Sử dụng mỹ phẩm dường như là nhu cầu thiết yếu cho việc làm đẹp của chị em phụ nữ chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh việc làm đẹp thì giá cả cũng là điều quan trọng. Hầu hết xu hướng chọn lựa của các chị em phụ nữ là chọn một loại mỹ phẩm tốt và giá rẻ, phù hợp với túi tiền của mình.
Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm. Thông tư này đã được ban hành cách đây 4 năm, nhưng trên thực tế quy định này liệu đã thực sự chặt chẽ khi mà thử dạo một vòng quanh các chợ, bạn sẽ thấy các loại mỹ phẩm “rởm” được bán tràn lan, chỗ thì bày ngay dưới đất, chỗ sang hơn thì được để trên các kệ hoặc bàn tại các cửa hàng trong chợ.
Không “vơ đũa cả năm” rằng toàn bộ mỹ phẩm bán ở chợ đều là hàng giả, hàng “rởm”. Nếu có lần đến chợ vào các gian hàng này, thử bốc một vài sản phẩm, bạn sẽ thấy các loại mỹ phẩm có nhãn hiệu rất “lạ” hoặc nhìn hao hao giống với các nhãn hiệu nổi tiếng được quảng cáo trên tivi.
“Theo thống kê của tổ đặc quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam, hiện nay trên thị trường có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng.”
Vừa qua, đã có cuộc trao đổi giữa TS. Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng quản lý mỹ phẩm với Cục Quản lý Dược.Tại cuộc trao đổi này, ông Lợi đã nêu ra một số bất cập trong kiểm soát, quản lý mỹ phẩm:
“Từ lâu nay, đã phân cấp quản lý mỹ phẩm theo từng lĩnh vực. Mỹ phẩm nước ngoài sản xuất, nhập khẩu phải được Cục Quản lý Dược cấp phép, còn sản xuất trong nước đăng ký công bố ở Sở y tế địa phương. Tuy nhiên, bất cập trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay là cá nhân tự công bố sản phẩm rồi tự sản xuất mỹ phẩm trong khi theo luật, cơ quan quản lý không khảo sát, thẩm định về cơ sở sản xuất, thành phần cũng như trang thiết bị và năng lực đó được.”
Lợi dụng sơ hở này, nhiều cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối đã công bố thành phần sản phẩm mỹ phẩm một đằng nhưng rồi sản xuất một nẻo không đúng với nội dung đăng ký. Điển hình trong năm 2014 vừa qua và mới đây là năm 2015, đã có nhiều công bố từ Cục Quản lý Dược từ việc thu hồi Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm như: Quyết định 99/QĐ-QLD năm 2015, Quyết định 100/QĐ-QLD năm 2015, Quyết định 697/QĐ-QLD năm 2014, Quyết định 221/QĐ-QLD năm 2014…với cùng lý do là sản phẩm lưu thông không đúng với thông tin đã công bố.
“Khi mỹ phẩm này có vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng tôi hậu kiểm thì một lượng lớn hàng hóa đã đến tay người tiêu dùng rồi”.
Điều 3
“Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.”
Điều 7
”Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất.”
|
Thiết nghĩ, các quy định quản lý này có thực sự chặt chẽ, khi sản phẩm được đưa đến người tiêu dùng chỉ thông qua các bộ hồ sơ mà không cần kiểm định chất lượng sản phẩm, nơi sản xuất, quy trình sản xuất trên thực tế.
Sau khi sản phẩm được sản xuất và bán ra thị trường tràn lan, đến tay người tiêu dùng rồi thì mới bắt đầu hậu kiểm, kiểm định chất lượng. Việc hậu kiểm liệu có kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Vì vậy, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc lựa chọn tiêu dùng thông minh, sử dụng sản phẩm tốt và đừng ham “giá rẻ”, trước khi cơ quan Nhà nước ra các quy định quản lý mỹ phẩm một cách chặt chẽ hơn.
Nguồn: bizlive.vn