Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác và điều kiện thực hiện được quy định tại Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006.
1. Đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết
Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết với cơ sở y tế. Tại Điều 18 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết như sau:
- Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
- Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến và cơ sở y tế có trách nhiệm:
+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người;
+ Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến;
+ Cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến;
+ Báo cáo danh sách người đăng ký hiến đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Như vậy, nếu cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết và thủ tục đăng ký hiến thực hiện theo quy định nêu trên. Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến. Người đã hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Quy định thủ tục đăng ký hiến xác
Tương tự như trường hợp đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết thì cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến xác với cơ sở y tế. Thủ tục đăng ký hiến xác được quy định tại Điều 19 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 như sau:
- Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến xác, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến (là cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất bảo quản xác, trang thiết bị, nhân sự và có phòng tưởng niệm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế).
- Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến xác, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến có trách nhiệm sau:
+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan về hiến xác;
+ Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn;
+ Cấp thẻ đăng ký hiến xác cho người hiến.
Như vậy, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có quyền hiến xác và việc đăng ký hiến xác có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến. Người hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và điều kiện lấy xác
Tại Điều 21 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết như sau:
- Chỉ cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này mới được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết.
- Việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết;
+ Có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và đã được công bố là chết não theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật này;
+ Trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.
Bên cạnh đó, tại Điều 22 của Luật này cũng quy định điều kiện lấy xác như sau:
- Chỉ cơ sở là cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất bảo quản xác, trang thiết bị, nhân sự và có phòng tưởng niệm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế mới được tiến hành lấy xác.
- Việc lấy xác được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Người chết có thẻ đăng ký hiến xác;
+ Trường hợp người chết không có thẻ đăng ký hiến xác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó;
+ Người chết không xác định được nơi cư trú cuối cùng và có giấy chứng tử do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó chết cấp.
Như vậy, thuộc vào một trong các trường hợp được quy định trên thì mới tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết hoặc lấy xác, trong đó lưu ý trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết hoặc không có thẻ đăng ký hiến xác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.