Quy định về bộ phận dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Chủ đề   RSS   
  • #616518 19/09/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Quy định về bộ phận dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

    Bộ phận dược lâm sàng và số lượng người phụ trách công tác dược lâm sàng, người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám, chữa bệnh được quy định tại Nghị định 131/2020/NĐ-CP.

    1. Quy định bộ phận dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh

    Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định bộ phận dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh như sau:

    - Bộ phận dược lâm sàng thuộc khoa dược của cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức thực hiện các hoạt động dược lâm sàng tại cơ sở để phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú;

    - Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược theo quy định về khám, chữa bệnh vẫn phải tổ chức bộ phận dược lâm sàng để thực hiện các hoạt động dược lâm sàng phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú;

    - Nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các hoạt động dược lâm sàng tại nhà thuốc để phục vụ người mua thuốc trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức nhà thuốc.

    Như vậy, bộ phận dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh sẽ thực hiện theo quy định nêu trên. Theo quy định tại khoản 40 Điều 2 Luật Dược 2016 thì dược lâm sàng là hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hành dược về tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.

    2. Số lượng người phụ trách công tác dược lâm sàng và người làm công tác dược lâm sàng

    Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định số lượng người phụ trách công tác dược lâm sàng và người làm công tác dược lâm sàng như sau:

    - Cơ sở khám, chữa bệnh có từ 200 giường bệnh trở lên: phải bố trí 01 người phụ trách công tác dược lâm sàng và phải có số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 200 giường bệnh nội trú và ít nhất 01 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày;

    - Cơ sở khám, chữa bệnh có dưới 200 giường bệnh hoặc cơ sở khám, chữa bệnh không tổ chức khoa dược theo quy định: phải có ít nhất 01 người phụ trách công tác dược lâm sàng kiêm người làm công tác dược lâm sàng phục vụ người bệnh nội trú (nếu có) và phải có số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày;

    - Nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: phải có ít nhất 01 người làm công tác dược lâm sàng cho 01 địa điểm kinh doanh của nhà thuốc. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc có thể đồng thời là người làm công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc.

    Đồng thời, tại khoản 3 Điều 3 cũng quy định về lộ trình tăng số lượng người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám, chữa bệnh như sau:

    - Chậm nhất đến ngày 01/01/2026: các bệnh viện từ hạng II trở lên phải bảo đảm số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 150 giường bệnh nội trú và ít nhất 1,5 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày;

    - Chậm nhất đến ngày 01/01/2031: các cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 100 giường bệnh nội trú và ít nhất 02 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày.

    Như vậy, tùy thuộc vào quy mô giường bệnh hoặc điều kiện tổ chức khoa dược của cơ sở khám, chữa bệnh mà số lượng người phụ trách công tác dược lâm sàng và người làm công tác dược lâm sàng sẽ khác nhau. Đồng thời, lộ trình chậm nhất đến ngày 01/01/2031 thì các cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 100 giường bệnh nội trú và ít nhất 02 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày.

    3. Điều kiện của người làm công tác dược lâm sàng

    - Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 131/2020/NĐ-CP, người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám, chữa bệnh (trừ trường hợp người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền) phải có bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành dược trở lên (được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam).

    - Đối với người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền có một trong các văn bằng sau đây (được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam):

    + Văn bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành dược trở lên (được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam) và có một trong các văn bằng, chứng chỉ về y dược cổ truyền quy định tại điểm i và l khoản 1 Điều 13 Luật Dược 2016;

    + Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược cổ truyền trở lên;

    + Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền trở lên.

    - Đối với người làm công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh phải đáp ứng điều kiện có bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành dược trở lên (được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam). Trường hợp người làm công tác dược lâm sàng cũng chính là người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Dược 2016.

    Như vậy, người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám, chữa bệnh phải đáp ứng điều kiện nêu trên tùy thuộc vào vị trí công tác. Đồng thời tại Điều 5 Nghị định này cũng quy định về người phụ trách công tác dược lâm sàng, tại Điều 82 Luật Dược 2016 quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm công tác dược lâm sàng.

     
    63 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận