Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành trên phạm vi cả nước đã được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng những người chuyển giới, người đồng tính nói riêng và toàn xã hội nói chung đó là có quy định về quyền chuyển đổi giới tính.
Bộ luật Dân sự 2005 quy định rằng, cá nhân có quyền xác định lại giới tính chỉ khi người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Tức là Bộ luật Dân sự 2005 không cho phép sự chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình về giới tính và muốn sống thật với bản thân mình.
Sau khi Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội thông qua, quy định về chuyển giới đã được mở rộng hơn. Cụ thể, Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Theo quy định của pháp luật thì những người đã phẫu thuật chuyển giới có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch và quyền nhân thân theo luật định.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đối với người chuyển đổi giới tính như các giấy tờ liên quan đến người chuyển đổi giới tính sẽ giải quyết ra sao. Ví dụ như học bạ, bằng đại học, hay đối với việc thực hiên nghĩa vụ quân sự sẽ như thế nào, có quy định về độ tuổi hay có những quyền đặc biệt đối với người chuyển đổi giới tính không. Rồi chế độ làm việc nghỉ ngơi của họ có khác gì so với một người bình thường hay không.
Một vấn đề nữa đó là người vợ hoặc chồng đang sống chung mà chuyển đổi giới tính thì được giải quyết ra sao. Hoặc trường hợp họ đã xác định được giới tính nhưng vì lý do kinh tế mà không thể đi chuyển đổi được giới tính thì có được kết hôn không bởi Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi năm 2014 không cấm kết hôn giữa những người đồng tính, nhưng cũng không hề công nhận.
Ngoài ra, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện ở đâu, bệnh viện nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, bác sỹ được đào tạo như thế nào, chế độ chăm sóc người chuyển đổi giới tính ra sao thì vẫn còn phải chờ câu trả lời của pháp luật.
Hiện tại, đã có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới và thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân. Điều này được xem là một bước tiến lớn, chứng tỏ sự tiến bộ của bộ máy lập pháp Việt Nam.
Và để đảm bảo hơn quyền lợi cho cộng đồng LGBT không cách nào khác là có những quy định cụ thể của pháp luật để có thể bảo vệ tốt hơn cho họ. Và chúng ta mong chờ Luật chuyển đổi giới tính ra đời để đảm bảo toàn diện cho người chuyển giới.
Cập nhật bởi Cherry1234 ngày 23/07/2018 10:00:05 CH