sự tham gia của người có quyền lợi, nghĩa vụ 
    liên quan.

    Ngoài ra, anh A Hoanh là người gây ra tai nạn, nhưng khi giải quyết vụ án Toà án các cấp không đưa anh A Hoanh vào tham gia tố tụng là chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.

    Do đó, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm 
    số 64/2002/DSPT ngày 16-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 18-01-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Thiệt hại chìm tàu của ông Võ Lợi do hành động cố ý của anh A Hoanh dùng tàu của mình đâm vào tàu của ông Võ Lợi, chứ không phải do hành động cố ý tự gây thiệt hại của bên tàu ông Võ Lợi. Theo quy định của hợp đồng bảo hiểm được ý kết giữa ông Lợi và Công ty Bảo hiểm Bình Định cũng như theo quy định của Quy tắc bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, đối với tàu, thuyền cá hoạt động trong vùng nội thuỷ và vùng biển Việt Nam ban hành ngày 20-11-1996 của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam thì thiệt hại xảy ra nêu trên không nằm trong phạm vi loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

    Ông Lợi và anh A Hoanh có thoả thuận ngày 20-7-1999 là anh A Hoanh sẽ bồi thường cho ông Lợi 165.000.000 đồng và “hai bên đồng cam kết sau khi thoả thuận bồi thường xong sẽ không còn ý kiến, không thắc mắc hoặc khiếu kiện gì trong việc tự thoả thuận bồi thường”. Thoả thuận này chỉ là tự thoả thuận giữa ông Võ Lợi với anh A Hoanh, không có sự tham gia của Công ty Bảo hiểm Bình Định.

    Thoả thuận giữa ông Lợi và anh A Hoanh ngày 20-7-1999 không hề có nội dung xác định ông Lợi không còn quyền yêu cầu Công ty Bảo hiểm Bình Định bồi thường theo quy định của pháp luật Bảo hiểm, đồng thời Công ty Bảo hiểm Bình Định vẫn có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường lại cho mình.

    Về tố tụng: Anh A Hoanh là người gây ra vụ tai nạn và bà Trần Thị Lan là chủ sở hữu tàu gây tai nạn nhưng khi giải quyết vụ án, Toà án các cấp không đưa anh A Hoanh và bà Lan vào tham gia tố tụng là chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 2 và khoản 3 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 64/2002/DSPT ngày 16-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và bản án dân sự sơ thẩm 
    số 01/DSST ngày 18-01-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Định đã giải quyết việc tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là ông Võ Lợi với bị đơn là Công ty Bảo hiểm Bình Định.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Bình Định để giải quyết xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

    Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không đưa người gây tai nạn và chủ sở hữu tàu gây tai nạn vào tham gia tố tụng là vi phạm thủ tục tố tụng, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc áp dụng quy định của luật tố tụng dân sự trong việc xác định tư cách những người tham gia tố tụng.

     

     
    4702 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận