Theo mình nghĩ là do việc ko được thực hiện chuyển quyền sở hữu và chỉ chuyển quyền sử dụng thì đúng hơn.
Bạn xem thêm tại đây
Một vài suy nghĩ về quyền sử dụng đất - Một loại tài sản đặc thù
NGUYỄN THỊ CAM *
*ThS. ĐH Luật TP. HCM
Hiến pháp 1992 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước đại diện thực hiện quyền của chủ sở hữu. Quy định đó một lần nữa được khẳng định tại Điều 5 Luật đất đai 2003: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Như vậy, Nhà nước tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai với hai tư cách: Thứ nhất, là chủ sở hữu đối với đất đai trên phạm vi toàn quốc. Thứ hai, là chủ thể quyền lực công thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai nhằm bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội.
Luật đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã kế thừa những quy định từ các Luật đất đai 1987 và 1993 cho đến nay. Nhưng thật đáng tiếc, pháp luật đất đai hiện hành vẫn chưa có nhiều giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá để giải quyết bài toán hóc búa - quyền về tài sản trong mối quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất và xem quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản đặc thù.
Có lẽ do Nhà nước phải thực hiện đồng thời một lúc hai chức năng nêu trên, nên các nhà làm luật từ năm 1987 cho đến nay mặc dù đã có nhận thức mới theo quan điểm của Đảng “ tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất n ước” [1] , “hình thành và phát triển thị tr ường bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; từng bước mở thị tr ường bất động sản cho người Việt Nam ở n ước ngoài và người n ước ngoài tham gia đầu t ư” [2] . Nh ưng các quy định của pháp luật đất đai về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất vẫn ch ưa thể hiện đ ược một cách đầy đủ quyền tài sản đặc thù đó. Bàn tay công quyền vẫn không ng ưng can thiệp vào “ quyền tài sản t ư” của người sử dụng đất. Trong khuôn khổ bài viết tôi đề cập một số vấn đề cụ thể sau đây:
1. Về căn cứ, xác lập quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
Pháp luật đất đai vẫn duy trì cách tư duy cũ là căn cứ vào loại đất, chủ thể và hình thức sử dụng đất, mục đích sử dụng đất để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Những căn cứ này làm cho việc xác định quyền sử dụng đất trở nên rối rắm, thiếu sự nhất quán và không theo một quy luật nào cả. Các ví dụ sau đây minh chứng điều đó:
Ví dụ thứ nhất: Đối với loại đất nông nghiệp, nếu hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức quy định thì được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, nếu họ sử dụng đất vượt hạn mức thì đất phải chuyển sang thuê và trả tiền thuê đất hàng năm.
Trong khi đó tổ chức kinh tế trong nước thì được lựa chọn giữa giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm.
Còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp thì được lựa chọn giữa giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất và lựa chọn cách thức trả tiền thuê đất hàng năm. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì chỉ được thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời hạn thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm.
Ví dụ thứ hai: Đối với đất ở, nếu là hộ gia đình, cá nhân và tổ chức kinh tế trong nước thì chỉ sử dụng đất với một hình thức duy nhất là giao có thu tiền sử dụng đất và được sử dụng ổn định lâu dài.
Còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được phép hoạt động trong lĩnh vực xây dựng kinh doanh nhà ở thì được quyền lựa chọn giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần hay trả tiền thuê đất hàng năm.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được trả tiền thuê một lần cho cả thời hạn thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm; thời hạn sử dụng đất của đối tượng này theo dự án đầu tư nhưng tối đa không quá 50 năm [3] .
Với hai ví dụ đối với đất nông nghiệp và đất ở này chúng ta đã có thể hình dung ra được sự phức tạp và rắc rối của nó. Khi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất không phải cùng một lúc phụ thuộc vào bốn yếu tố nêu trên mà có trường hợp cùng một loại đất, mục đích sử dụng và hình thức sử dụng, nh ưng chủ thể sử dụng đất khác nhau thì quyền và nghĩa vụ cũng không hoàn toàn giống nhau [4] . Vấn đề này còn được đề cập ở phần sau.
Ngoài các yếu tố trên, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai (gọi tắt là Nghị định 181) việc phân loại đất còn căn cứ đất tại nông thôn hay tại đô thị, ví dụ việc sử dụng đất trong trường hợp “đất để xây dựng nhà kính hoặc các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt kể cả hình thức trồng trọt trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép, xây dựng trạm, trại nghiên cứu thí nghiệm nông nghiệp..., nhà của hộ gia đình, cá nhân để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp” [5] . Các loại đất này nếu tại nông thôn thì được gọi là đất nông nghiệp khác còn tại đô thị là đất phi nông nghiệp. Giá đất, quyền và nghĩa vụ đối với hai loại đất này hoàn toàn khác nhau khi nó có mục đích sử dụng. Như vậy, một hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng cùng xây dựng nhà kính để trồng hoa hoặc rau sạch nếu hộ gia đình đó ở huyện Lạc Dương thì đất đó là “đất nông nghiệp khác” được giao không thu tiền sử dụng đất, được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Còn đất của hộ gia đình tại thành phố Đà Lạt là “đất phi nông nghiệp khác”, mà đã là đất phi nông nghiệp thì hộ gia đình người nông dân này chỉ được sử dụng theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê, quyền giao dịch của họ hoàn toàn phụ thuộc vào hình thức sử dụng đất mà họ lựa chọn.
Nói tóm lại, chừng nào pháp luật đất đai còn căn cứ vào các yếu tố trên để “phân biệt đối xử” với người sử dụng đất thì nó vừa lỗi thời, vừa thể hiện kỹ thuật pháp điển thấp, đạo luật thiếu tính khái quát.
Theo quan điểm của tôi, để khai thác đất đai một cách có hiệu quả nhất chúng ta phải thống nhất một nguyên tắc chung là đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì tất cả những người sử dụng đất đều phải thuê đất của Nhà nước. Quyền về tài sản của người sử dụng đất thuê phải giống nhau, khi họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và chủ sở hữu đã chuyển giao quyền sử dụng đất cho họ theo quy định của pháp luật.
Nhà nước chỉ cần quản lý vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và can thiệp trực tiếp vào các trường hợp chuyển nhượng quyền sử sụng đất đồng thời chuyển mục đích sử dụng, còn các giao dịch khác trong điều kiện bình th ường thì để cho họ tự thỏa thuận quyết định.
2. Về đất được thực hiện quyền giao dịch
Đất nông nghiệp mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo hình thức giao không thu tiền sử dụng đất thì được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh và góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dụng đất. Nếu là đất giao có thu tiền sử dụng đất thì được thực hiện các quyền trên trừ quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất.
Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được sử dụng đất theo hình thức giao có thu tiền sử dụng đất. Tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê đất trả tiền thuê đất một lần thì được thực hiện các quyền giao dịch như chuyển nhượng, cho thuê (cho thuê lại), thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Các đối tượng này không được chuyển đổi quyền sử dụng đất, riêng quyền tặng cho quyền sử sụng đất chỉ áp dụng cho đất giao có thu tiền sử sụng đất.
Như vậy sử dụng đất trong các trường hợp nêu trên mới được coi là quyền về tài sản, người sử dụng đất được phép giao dịch bất động sản là đất và các bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của họ gắn liền với đất.
Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến hai loại đất:
Loại thứ nhất là đất được sử dụng theo hình thức thuê trả tiền thuê đất hàng năm. Quyền sử dụng đất trong trường hợp này không được phép đem ra giao dịch nhưng tài sản thuộc sở hữu của họ thì được bán, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn. Người nào nhận quyền sở hữu đối với tài sản thì được Nhà nước xem xét cho thuê đất hoặc giao đất (tùy thuộc vào đối tượng). Người được giao đất, cho thuê đất tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn còn lại [6] . Quy định này liệu có đi ngược lại quy luật giá trị? Bởi vì giá trị đất đai có được đâu chỉ có tiền thuê đất đã trả cho Nhà nước mà nó còn bao gồm nhiều giá trị khác, như giá trị đất tăng do người sử dụng đất đầu tư sau khi nhận quyền sử dụng đất, giá trị đất tăng do hình thành các khu quy hoạch mới sau khi đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng...
Nhìn vào khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng không ai không nhận thức được rằng giá trị đất tăng lên trong khu đô thị đó phần lớn nhờ vào sự đầu tư của doanh nghiệp vào cơ sở hạ tầng để tạo ra môi trường sạch, đẹp và xanh. Vì thế việc người sử dụng đất lựa chọn cách thức trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm (trả tiền sử dụng đất) chỉ phụ thuộc vào khả năng tài chính của họ. Nếu Nhà nước căn cứ vào sự lựa chọn đó của người sử dụng đất để tước đi quyền tài sản mà họ đáng được hưởng là thiếu sự bình đẳng giữa Nhà nước với người sử dụng đất.
Điều đó càng phi lý hơn khi doanh nghiệp bị phá sản, giải thể thì đất của họ sẽ bị Nhà nước thu hồi và không được bồi thường về đất [7] .
Có thể nói rằng, quy định của pháp luật đất đai hạn chế quyền giao dịch của người sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm sẽ lặp lại sai lầm mà chúng ta đã từng gặp phải trong Luật đất đai 1987, khi Nhà nước nghiêm cấm việc mua bán chuyển dịch đất đai d ưới mọi hình thức; nh ưng không thể cấm đ ược họ mua bán chuyển dịch tài sản thuộc sở hữu của mình có trên đất; ng ười mua tài sản đ ương nhiên có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật [8] . Từ đó giao dịch quyền sử dụng đất núp bóng d ưới hình thức giao dịch tài sản có trên đất tạo ra một loại thị tr ường thiếu minh bạch. Ngân sách Nhà nước sẽ thất thu vì không điều tiết đ ược khoản thu nhập từ việc chuyển quyền sử dụng đất.
Loại thứ hai là đất sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê.
Đất xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hiện nay được sử dụng theo hai hình thức: giao có thu tiền sử dụng đất hoặc không thu tiền sử dụng đất, đất thuê thì trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm.
Đất giao chỉ áp dụng đối với tổ chức kinh tế trong nước. Nếu họ sử dụng đất xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê thì đất đó phải trả tiền sử dụng đất. Nếu sử dụng đất để phục vụ cho dự án tái định cư của Nhà nước thì đất được giao không thu tiền sử dụng đất.
Đất thuê áp dụng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (nếu họ không lựa chọn hình thức giao có thu tiền sử dụng đất). Tổ chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được lựa chọn cách thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời hạn thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm.
Sự thiếu nhất quán trong việc quy định hình thức sử dụng đối với đất ở - loại đất mà pháp luật xác định được phép sử dụng ổn định lâu dài - sẽ làm nảy sinh không ít hệ quả cần xử lý.
Trước tiên ta đề cập đến loại đất xây dựng nhà ở chung cư. Nếu đất đó được Nhà nước giao không thu tiền (hoặc tiền sử dụng đất phải trả, tiền nhận chuyển nhượng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) “thì giá trị quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư không được tính vào giá căn hộ của nhà chung cư khi bán, cho thuê; quyền sử dụng đất sẽ không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn”.
Trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất (hoặc thuê đất đã nộp tiền sử dụng đất chênh lệch giữa giao và thuê) thì giá trị quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư được tính vào giá căn hộ của nhà chung cư khi bán, cho thuê. Như vậy, người sử dụng căn hộ chung cư diện tái định cư sẽ được Nhà nước “bao cấp” về đất còn các căn hộ chung cư khác thì không. Vậy sau khi các hộ chung cư được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ, quyền giao dịch đối với căn hộ đó có bị hạn chế hay không? Bởi vì đất giao không thu tiền sử dụng đất (là đất phi nông nghiệp) thì Luật đất đai không cho phép thực hiện quyền giao dịch. Nhưng ở đây họ không giao dịch quyền sử dụng đất mà giao dịch tài sản thuộc sở hữu của mình. Tài sản đó có trường hợp tính cả giá trị quyền sử dụng đất, có trường hợp lại không?
Tiếp theo, ta đề cập đến loại đất xây dựng kinh doanh nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đây là trường hợp pháp luật bắt buộc họ phải thuê (kể cả trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài lựa chọn hình thức thuê). Nếu trả tiền thuê đất hàng năm thì chỉ được phép cho thuê nhà ở. Còn trong trường hợp trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê, thì nhà đầu tư nộp cho Nhà nước số tiền chênh lệch giữa tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Sau khi đất đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà ở và chủ đầu tư thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền sử dụng đất chênh lệch, họ được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở, cho thuê nhà ở [9] .
Như vậy tại sao ngay từ đầu không giao đất có thu tiền sử dụng đất cho họ mà phải bắt buộc họ thuê để rồi đi một quãng đường “vòng vèo”, cuối cùng thì vẫn phải nộp tiền sử dụng đất? Phải chăng trong những trường hợp này “bàn tay công quyền” vẫn muốn can thiệp vào quan hệ tài sản. Nhà nước muốn khẳng định quyền lực của mình chứ không phải là quyền của chủ sở hữu. Sự lẫn lộn giữa quyền lực Nhà nước và quyền của chủ sở hữu đã làm cho quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sử dụng đất khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai trở nên phức tạp, và càng phức tạp hơn khi giải quyết hậu quả pháp lý do chính các quy định của pháp luật đưa ra. Nói chính xác hơn thì chính chúng ta lại tự làm khổ mình bằng các quy định không đồng bộ. Quy định đó chỉ làm tăng thêm sự phiền hà do phải thực hiện các thủ tục hành chính. Chứ không bảo vệ được quyền sở hữu cũng như quyền sử dụng đất của người sử dụng theo quan hệ tài sản.
2. Về chủ thể thực hiện quyền giao dịch
Luật đất đai năm 2003 đã mở rộng các thành phần chủ thể được thực hiện quyền giao dịch. Luật không còn phân biệt các thành phần kinh tế; người sử dụng đất trong nước hay có yếu tố nước ngoài. Tạo ra sự bình đẳng giữa các chủ thể sử dụng đất khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai; là cơ sở giúp cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy quyền giao dịch quyền sử dụng đất của các chủ thể trong pháp luật đất đai hiện hành cũng có nhiều vấn đề cần phải xem xét. Trong phần này tác giả chỉ đề cập đến hai vấn đề có liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Thứ nhất, về quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
Nếu là tổ chức kinh tế trong nước thì có quyền chuyển nhượng hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhưng chủ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thì chỉ có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không có quyền nhận chuyển nhượng. Trừ trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ngay cả quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp... đã nêu ở trên cũng đã tạo ra sự thiếu nhất quán trong Luật đất đai. Bởi vì tại Điều 90, 91, 92 Luật đất đai khi quy định sử dụng các loại đất này luật không hề cho phép đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng, nhưng tại khoản 1 Điều 120 Luật đất đai lại quy định họ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và có các quyền và nghĩa vụ nêu tại đó. [10]
Lý do nào để có sự phân biệt đối xử như vậy cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Nhưng ảnh hưởng của nó đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì đã thấy rất rõ.
Thứ hai là quyền để thừa kế và nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Đây là một loại quyền mà pháp luật đất đai quy định không đồng bộ và còn khiếm khuyết hơn cả quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng nêu trên.
Cá nhân người Việt Nam ở trong nước nếu sử dụng đất dưới hình thức giao thì được để thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nhưng cá nhân đó là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thành lập doanh nghiệp tư nhân thì họ lại không được để thừa kế quyền sử dụng đất. Thật là vô lý khi các cá nhân này có quyền để thừa kế tài sản ở trên đất cho người thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự, sao lại không được để thừa kế quyền sử dụng đất đã đầu tư. Nên chăng pháp luật chỉ cần quy định người thừa kế quyền sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích theo dự án đầu tư, trong thời hạn sử dụng đất. Như vậy Nhà nước và người sử dụng đất đều không bị thiệt hại, đất đai được sử dụng hiệu quả hơn.
Trường hợp cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam theo quy định tại Điều 121 Luật đất đai thì họ có quyền để thừa kế nhà ở gắn liền với đất và họ cũng được nhận thừa kế quyền sử dụng đất mà không phân biệt mục đích sử dụng (còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại Điều 121 chỉ được nhận giá trị của phần thừa kế). Nhưng tại Điều 99 Nghị định 181 thì lại hạn chế bớt quyền của họ bằng cách chỉ cho phép nhận thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất (chỉ có tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế quyền sử dụng đất).
Tóm lại, sở dĩ có những bất cập trong việc quy định quyền sử dụng đất là do pháp luật đất đai không thoát ra khỏi lối mòn dùng quyền lực công để quản lý tài sản. Vì vậy có lúc đối với trường hợp này thì quy định muốn “cởi trói” để thoát ra khỏi đường mòn quen thuộc; nhưng ở trường hợp kia lại có cảm giác như mình đã tự đánh mất quyền lực... Và cứ thế pháp luật đất đai tự tạo ra vòng luẩn quẩn, bế tắc.
Đọc Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, người đọc thấy quá phức tạp, sự phức tạp đó một phần phát sinh bởi lý do nêu trên, một phần do sự pha tạp giữa các nội dung của các đạo luật khác nhau (luật hành chính, luật quy hoạch, luật dân sự, quản lý địa chính, luật kinh doanh liên quan đến đất và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo...).
Điều đó cho chúng ta thấy Luật đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới làm được một việc là pháp điển hóa các văn bản pháp luật đất đai có trước nó. Chứ chưa hoàn toàn đổi mới, coi quan hệ đất đai là quan hệ tài sản, phá bỏ các rào cản, đưa đất đai về với bản chất thực của nó là một loại hàng hóa đặc biệt.
[1] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH TƯ khóa 9.
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 100.
[3] Xem Điều 33, 34, 35, 73, 108 Luật đất đai 2003.
[4] Xem Điều 109, 110, 111, 113, 114, 118, 119 Luật đất đai 2003; Điều 81, 101, 110 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004.
[5] Xem điểm đ khoản 4 và điểm e khoản 5 Điều 6 NĐ 181/2004/NĐ-CP.
[6] Xem khoản 1 Điều 114, khoản 2 Điều 119 Luật đất đai 2003.
[7] Xem khoản 2 Điều 38, khoản 1 Điều 43 Luật đất đai 2003.
[8] Xem Điều 5, 17 Luật đất đai 1987.
[9] Xem Điều 33, 34, 119 Luật đất đai 2003; Điều 81, 101, 110 Nghị định 181/2004/NĐ-CP.
[10] Xem Điều 90, 91, 92 và 120 Luật đất đai 2003.
(Trích tạp chí KHPL Đại học luật TP.HCM số 1/2005)
Cập nhật bởi TRUTH ngày 04/04/2015 10:35:08 SA