Nhập ngũ hay tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự được coi là một trong những nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mọi công dân. Ở đó, mỗi công dân tham gia sẽ có cơ hội rèn luyện, học tập trong một môi trường quy củ, khắt khe để từ đó xây dựng trong mỗi người khả năng độc lập, kỷ luật quân đội. Tham gia nghĩa vụ quân sự còn thể hiện được tình yêu nước, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc khi Tổ quốc cần.
Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có những quy định riêng phù hợp với truyền thống, văn hóa của quốc gia đó khi nhắc đến "Nghĩa vụ quân sự":
- Tại Mỹ:
Chính sách thực hiện nghĩa vụ bắt buộc được áp dụng tại Mỹ từ thế kỷ XIX, khi cuộc nội chiến xảy ra ở nước này. Tuy nhiên, công dân nước này có thể lách luật bằng cách nộp khoản phí 300$ hoặc thuê người khác thay thế. Mỹ tiếp tục yêu cầu nam thanh niên phải lên đường nhập ngũ để phục vụ cho các cuộc chiến tranh của Mỹ tại Thế chiến thứ I, Thế chiến thứ II, chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách này đã được gỡ bỏ kể từ năm 1973. Thay vào đó việc nhập ngũ của công dân Mỹ được thực hiện một cách hoàn toàn tự nguyện và những người này sẽ phải phục vụ trong quân ngũ ít nhất 8 năm. Tháng 12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố rằng công dân Mỹ, chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn, có thể phục vụ trong quân đội. Điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ Mỹ có quyền tham gia quân đội, chia sẻ trách nhiệm bảo vệ tổ quốc với nam giới.
- Tại Thụy Sỹ:
Quốc gia này yêu cầu tất cả đàn ông từ 19 đến 26 tuổi đều phải đăng ký nhập ngũ và phục vụ trong quân đội ít nhất 260 ngày, trong đó có 18 tuần huấn luyện và 7 lần gọi tái nhập ngũ, mỗi lần kéo dài 3 tuần trong suốt 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, họ có thể chọn phục vụ cộng đồng 390 ngày thay vì thi hành nghĩa vụ quân sự.
- Tại Singapo:
Công dân nam từ 18 tuổi trở lên bắt buộc phải đăng ký nhập ngũ, và thời hạn phục vụ khác nhau tùy vào trình độ văn hóa. Chỉ những người không đủ sức khỏe hoặc chưa tốt nghiệp phổ thông mới được miễn hoặc tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Những người muốn đi du học mà chưa được gọi nhập ngũ thì có thể xin phép hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự cho đến khi học xong, và phải đóng tiền bảo đảm quân dịch với các mức ít nhất 60.000 USD và cao nhất là 240.000 USD. Sau khi học xong và về nước nhập ngũ, họ sẽ được hoàn lại số tiền đảm bảo này, nếu không họ sẽ vừa mất số tiền đã đóng, vừa phải nộp phạt và bị xử tù.
- Tại Thái Lan:
Tất cả nam công dân từ 21 tuổi trở lên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, ngoài ra quân đội Thái Lan cũng chấp nhận những người tình nguyện đăng ký nhập ngũ. Thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự tùy theo nhóm đối tượng tình nguyện hay nhập ngũ theo lệnh. Những người tình nguyện chỉ phải phục vụ từ 6 đến 18 tháng tùy thuộc vào trình độ giáo dục còn những ai nhập ngũ theo lệnh thì phải phục vụ 2 năm.
- Tại Nhật Bản:
Nhật Bản từ lâu đã được biết đến là quốc gia có nền kinh tế phát triển, ngân sách của Nhật Bản chủ yếu dùng để đầu tư vào phát triển kinh tế, vì thế lực lượng quân đội tại Nhật Bản không phải quá nhiều. Theo quy định của luật pháp nước này, công dân có thể đăng ký nghĩa vụ quân sự một cách tự nguyện.
- Tại Nga:
Tất cả đàn ông từ 18 đến 27 đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự trong 12 tháng. Sinh viên được miễn trừ nghĩa vụ quân sự, nhưng họ phải phục vụ sau khi tốt nghiệp. Những ai tiếp tục học sau đại học hoặc có nhiều hơn 2 con được ưu tiên, không phải nhập ngũ.
- Tại Trung Quốc:
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc thì nghĩa vụ quân sự được coi là nghĩa vụ bắt buộc. Tuy nhiên trên thực tế, do dân số đông, nguồn nhân lực cho quân đội dồi dào nên gần như quy định này được thực hiện theo cách tự nguyện. Tuy nhiên, công dân Trung Quốc không phân biệt nam hay nữ đều phải tham gia khoá huấn luyện quân sự kéo dài 20 ngày, là một phần của hệ thống giáo dục.
“Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi công dân Trung Quốc để bảo vệ quê hương, chống lại kẻ thù xâm lược. Đó còn là sự tự hào được phục vụ, đứng trong hàng ngũ quân đội”, Điều 55 Hiến pháp Trung Quốc khẳng định.
- Tại Hàn Quốc:
Hàn Quốc được coi là quốc gia có quy định về nghĩa vụ quân sự khắt khe nhất trên thế giới. Hiến pháp quy định nam giới từ 18 đến 35 tuổi phải đi tòng quân trong vòng 21 tháng. Điều này là minh chứng cho lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Hơn nữa, nhập ngũ còn đánh dấu bước trưởng thành, chuyển từ một chàng trai thành người đàn ông.
Nam ca sĩ Kim Jae Joong
Một trong những quy định khắt khe nhất đó là mọi công dân nam không phân biệt nghề nghiệp, trình độ đều phải lên đường nhập ngũ. Đó là lý do vì saop chúng ta vẫn thường thấy các ngôi sao ở quốc gia này đều phải lên đường nhập ngũ.
Diễn viên Song Joong Ki
Nguồn: Zing.vn; 24h
Cập nhật bởi Tranxuandung991994 ngày 30/10/2018 08:29:26 CH