Quyết định giám đốc thẩm số: 01/2008/KDTM-GĐT ngày 17 tháng 3 năm 2008 về việc tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

Chủ đề   RSS   
  • #264080 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số: 01/2008/KDTM-GĐT ngày 17 tháng 3 năm 2008 về việc tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

    Số hiệu

    01/2008/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số:01/2008/KDTM-GĐT ngày 17 tháng 3 năm 2008 về việc tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

    Ngày ban hành

    17/03/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA KINH TẾ

    ------------------

    Quyết định giám đốc thẩm

    Số:01/2008/KDTM-GĐT

    Ngày 17 tháng 3 năm 2008

    V/v: tranh chấp về hợp đồng

    mua bán hàng hóa.

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA KINH TẾ

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Đỗ Cao Thắng;

    Các Thẩm phán: Ông Bùi Huy Tiến;

    Ông Nguyễn Ngọc Vân.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Quang, Thẩm tra viên chính Tòa án nhân dân tối cao.

    Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Bà Vũ Thị Thanh Nga-Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    Ngày 17 tháng 3 năm 2008, tại trụ sở Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo Quyết định kháng nghị số02/KN-AKT ngày 24/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số01/2007/KDTM-PT ngày 24/7/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An; có trụ sở tại 26 đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

    Do ông Hoàng Như Vĩnh, làm đại diện theo giấy ủy quyền số 397/UQ.VTBTM-TCHC ngày 11/7/2006 của Giám đốc Công ty.

    Bị đơn: Ông Bồ Văn Nhân là chủ Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto; có trụ sở tại Quốc lộ 1, ấp Cầu Hang, xã Hòa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị Bích Hằng sinh năm 1954; trú quán: 82B/2, CMT8, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

    NHẬN THẤY

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 16/8/2006 của nguyên đơn là Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An thì: Từ tháng 9-2002 đến tháng 10-2002, Công ty vận tải biển và thương mại Nghệ An (Bên A) nay đổi thành Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An có ký các hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto (Bên B), gồm 04 hợp đồng cụ thể:

    1. Hợp đồng số 03.09.2002/VTB-TH ngày 03/9/2002, theo đó bên A bán cho bên B 01 xe cẩu 21 tấn. Thực hiện hợp đồng, bên A đã giao xe cho bên B theo biên bản giao nhận ngày 25/10/2002.

    2. Hợp đồng số 05/09/2002/VTB-TH ngày 05/9/2002, theo đó bên A bán cho bên B 01 xe cẩu 25 tấn. Thực hiện hợp đồng, bên A đã giao xe cho bên B theo biên bản giao nhận ngày 25/10/2002.

    3. Hợp đồng số 30.10.2002/VTB-TH ngày 30/10/2002, theo đó bên A bán cho bên B 01 xe cẩu hiệu Míubishi 15 tấn. Thực hiện hợp đồng, bên A đã giao xe cho bên B theo biên bản giao nhận ngày 25/12/2002.

    4. Hợp đồng số 24.10.2002/VTB-TH ngày 24/10/2002, theo đó bên A nhân nhập ủy thác cho bên B hàng hóa là 04 xe trộn bê tông hiệu Asia, sản xuất năm 1994 của Hàn Quốc với trị giá là 92.00 USD, giá CIF tại cảng thành phố Hồ Chí Minh và phí ủy thác là 2,174% trên giá CIF. Sau đó 02 bên còn ký các phụ lục hợp đồng số 01 ngày 11/11/2002, phụ lục hợp đồng số 02 ngày 29/01/2003. Các hợp đồng từ mục 01 đến mục 03 nêu trên thì hai bên đã thực hiện xong không có tranh chấp. Riêng hợp đồng số 24.10.02/VTB-TH ngày 24/10/2002 có tranh chấp.

    Theo hợp đồng số 24 nêu trên thì bên A có trách nhiệm: Ký hợp đồng mua bán ngoại thương với Công ty Daeyoung Trading CO.LTD, hợp đồng này phải được thông qua và được sự đồng ý của bên B.

    Thực hiện hợp đồng ủy thác; ngày 24/10/2002 bên A ký hợp đồng nhập khẩu số 04/HĐNT/2002 với Daeyoung Trading CO.LTD Hàn Quốc. Về nội dung, hợp đồng mua bán đã thỏa thuận các điều kiện trong hợp đồng ủy thác nhập khẩu, trước khi bên A thống nhất nội dung với bên B. Ngày 30/10/2002 bên B chuyển tiền ký quỹ là 16.267,50 USD cho bên A; điều này chứng tỏ bên B đã đồng ý nội dung hợp đồng mà bên A đã ký với Hàn Quốc như khoản 3, điểm a của hợp đồng ủy thác nhập khẩu ngày 24/10/2002.

    Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi nên bên bán xuất hàng không được nên hàng không về cảng; vì vậy, 02 bên ký tiếp phụ lục hợp đồng số 02 ngày 29/01/2003 với nội dung thay đổi 04 xe trộn bê tông Asia thành 04 xe trộn bê tông Mitsubishi, mọi điều khoản khác không thay đổi.

    Ngày 14/3/2003 bên A khai tờ khai hàng hóa nhập khẩu và đóng thuế nhập khẩu.

    Ngày 01/4/2003 bên A bàn giao cho bên B 04 xe trộn bê tông Mitsubishi, tại biên bản bàn giao có quy định bên B phải bảo quản nguyên vẹn 04 xe trên và không được di chuyển khỏi xưởng của bên B khi chưa có ý kiến của bên A.

    Do hàng nhập khẩu không đảm bảo đúng chất lượng nên Cơ quan Hải quan thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tái xuất. Sau đó Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 3 đã tịch thu 04 xe nhập khẩu; nhưng bên B chỉ thu hồi 03 chiếc, còn lại 01 chiếc chưa thu hồi được.

    Kể từ khi ký hợp đồng ủy thác đến khi bị Hải quan xử lý bên B xác định được trách nhiệm của mình nên không thắc mắc gì, điều đó thể hiện qua các lần ký xác nhận công nợ toàn bộ đối với các hợp đồng là 2.514.833.310 đồng.

    Đến ngày 29/9/2005 hai bên ký phụ lục hợp đồng bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất, theo đó xác định việc trả nợ và gia hạn thêm 06 tháng kể từ ngày 23/9/2005.

    Ngày 23/3/2006 bên B không thanh toán như đã hứa, đồng thời lại có văn bản xin khất nợ đến ngày 25/4/2006 thanh toán 150.000.000 đồng và hết năm 2006 thanh toán tiếp 500.000.000 đồng, số còn lại sẽ thanh toán trong quý I/2007. Quá thời hạn, bên B vẫn không thanh toán vì vậy bên A khởi kiện yêu cầu bên B thanh toán nợ gốc là 2.514.883.310đ và lãi suất.

    - Bị đơn là Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto do ông Bồ Văn Nhân chủ doanh nghiệp trình bày:

    Tính đến thời điểm này, Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An chưa hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ mua bán với Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto từ 04 xe trộn bê tông hiệu Asia hoặc Mitsubishi.

    Việc Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An chỉ dựa trên các giấy tờ ký nhận khống công nợ để khởi kiện Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto ra Tòa án là không có cơ sở.

    Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto yêu cầu Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An phải có trách nhiệm trả lại cho Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto là 3.144.238.830 đồng mà Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto đã trả thay và nhận nợ thay cho Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An kể từ ngày 11/11/2002 đến nay.

    Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số15/2007/KDTM-ST ngày 27/3/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa đã quyết định:

    Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An.

    Buộc Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto do ông Bồ Văn Nhân là chủ Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto có trách nhiệm trả nợ cho Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An số tiền còn nợ là 972.138.558 đ trong đó bao gồm gốc là 730.107.817 đ và lãi là 242.030.741 đ.

    Bác yêu cầu của Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An đòi số nợ 92.000 USD tương đương 1.413.764.000 đồng và lãi phát sinh 1.413.764.000đ.

    Đình chỉ yêu cầu phản tố của Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto.

    Tài sản đảm bảo lãnh số nợ là căn nhà 82B/2, KP3, đường Cách mạng Tháng Tám, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa ưu tiên phát mãi căn nhà trên để thi hành bản án cho Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An .

    Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

    Ngày 06/4/2007 Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An có đơn kháng cáo.

    Ngày 09/4/2007 Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto có đơn kháng cáo.

    Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số01/2007/KDTM-PT ngày 24/7/2007, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định:

    - Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An .

    - Buộc Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto do ông Bồ Văn Nhân là chủ doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán cho Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An số tiền nợ gốc là 2.165.295.000 đồng + lãi là 56.364.825 đồng = 2.221.659.825 đồng.

    - Đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto.

    - Tài sản theo hợp đồng bảo lãnh ký ngày 22/9/2004 là căn nhà 82B/2, KP3, đường Cách mạng Tháng Tám, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, gắn liền với quyền sử dụng đất được ưu tiên phát mãi thi hành án cho Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An nếu Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto không thanh toán được số nợ nói trên.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn tuyên về án phí theo luật định.

    Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, ông Bồ Văn Nhân chủ Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto có đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định kháng nghị số02/KN-AKT ngày 24/01/2008 đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số01/2007/KDTM-PT ngày 24/7/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định:

    Việc Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto phải ký nhận nợ với Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An số tiền: 2.612.534.583đ (cả gốc + lãi) bắt nguồn từ việc 2 bên ký kết và thực hiện một số hợp đồng mua bán hàng hóa trong tháng 9, 10/2002 cụ thể:

    + Hợp đồng số 03.09.2002/VTB-TH ngày 03/9/2002

    + Hợp đồng số 05/09/2002/VTB-TH ngày 05/9/2002

    + Hợp đồng số 30.10.2002/VTB-TH ngày 30/10/2002

    + Hợp đồng nhập khẩu ủy thác hàng hóa số 24.10.2002/VTB-TH ngày 24/10/2002.

    Trong 4 hợp đồng trên, 2 bên chỉ tranh chấp việc ký kết và thực hiện hợp đồng số 30.10.2002/VTB ngày 24/10/2002.

    1. Về hợp đồng ủy thác số 24.10.2002/VTB-TH ngày 24/10/2002:

    Bên A cho rằng: “ngày 24/10/2002 hai bên ký hợp đồng nhập khẩu ủy thác hàng hóa số 24/10/2002?VTB, theo đó bên B ủy thác cho bên A nhập khẩu: “04 xe trộn bê tông hiệu ASIA (dung tích 6m3) sản xuất năm 1994 UP từ DAE YOUNG TRADING. Co.LTD.KOREA do bên B chỉ định; giá CIF tại Cảng thành phố Hồ Chí Minh 92.000USD, phí ủy thác 2,174% trên giá CIF”. Sau đó 2 bên ký phụ lục hợp đồng số 01 ngày 11/11/2002, số 02 ngày 29/01/2003 thay đổi xe ASIA thành xe Mitsubishi ngày 01/04/2003 bên A đã giao 04 xe trộn bê tông Mitsubishi cho bên B”.

    Tại bản giải trình ngày 20/6/2007 (BL 155-156) bên A nêu: “ngày 24/10/2002, hai bên ký hợp đồng ủy thác nhập khẩu 04 xe ASIA …ngay sau đó bên B lại có nhu cầu mua thêm 01 xe cứu hộ nhãn hiệu Mitsubishi nên 2 bên ký thêm hợp đồng số 30.10.2002 trong đó đưa cả việc mua 04 xe trộn ASIA, tuy nhiên, ngay sau khi ký xong (bên B đã rời trụ sở bên A) thì bên A nhận thấy nếu thực hiện hợp đồng này thì 04 xe trộn ASIA sẽ trùng lặp trong hợp đồng ủy thác, nên 2 bên thống nhất ký lại bằng hợp đồng cùng số 30.10.2002 và bên A nghĩ rằng bên B đã hủy hợp đồng này”. Lời giải trình này của bên A có sự thiếu logic, không thống nhất với lời trình bày của ông Trần Hiệp Nghĩa, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An về việc 2 bên ký hợp đồng mua bán ngày 30/10/2002 (BL113). Mặt khác tại thời điểm 2 bên ký hợp đồng ủy thác, xe trộn bê tông không phải là mặt hàng Nhà nước cấm nhập khẩu hoặc phải có giấy phép nhập khẩu (quota) của Bộ chuyên ngành theo quyết định số46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc bên A nhập khẩu ủy thác cho bên B để hưởng phí ủy thác là chưa thuyết phục, vì trong khi các hợp đồng trước đó (HĐ số 03.09.2002 và HĐ 05.09.2002) được hai bên thực hiện theo phương thức bên A mua hàng của phía Hàn Quốc về bán cho bên B. Việc ký kết hợp đồng nhập khẩu ủy thác có vi phạm, đó là: Nội dung hợp đồng nhập khẩu ủy thác số 24.10.2002/VTB vi phạm điểm đ, khoản 2 Điều 104 Luật thương mại năm 1997 (không nêu thời hạn hiệu lực của hợp đồng ủy thác); Hợp đồng nhập khẩu ủy thác ký ngày 24/10/2002, trong khi hợp đồng mua bán ngoại thương mà bên A ký với Hàn Quốc là ngày 25/10/2002 nhưng tại đoạn 2 điểm b của hợp đồng nhập khẩu ủy thác số 24.10.2002/VTB có ghi: “Trách nhiệm của bên B chuyển 20% giá CIF vào tài khoản của bên A khi đã đồng ý với nội dung hợp đồng mua bán ngoại thương mà bên A đã ký kết với DEA YOUNG TRADING Co.LTD.Hàn Quốc”.

    Bên B thì cho rằng: hợp đồng nhập khẩu ủy thác số 24.10.2002/VTB ngày 24/10/2002 là hợp đồng giả, được lập sau khi bên A đã thanh toán tiền cho phía nước ngoài (theo L/C đã mở) nhưng không nhận được hàng (được thể hiện rõ tại phụ lục hợp đồng số 01 ngày 11/11/2002, vì vậy hơp đồng ủy thác có trước hợp đồng mua bán ngoại thương (hợp đồng ngoại thương số 04/HĐNT/2002 ngày 25/10/2002 mà bên A đã ký với DEA YOUNG TRADING Co.LTD.KOREA). Việc bên B tiếp tục ký phụ lục Hợp đồng nhập khẩu ủy thác số 02 ngày 29/01/2003 là nhằm tháo gỡ khó khăn cho bên A và cũng nhằm mục đích nhận được xe (chấp nhận thay đổi loại xe) theo hợp đồng mua bán số 30.10.2002/VTB-TH ngày 30/10/2002 (BL 94 và 110) mà 2 bên đã ký kết. Lời trình bày này của bên B chưa được các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chứng minh, mặc dù ở trình tự sơ thẩm bên B có đề nghị Tòa án yêu cầu bên A cung cấp hợp đồng ngoại thương về việc nhập khẩu 04 xe trộn bê tông hiệu ASIA và L/C mà bên A mở cho Công ty DEA YOUNG hưởng, bộ chứng từ nhập khẩu của 04 xe ASIA (BL67) nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm thực hiện.

    Như vậy, lời trình bày về việc ký kết và thực hiện hợp đồng nhập khẩu ủy thác số 24.10.2002/VTB ngày 24/10/2002 giữa 2 bên chưa được Tòa án hai cấp làm rõ.

    2. Về hợp đồng mua bán số 30.10.2002/VTB-TH ngày 30/10/2002:

    Bên A cho rằng: tại hợp đồng này 2 bên chỉ mua 1 loại hàng hóa đó là: “Bên A bán bên B mua 01 xe kéo xe hỏng (xe cứu hộ) Mitsubishi 15 tấn đã qua sử dụng, nhập khẩu từ Hàn Quốc…giá xe bao gồm cả thuế VAT là 20.763USD” (BL33) ngoài ra, không còn hàng hóa nào khác. Việc thực hiện hợp đồng này đã xong bên B đã nhận xe theo biên bản bàn giao xe cứu hộ ngày 25/12/2002 (BL34).

    Bên B cho rằng: tại hợp đồng này 2 bên thỏa thuận: “Bên A bán bên B mua:

    + 01 xe kéo xe hỏng (xe cứu hộ) Mitsubishi 15 tấn đã qua sử dụng, nhập khẩu từ Hàn Quốc.

    + 04 xe trộn bê tông ASIA (6m3) đã qua sử dụng nhập khẩu từ Hàn Quốc sản xuất từ năm 1994 UP.

    Lô hàng thuộc hợp đồng số 01/HĐNT/2002 ngày 25/10/2002 và Hợp đồng số 04/HDNT/2002 ngày 25/10/2002 mà bên A đã ký với CHAN KYOUNG IND.Co và DEA YOUNG TRADING Co.LTD.KOREA .

    Giá xe bao gồm cả thuế VAT:

    + 04 xe trộn bê tông ASIA: 99.925USD

    + 01 xe kéo xe hỏng Mitsubishi: 22.756 USD” (BL94 và 110). Thực hiện hợp đồng này bên A đã giao xe cứu hộ cho bên B quản lý và theo biên bản bàn giao ngày 25/12/2002 (BL34), còn 4 xe trộn bê tông ASIA chuyển thành 4 xe trộn bê tông Mitsubishi, bên A giao cho bên B quản lý theo biên bản ngày 01/4/2003 (BL39), đến ngày 18/8/2004, 04 xe này bị Cục hải quan thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định tịch thu sung công quỹ (BL 179-93-98). Ngày 01/9/2004, Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An vẫn có văn bản gửi Cục hải quan thành phố Hồ Chí Minh xin “hoãn xử lý cưỡng chế hàng nhập khẩu” đối với lô hàng là 04 xe Mitsubishi của Công ty (BL 104). Như vậy, bên B vẫn chưa nhận được 04 xe trộn bê tông (từ ASIA đổi sang Mitsubishi ) như 2 bên đã ký trong hợp đồng mua bán số 30.10.2002 (hợp đồng mới thực hiện một phần).

    Lời trình bày của bên B về việc ký kết và thực hiện hợp đồng số 30.10.2002/VTB-TH cùng ngày phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ đó là:

    - Về hình thức: hợp đồng số 30.10.2002/VTB-TH do bên B xuất trình (BL 94) phù hợp với hình thức của hợp đồng số 03.09.2002/VTB-TH và hợp đồng số 05.09.2002/VTB-TH: bên A bán hàng cho bên B sau khi hợp đồng số 30.10.2002/VTB-TH do bên A xuất trình (BL 33) không ghi nội dung này (lô hàng thuộc hợp đồng ngoại thương nào).

    - Về nội dung: tại hợp đồng số 30.10.2002/VTB do bên B xuất trình giá xe cứu hộ được ghi là 22.756USD bao gồm thuế VAT phù hợp với giá nhận nợ tại bản cân đối công nợ ngày 31/12/2002 là thời điểm chưa phát sinh phụ lục số 02 hợp đồng nhập khẩu ủy thác số 24.10.2002/VTB (BL 16).

    Như vậy, việc ký kết và thực hiện hợp đồng số 30.10.2002/VTB-TH và hợp đồng nhập khẩu ủy thác số 24.10.2002/VTB lời trình bày của 2 bên có sự không thống nhất, những vấn đề này chưa được Tòa án 2 cấp xác minh làm rõ. Mặt khác, nếu theo nội dung của 2 hợp đồng trên thì việc thực hiện hợp đồng nhập khẩu ủy thác số 24.10.2002/VTB hay hợp đồng mua bán số 30.10.2002/VTB-TH thì cuối cùng bên B phải nhận được hàng hóa là 04 xe trộn bê tông Mitsubishi thì mới thanh toán tiền trả bên A, nhưng bên B lại không nhận được xe, vì vậy không thể buộc bên B phải có trách nhiệm thanh toán trả tiền bên A số tiền giá trị của 04 xe này, mặc dù bên B và bên A đã nhiều lần đối chiếu công nợ và bên B xác nhận có nợ bên A 92.000USD giá trị của 04 xe trộn bê tông Mitsubishi nhưng đây là việc nhận nợ khống (chưa nhận được hàng), không đúng với quy định tại Điều 46 Luật Thương mại 1996.

    Về hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ngày 22/9/2004 và phụ lục hợp đồng này ngày 29/9/2005 (BL 40, 41, 42 và 46) thì thấy: về mặt hình thức việc ký kết các hợp đồng này và các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo là đúng với quy định của pháp luật, nhưng về mặt nội dung thì do việc nhận nợ khống đối với 04 xe trộn bê tông Mitsubishi nên mới dẫn đến việc bên B ký các hợp đồng này. Vì vậy các hợp đồng này có vi phạm về nội dung.

    Bản án phúc thẩm số01/2007/KDTM-PT ngày 24/7/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai buộc bên B phải có trách nhiệm trả nợ bên A cả số tiền trị giá của 04 xe Mitsubishi và lãi của số tiền này là chưa thỏa đáng gây thiệt hại cho bên B (vì chưa nhận được hàng từ bên A).

    Bản án sơ thẩm số15/2007/KDTM-ST ngày 27/3/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên A đòi bên B phải thanh toán 92.000USD giá trị của 04 xe Mitsubishi cộng lãi phát sinh là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ số tiền bên B bán 04 xe này (khi chưa có sự đồng ý của bên A theo biên bản bàn giao xe ngày 01/4/2003) đã được bên B sử dụng như thế nào, có bị Cơ quan Hải quan thu giữ cũng như đánh giá mức độ lỗi của bên B trong việc bán xe để buộc bên B chịu một phần thiệt hại do việc bán xe là chưa khách quan.

    Đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy các bản án phúc thẩm và sơ thẩm về vụ án này, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm đã nêu tại kháng nghị số02/KN-AKT ngày 24/01/2008 và bổ sung thêm Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị đơn trong vụ án là Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto là không đúng, vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì Chủ Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto là ông Bồ Văn Nhân là bị đơn trong vụ án.

    XÉT THẤY

    Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và thảo luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận định:

    Hợp đồng ủy thác nhập khẩu số 24.10.2002/VTB-TH ngày 24/10/2002 giữa Công ty cổ phần vận tải biển và thương mại Nghệ An (bên A) và Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto (bên B); theo đó bên A có trách nhiệm nhập cho bên B, 4 chiếc xe trộn bê tông hiệu ASIA đã qua sử dụng của Hàn Quốc. Thực hiện hợp đồng bên B đã đóng tiền cọc, bên A đã mở L/C. Phía Hàn Quốc đã gửi bộ vận đơn và hối phiếu đến Ngân hàng yêu cầu thanh toán và đã được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thanh toán. Nếu không có hàng xuống tàu; Thuyền trưởng không ký phát vận đơn thì không thể có bộ hồ sơ để phía Hàn Quốc yêu cầu thanh toán L/C. Như vậy, lý do mà bên A nêu ra: “do thời tiết không thuận lợi” nên bên bán không xuất được hàng, nên không có hàng về cảng là không đúng. Cần phải làm rõ tại sao trả tiền rồi mà không có hàng, hoặc có hàng thì hàng đi đâu, và vì sao không khởi kiện người bán hàng là phía Hàn Quốc? để làm rõ trách nhiệm của bên A về vấn đề này.

    Do không có 4 xe trộn bê tông hiệu ASIA nên hai bên phải thỏa thuận lại nhập bốn xe trộn bê tông Mitsubishi đã qua sử dụng thay thế cho bốn xe ASIA. Trong hợp đồng không có thỏa thuận cụ thể về chất lượng, điều đó được hiểu là chất lượng phải đạt mức tối thiểu đối với xe đã qua sử dụng để được nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam. Nay bốn chiếc xe Mitsubishi nhập về đều không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu, Hải quan yêu cầu tái xuất và sau đó là tịch thu và cũng ghi rõ là tịch thu của bên A. Như vậy, trách nhiệm nhận ủy thác nhập khẩu của bên A chưa hoàn thành và bên A phải có trách nhiệm về việc bốn chiếc xe nhập về bị tịch thu và chịu trách nhiệm đối với bên B (bên ủy thác).

    Tòa án cấp phúc thẩm loại trừ mọi trách nhiệm của bên A; buộc bên B phải trả toàn bộ giá trị cho bốn chiếc xe Mitsubishi nhập về bị tịch thu là không đúng.

    Tòa án các cấp cũng cần xác minh làm rõ việc nhận nợ của bên B ngày 11/11/2002 là cho bốn chiếc xe ASIA sau khi ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thanh toán cho nhà xuất khẩu. Nhưng không có xe ASIA, phải thỏa thuận thay bằng 4 xe Mitsubishi …Sau này không nhận được xe nhưng vẫn xác nhận nợ và ký hợp đồng bảo lãnh là vì lý do gì? Căn cứ pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ nếu có chiếc xe không thu hồi được cơ quan chức năng đã xử lý thế nào để đánh giá trách nhiệm và lỗi của các bên để quyết định cho thỏa đáng và tránh thiệt hại cho các bên đương sự.

    Ngoài ra, khoản 3 Điều 143 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp”; Vì vậy, bị đơn trong vụ án này phải là ông Bồ Văn Nhân chủ Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto; Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị đơn là Doanh nghiệp tư nhân Biên Hòa Auto do ông Bồ Văn Nhân làm đại diện là chưa chính xác.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và khoản 1, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH

    Chấp nhận Kháng nghị số02/KN-AKT ngày 24/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    Hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số01/2007/KDTM-PT ngày 24/7/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số15/2007/KDTM-ST ngày 27/3/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa , tỉnh Đồng Nai. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa , tỉnh Đồng Nai xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    T/M.HỘI ĐỒNG XÉT XỬ GIÁM ĐỐC THẨM

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Đỗ Cao Thắng

    (Đã ký)



     

    Nơi nhận:

    - TAND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

    (kèm theo hồ sơ vụ án);

    - TAND tỉnh Đồng Nai;

    - VKSNDTC (Vụ 12);

    - Thi hành án DS thành phố Biên Hòa,

    tỉnh Đồng Nai;

    - Các bên đương sự ;

    - Lưu: TKT (TANDTC).

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 10:31:19 SA
     
    3411 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận