Quy định về Giấy phép khai thác thủy sản, quản lý vùng khai thác thủy sản

Chủ đề   RSS   
  • #604823 17/08/2023

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Quy định về Giấy phép khai thác thủy sản, quản lý vùng khai thác thủy sản

     

    Việc quản lý vùng khai thác thủy sản; quy định về việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản và hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển được quy định tại Luật Thủy sản 2017, cụ thể như sau:

    1. Quản lý vùng khai thác thủy sản

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Thủy sản 2017 thì Chính phủ sẽ quy định vùng biển khai thác thủy sản bao gồm vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi; hoạt động của tàu cá trên các vùng biển, cụ thể cho quy định này, Chính phủ đã có quy định chi tiết tại Điều 42 Nghị định 26/2019/NĐ-CP như sau:

    - Vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng khai thác thủy sản như sau:

    + Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thủy triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý;

    + Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng;

    + Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam

    - Ủy ban nhân dân hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp giáp nhau căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển ven bờ để hiệp thương xác định và công bố ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ giữa hai tỉnh.

    Đồng thời, tại khoản 2, khoản 3 Điều 48 Luật này cũng quy định việc phân quyền quản lý vùng khai thác thủy sản như sau: Bộ NN&PTNT quản lý khai thác thủy sản tại vùng khơi; UBND cấp tỉnh quản lý khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng và khai thác thủy sản nội địa trên địa bàn.

    2. Hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển

    Căn cứ xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Thủy sản 2017 bao gồm:

    - Kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản;

    - Xu hướng biến động nguồn lợi thủy sản;

    - Tổng sản lượng thủy sản tối đa cho phép khai thác bền vững;

    - Cơ cấu nghề, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác;

    - Trường hợp khai thác loài thủy sản di cư xa hoặc loài thủy sản có tập tính theo đàn phải căn cứ vào các quy định vừa nêu trên và sản lượng cho phép khai thác theo loài. Bộ NN&PTNT xác định loài được quy định tại điểm này.

    Căn cứ theo quy định xác định hạn ngạch nêu trên, Bộ NN&PTNT xác định, giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. UBND cấp tỉnh xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý.

    Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi thủy sản trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.

    3. Quy định về việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản

    - Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Thủy sản 2017 thì tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

    + Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, đối với khai thác thủy sản trên biển;

    + Có nghề khai thác thủy sản không thuộc Danh mục nghề cấm khai thác;

    + Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, đối với tàu cá phải đăng kiểm;

    + Tàu cá có trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT;

    + Có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên theo quy định (việc quản lý hệ thống giám sát trên tàu cá được hướng dẫn bởi Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP);

    + Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

    + Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

    - Nội dung chủ yếu của Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật nay bao gồm các thông tin sau:

    + Tên tổ chức, cá nhân được cấp phép;

    + Số đăng ký tàu cá; tên tàu, hô hiệu, mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (nếu có);

    + Nghề, vùng biển hoặc khu vực được phép khai thác;

    + Thời gian hoạt động khai thác của từng nghề;

    + Sản lượng cho phép khai thác theo loài (nếu có);

    + Cảng cá đăng ký và thời hạn của giấy phép.

    - Thời hạn của giấy phép cấp lần đầu không quá thời hạn còn lại của hạn ngạch kể từ ngày cấp. Nội dung của Giấy phép khai thác thủy sản được điều chỉnh khi có biến động về nguồn lợi thủy sản theo quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật này. Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh thông báo việc điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu.

    - UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép khai thác thủy sản, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT. Bộ NN&PTNT cấp Giấy phép khai thác thủy sản đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

    - Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khai thác thủy sản được hướng dẫn tại Điều 45 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

     

     
    1249 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận