Quy định các trường hợp cho vay đặc biệt, nguyên tắc và việc xử lý khoản cho vay đặc biệt

Chủ đề   RSS   
  • #616976 30/09/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Quy định các trường hợp cho vay đặc biệt, nguyên tắc và việc xử lý khoản cho vay đặc biệt

    Các trường hợp cho vay đặc biệt, nguyên tắc cho vay và việc xử lý khoản cho vay đặc biệt được quy định tại Thông tư 37/2024/TT-NHNN.

    1. Quy định các trường hợp cho vay đặc biệt

    Tại Điều 4 Thông tư 37/2024/TT-NHNN quy định các trường hợp cho vay đặc biệt như sau:

    - Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt bằng nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền trong các trường hợp:

    + Cho vay đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

    + Cho vay đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt;

    + Cho vay đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được phê duyệt;

    + Cho vay đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ phục hồi theo phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã được phê duyệt.

    - Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt trong các trường hợp:

    + Cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân bị rút tiền hàng loạt để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

    + Cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt.

    - Tổ chức tín dụng khác (trừ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam) cho vay đặc biệt trong các trường hợp:

    + Cho vay đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

    + Cho vay đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt;

    + Cho vay đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được phê duyệt.

    Như vậy, bên cho vay đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác thực hiện cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng thuộc một trong các trường hợp nêu trên

    2. Nguyên tắc cho vay đặc biệt, xử lý khoản cho vay đặc biệt

    Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 37/2024/TT-NHNN nguyên tắc cho vay đặc biệt, việc xử lý khoản cho vay đặc biệt thực hiện như sau:

    - Đối với khoản cho vay đặc biệt thuộc trường hợp tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư này:

    + Nội dung về xử lý khoản vay đặc biệt đã vay tại phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 của bên vay phải phù hợp với quy định về thời hạn, lãi suất, tài sản bảo đảm, điều kiện tài sản bảo đảm, trả nợ vay đặc biệt tại Điều 22 đến Điều 25 Thông tư này, trừ trường hợp việc sửa đổi, bổ sung khoản vay đặc biệt đã vay có nội dung lãi suất là 0%/năm hoặc không có tài sản bảo đảm thì được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 193 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

    - Đối với khoản cho vay đặc biệt thuộc trường hợp tại điểm b, c khoản 1 Điều 4 Thông tư này:

    + Việc cho vay thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư này và phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được phê duyệt của bên vay;

    + Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung khoản cho vay với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, việc sửa đổi, bổ sung thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 172, khoản 7 Điều 183 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

    - Đối với khoản cho vay đặc biệt thuộc trường hợp tại điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư này:

    + Việc cho vay thực hiện theo phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã được phê duyệt và văn bản hướng dẫn cho vay đặc biệt (nếu có); đối với nội dung về trình tự Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt, ký hợp đồng cho vay đặc biệt, nhận cầm cố, nhận thế chấp tài sản bảo đảm, giải ngân cho vay không được quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã được phê duyệt hoặc văn bản hướng dẫn cho vay đặc biệt thì thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Thông tư này;

    + Việc sửa đổi, bổ sung nội dung khoản cho vay đặc biệt chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Chương III Thông tư này, trừ trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung khoản cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 183 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

    - Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư này, nguyên tắc cho vay, việc xử lý khoản cho vay thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này.

    Như vậy, tùy thuộc vào từng trường hợp cho vay đặc biệt cụ thể mà nguyên tắc và việc xử lý khoản cho vay đặc biệt thực hiện theo quy định trên. Đối với khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam. Trong trường hợp một bên vay đặc biệt phải trả nợ nhiều khoản vay đặc biệt của nhiều bên cho vay đặc biệt, nếu bên vay đặc biệt không đủ nguồn để trả hết nợ vay đặc biệt thì trả nợ theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số dư nợ (bao gồm cả gốc, lãi) của từng bên cho vay đặc biệt tại thời điểm trả nợ.

     
    60 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận