Quy định nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn

Chủ đề   RSS   
  • #612205 31/05/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 2

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (355)
    Số điểm: 3249
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 69 lần


    Quy định nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn

    Nghĩa vụ, trách nhiệm xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn và việc công bố dịch bệnh động vật trên cạn được quy định tại Luật Thú y 2015.

    1. Quy định xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn

    Tại Điều 25 Luật Thú y 2015 quy định việc xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn như sau:

    - Nghĩa vụ của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi:

    + Cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh;

    + Không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường;

    + Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường;

    + Cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhân viên thú y cấp xã;

    + Chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.     

    - Trách nhiệm của nhân viên thú y cấp xã:

    + Hướng dẫn chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện các nghĩa vụ nêu trên;

    + Phòng bệnh, chống dịch bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh động vật, lấy mẫu bệnh phẩm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

    + Báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã về tình hình dịch bệnh động vật.

    - Trách nhiệm của UBND cấp xã:

    + Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn;

    + Chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, giám sát chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện cách ly động vật mắc bệnh, thống kê số lượng động vật mắc bệnh, động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật; phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện lấy mẫu bệnh phẩm;

    + Tổ chức phòng bệnh bằng vắc-xin, chống dịch bệnh, chữa bệnh động vật theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

    + Quyết định, và chỉ đạo tiêu hủy động vật trong ổ dịch bệnh động vật; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật;

    + Tổ chức việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào ổ dịch bệnh động vật.

    Đồng thời, tại khoản 4 và khoản 5 Điều 25 cũng quy định về trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh trong việc xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn.

    Như vậy, có thể thấy đối với việc xử lý ổ dịch bệnh động vật trên cạn quy định đã nêu rõ nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, của của nhân viên thú y cấp xã và của UBND các cấp.

    2. Quy định công bố dịch bệnh động vật trên cạn

    - Tại khoản 1 Điều 26 Luật Thú y 2015 quy định nguyên tắc công bố dịch bệnh động vật trên cạn như sau:

    + Việc công bố dịch bệnh động vật phải bảo đảm đủ điều kiện, đúng thẩm quyền, công khai, chính xác, kịp thời;

    + Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch bệnh động vật, người có thẩm quyền theo quy định sẽ quyết định việc công bố dịch bệnh động vật.

    - Sẽ công bố dịch bệnh động vật trên cạn khi có đủ các điều kiện sau theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật này:

    + Có ổ dịch bệnh động vật thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch xảy ra và có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới;

    + Có kết luận chẩn đoán xác định là bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới của cơ quan có thẩm quyền chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật.

    - Nội dung công bố dịch bệnh động vật trên cạn bao gồm:

    + Tên dịch bệnh động vật hoặc tên tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới; loài động vật mắc bệnh;

    + Thời gian xảy ra dịch bệnh động vật hoặc thời gian phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới;

    + Vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;

    + Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

    - Thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn:

    + Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện quyết định, công bố dịch bệnh động vật khi có đủ điều kiện nêu trên và dịch bệnh xảy ra trong phạm vi huyện;

    + Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh quyết định công bố dịch bệnh động vật khi có đủ điều kiện nêu trên và dịch bệnh xảy ra từ hai huyện trở lên trong phạm vi tỉnh.

    - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề nghị của Cục Thú y quyết định công bố dịch bệnh động vật khi có đủ điều kiện nêu trên và dịch bệnh xảy ra từ hai tỉnh trở lên; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc công bố dịch của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh.

    - Trong trường hợp dịch bệnh động vật lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo để Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp theo quy định về tình trạng khẩn cấp.

    Như vậy, công bố dịch bệnh động vật trên cạn phải đảm bảo các nguyên tắc và đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Đồng thời, về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn ngoài đáp ứng các điều kiện chung theo quy định thì còn tùy thuộc vào địa bàn dịch bệnh xảy ra mà thẩm quyền công bố có thể là Chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

     
    465 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận