QUYỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI BỊ TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP VÀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Chủ đề   RSS   
  • #447072 20/02/2017

    QUYỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI BỊ TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP VÀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

    Hiện nay, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) và số người chết trong những vụ tai nạn ấy không ngừng tăng lên. (ảnh 1)

    ảnh 1

    Với thực tế như vậy, pháp luật quy định như thế nào về quyền lợi của NLĐ trong những trường hợp không may trong quá trình làm việc?

    Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu xem như thế nào là tai nạn lao động và như thế nào là bệnh nghềnghiệp.

    Tai nạn lao động là sự cố rủi ro bất ngờ xảy ra trong quá trình lao động gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng người lao động gắn với việc thực hiện công việc, nghĩa vụ lao động. Các trường hợp được coi là tai nạn lao động bao gồm: tai nạn xảy ra trong giờ làm việc, tại nơi làm việc; tai nạn xảy ra ngoài giờ làm việc, ngoài nơi làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; tai nạn xảy ra trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc của người lao động. 

    Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh mang tính chất đặc trưng nghề nghiệp hoặc liên quan đến nghề nghiệp, do tác hại thường xuyên và kéo dài của điều kiện lao động xấu.
     

    Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động có thể từ nhiều phía, có thể do người sử dụng lao động chưa quan tâm tổ chức huấn luyện kiến thức về an toàn lao động và trang bị dụng cụ bảo hộ lao động cho người lao động, hoặc người lao động vi phạm các quy trình, biện pháp về an toàn lao động, bỏ qua hoặc không sử dụng bảo hộ lao động và đến khi tai nạn lao động xảy ra thì hậu quả để lại đã nghiêm trọng.
     

    Hậu quả từ những vụ tai nạn lao động rất nặng nề, bởi nó không đơn thuần lấy đi sức khỏe và tính mạng, gây thiệt hại về kinh tế cho người lao động và người thân. Đằng sau những tai nạn lao động là hệ lụy lâu dài ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

    Ngoài việc pháp luật quy định rằng người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh cải thiện điều kiện lao động, trang bị và cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện, thực hiện biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động. Pháp luật còn bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc người lao động bị bệnh nghề nghiệp tại Điều 145 của Bộ luật lao động như sau:

    Thứ nhất, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 43 của Luật bảo hiểm xã hội .

    Thứ hai, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

    Thứ ba, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

    -         Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

    -         Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

    Thứ tư, nếu xảy ra tai nạn do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

     
    3172 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận