Quy định về Khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #531238 23/10/2019

    Limma

    Female
    Chồi

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/09/2019
    Tổng số bài viết (116)
    Số điểm: 1075
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 145 lần


    Quy định về Khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân thế nào?

    Theo quy định tại Điều 30 Luật Dân sự 2015 quy định mọi cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. Do đó, trong bất kì trường hợp nào người mẹ sinh con đều có nghĩa vụ đi đăng kí khai sinh cho con mình. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn đã kết hôn và đang trong thời kì hôn nhân, nhưng bạn lại có con với người thứ ba thì trong trường hợp này bạn sẽ khai sinh cho con bạn như thế nào?

    Dưới đây là bài viết hướng dẫn việc khai sinh cho con được sinh ra trong thời kì hôn nhân. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

    Căn cứ quy định tai Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

    Điều 88. Xác định cha, mẹ

    1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

    Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

    Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

    2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

    Theo quy định trên, thì nếu hai vợ chồng đã ly thân hoặc với bất kì lý do gì, bạn có quan hệ với người thứ ba và sinh con. Nhưng về mặt pháp lý bạn vẫn chưa ly hôn và vẫn đang trong thời kì hôn nhân. Do đó, con bạn sinh ra vẫn được xác định là con chung của hai vợ chồng. Khi có yêu cầu làm giấy khai sinh, UBND xã vẫn căn cứ và ghi tên chồng bạn là cha đứa bé.

    Tuy nhiên, bạn vẫn có thể khai sinh cho con mang họ mẹ, để trống tên cha nếu người chồng cũ (hoặc vợ cũ) làm thủ tục không nhận đứa bé là con của mình, theo thủ tục quy định tại điều 101 và điều 102 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

    Sau khi chồng (hoặc vợ) bạn hoàn thành thủ tục không nhận con thì bạn có thể thực hiện thủ tục khai sinh cho con bạn theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:

    - Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ. Theo đó, bạn đến UBND cấp xã để làm giấy khai sinh cho con bạn.

    - Hồ sơ gồm (Căn cứ Điều 16 Luật Hộ tịch):

    + Nộp tờ khai theo mẫu quy định.

    + Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

    Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

    + Giấy tờ tùy thân của mẹ: Chứng minh nhân dân; …

    Lưu ý:

    - Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

    - Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

    - Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.

    Sau khi bạn li hôn với chồng cũ (hoặc vợ cũ) bạn có thể làm thủ tục cho con bạn nhận cha theo quy định tại Điều 25 Luật hộ tịch 2014, như sau:

    - Nơi Thụ lý đơn là: Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ;

    - Hồ sơ :

    + Tờ khai theo quy định

    + Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con (hướng dẫn tại Điều 11, Thông tư số 15/2015/TT-BTP) như sau:

    Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

    - Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

    - Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

    - Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

    - Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

    Lưu ý: Khi làm thủ tục phải có sự có mặt của cha và mẹ;

    - Thời gian giải quyết: 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong trường hợp cần xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 5 ngày làm việc.

    Trên đây là những hướng dẫn đối với những bạn đang trong thời kì hôn nhân nhưng có con với người thứ ba thì bạn có thể thực hiện thưc hiện thủ tục đăng kí khai sinh cho con bạn bằng cách để trống tên cha trong giấy khai sinh, theo thủ tục tại quy định như trên. Bạn nào còn thắc mắc để lại bình luận mình sẽ giải đáp nhé.

    Cập nhật bởi Limma ngày 23/10/2019 07:55:30 CH
     
    15340 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn Limma vì bài viết hữu ích
    vanbanden (15/08/2023) ThanhLongLS (24/10/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận