Nhiều nhà thầu thường đặt câu hỏi về mức tiền bảo đảm dự thầu cần nộp trong các cuộc đấu thầu. Mức tiền này có được quy định cụ thể hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
(1) Bảo đảm dự thầu là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023, nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu:
- Đặt cọc;
- Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
- Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Như vậy, có thể hiểu bảo đảm dự thầu là một hình thức bảo đảm tài chính mà nhà thầu phải cung cấp khi tham gia vào một quá trình đấu thầu. Mục đích của bảo đảm dự thầu là để đảm bảo rằng nhà thầu sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình nếu được chọn trúng thầu.
Theo đó, việc bảo đảm mời thầu sẽ giúp bên mời thầu bảo vệ quyền lợi của mình, đảm bảo rằng nhà thầu sẽ không rút lại hồ sơ dự thầu hoặc không thực hiện hợp đồng sau khi trúng thầu.
Chiếu theo quy định trên, bảo đảm dự thầu có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như nộp tiền mặt (đặt cọc), bảo lãnh ngân hàng, chứng thư bảo lãnh.
Trước thời điểm đóng thầu, nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu.
Trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu hai giai đoạn, nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trong giai đoạn hai.
(2) Bảo đảm dự thầu được áp dụng đối với các gói thầu nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023, bảo đảm dự thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư.
Như vậy, bảo đảm dự thầu được áp dụng trong các trường hợp như: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với các gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và cả các gói thầu hỗn hợp.
Ngoài ra, bảo đảm dự thầu cũng được áp dụng trong các trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế để lựa chọn nhà đầu tư.
(3) Mức tiền đảm bảo dự thầu được quy định ra sao?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023, dựa vào quy mô và tính chất của từng dự án, dự án đầu tư kinh doanh, gói thầu cụ thể, mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu được quy định như sau:
- Từ 1% đến 1,5% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng;
- Từ 1,5% đến 3% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
- Từ 0,5% đến 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư.
Như vậy, mức bảo đảm dự thầu được xác định linh hoạt để phù hợp với quy mô và mức độ phức tạp của từng gói thầu, đồng thời đảm bảo bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư.
Ngoài quy mô và tính chất của gói thầu, việc xác định mức bảo đảm còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tính cạnh tranh của gói thầu, mức độ rủi ro của dự án, và khả năng tài chính của nhà thầu.
Theo đó, khi được bên mời thầu lựa chọn, tiền bảo đảm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư sẽ được bên mời thầu hoàn trả hoặc giải tỏa.
Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư không được lựa chọn cũng sẽ được hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu theo thời hạn trong hồ sơ mời thầu nhưng không quá 14 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt.