Theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật BHXH 2014 thì người lao động bị tai nạn trên đường đi làm về nếu trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động. Và pháp luật quy định rõ là trong thời gian người lao động điều trị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Về khoảng thời gian nghỉ tối đa điều trị đối với thương tật bất kỳ thì pháp luật không có quy định, vì còn tùy thuộc vào thương tật và thể chất của mỗi người được bác sĩ chỉ định điều trị. Việc người lao động xin được giấy nghỉ vượt quá thời gian thì vấn đề phát sinh ở bác sĩ chỉ định chứ không phải ở thời gian nghỉ thương tật. Nếu công ty nghi ngờ về đơn xin nghỉ có thể để người lao động làm giấy cam kết hoặc yêu cầu giám định lại tình trạng sức khỏe của người lao động.
Tuy nhiên pháp luật có những quy định về thời gian tối đa nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị tại khoản 1 Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 2 Điều 54 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015:
“…
a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
…”