Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi!
Dựa theo những thông tin và bạn cung cấp, chúng tôi xin có một số góp ý như sau:
Về thủ tục thứ nhất: Trên cơ sở kết quả xử lý khai trừ đảng của Huyện ủy, UBND huyện ra quyết định cách chức đối với CTUBND xã (A), sau đó HĐND xã (A) họp để bãi miễn.
Theo điều 15 Nghị định số 08/2016/NĐ-CP Quy định số lượng Phó chủ tịch UBND, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức, thành viên UBND
“Điều 15. Điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân
[…]
2. Khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ.
Thủ tướng Chính phủ khi quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện khi quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thì đồng thời quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
[…]
4. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kể từ ngày quyết định điều động, cách chức có hiệu lực và không thực hiện thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Ủy ban nhân dân.”
Có thể thấy, Chủ tịch UBND xã A đã vi phạm và bị khai trừ khỏi Đảng. Thứ nhất, trên cơ sở đó, CTUBND xã A hoàn toàn có thể chịu mức kỷ luật cách chức. Tuy nhiên, quyết định cách chức Chủ tịch UBND xã A phải được CTUBND huyện phê chuẩn dựa theo đề nghị của Trưởng phòng Nội vụ, chứ không thể chỉ dựa trên cơ sở kết quả xử lý khai trừ khỏi Đảng của Huyện ủy được. Thứ 2, trong trường hợp CTUBND xã A đã bị cách chức thì không cần HĐND xã A họp để bãi miễn nữa vì luật không có quy định này. Do đó, thủ tục giải quyết thứ nhất là không hợp lý.
Về thủ tục thứ hai: UBND huyện hướng dẫn HĐND xã tổ chức họp HĐND xã để xem xét bãi nhiệm chức danh CTUBND xã(A), sau đó lập thủ tục hồ sơ theo quy định gửi lên UBND huyện để phê chuẩn kết quả bãi nhiệm của HĐND xã.
Theo điều 13 Nghị định số 08/2016/NĐ-CP Quy định số lượng Phó chủ tịch UBND, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức, thành viên UBND
“Điều 13. Từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân
[…]
3. Hội đồng nhân dân bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết tội bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
b) Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao mà chưa đến mức kỷ luật cách chức nhưng cần phải bãi nhiệm.
4. Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân; miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
5. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Trường hợp thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức bỏ phiếu kín thì thành lập Ban kiểm phiếu. Thành phần Ban kiểm phiếu và việc bầu Ban kiểm phiếu thực hiện như quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 11 Nghị định này.
6. Kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tán thành.
7. Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân cùng cấp.”
=> Có thể thấy, khoản 4 và khoản 6 điều 13 nghị định 08/2016/NĐ-CP đã trích dẫn ở trên, HĐND xã A có thẩm quyền bãi nhiệm Chủ tịch UBND xã A theo đề nghị của Chủ tịch HĐND xã A. HĐND phải họp công khai hoặc bỏ phiếu kín và phải có quá nửa số đại biểu HĐND tán thành thì quyết định bãi nhiệm mới được thông qua. Tuy nhiên, theo tôi, cách dùng từ “UBND hướng dẫn HĐND xã họp” là chưa được thỏa đáng.
Như vậy, tôi cho rằng cách xử lý thứ thứ hai hợp lý hơn trong hai cách xử lý trên trong trường hợp này này.
Ninh Thị Hải Thanh| CÔNG TY TNHH LUẬT VIỆT KIM (www.vietkimlaw.com)
M: (+84-4) 3.2899.888 - E: luatvietkim@gmail.com
Ad: CS1- Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN
CS2 - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.