Nghị định 60/2024/NĐ-CP được ban hành quy định về phát triển và quản lý chợ. Trong đó, tổ chức quản lý chợ nắm giữ quyền và trách nhiệm quan trọng trong việc tổ chức, triển khai việc quản lý chợ và các dịch vụ phục vụ hoạt động của chợ, bài viết này cung cấp thêm thông tin cho đọc giả về tổ chức quản lý chợ.
Đối tượng tổ chức quản lý chợ là ai?
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 60/2024/NĐ-CP tổ chức quản lý chợ bao gồm:
+ Chủ đầu tư xây dựng chợ;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ;
+ Tổ chức được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định 60/2024/NĐ-CP;
+ Tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định 60/2024/NĐ-CP.
Theo đó, các chủ thể là tổ chức quản lý chợ sẽ có các quyền và nghĩa vụ để thực hiện việc quản lý chợ.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức quản lý chợ
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 60/2024/NĐ-CP, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ được quy định như sau:
+ Tổ chức, triển khai việc quản lý chợ và các dịch vụ phục vụ hoạt động của chợ theo quy định của Nghị định 60/2024/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
+ Thực hiện cải tạo, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chợ theo quy định; đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và đo lường trong phạm vi chợ, các khu vực kinh doanh.
+ Xây dựng Nội quy chợ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2024/NĐ-CP, tổ chức điều hành chợ hoạt động theo Nội quy chợ và xử lý các hành vi vi phạm Nội quy chợ theo thẩm quyền.
+ Ký và thực hiện hợp đồng với các thương nhân về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
+ Phổ biến, thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan cho thương nhân kinh doanh tại chợ.
+ Phối hợp với cơ quan có chức năng trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
+ Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của chợ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
+ Duy trì hoạt động chợ nhằm bảo đảm hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trong điều kiện bình thường cũng như theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
+ Ngoài các nghĩa vụ nêu trên, tổ chức quản lý chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15, Điều 24, Điều 25 Nghị định 60/2024/NĐ-CP có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tổ chức quản lý chợ được ghi nhận các quyền và trách nhiệm như trên để thực hiện việc tổ chức, quản lý và phát triển chợ.
Như vậy, có thể thấy tổ chức quản lý chợ là các đối tượng điều hành hoạt động của chợ theo Nội quy chợ và thực hiện các công việc khác nhằm mục đích đảm bảo an ninh, trật tự, môi trường,.. góp phần xây dựng và phát triển chợ.