Quy định mới về việc xử phạt hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật

Chủ đề   RSS   
  • #614653 30/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19064
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 408 lần


    Quy định mới về việc xử phạt hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật

    Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Quy định 178/QĐ-TW về việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

    (1) Tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật là gì?

    Theo khoản 4 Điều 2 Quy định 178/QĐ-TW quy định, tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật là hành vi của người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.

    Tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật là một vấn đề nghiêm trọng, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với xã hội. Một số tác hại điển hình của việc tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật có thể kể đến như:

    - Phá hoại niềm tin của nhân dân vào pháp luật: Khi người dân phát hiện ra những quy định pháp luật được ban hành vì lợi ích nhóm hoặc cá nhân, họ sẽ mất niềm tin vào sự công bằng và tính chính nghĩa của pháp luật. Từ đó dẫn đến tình trạng người dân không tuân thủ pháp luật, gây mất ổn định xã hội.

    - Làm suy yếu nền kinh tế: Các quy định pháp luật bị "bẻ cong" sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế phi pháp phát triển, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Dẫn theo hệ lụy làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    - Gia tăng bất bình đẳng xã hội: Những người hưởng lợi từ những quy định được ban hành vì lợi ích nhóm sẽ khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, sự bất bình đẳng xã hội kéo dài có thể dẫn đến các cuộc biểu tình, xung đột xã hội, gây mất ổn định chính trị.

    - Hạ thấp uy tín của quốc gia: Tham nhũng trong xây dựng pháp luật sẽ làm giảm sút uy tín của quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ e ngại khi đầu tư vào một quốc gia có tình hình tham nhũng nghiêm trọng.

    Trong bối cảnh đất nước ta đang xây dựng nhiều Luật quan trọng, Luật mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Quy định 178/QĐ-TW kịp thời để “siết chặt" công tác xây dựng pháp luật.

    (2) Các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật

    Theo quy định tại Điều 5 Quy định 178/QĐ-TW, các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật bao gồm:

    - Cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ

    - Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ

    - Đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi

    - Lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật.

    - Các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

    Theo đó, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật mà thực hiện những hành vi trên đây sẽ bị xử lý vi phạm về hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật.

    (3) Tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật bị xử lý thế nào?

    Hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 15 Quy định 178/QĐ-TW như sau:

    Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

    Theo đó, những hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức đoàn thể để xử lý cho phù hợp.

    Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật.

    Nếu trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để xử lý nội bộ.

    Có thể thấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang rất quyết liệt, đưa nhiều giải pháp mạnh mẽ để xử lý vấn đề tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật nhằm giải quyết triệt để vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm, đưa lợi ích của toàn xã hội, nhân dân lên hàng đầu.

    Với những động thái trên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chúng ta tin tưởng rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

     
    108 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận