Quyền bí mật đời tư, bảo vệ quyền bí mật đời tư

Chủ đề   RSS   
  • #367840 15/01/2015

    luathoabinh
    Top 150
    Lớp 2

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:21/01/2013
    Tổng số bài viết (545)
    Số điểm: 3610
    Cảm ơn: 4
    Được cảm ơn 159 lần


    Quyền bí mật đời tư, bảo vệ quyền bí mật đời tư

    Luật Hòa Bình có bài viết chia sẻ về : "Quyền bí mật đời tư, bảo vệ quyền bí mật đời tư" . Rất mong được sự góp ý. Xin cảm ơn.

    ------------------------------------------------------------------------------------------

    “bí mật đời tư” là một cụm từ Hán - Việt, có nguồn gốc từ chữ Hán và được Việt hóa. Do đó, có thể hiểu “bí mật” là những chuyện kín đáo, chuyện muốn che giấu, không muốn ai biết. “Tư” ở đây có nghĩa là riêng, việc riêng, của riêng. Như vậy, “bí mật đời tư” là chuyện thầm kín của một cá nhân nào đó.

    Điều 34 Bộ Luật Dân Sự (BLDS) 1995 chỉ ghi nhận ngắn gọn: (1). Quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. (2). Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý, nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. (3). Không ai được tự tiện bóc mở, thu giữ, tiêu huỷ thư tín, điện tín, nghe trộm điện thoại hoặc có hành vi khác nhằm ngăn chặn, cản trở đường liên lạc của người khác. Chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định và phải có lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.

    Như vậy, theo Điều luật này, “bí mật đời tư” được giới hạn trong phạm vi “thư tín, điện tín, điện thoại”, “đường liên lạc”. Điều 38 BLDS 2005 quy định quyền bí mật đời tư trong phạm vi rộng hơn, tức bổ sung thêm “các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân”, còn nội dung khác vẫn giữ nguyên theo tinh thần BLDS 1995.

    Theo quan điểm của một số người làm công tác pháp luật, bí mật đời tư có thể được hiểu là những gì gắn với nhân thân con người, là quyền cơ bản. Đó có thể là những thông tin về hình ảnh, cuộc sống gia đình, tên gọi, con cái, các mối quan hệ... gắn liền với một cá nhân mà người này không muốn cho người khác biết. Những bí mật đời tư này chỉ có bản thân người đó biết hoặc những người thân thích, người có mối liên hệ với người đó biết và họ chưa từng công bố ra ngoài cho bất kỳ ai. “Bí mật đời tư” có thể hiểu là “chuyện trong nhà” của cá nhân nào đó. Ví dụ: con ngoài giá thú, di chúc, hình ảnh cá nhân, tình trạng sức khỏe, bệnh tật, các loại thư tín, điện thoại, điện tín…

    Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về quyền bí mật đời tư như sau:

    "1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
    2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
    3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
    Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

    Mặc dù Điều 38 BLDS không đưa ra khái niệm bí mật đời tư, nhưng theo lẽ thông thường có thể hiểu bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân mà cá nhân đó không muốn cho người khác biết. Báo chí có quyền đưa tin, nhưng với những thông tin về bí mật đời tư của cá nhân thì việc đưa tin phải được sự đồng ý của cá nhân đó. Ở đây cần phân biệt sự công khai thông tin tại Toà án giữa một vụ án dân sự, hôn nhân gia đình với một vụ án hình sự. Trong vụ án hình sự, những thông tin đó liên quan đến người phạm tội, họ đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và chịu hình phạt do Nhà nước qui định nên những thông tin này có thể được công khai để nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Đối với những thông tin trong vụ án ly hôn, đó là thông tin liên quan đến bản thân đương sự, không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hay lợi ích của người khác nên các đương sự có quyền không công khai những thông tin này. Trường hợp này cần phải hiểu là công khai thông tin tại Toà án không đồng nghĩa với việc mất tính bảo mật của thông tin đó.

    Việc công khai thông tin tại Toà án khi các đương sự ly hôn là căn cứ để Toà án xem xét, quyết định cho ly hôn, cấp dưỡng, nuôi con, nhưng thông tin đó nếu được công khai ra dư luận có thể sẽ tạo sự bất lợi trong cuộc sống, sinh hoạt của người trong cuộc. Ví dụ: anh A xin ly hôn với vợ là chị B, tại phiên toà, anh thừa nhận rằng quan hệ sinh lý giữa hai vợ chồng không hoà hợp (anh bị mắc bệnh…) nên Toà án đã đồng ý cho ly hôn. Sau đó, những lời trình bày của anh A tại phiên toà được công khai, dư luận đàm tiếu…- trường hợp này cũng cần xác định rằng mặc dù thông tin đó được công khai tại phiên toà nhưng vẫn được coi là bí mật đời tư.

    Về nguyên tắc luật, “Quyền bí mật đời tư” là không đồng nhất với khái niệm “Quyền riêng tư”. Quyền riêng tư cũng liên quan đến cá nhân, tuy nhiên những vấn đề thuộc về riêng tư xét ở khía cạnh nào đó lại không được coi là bí mật, mặc dù pháp luật vẫn bảo hộ những quyền này. Bất cứ cá nhân nào cũng có sự tự do trong suy nghĩ, hành động – đây là sự “riêng tư” của chính họ. Lẽ dĩ nhiên, nếu là sự tự do trong suy nghĩ thì vấn đề không có gì phức tạp, bởi không ai có thể bắt người khác phải suy nghĩ theo ý muốn của mình. Ngược lại, nếu là sự tự do trong hành động thì điều đó còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như luật pháp, quan hệ với những người xung quanh, sự tác động của phong tục tập quán, thói quen…

    Chúng ta có thể thấy, pháp luật nói chung, pháp luật Việt Nam nói riêng luôn tôn trọng sự riêng tư của cá nhân (quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, quyền lựa chọn công việc cho phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân, quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng…). Như vậy, để có thể hiểu được “Quyền bí mật đời tư” thì phải xây dựng được khái niệm “bí mật đời tư”. Và việc xây dựng khái niệm “bí mật đời tư” phải xác định được hai khái niệm cũng như sự liên kết của hai khái niệm, đó là khái niệm “bí mật” và khái niệm “đời tư”.

    TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÒA BÌNH

    Website: http://www.luathoabinh.com/

    Văn phòng tại Hà Nội: Số 09 Lê Văn Lương, Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: 04 6292 4060 Hot-line: 0936 171 023

    Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh: 68/240 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - Hot-line: 0936 171 023

    Email: luathoabinh.com@gmail.com

     
    15514 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận