Quốc hội biểu quyết thông qua luật quản lý dịch vụ OTT

Chủ đề   RSS   
  • #607082 24/11/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1703 lần


    Quốc hội biểu quyết thông qua luật quản lý dịch vụ OTT

    Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó quy định doanh nghiệp OTT chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông.

    Sáng ngày 24/11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua Luật Viễn thông sửa đổi với sự tham gia của 473 đại biểu.

    Kết quả, 468 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%. Có hai đại biểu không tán thành, chiếm tỷ lệ 0,4%. Có 3 đại biểu không biểu quyết, chiếm tỷ lệ 0,61%.

    Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

    Theo đó, Luật Viễn thông (sửa đổi) vừa được thông qua, thay cho Luật Viễn thông có hiệu lực từ 2010, có một số nội dung mới tập trung vào quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT), dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, viễn thông công ích.

    Một trong những điểm mới của Luật Viễn thông (sửa đổi) là quy định về quản lý các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông).

    Dịch vụ OTT là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên Luật đã chỉnh lý theo hướng "quản lý nhẹ".

    Tại Điều 13 về quyền và nghĩa vụ, doanh nghiệp viễn thông không có hạ tầng mạng phải đóng góp tài chính vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố; bảo đảm tính đúng, đủ, chính xác giá dịch vụ theo hợp đồng.

    Doanh nghiệp có nghĩa vụ ngăn chặn kết nối, địa chỉ Internet, tên miền với hệ thống thiết bị, dịch vụ ứng dụng viễn thông sử dụng nhằm chống lại Nhà nước; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    Ngoài ra, các đơn vị viễn thông cũng được yêu cầu cung cấp dịch vụ cho người sử dụng có thông tin thuê bao đầy đủ, trùng khớp thông tin trên giấy tờ tùy thân đã xuất trình khi giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật; ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi vi phạm quy định của pháp luật; ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông.

    Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá kho số viễn thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xác định một mức giá khởi điểm, đấu giá trực tuyến và trả giá lên sẽ phù hợp quy định của Luật Đấu giá tài sản, tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, xác định giá trị số thuê bao theo cơ chế thị trường.

    Việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra khi đấu giá quyền sử dụng đất, biển số ôtô. Vì vậy, mức giá khởi điểm thấp có rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Với giải pháp này, tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt lớn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước.

    Xem chi tiết tại Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

     
    205 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận